Saturday, November 8, 2014

Chùa Phật Tích - Dấu ấn xưa và nay

Thứ Tư, 27/02/2013 - 09:12
 
Chùa Phật Tích - Dấu ấn xưa và nay
 
Con đường hành hương của Phật tử nước ta nếu như hướng về chùa Dâu (Thuận Thành - Bắc Ninh) với chiều dài thời gian cổ nhất Việt Nam hay chùa Bái Đính (Ninh Bình) với quy mô lớn nhất Đông Nam Á, hẳn sẽ không thể không dừng chân nơi được ghi nhận là ngôi chùa có giá trị cổ vật lớn nhất Việt Nam: chùa Phật Tích (tại xã Phật Tích - huyện Tiên Du - Tỉnh Bắc Ninh).
 
Chùa Phật Tích nằm ở sườn Nam núi Vạn Phúc, xưa có tên là chùa Vạn Phúc Tự, là một trong những nơi được truyền bá Phật giáo sớm nhất từ Ấn Độ vào Việt Nam. Thiền sư Chuyết Chuyết Lý Thiên Tộ đã lập am tu hành tại đây 10 năm trước khi tới chùa Bút Tháp (Thuận Thành - Bắc Ninh).  Chùa được xây dựng vào thời nhà Lý năm Thái Bình thứ 4 (1057) với nhiều tòa ngang dãy dọc : "Lí gia tam tế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo". Ngôi chùa vào thời Lý hiện nay không còn nữa, song những dấu tích lịch sử của nó vẫn ghi dấu ở nơi này, ngôi chùa mới được trùng tu xây dựng lại vẫn mang dấu ấn của một thời lịch sử và tâm linh của người Việt hàng bao thế kỉ trước…
 
