Monday, April 27, 2015

Lễ hội Kinh Dương Vương - Tri ân Đức Thủy tổ khai sinh mở nước

Thứ sáu, 06/03/2015 - 08:46
 
Lễ hội Kinh Dương Vương - Tri ân Đức Thủy tổ khai sinh mở nước
 
Sáng nay 6-3 (tức 16 tháng Giêng), huyện Thuận Thành long trọng tổ chức lễ khai hội lăng và đền thờ Kinh Dương Vương và kỷ niệm 4894 năm Đức Thủy tổ khai sinh mở nước. Đây cũng là dịp để nhân dân trong vùng và du khách cùng hướng về nguồn cội, tự hào tưởng nhớ, tri ân công đức vua Thuỷ Tổ Việt Nam.
 
Theo truyền thuyết và các tài liệu, thư tịch cổ, năm 2879 trước Công nguyên, Kinh Dương Vương lên ngôi, lập nên nhà nước Xích Quỷ (tên một vì sao sắc đỏ trong số 28 vì sao sáng trên bầu trời), nhà nước sơ khai độc lập có chủ quyền đầu tiên của dân tộc ta. Kinh Dương Vương kết duyên với Thần Long sinh ra Lạc Long Quân. Sau đó, Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra các vua Hùng.
Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương từ lâu được các triều đại phong kiến Việt Nam xếp vào loại miếu thờ các bậc Đế vương, mỗi lần Quốc lễ đều cho quân đến tế lễ, nhân dân thờ phụng trang trọng quanh năm. Trong lăng hiện còn bức hoành phi đề “Nam Bang Thủy Tổ”, tức là “Thủy tổ nước Nam”. Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Cụm di tích còn lưu giữ nhiều nguồn sử liệu quý báu về cội nguồn dân tộc. Với đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm gần đây, tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo tổ chức Lễ hội Kinh Dương Vương trang trọng, tôn nghiêm, thể hiện lòng thành kính tri ân các bậc tiên tổ đã có công dựng nước, mở mang bờ cõi. 
 
Nghi lễ rước nước trên sông Đuống trong lễ hội Kinh Dương Vương.  
Lễ hội năm nay diễn ra từ ngày 4 đến ngày 8-3 (tức ngày 14-18 tháng Giêng) với các nghi thức tế lễ và rước kiệu, trọng tâm là ngày 16, 17 và 18 tháng Giêng. Khác với những năm trước, năm nay tham gia các nghi thức trong phần lễ cùng với nhân dân thôn Á Lữ còn có người dân các thôn trong xã là Đồng Đông, Đồng Đoài, Đồng Văn và Phú Mỹ.   
Cùng với phần lễ được tổ chức trang nghiêm thể hiện niềm tôn kính với bậc tiên tổ, phần hội năm nay phong phú với các loại hình diễn xướng dân gian như: Hát Dân ca Quan họ trên thuyền, hát chèo, hát tuồng, hát trống quân, ca trù, múa rối nước… Ngoài ra, nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống được khôi phục và đưa vào trong lễ hội, phục vụ nhân dân và du khách thập phương về thăm quan, thưởng lãm như: Cờ tướng, tổ tôm điếm, vật dân tộc, bịt mắt bắt dê, chơi đu, đập niêu…
Ghi nhận từ nhiều năm qua thấy rằng, trong hàng trăm lễ hội mùa xuân miền Kinh Bắc, hiếm có lễ hội nào còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa tín ngưỡng tâm linh giàu truyền thống như lễ hội Kinh Dương Vương. Công tác quản lý, tổ chức lễ hội bảo đảm lành mạnh, văn minh, không có những hiện tượng tiêu cực, phản cảm xảy ra trong lễ hội. Thành công đó là nhờ sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp chính quyền và nhân dân địa phương.
Được biết, hiện nay Dự án quy hoạch bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử văn hoá quốc gia Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương với tổng mức đầu tư khoảng gần 500 tỷ đồng vẫn đang được chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện nhằm gìn giữ một di sản quý của dân tộc và góp phần nâng cao giá trị truyền thống lịch sử văn hóa. Đặc biệt, hướng tới hình thành tuyến du lịch gắn với các di tích lịch sử văn hóa tín ngưỡng ở các huyện, Thuận Thành, Tiên Du, Gia Bình, thị xã Từ Sơn… như Chùa Dâu và Thành cổ Luy Lâu; Chùa Bút Tháp; Đền Đô, chùa Phật Tích, lăng và đền thờ Cao Lỗ Vương trong đó cụm di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương là trung tâm.
Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương là nơi cội nguồn dân tộc. Lễ hội Kinh Dương Vương là thời điểm mỗi người con đất Việt đều mong muốn hướng về.
V.T-T.C
 

