Saturday, October 31, 2015

Quê mẹ Kinh Bắc với Nguyễn Du và truyện Kiều

Thứ sáu, 23/10/2015 - 09:52
 
Quê mẹ Kinh Bắc với Nguyễn Du và truyện Kiều
 
Cốt cách và văn chương siêu việt Đại thi hào Nguyễn Du là sự hội tụ, kết tinh của nhiều giá trị. Trong đó, nổi bật là giá trị miền Kinh Bắc văn hiến quê mẹ và vùng văn hóa sông Lam-Hà Tĩnh quê cha với sự hào hoa, thanh lịch của đất Thăng Long kinh kỳ - nơi ông chào đời và gắn bó suốt thời thơ ấu.
 
Tại Bảo tàng tỉnh, hàng chục bản Kiều nôm cổ được trưng bày, giới thiệu tới công chúng.
 
Danh nhân văn hóa thế giới-Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765-1820) là con trai thứ bảy của quan Tể tướng-Đại tư đồ Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, quê ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Mẹ đẻ của Nguyễn Du là bà Trần Thị Tần, vợ ba của Nguyễn Nghiễm. Bà là con gái thứ ba của một vị quan trông coi việc sổ sách kế toán dưới quyền Nguyễn Nghiễm tên là Trần Ôn-người xã Hoa Thiều, huyện Đông Ngàn, Kinh Bắc (nay là thôn Kim Thiều, xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn). Dòng dõi “Trần gia” của thân mẫu Nguyễn Du được xếp vào hàng “danh gia vọng tộc” có nhiều bậc túc nho, khoa bảng, tiêu biểu là Tiến sĩ Trần Ngạn Húc và Tiến sĩ Trần Phi Nhỡn. 
 
Người con gái xứ Kinh Bắc thông minh, xinh đẹp, nết na Trần Thị Tần đã được quan Tể tướng Nguyễn Nghiễm đất Hà Tĩnh yêu quý lấy làm vợ và sinh ra Nguyễn Du.
 
“Trai Tiên Điền - tinh anh Hồng Lĩnh
Gái Kinh Bắc - thanh sắc Tiêu Tương”
 
thật đẹp duyên, môn đăng hộ đối. Vì vậy, đại thi hào Nguyễn Du không chỉ được thừa hưởng những “gen” tốt của cha mẹ mà còn thừa hưởng cả những tinh hoa văn hiến của hai vùng đất Bắc Ninh - Hà Tĩnh. 
  
Người thân của Nguyễn Du ở Kinh Bắc 
  
Qua điền dã nghiên cứu, phân tích và đối chiếu gia phả của các họ tộc, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Bảo, Phó Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam là người đã có hơn 20 năm dày công sưu tầm nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều cho biết: “Ở quê ngoại Kinh Bắc-Bắc Ninh, ngoài thân mẫu Trần Thị Tần thì Nguyễn Du còn có hai người mẹ kế, một chị dâu, một em dâu, một anh rể và một em rể đều là người Kinh Bắc”. 
  
Cụ thể là: Quan Tể tướng Nguyễn Nghiễm, sau khi cưới bà Trần Thị Tần làm bà ba đã cảm nhận được vẻ “Sắc đành đòi một, tài đành họa hai” của giai nhân xứ Kinh Bắc nên đã cưới thêm bà vợ thứ tư là Nguyễn Thị Xuyên người xã Hoàng Mai, Yên Dũng và bà vợ thứ năm Nguyễn Thị Xuân người xã Tiêu Sơn, Yên Phong (nay là thôn Hưng Phúc, xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn). Theo sử liệu ghi chép thì cụ Nguyễn Nghiễm có 8 vợ và 21 người con. 
  
Anh thứ hai, khác mẹ với Nguyễn Du là Nguyễn Điều lấy bà vợ hai là Nguyễn Thị Nguyện-con gái thứ tư của Đạt Võ hầu Nguyễn Gia Ngô, quê ở Liễu Ngạn, huyện Siêu Loại, Kinh Bắc. Bà Nguyễn Thị Nguyện chính là em gái của danh nhân Nguyễn Gia Thiều, tác giả Cung oán ngâm khúc. Đôi uyên ương này sau đó sinh ra Nguyễn Hành cũng là nhà thơ nổi tiếng đương thời được xếp vào An Nam ngũ tuyệt cùng với chú ruột Nguyễn Du. 
 
Em trai cùng mẹ với Nguyễn Du là Nguyễn Ức lấy vợ ở làng Phù Đổng, Đông Ngàn, Kinh Bắc (nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội). 
  
Người chị ruột cùng mẹ với Nguyễn Du là bà Nguyễn Thị Diên được gả cho ông Vũ Trinh-người có dòng dõi danh gia vọng tộc ở Xuân Lan, Lương Tài, Kinh Bắc cũng là một thi nhân nổi tiếng với tập Lan trì kiến văn lục và tập thơ Nôm Cung Oán thi gồm 100 bài, sau tham gia soạn Luật Gia Long. Anh rể Vũ Trinh chính là người đầu tiên được Nguyễn Du tin tưởng giao đọc và phẩm bình Truyện Kiều. 
  
Ngoài ra, còn một người em gái khác mẹ với Nguyễn Du cũng lấy chồng là Vũ Trạch, người cùng xã Xuân Lan, Lương Tài, Kinh Bắc. 
 
