Wednesday, January 10, 2018

Bắc Ninh có thêm 3 Bảo vật Quốc gia - Đào Khoa

Thứ năm, 28/12/2017 - 16:18
 
Bắc Ninh có thêm 3 Bảo vật Quốc gia
 
Ngày 25-12-2017, tại Quyết định số 2090/QĐ-TTg Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công nhận thêm 24 bảo vật quốc gia. Đây là đợt công nhận thứ 6 kể từ đợt đầu tiên vào tháng 10-2012.
 

Cột đá chạm Rồng chùa Dạm.


Tỉnh Bắc Ninh có thêm 3 Bảo vật Quốc gia được công nhận đợt này gồm:


Bộ tượng 10 linh thú Chùa Phật Tích (Niên đại: Thế kỷ XI, hiện lưu giữ tại Chùa Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh);

Bộ tượng Phật Tứ Pháp vùng Dâu - Luy Lâu (Niên đại: Thế kỷ XVIII, hiện thờ tại Chùa Dâu, Chùa Phi Tướng, xã Thanh Khương; Chùa Dàn, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh);

Cột đá chạm rồng chùa Dạm (Niên đại: Thế kỷ XI, hiện lưu giữ tại Chùa Dạm, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). 
         
Trước đó, ngày 19-12, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định s 2052/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Phật Tích, tỉnh Bắc Ninh với các nội dung chủ yếu sau: 
       
Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch là 34ha, bao gồm: 
       
- Toàn bộ khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Phật Tích (sau đây gọi là chùa Phật Tích) diện tích 1,8 ha, trong đó, diện tích khu vực bảo vệ I là 1,2 ha và diện tích khu vực bảo vệ II là 0,6 ha. 
      
- Phần đất mở rộng, diện tích 32,2 ha bao gồm: Phía Bắc toàn bộ núi Phật Tích thuộc thôn Phật Tích, xã Phật Tích; phía Nam toàn bộ phần đất dự kiến quy hoạch bãi đỗ xe, khu dịch vụ theo quy hoạch nông thôn mới xã Phật Tích; phía Đông phần đất thuộc khu dân cư thôn Vĩnh Phú, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. 
      
Ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch: Phía Bắc giáp khu dân cư thôn Ngô Xá; phía Nam giáp sông Cầu Chàm; phía Đông giáp khu dân cư thôn Phật Tích và phía Tây giáp khu dân cư thôn Vĩnh Phú. 
      
Đối tượng nghiên cứu, lập quy hoạch
 
- Di tích quốc gia đặc biệt lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Phật Tích (bao gồm: Gác chuông; Tam bảo gồm Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện; Hành lang; Hậu đường; Nhà Tổ; Nhà mẫu; Phủ chúa; Bảo tàng Phật giáo; Vườn tháp, các công trình liên quan khác) và các di vật, bảo vật quốc gia được lưu giữ tại di tích. 
      
- Môi trường, cảnh quan thiên nhiên xung quanh di tích. Di sản văn hóa phi vật thể gắn với chùa Phật Tích, núi Phật Tích và di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng dân cư xung quanh di tích và các di tích trong xã Phật Tích và khu vực lân cận. 
      
- Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Các yếu tố liên quan về kinh tế - xã hội, dân cư, môi trường, các thể chế và chính sách có liên quan khác.


Đào Khoa
 

No comments:

Post a Comment