Monday, April 20, 2015

Đôi nét thêm về Dũng Vi - Blog KYDV

Đôi nét thêm về Dũng Vi
 
Nhằm mục đích tìm hiểu rõ hơn về Dũng Vi. Blog KYDV đã tìm kiếm và tạm đúc kết một số tài liệu có được trên mạng, qua đó có thể thấy rõ hơn về quá trình hình thành và phát triển của Dũng Vi trong chiều dài lịch sử của nước nhà...
 
 "Đình Làng Dũng Vy". Ảnh tư liệu của Kỷ Yếu Dũng Vi.
 
Theo tài liệu "Quá trình thay đổi tên gọi đơn vị hành chính, địa giới hành chính tỉnh Bắc Ninh - Tác giả Nguyễn Quang Khải" đăng trên Bắc Ninh Online. Dũng Vi xưa kia còn được gọi là Tổng Dũng Vi, bao gồm các xã: Dũng Vi, Trung Mầu, Thịnh Lân thuộc huyện Tiên Du. Theo "Đại việt sử ký toàn thư", tên huyện Tiên Du có từ thời nhà Trần (Thế kỷ 13).
 
Địa danh Dũng Vi đã được ghi chép trên "Bắc Ninh tỉnh Tiên Du huyện Dũng Vi tổng các xã thần sắc", mang ký hiệu AD.a7/27 của Viện Nghiên Cứu Hán-Nôm vào khoảng Thế kỷ 17 dưới triều vua Quang Trung và Cảnh Thịnh (còn địa danh Dũng Vi được hình thành từ khi nào thì chưa được rõ)...
 
Từ sau 1954, Dũng Vi đã đổi tên thành xã Tri Phương thuộc huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Theo số liệu của Trang mạng ĐCSVN năm 2007. Xã Tri Phương có 7.679 người dân ở 4 thôn: Đinh, Lương, Giáo và Cao Đình.
 
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. Xã Tri Phương có diện tích 5,69 km², dân số năm 1999 là 7057 người, [1] mật độ đạt 1240 người/km².
 
Như thế, qua những tài liệu trên đây, chúng ta đã có thể biết rõ hơn về quá trình nhiều thế kỷ hình thành và phát triển của Dũng Vi. Hy vọng tương lai sẽ có thêm những tài liệu giá trị mới.
 
Tháng 2-2015
Blog KYDV
----------

Monday, April 13, 2015

Chùa Phật Tích đón Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt

Thứ sáu, 27/03/2015 - 09:32
 
Chùa Phật Tích đón Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt
 
Huyện Tiên Du tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Quốc gia đặc biệt di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật chùa Phật Tích tại Chùa Phật Tích, xã Phật Tích.
 
Di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật chùa Phật Tích có tên chữ là “Vạn Phúc tự”, tọa lạc tại sườn phía Nam núi Phật Tích (xã Phật Tích, huyện Tiên Du), nổi tiếng là đại danh lam thắng cảnh. Được khởi dựng vào khoảng từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ X và được xây dựng thành đại danh lam vào triều Lý Thánh Tông. Chùa Phật Tích được coi là trung tâm Phật giáo lớn của nước ta. Hiện chùa Phật Tích còn bảo tồn và gìn giữ các di sản như: Hàng linh thú đá 10 con trước cửa Tiền đường; nền móng tháp cổ do vua Lý Thánh Tông xây dựng năm 1057; gần 40 ngôi tháp thờ các vị tổ sư và đặc biệt là Di hài xá lợi của Thiền sư Chuyết Chuyết...
 
Chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chùa Phật Tích được Nhà nước đầu tư, tu bổ, tôn tạo và xây dựng nhiều hạng mục công trình có ý nghĩa như: Đại Phật Tượng bằng đá cao 27m lớn nhất Đông Nam Á; tháp thờ xá lợi Phật... Với những công trình văn hóa tín ngưỡng và nhiều tài liệu, hiện vật cổ có giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Năm 1962 Chùa được công nhận là di tích lich sử văn hóa quốc gia và năm 2014 Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt cho di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật Chùa Phật Tích.
 