Năm 1066, vua Lý Thánh Tông cho xây dựng một cây tháp cao khoảng 10 trượng (mỗi trượng 4.2m). Một nhà khảo cổ người Pháp đã ghi chép lại sự kiện này với quy mô về chiều cao của nó: "Tháp cao khoảng 42m, đứng ở Thăng Long (khoảng 20km) cũng nhìn thấy. Tháp đổ lộ ra bức tượng Phật A di đà bằng đá xanh nguyên khối được dát vàng. Để ghi nhận sự xuất hiện kì diệu của bức tượng này, làng Hỏa Kê (gà lửa) cạnh chùa đổi tên thành Phật Tích. Bức tượng Phật này hiện vẫn được khán quan đặt tại chùa. Đây là bức tượng được coi là mẫu mực của Phật cổ Việt Nam.
Bức tượng được khắc bằng đá xanh nguyên khối trong tư thế ngồi trên tòa hoa sen cao 1,845m, với vóc dáng mềm mại, thon thả được tạo bởi những đường cong và nếp chảy của áo cà sa, khuôn mặt trái xoan hiền hậu với đôi mắt nhân từ, sống mũi thẳng, lông mày thanh tú, nụ cười phảng phất. Toàn bộ đã toát lên vẻ đẹp thánh thiện, từ bi mà tinh tường, anh minh có thể thấu hiểu nỗi niềm chúng sinh. Đó là ghi dấu không chỉ về tâm linh tôn sùng đạo Phật thời nhà Lý mà còn là vẻ đẹp điêu luyện của nghệ thuật điêu khắc, đặc biệt là tạc khắc tượng Phật với những đường nét mềm mại toàn mĩ như tâm linh người Việt vẫn từng quan niệm.
Về địa thế, Phật Tích được coi là nơi thắng địa với cảnh núi non sông nước tiên trần hư ảo. Văn bia Vạn Phúc Đại Thiền Tự Bi năm Chính Hòa thứ bảy ca  ngợi: "Đoái trông danh thắng đất Tiên Du, danh sơn Phật Tích, ứng thế ở Càn phương (hướng Nam) có núi Phượng Lĩnh bao bọc, phía tả Thanh Long nước chảy vòng quanh. Phía hữu Bạch Hổ núi ôm, trên đỉnh nhà khai bàn đá...".
Năm 1071, Lý Thánh Tông du ngoạn đã viết chữ Phật dài 5m, sai khắc vào đá đặt trên sườn núi. Vẻ đẹp của cảnh chùa cũng làm lưu luyến bước chân của nàng tiên nữ Giáng Hương với câu chuyện tương truyền. Cảnh chùa đẹp, nàng giáng Hương dạo bước vãn cảnh, thấy loài hoa màu đỏ thắm của mẫu đơn đã lỡ tay hái, bị làng bắt vạ. Từ Thức bèn cởi áo xin tha cho nàng. Gặp duyên phải phận, họ kết duyên vợ chồng, sinh con ở chốn dương gian. Loài hoa mẫu đơn đã trở thành biểu tượng cho cảnh chùa tiên giới, hàng năm du khách thập phương lại tới dự lễ hội khán hoa mẫu đơn như ôn lại câu chuyện tình thơ mộng Từ Thức - Giáng Hương. Núi này vì thế cũng có tên gọi khác, đó là núi Tiên Du (núi có tiên du ngoạn).
Truyền thuyết này chẳng biết hư thực ra sao, nhưng theo quan niệm của Phật giáo, những người đã tu thành chính quả, nhưng không lên cõi niết bàn mà ở lại dương gian cứu khổ nạn, đó là cõi tiên. Vậy phải chăng đó là ước mơ của những con người lao khổ luôn khát khao một thế giới tiên bồng, được giúp đỡ và không bị lãng quên? Phật giáo nói riêng, tôn giáo nói chung, phải chăng chính là nơi của những huyền hồ hư thực của khát khao ước vọng con người?
Phật Tích cũng là trung tâm văn hóa chính trị thời Phật giáo Lí Trần. Thời bấy giờ vua  đã cho xây tại chùa một thư viện lớn và cung Bảo Hoa. Sau khi khánh thành, vua Trần Nhân Tông đã sáng tác tập thơ "Bảo Hoa dư bút" dày tới 8 quyển. Vua đã lấy Phật Tích làm nơi tổ chức cuộc thi Thái học sinh (thi Tiến sỹ).
Đám rước
Vào thời nhà Lê, năm Chính Hòa thứ bảy đời vua, chùa được xây dựng lại với quy mô rất lớn, có giá trị nghệ thuật cao và đổi tên là Vạn Phúc tự. Người có công trong việc xây dựng này là Bà Chúa Trần Ngọc Am - đệ nhất cung tần của Chúa Thanh Đô Vương Trịnh Tráng, khi Bà đã rời phủ Chúa về tu ở chùa này. Bia đá còn ghi lại cảnh chùa thật huy hoàng: "... Trên đỉnh núi mở ra một tòa nhà đá, bên trong sáng như ngọc lưu ly. Điện ấy đã rộng lại to, sáng sủa lại kín. Trên bậc thềm đằng trước có bày mười con thú lớn bằng đá, phía sau có Ao Rồng, gác cao vẽ chim phượng và sao Ngưu, sao Đẩu sáng lấp lánh, lầu rộng và tay rồng với tới trời sao, cung Quảng vẽ hoa nhụy hồng...".), một đại yến hội đã được mở ở đây.
Nhưng rồi vẻ huy hoàng và sự thịnh vượng của chùa Phật Tích cũng chỉ tồn tại sau đó được gần 300 năm. Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ và chùa bị tàn phá nhiều. Khi hòa bình lập lại đến nay, chùa Phật Tích được khôi phục dần. Năm 1959, Bộ Văn hóa cho tái tạo lại 3 gian chùa nhỏ làm nơi đặt pho tượng A-di-đà bằng đá quý giá.
Hiện nay, chùa được trùng tu và mở rộng, chùa có 7 gian tiền đường để dùng vào việc đón tiếp khách, 5 gian bảo thờ Phật, đức A di đà cùng các vị Tam thế Phật, 8 gian nhà tổ và 7 gian nhà thờ. Ngôi chùa cũng là nơi cất giữ những di tích xưa mang giá trị lịch sử và văn hóa lớn.
Hàng thú đá trước cửa tam quan với 10 tượng thú bằng đá cao 10 m, gồm sư tử, voi, tê giác, trâu, ngựa, mỗi loại 2 con, nằm trên bệ sen tạc bằng đá xanh trong tư thế phủ quỳ Phật pháp.
Sau chùa, nơi sườn núi thanh tịnh vẫn còn khoảng 32 ngọn tháp xây bằng gạch và đá, là nơi cất giữ xá lị của các nhà sư từng trụ trì ở đấy, phần lớn được dựng vào thế kỉ XVII. Ngọn tháp lớn nhất là Tháp Phổ Quang, cao 5,10 m gồm đế, khám thờ, hai tầng diềm và mái mui luyện với chóp tròn…
Ở chùa, còn có những di vật thời Lý khác như đá ốp tường, đấu kê chân tảng... trên đó chạm khắc các hình Kim Cương, Hộ Pháp, các nhạc công, vũ nữ v.v... Đó là những họa tiết, nét kiến trúc xưa được lưu giữ lại đã phản ánh sâu sắc thế giới đời sống người Việt từ sinh hoạt đến phong tục, tập quán đến những quan niệm tinh thần. Những dấu tích lịch sử vẫn trường tồn cùng thời gian đã đi vào tiềm thức của mỗi người mang dấu ấn văn hóa Việt đậm nét. Tháng 4 năm 1962, nhà nước công nhận chùa Phật Tích là di tích lịch sử-văn hoá.
Trở về với Phật Tích, trở về với những tĩnh lặng của cuộc sống, chính là trở về con đường hành hương dẫn ta tới cõi Giác. Phật Tích đã quy tụ thành một trục tâm linh thống nhất từ người, tới Tiên và Phật: Con người từ bộn bề cuộc sống trở về với khung cảnh bình yên trầm tư của ngôi chùa hàng bao thế kỉ, tới cõi Tiên với dấu tích của câu chuyện huyền thoại tiên giới giáng trần cứu vớt kẻ khổ nạn qua mối duyên tiên - tục Giáng Hương và Từ Thức, đưa ta tới đỉnh cao sự giải thoát, ấy là Vạn Phật Đài. Đó là con đường mang tên khoảng lặng tâm hồn. Khoảng lặng dành cho những giá trị lịch sử còn lưu tồn, những giá trị nghệ thuật được tôn vinh. Và đó cũng là khoảng lặng trong những ồn ã của cuộc sống thường ngày, ru tâm hồn ta chìm trong thanh tĩnh vọng tiếng chuông từng nhịp…!
Nguyễn Thị Kim Thu
 

No comments:

Post a Comment