Thứ sáu, 11/09/2015 - 08:46
Bảo tồn thư tịch cổ
Có một Bắc Ninh sống động trong quá khứ với phong phú các giá trị lịch sử, văn hóa được khắc họa qua những trang thư tịch cổ dưới dạng gia phả, sắc phong, văn bia, mộc bản... Chính những thư tịch cổ này cung cấp cho thế hệ hậu sinh vô số thông tin quý báu để xác định niên đại của vùng đất, nguồn gốc xuất xứ của di tích với biết bao câu chuyện ẩn chứa những thông điệp từ quá khứ. Đây là những di sản tư liệu cổ lưu giữ ký ức của một vùng đất, là “kho vàng văn hóa” của quê hương đang rất cần sự chung tay góp sức để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị.
Một trong 5 bản sắc phong về nghề hát Ca trù được hậu duệ dòng họ Nguyễn Thiết, thôn Tiểu Than, xã Vạn Ninh (Gia Bình) gìn giữ.
Bắc Ninh là vùng đất cổ của người Việt với truyền thống hiếu học, khoa bảng vẻ vang. Bắc Ninh còn là tỉnh đứng thứ ba trong toàn quốc về số lượng di tích lịch sử văn hóa. Hơn nữa, nơi đây còn là đất Tổ của nền Hán học Việt Nam , có trường dạy chữ Hán đầu tiên. Vì thế, các nhà nghiên cứu về văn hóa cho rằng, thư tịch cổ của Bắc Ninh không những nhiều hơn hẳn các địa phương khác mà còn rất đa dạng, phong phú trên nhiều chất liệu như: Bia đá, giấy, lụa, ván khắc gỗ…
Theo ông Lê Viết Nga, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, người dày công điền dã nghiên cứu và sưu tầm thực tế tại các địa phương trong và ngoài tỉnh cho biết: Thư tịch cổ ở Bắc Ninh có nhiều loại văn bản như: Sắc phong, gia phả, hương ước, khế ước, các loại bằng cấp, đinh bạ… và chủ yếu là tư liệu Hán-Nôm, phần lớn được cất giữ ở các công trình văn hóa tín ngưỡng của làng, xã như đình, đền, chùa, nghè, miếu, am… hoặc trong các gia tộc, dòng họ tiêu biểu có truyền thống về văn tài, võ lược. Ngoài ra, Bảo tàng và Thư viện tỉnh cũng có những kho lưu trữ tư liệu này. Đó là chưa kể còn số lượng lớn những thư tịch cổ của Bắc Ninh hiện đang được bảo quản, lưu trữ ở các Viện Hán Nôm, Thư viện Quốc gia và các Trung tâm lưu trữ Quốc gia…
Năm 2008, Bảo tàng Bắc Ninh biên soạn và xuất bản cuốn sách “Thần tích, sắc phong các vị thần, thành hoàng làng tỉnh Bắc Ninh”. Theo cuốn sách thì ở Bắc Ninh, tư liệu cổ nhất phản ánh về sự thờ thần, thành hoàng là tấm bia đá dựng khắc vào năm 1487 ở đền Tân Trăn, xã Phú Thọ (nay thuộc thôn Phú Thọ, Quảng Phú, Lương Tài) có nội dung nêu rõ tên của các vị thần, thành hoàng làng, nơi thờ và tóm tắt sự tích các vị thần, thành hoàng làng. Tuy mới chỉ dừng lại ở mức độ liệt kê dưới dạng danh mục các văn bản thần tích, sắc phong của từng làng, xã trong tỉnh nhưng cuốn sách trên đã góp phần phục vụ nhân dân các địa phương và giới nghiên cứu có thêm tư liệu về các vị thần, thành hoàng được thờ phụng ở làng xã trên địa bàn tỉnh từ xưa đến nay. Tuy vậy, theo thống kê trong sách thì hiện chỉ khoảng 40% số thôn làng gìn giữ được bản gốc của các tấm sắc phong, văn bia, còn lại đều đã tản mát, thất lạc và phải sao chép lại nguồn tư liệu từ các cơ quan chuyên môn.
Những văn bản tư liệu, thư tịch cổ của Tiến sĩ Chu Văn Nghị được con cháu dòng họ cất giữ cẩn thận trong Từ đường ở thôn Cầu Gạo, xã Yên Phụ (Yên Phong).
Có nhiều nguyên nhân của việc mất mát, thất lạc thư tịch cổ, mà nguyên nhân chủ yếu là do trải qua nhiều cuộc chiến tranh xâm lược cùng sự ảnh hưởng trực tiếp từ khí hậu, thời tiết nên số lượng các văn bản, tư liệu, thư tịch cổ bị mất dần theo năm tháng. Đó là chưa kể đến, một số nơi, người dân nhận thức hạn chế, không biết đọc chữ Hán-Nôm nên đã vứt bỏ, cho con cháu mang sắc phong, gia phả làm giấy dán diều, thậm chí là đốt, bán giấy vụn… Hoặc một phần là bởi người dân cất giữ, bảo quản những thư tịch cổ thiếu khoa học, không đúng nên tư liệu bị vụn nát.
Từ trước đến nay, trong tỉnh chưa từng có một cuộc tổng điều tra khảo sát, thống kê về những thư tịch cổ. Ngoài cuốn sách trên của Bảo tàng tỉnh thống kê về hệ thống thần tích, sắc phong thì hiện nay chưa có bất cứ một số liệu nào nói về số lượng tư liệu văn bia hay mộc bản… Vì vậy mà những đánh giá cụ thể về giá trị của kho thư tịch cổ ở Bắc Ninh cũng hết sức hạn chế…
Nếu không được khảo sát, đánh giá cụ thể thì thật khó để hình dung một mảnh đất hàng nghìn năm tạo dựng sẽ có bao nhiêu nguồn tư liệu để dựng nên vóc dáng, hình hài của Bắc Ninh hôm nay. Rõ ràng, thư tịch cổ chính là di sản tư liệu, lưu giữ ký ức của một vùng văn hóa. Trước sự phong phú, đa dạng của nguồn tư liệu cổ với những giá trị to lớn về cả vật chất và tinh thần, hy vọng, thời gian tới, kho vàng thư tịch cổ của quê hương Bắc Ninh sẽ được các cơ quan chuyên môn quan tâm “đánh thức” và phát huy giá trị.
Bài, ảnh: Thuận Cẩm
Source BacNinhOnLine
No comments:
Post a Comment