Tuesday, December 5, 2017

Số hoá di sản - Việt Thanh

Thứ năm, 23/11/2017 - 08:42
 
Số hoá di sản
 
Số hóa di sản là quá trình tích hợp giữa công nghệ và văn hóa. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin thời gian qua đã tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Các phần mềm tối tân được ứng dụng linh hoạt nhằm kết nối các khu vực, quốc gia trên thế giới đến gần nhau nhất. Nhưng dường như ở lĩnh vực văn hoá, nhất là với các di sản vẫn đang có vẻ khá thờ ơ với công nghệ.
 
Khi công nghệ “bắt tay” với văn hoá
Đứng trước những biến đổi của địa lý, khí hậu, những biến dạng của môi trường sống, ý thức cộng đồng... các nhà quản lý và giới nghiên cứu văn hóa đang tìm tòi những hình thức bảo tồn di sản. Trong thời đại công nghệ thông tin, biện pháp số hóa di sản, di tích giúp các nhà khoa học có cái nhìn tổng quát về di sản để tiến hành các thử nghiệm, can thiệp chính xác trong quá trình phục dựng. Đối tượng có thể áp dụng số hoá khá đa dạng bao gồm cả di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Trong đó, đối tượng ưu tiên là những di sản có nguy cơ mai một cao nhằm mục tiêu nghiên cứu, bảo tồn và phục dựng lại khi điều kiện cho phép. Tiếp đó là những di sản có giá trị lịch sử, văn hoá, du lịch nhằm quảng bá, giới thiệu lan toả sâu rộng trong các cộng đồng.
Theo các chuyên gia, việc số hoá di sản cho phép tận dụng những ưu thế của công nghệ thông tin như: Chi phí thấp; tính trực quan và độ tin cậy cao; tích hợp cả âm thanh, hình ảnh, đặc biệt là hình ảnh ba chiều (3D); dễ dàng cập nhật và nâng cao chất lượng; cho phép tiếp cận không giới hạn về thời gian, địa điểm thông qua Internet; cho phép đa ngôn ngữ… Qua việc số hoá di sản giúp đưa di sản đến với cộng đồng, các nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước. Hơn nữa còn kết hợp quảng bá hình ảnh, nét đẹp văn hoá của quê hương, đất nước, con người, đồng thời tạo ra các dịch vụ có giá trị gia tăng để bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững các di sản.       

Quê hương thuỷ tổ Quan họ làng Diềm (xã Hoà Long, thành phố Bắc Ninh) được số hoá. (Ảnh khai thác từ internet),    

Tuy nhiên, đối với những người làm công tác sưu tầm và tư liệu hoá, số hoá di sản thì câu hỏi thường gặp là vấn đề bản quyền có được tôn trọng? Đó chính là một rào cản lớn của việc số hoá di sản. Bởi khi được số hóa, các di sản văn hóa sẽ được sử dụng rộng rãi với nhiều mục đích khác nhau. Như vậy, bản quyền trí tuệ thuộc về các nghệ nhân, nhóm cộng đồng liệu có bị vi phạm? Một hạn chế nữa  liên quan đến việc giảm tính chính xác trong quá trình số hóa là khi áp dụng với di sản văn hóa phi vật thể.
Vấn đề lưu giữ, bảo tồn di sản trong thời đại kỹ thuật số được coi là nhiệm vụ quan trọng đối với các cơ quan quản lý văn hóa. Cần có những hội thảo khoa học chuyên đề để đánh giá những cơ hội và thách thức trong quá trình số hóa di sản văn hóa. Và nếu muốn áp dụng số hoá đòi hỏi từng địa phương phải có những nghiên cứu cụ thể để đưa ra định hướng chi tiết đối với từng di sản. Với những người tham gia thực hiện phải được đào tạo chuyên sâu.   
 
Mở hướng mới trong bảo tồn di sản
Bắc Ninh có một hệ thống di sản văn hoá đồ sộ, phong phú với mật độ di tích lịch sử văn hoá đậm đặc gồm khoảng 1558 di tích, trong đó có 515 ngôi đình, 153 ngôi đền, 474 ngôi chùa… Hiện nay, toàn tỉnh có 4 di tích Quốc gia đặc biệt, 195 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 378 di tích cấp tỉnh và 5 nhóm bảo vật Quốc gia. Trong các di tích còn bảo lưu hệ thống tài liệu, di vật, cổ vật, bảo vật vô cùng phong phú, đa dạng chất liệu, chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hoá, khoa học, nghệ thuật… Đặc biệt, Bắc Ninh còn sở hữu kho di sản văn hoá phi vật thể giàu giá trị như Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của Nhân loại; Ca trù, nghệ thuật Múa rối nước, tuồng, chèo, hát trống quân… cùng hàng trăm lễ hội và các làng nghề thủ công truyền thống. Với kho báu di sản đồ sộ như vậy thì nghiên cứu và áp dụng giải pháp số hoá di sản sẽ mở ra hướng mới trong công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Nếu trên thế giới, việc áp dụng công nghệ thông tin vào bảo tồn di sản không phải là điều mới mẻ thì tại Việt Nam cũng như ở Bắc Ninh vẫn chưa được chú ý đúng mức. Thực tế, từ những năm trước việc số hóa di sản đã manh nha ở một số đơn vị. Như cách đây gần chục năm, trong khi kho sắc phong cả nước đang đứng trước nguy cơ mai một, xuống cấp thì Bảo tàng Bắc Ninh đã nghiên cứu và thực hiện thành công việc số hóa công tác lưu trữ sắc phong, đồng thời mở dịch vụ khôi phục, làm lại sắc phong. Đây hẳn là một quyết định khá táo bạo thế nhưng kéo theo đó vô vàn khó khăn mà đơn vị này gặp phải.
Mới đây, tại hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản sắc phong trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh” do Ban quản lý di tích tỉnh tổ chức, các nhà nghiên cứu cũng đề cập đến vấn đề số hoá trong việc quản lý hệ thống di sản văn hoá trước bối cảnh xã hội đương đại. Sau quá trình nghiên cứu, phân tích và đánh giá thực trạng công tác gìn giữ, bảo quản, bảo vệ an ninh an toàn hệ thống sắc phong trên địa bàn huyện Yên Phong những năm gần đây, ThS. Lưu Ngọc Thành, giảng viên khoa Di sản văn hoá, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội đề nghị UBND tỉnh và ngành Văn hoá Bắc Ninh cần cân nhắc để tiến hành công tác số hoá tư liệu sắc phong với tư cách là một nguồn tư liệu di sản ký ức độc đáo…
Có thể thấy, trong khi vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản đang còn nhiều bộn bề và nan giải thì số hoá là một hướng mới cần được các cơ quan quản lý văn hoá lưu tâm. Bởi công nghệ thông tin hứa hẹn là công cụ hữu hiệu trong việc lưu giữ và quảng bá hình ảnh, văn hóa của mỗi vùng miền, quốc gia đến với thế giới.
Bài, ảnh: Việt Thanh
 

No comments:

Post a Comment