Xuân Trang
 

Những sản vật tiến vua của Bắc Ninh

Thứ sáu, 09/01/2015 - 09:56
 
Những sản vật tiến vua của Bắc Ninh
 
Vùng đất Bắc Ninh trù phú nguồn sản vật. Người Bắc Ninh khéo léo, tài hoa trong việc nuôi trồng và chế biến những sản vật, món ăn ngon nức tiếng, từng là vật phẩm tiến vua.
 
Bánh phu thê Đình Bảng
Bánh phu thê là đặc sản của làng Đình Bảng. Dân gian truyền rằng, vào thời vua Lý Anh Tông đi đánh trận, người vợ ở nhà thương chồng vất vả đã tự tay vào bếp làm bánh gửi ra cho chồng. Vua ăn bánh thấy ngon, nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng nên đặt tên là bánh phu thê (sau này còn có tên gọi là bánh Su Suê - chữ Nôm cổ có nghĩa là vui vẻ). Từ đó, ngoài việc sử dụng là vật phẩm tế Thành hoàng và thưởng thức trong dịp Tết Nguyên đán, hội làng, bánh phu thê còn được người dân trong vùng sử dụng làm lễ vật trong dịp ăn hỏi, ăn cưới của các cặp vợ chồng.
Công thức làm bánh khá đơn giản nhưng không phải nơi nào làm cũng ngon như người dân Đình Bảng. Để làm bánh, nguyên liệu cần có là gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon. Gạo này vo sạch, để ráo nước, giã bằng cối rồi lọc lấy tinh bột gạo. Bột lọc đó đem xay thật nhuyễn rồi phơi hoặc sấy khô để qua 15 ngày mới đem ra làm bánh. Màu vàng của bánh được lấy từ tinh chất của quả dành dành. Nhân bánh là đỗ xanh ngâm kỹ, đãi sạch vỏ, kho với đường trộn với sợi dừa cạo nhỏ. Khi ăn, bánh được cắt làm 4 nên trong nhân còn có 4 hạt sen để ở 4 góc bánh.
Gà Hồ
Có một giống gà được coi là quý hiếm, đẹp như một bức tranh, có nhiều người còn nhìn nhận đánh giá nó như một kiệt tác nghệ thuật mà tạo hóa đã ban tặng cho chúng ta. Đó chính là giống gà Hồ ở làng Lạc Thổ (Thuận Thành). Khi con gà trống Hồ trưởng thành hội tụ đủ năm phẩm chất của bậc quân tử: Văn, Vũ, Dũng, Nhân, Tín, nó vừa đẹp mã lại có dáng vẻ của một dũng tướng. Trọng lượng của nó có thể đạt tới 6 đến 6,5 kg. Thịt gà Hồ hồng mà thơm ngon, chắc mà ngọt. Ngày xưa người làng còn đem gà Hồ tiến vua, được coi là giống gà có gia phả hiển hách.
Từ xưa tới nay người dân làng Hồ coi gà Hồ là một loài vật nuôi quý nhất trong gia đình, đã chọn làm lễ vật dâng thành hoàng làng vào ngày hội làng mùng 10-2 (âm lịch) hàng năm. Gà Hồ có những nét đẹp riêng mà các giống gà khác không thể có được “Đầu công, mình cốc, cánh trai”. Đó là câu truyền miệng nhận biết về giống gà Hồ lúc còn là gà con. Khi con gà trống Hồ trưởng thành có cái đầu rất to, vẫn là mình cốc cánh trai, thân hình cân đối cường tráng, vạm vỡ, uy phong đầy sức mạnh.
Nếu ai đã được thưởng thức một miếng thịt gà Hồ thì nhớ mãi không quên. Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, giống gà quý hiếm này vẫn được người dân gìn giữ, bảo tồn đến ngày nay.
Rau muống Ngang Nội
Làng Ngang Nội (xã Hiên Vân, Tiên Du) nổi tiếng về đặc sản rau muống “tấn cung”. Người dân Ngang Nội còn truyền kể: Xưa có cô gái ở Hiên Đường (gồm Ngang Nội và Hiên Vân ngày nay) chuyên đi bắt cua. Một hôm, cô gái bắt được đầy giỏ cua trở về làng thì đã giữa trưa. Bấy giờ, cô gái thấy có những bè rau muống ngon liền hái một nắm mang về nấu với cua, ăn thấy rất ngon, vị lạ. Cô gái bắt cua trưởng thành được tuyển vào cung làm Hoàng hậu. Một hôm, vua hỏi Hoàng hậu “Trẫm ăn gì cũng không thấy ngon miệng, chẳng hay ái khanh có món gì cho trẫm ăn ngon được không?” Hoàng hậu đáp: “Khi nhỏ thiếp được ăn một bữa rau muống làng Ngang, đó là món ngon nhất”. Vua nghe vậy liền truyền lệnh cho dân làng Ngang mang nộp rau muống vào cung để vua thưởng thức và thấy vị đậm đà vừa ngon vừa lạ. Rau muống Ngang Nội nổi tiếng từ đó và được người dân gọi là “Rau muống tiến vua”.
Người dân làng Ngang Nội ngày nay vẫn tự hào với loại “rau muống tiến vua” có cuộng dài như dải áo, lá nhỏ, trắng xanh, ăn giòn ngọt. Loại rau này còn có tên là rau dải bởi vì ngọn rau mọc dài như dải áo, nhỏ như chiếc đũa con, rất ít lá. Phía dưới gốc có màu đỏ tía, càng lên ngọn càng trắng và điều đặc biệt là không mọc rễ tua tủa trên thân như rau muống thông thường. Nhưng giống rau muống dải này bây giờ không còn được người dân trồng nữa.
V.Thanh (tổng hợp)
 

