Thursday, May 21, 2015

Chợ tranh xưa

Thứ sáu, 13/03/2015 - 10:00
 
Chợ tranh xưa
 
Theo lời kể của người dân Đông Hồ (Song Hồ, Thuận Thành), xưa kia, chợ tranh họp tại đình Đông Hồ nên còn gọi là “chợ đình”. Hoạt động mua bán diễn ra ngay tại đình làng là một nét độc đáo ở đình Đông Hồ và cũng là nét sinh hoạt đặc thù riêng có trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân làng Mái. Nét sinh hoạt này vừa phản ánh tính chuyên nghiệp vừa phản ánh tính thời vụ của người sản xuất tranh.
 
Đình làng tranh Đông Hồ - công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu.
 
Mỗi năm, phiên chợ tranh chỉ họp vào các ngày 6, 11, 16, 21 và 26. Chợ chỉ bày bán một mặt hàng là tranh dân gian Đông Hồ. Khách mua tranh đến từ khắp các tỉnh gần xa. Họ theo sông Đuống, theo các tuyến đường bộ đổ về mua tranh đông vui, rực rỡ. Người đến chợ tranh làng Hồ không chỉ có khách buôn và mua tranh mà có cả những người yêu nghệ thuật tranh dân gian thích thăm thú, xem tranh và đi trảy hội mùa Xuân.
 
Cảnh tấp nập, nhộn nhịp mua bán tranh những ngày cận Tết còn được ghi lại trong những câu thơ Lục Bát:
 
“Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân ngắm cảnh mà tan nỗi sầu
Mua tờ tranh điệp tươi màu
Mua đàn gà lợn thi nhau đẻ nhiều”.
 
Kể cả người làng đi làm ăn xa thì cứ đến cuối năm là lũ lượt kéo về buôn tranh
 
“Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ đến tháng Chạp thì về buôn tranh”.
 
Hàng nghìn, hàng triệu bức tranh các loại được mang ra xếp bán cho những lái buôn, hoặc bán lẻ cho các gia đình để làm tranh treo Tết mang phú quý, vinh hoa, phúc lộc cho nhà mình. Sau phiên chợ tranh cuối cùng của năm vào ngày 26-12 âm lịch, những gia đình nào còn lại tranh đều bọc kín đem cất đi chờ đến mùa tranh năm sau lại mang ra chợ tranh bán.
 
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam hồi tưởng: Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán. Người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, vừa cầu mong phúc lộc, may mắn vừa để che đi những vết rạn nứt trên các bức tường nhà đắp đất. Hết năm, họ lại lột bỏ, mua tranh mới về treo.
 
Khoảng cuối thế kỷ 19 đến năm 1944 là thời kì phát triển cực thịnh của làng tranh. Giai đoạn ấy, cả làng có 17 dòng họ làm tranh. Cứ khoảng tháng 7, tháng 8 là cả làng tất bật chuẩn bị cho mùa tranh Tết. Khắp làng rực rỡ sắc màu của giấy điệp, bất cứ mảnh đất nào trống cũng được người dân tận dụng để phơi giấy, từ sân nhà, sân đình, ven các đường làng, ngõ xóm, dọc theo triền đê cho đến nóc nhà, nóc bếp… Không khí trong làng nhộn nhịp từ sáng đến tối suốt mấy tháng liền như thế. Thậm chí, Tết năm Ất Dậu 1945, giữa lúc nạn đói khủng khiếp hoành hành khắp nơi, chợ tranh làng Đông Hồ vẫn mở. Lúc đó, cụ Sam cũng được bố mẹ cho gánh tranh ra chợ bán. Nhưng phiên chợ tranh Tết năm đó cũng chính là phiên chợ tranh cuối cùng của làng Đông Hồ. Kể từ đó, bao năm qua, cuộc sống đã sung túc, đủ đầy hơn xưa nhưng khách mua mỗi năm một thưa vắng, tranh in ra không có ai mua, người dân lần lượt bỏ nghề và chợ tranh từ đó đến nay cũng chưa một lần được mở lại.   
 
Một thời rực rỡ của nghề tranh, chợ tranh nay chỉ còn là hoài niệm. Đình tranh Đông Hồ - công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, là trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần của làng, một trung tâm mua bán tranh của làng tranh dân gian truyền thống giờ vẫn còn đó uy nghiêm nhưng trầm lặng vì chợ tranh không còn họp như xưa.
 
Bài, ảnh: V.Thanh
 

No comments:

Post a Comment