Như vậy trong dinh thự quan Tể tướng Nguyễn Nghiễm ở kinh đô Thăng Long có ba bà phu nhân, hai nàng dâu, hai chàng rể xứ Kinh Bắc và cùng với họ là hàng trăm người giúp việc cũng ở xứ Bắc và Thăng Long. Đó chính là môi trường ngôn từ sinh động để thi hào có vốn ngữ liệu phong phú sáng tác nên Truyện Kiều. Bởi từ lúc chào đời và suốt hơn 20 năm đầu đời, Nguyễn Du đã sống ở đất Bắc, hít thở không khí và thụ hưởng nếp sống, phong tục, ngôn ngữ của văn hóa Thăng Long – Kinh Bắc. Khoảng thời gian đó đủ để hồn thơ của ông thấm ngấm văn hóa xứ Bắc và định hình ngôn ngữ, tư duy cho mình và cho quá trình sáng tác sau đó. 
 
Dấu ấn văn hóa Quan họ trong Truyện Kiều 
 
Truyện Kiều của Nguyễn Du dài 3.254 câu thơ nôm viết theo thể lục bát. Trong suốt hai thế kỷ qua, Truyện Kiều và Nguyễn Du đã trở thành nguồn cảm hứng của nhiều thế hệ. Thật hiếm có tác giả, tác phẩm nào ngấm vào máu thịt người Việt Nam với một sức sống bền lâu, thiết thân đến vậy. 
  
Bàn về ảnh hưởng của văn hóa Kinh Bắc trong hồn thơ Nguyễn Du, các nhà Kiều học đều cho rằng: Có mối liên hệ giữa Truyện Kiều và lời ca Quan họ. Vì rằng, Nguyễn Du được sinh thành và nuôi dạy bởi bà mẹ Trần Thị Tần là con gái vùng Quan họ, lại trong môi trường mà các bà dì, anh rể, chị dâu, gia nô, đầy tớ, bạn học… đều ở vùng Kinh Bắc nên ngôn ngữ thấm đượm trong đời sống được thi hào sử dụng trong Truyện Kiều cũng dễ hiểu.
   
Đề cập đến vấn đề này, có một trường phái nghiên cứu cho rằng, chính các nghệ nhân Quan họ học tập thơ Kiều để sáng tác lời ca. Ví dụ, có đoạn lời ca Quan họ và Truyện Kiều giống nhau nguyên văn:
 
“... Ngọn đèn khi tỏ khi mờ
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu
Khi tựa gối, khi cúi đầu
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày...”. 
  
Có quan điểm ngược lại, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Bảo cho rằng Nguyễn Du chịu ảnh hưởng từ văn hóa xưng hô của người Kinh Bắc và dẫn chứng trong Truyện Kiều có các câu:
 
“Sinh rằng: Hay nói dè chừng
Lòng đây lòng đấy chưa từng hay sao?”
 
hoặc là:
 
“ Nữa khi giông tố phũ phàng
Thiệt riêng đấy cũng lại càng cực đây”...
 
Theo ông Bảo, cặp đại từ nhân xưng “Đấy-Đây” chính là thi hào Nguyễn Du đã ảnh hưởng của lời ca Quan họ
 
“Đấy với đây không dây mà buộc
Anh với nàng chưa chuốc mà sao say”
 
hoặc là ảnh hưởng của Tranh dân gian Đông Hồ “
 
Khen ai khéo tạc nên dừa
Đấy trèo đây hứng cho vừa một đôi”. 
 
Tuy nhiên, thật khó để khẳng định quan điểm nào đúng bởi như hai câu thơ sau Nguyễn Du viết về nỗi đau trớ trêu nghịch cảnh của nàng Kiều:
 
“...Người vào chung gối loan phòng
Nàng ra tựa bóng đèn chong canh chầy...”.
 
Trong khi đó, lời ca Quan họ lại có câu hát:
 
“Người về tựa chốn loan phòng
Tôi về tựa bóng đèn chong canh chầy”.
 
Cũng là “Loan phòng” và “tựa bóng đèn chong canh chầy” nhưng trong lời ca Quan họ không phải nói về nghịch cảnh đau khổ mà mang ý nghĩa là hai tâm hồn hướng tới nhau, thể hiện nỗi thương nhớ tương tư muôn thủa của tình yêu. 
  
Như vậy, sẽ không khoa học nếu chỉ nhìn nhận một chiều mà cần nghiên cứu đánh giá mối liên hệ tác động qua lại hai chiều giữa văn hóa Quan họ với Nguyễn Du-Truyện Kiều và ngược lại. Có điều, những ảnh hưởng của văn hóa quê ngoại tới hồn thơ của Đại thi hào là điều tất yếu. 
 
Nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh và đón nhận danh hiệu danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du, được sự đồng ý của UBND tỉnh Bắc Ninh, trong tháng 10 này, Hội Kiều học Việt Nam phối hợp với một số đơn vị của tỉnh tổ chức Tuần văn hóa, du lịch Đại thi hào Nguyễn Du tại Bắc Ninh với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Hội thảo khoa học “Ảnh hưởng của quê ngoại Kinh Bắc - Bắc Ninh với Nguyễn Du và Truyện Kiều”; triển lãm “Đại thi hào Nguyễn Du và các di vật của gia tộc tại Bắc Ninh”; tổ chức các buổi nói chuyện về Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều tại các cơ quan, trường học trong tỉnh… Đây là dịp để nhân dân Hà Tĩnh-quê nội và nhân dân Bắc Ninh-quê ngoại cùng với nhân dân cả nước cũng như trên khắp thế giới hướng về ông, hướng về vầng ánh sáng tỏa ra từ hàng trăm năm trước vẫn không ngừng soi rạng đến mai sau. 
 
Bài, ảnh: Việt Thanh
 

No comments:

Post a Comment