Wednesday, April 1, 2015

Những lễ hội đặc biệt ở Bắc Ninh

Thứ sáu, 23/01/2015 - 09:23
 
Những lễ hội đặc biệt ở Bắc Ninh
 
Vùng quê Bắc Ninh có địa hình phù hợp phát triển kinh tế nông nghiệp, sớm trở thành trung tâm của văn hóa Việt. Đầu thế kỉ thứ 2, thái thú Sĩ Nhiếp đã kết hợp các yếu tố văn hóa Hán, văn hóa Ấn và văn hóa bản địa sáng lập ra hệ thống lễ hội Tứ Pháp cầu nước cầu mưa và trở thành mẫu mực cho các lễ hội ở các làng quê cả nước.
 
Hội xuân bừng nở ở khắp các làng quê Bắc Ninh với nhiều nét sinh hoạt văn hóa khác nhau nhưng tựu chung lại vẫn là cầu cho người vật sinh sôi phồn thịnh. Hội xuân đầy đặn hơn ở một số làng quê lấy ngay biểu tượng nam nữ quan hệ làm yếu tố cầu đảo hàng đầu. 
 
Một hội xuân tiêu biểu như vậy là hội đánh chen Nga Hoàng (nay thuộc xã Yên Giả - huyện Quế Võ). Theo sách “Bắc Ninh tỉnh khảo dị” (bản dịch của Nguyễn Thị Hường - Nguyễn Tố Lan) viết về lễ hội này như sau: “Xã ấy, vào ngày 11 tháng 2 (âm lịch) có lệ nhập tịch tế thần. Tế xong, toàn dân cùng ăn uống ở đình. Đến chiều tối, mướn ca kỹ đến hát hầu thần ở đình. Ca kỹ hát ở chính giữa đình. Hai bên đình là chỗ trai gái đến xem hát. Nếu con trai thấy con gái đứng chỗ nào thì cũng đến chỗ đó đứng, con trai thân áp sát vào giữa đám con gái; thân người con trai sát với thân người con gái, tay người con trai bóp vào ngực người con gái”. 
  
“Đêm đó thuê ca kỹ đến hát thờ thần từ 7-8 giờ tối đến 4-5 giờ sáng mới thôi. Từ lúc ca kỹ bắt đầu hát cho đến lúc thôi hát, đôi trai gái nào thuận tình, thì người con trai dẫn người con gái ra chỗ nào tối ở xa ngoài đình, hai người giao dâm với nhau, không dám làm việc đó ở trong đình vì sợ có uế khí với thần. Trai gái sát người vào nhau điểm ngực ở trong đình thì được, nhưng nếu đã giao dâm với nhau thì không được ở trong đình. Nếu như đêm ấy xã thuê ca kỹ hát thờ thần, không có con trai con gái trong xã ra đình xem hát, không có người con gái nào để đánh chen điểm ngực, thì đêm đó, mọi người dân xã trong đình tự nhiên sinh ra cãi nhau, hoặc người ca kỹ gây sự với người trong xã, hoặc người trong xã gây sự với nhau, mọi người sinh ra ẩu đả. Cho nên, năm nào vào đêm hôm đó, ca hát hầu thần cũng có nam nữ ra đình xem hát, đánh chen, điểm ngực thì mới tránh được nảy sinh những chuyện bất bình”. 
  
Cũng theo sách “Bắc Ninh tỉnh khảo dị” thì hội xuân làng Niệm Thượng (xã Khắc Niệm thành phố Bắc Ninh) có lệ giống như ở hội xuân Nga Hoàng: 
 
“Khấn xong, mọi người cùng lễ bái thần. Việc khấn bái xong thì người già ngồi vào gian bên trong đình, xem hát. Người kỳ mục ngồi ở gian giữa, chỗ có hương án, đánh trống thưởng phạt, xem hát. Đào nương đứng ở trên chiếu phía ngoài hương án mà hát. Đàn ông, đàn bà, thanh niên, thiếu nữ đều tụ tập trong đình xem hát. 
  
“Ca hát từ lúc bắt đầu đến khoảng 8-9 giờ tối thì thắp đèn lên cho sáng. Hát đến chừng 2 giờ đêm, một người kỳ mục bưng đĩa đèn đứng thẳng trên mặt đất giữa đình, người khác lấy một cái chõ úp lên trên đèn. (Tục cổ thì tắt đèn đi, nay thì lấy chõ úp lên, nồi chõ có nhiều lỗ ở đáy nên đèn vẫn cháy). Trong đình, trong cung lúc ấy tối om om. Một người kỳ mục ngồi ở gian chính giữa mới bước xuống sờ ngực người đào nương. Còn đàn ông đàn bà người nào người nấy thấy đèn bị che đi, lại thấy kỳ mục sờ ngực đào nương thì các đàn ông cũng sờ ngực đàn bà, con trai sờ ngực con gái. 
  
“Khoảng ba phút đồng hồ thì có một người nhấc cái chõ ra, đèn lại sáng. Mọi người thôi không sờ ngực nhau nữa, lại ngồi nghiêm chỉnh như cũ để xem hát... 
 
“Nếu năm nào nhập tịch tế thần mà không mướn đào nương đến đình hát thờ thần, lại không sờ ngực đào nương, không có đàn ông sờ ngực đàn bà thì năm ấy trong làng trâu bò lợn gà phần nhiều đều bệnh tật, người người không được yên. Nếu có mướn đào nương đến hát và đàn ông sờ ngực đàn bà ở trong đình thì năm đấy dân được bình yên, trâu bò lợn gà sinh sôi nảy nở, lúa má, tằm tang tươi tốt”. 
  
Khát vọng no ấm, phồn thịnh còn được thể hiện trong nghệ thuật vùng Bắc Ninh. Cột đá chùa Dạm là điển hình của tục thờ nõn nường ở rải rác trong nhiều làng quê. Nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ có nhiều mẫu thể hiện khát vọng này. Tranh “Hứng dừa” vẽ người cha hái trọn đôi quả dừa mẩy căng trên ngọn, dưới gốc hai đứa con trai cũng đang leo học đòi nối dòng. Đôi quả dừa là hình tượng của đôi gò bồng đảo của người vợ mà người cha đã được hưởng thụ qua động tác hái rồi. Tranh “Đánh ghen” vẽ cảnh người chồng đang yêu vợ bé nhưng vẫn không dám ra mặt với vợ cả đang giơ kéo đòi cắt dây oan tình. Chất phồn thực biểu lộ đầy đặn trong từng nét tranh. Tranh “Đu đôi - bắt trạch” thể hiện tục cũ nhưng là mẫu tranh mới đầu thế kỉ 20 cũng cho thấy rõ khát vọng qua việc người con trai điểm ngực người con gái chỉ mặc yếm trong khi người này đang mải mê bắt trạch kiếm giải. Giải của làng dù trượt thì giải tình yêu của hai người lại quá tròn đầy. 
 
Ngày nay hội đánh chen Nga Hoàng hay hội điểm ngực Niệm Thượng đã mai một, thậm chí người ta hiểu về hội xuân này với nhiều cách khác nhau nhưng dù sao vẫn được mọi người ngưỡng vọng, thích thú.
   
Phạm Tiểu Thư