Thursday, November 7, 2013

Cổ vật Bắc Ninh - Dấu ấn chiều sâu văn hóa (07/01/2010)

Với những đá, đồng, gốm, sứ, gỗ, kẽm, giấy… mang trên mình dấu ấn của thời gian, 1.200 hiện vật tại cuộc trưng bày “Cổ vật tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh” lần thứ Nhất diễn ra tại Bảo tàng tỉnh cuối năm 2009 đã đem đến cho người xem nhiều cảm nhận khác nhau về chiều sâu văn hoá Kinh Bắc.

Ai đó từng nói, cổ vật là một phần của lịch sử và văn hoá. Nhưng không phải ai cũng nhận thấy rõ giá trị đích thực của nó vì đồ cổ thường là các mảnh vỡ, dị tật, vẻ ngoài xấu xí, xù xì. Ví như, có 2 mảnh khuôn đúc trống đồng được các nhà khảo cổ phát hiện ở Luy Lâu, nhìn vẻ ngoài chẳng khác gì hai cục đất nung nhỏ con, nham nhở nhưng đã có tới 4 nhà khảo cổ đầu ngành của đất nước mang về trao tận tay cho Bảo tàng tỉnh. Bởi đó chính là một báu vật minh chứng thuyết phục rằng Trống Đồng được đúc tại Việt Nam, của Việt Nam và do người Việt Nam đúc ra chứ không phải ở bất cứ một quốc gia nào khác. Những cổ vật thể hiện rõ nhất nét đặc trưng cơ bản của văn hoá vùng Kinh Bắc chính là hơn 150 hiện vật đồ đá tìm thấy ở lòng sông Cầu, đồ gốm Hán tập trung nhiều ở vùng Luy Lâu (Thuận Thành), bộ sưu tập tiền cổ từ triều Đinh cho đến bây giờ của nhà sưu tầm và nghiên cứu Nguyễn Văn Thạo hay như đồ sứ từ thời phong kiến Trung Quốc cũng được các nhà sưu tập, nghiên cứu tìm thấy nhiều ở Bắc Ninh. Đặc biệt, chiếc chuông đồng ở chùa Ngũ Hộ, xã Kim Chân (TP Bắc Ninh), trước năm 1945 bị đưa sang và lưu lạc tại Nhật Bản, năm 1978, Hội hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam đã tổ chức vận động trao trả lại cho Việt Nam. Qua đó, chứng tỏ cổ vật không chỉ thấm đẫm giá trị lịch sử, văn hoá và mỹ thuật mà còn thể hiện sâu sắc tình hữu nghị ngoại giao hai nước, mang ý nghĩa chính trị cao. Hầu hết cổ vật có nguồn gốc, xuất xứ từ kho lưu trữ của Bảo tàng Bắc Ninh được sưu tầm từ những thập kỷ 60 của thế kỷ XX đến nay trên địa bàn Bắc Ninh – Kinh Bắc và của các nhà sưu tầm, nghiên cứu cổ vật Kinh Bắc. Ngoài cổ vật của Việt Nam, phòng trưng bày còn có những cổ vật có nguồn gốc từ Trung Hoa, Nhật Bản... trong trường kỳ lịch sử giao lưu văn hóa giữa các dân tộc đã được giữ gìn, bảo tồn đến ngày nay.

Trong số hàng nghìn lượt khách đến bảo tàng tỉnh để tham quan, chiêm ngưỡng cổ vật, một nhiếp ảnh gia người Pháp – ông Jobet đã chia sẻ: Tình cờ biết ở Bắc Ninh có cuộc Trưng bày cổ vật qua một chương trình truyền hình, ngay sau đó tôi đề nghị vợ cùng tìm về đây để tham quan, chiêm ngưỡng. Tôi đặc biệt thích vẻ đẹp cổ kính, rêu phong của các ngôi đình và đền chùa Việt Nam. Còn với cổ vật, vốn tự thân nó đã mang vẻ đẹp hiếm và độc đáo. Đến đây, tôi mong muốn qua các cổ vật tìm hiểu về vẻ đẹp cũng như quan điểm mỹ thuật của người Việt  trong quá khứ.
 


Bộ sưu tập Lọ Đầm xoè bằng đồng,  thế kỷ I-III.

Để tổ chức thành công cuộc trưng bày ý nghĩa này, Bảo tàng tỉnh – đơn vị thường trực được giao phụ trách đã có phương pháp triển khai khá hiệu quả. Vì khi chuẩn bị cho trưng bày, Hội Sưu tầm và nghiên cứu cổ vật chưa thành lập nên công tác vận động các nhà sưu tầm được đặt lên hàng đầu. Ngoài lợi thế về phương tiện trưng bày khá đầy đủ và chuyên nghiệp của Bảo tàng tỉnh, các nhà sưu tầm đều rất nhiệt tình với hoạt động này cũng là thuận lợi để hiện vật tại cuộc trưng bày thêm phong phú. Công tác vận động các nhà sưu tầm tham gia sự kiện này cũng chính là kinh nghiệm để Bảo tàng Bắc Ninh tiếp tục áp dụng trong những lần sau. Cùng với cán bộ Bảo tàng tỉnh, một số người có tiếng trong giới sưu tầm, nghiên cứu cổ vật trong tỉnh đã đến tận nhà các nhà sưu tầm để giám định đồng thời lập hồ sơ khoa học cho cổ vật, một cách phân loại nhằm tránh sự trùng lặp khi trưng bày. Và cũng là một cách để hoá giải điều lo lắng nhất của BTC về sự bảo đảm an toàn cho cổ vật trong quá trình diễn ra cuộc trưng bày. Ban đầu, đây cũng là vấn đề đáng ngại nhất bởi nước ta chưa có bảo hiểm cổ vật, trong khi đó nhiều hiện vật có giá trị kinh tế cao, song với sự nhiệt tình, vô tư của các nhà sưu tầm và tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, nhân viên, mọi việc đã diễn ra suôn sẻ với độ an toàn tuyệt đối. Lần đầu tiên tổ chức trưng bày quy mô lớn với nhiều cổ vật có giá trị văn hoá, lịch sử cũng như kinh tế, Bảo tàng tỉnh đã chuẩn bị chu đáo công tác an ninh: Gắn 2 camera quan sát, 2 vòng bảo vệ với lực lượng chuyên nghiệp và cán bộ, nhân viên Bảo tàng trực 24/24 giờ.

5 ngày là thời gian ít so với số lượng và giá trị các cổ vật trong cuộc trưng bày lần này. Những người làm công tác tổ chức cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi chưa thực hiện việc quảng bá, tuyên truyền sớm để đông đảo người dân tìm đến. Vì lẽ đó, mặc dù có hàng nghìn lượt người đến xem song vẫn còn rất nhiều người không đến được với cuộc trưng bày. Dẫu vậy, có thể nói, cuộc Trưng bày cổ vật tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh là dịp để người dân tìm lại quá khứ, hiểu rõ hơn về chiều dài văn hoá lịch sử của dân tộc Việt Nam nói chung và vùng Kinh Bắc nói riêng. Đặc biệt, những hiện vật ấy còn cho thấy sự tài hoa, khéo léo cùng với sức sáng tạo phi thường của cha ông xuyên suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc từ văn hoá Đông Sơn, Phùng Nguyên đến nay, để mỗi người dân Bắc Ninh – Kinh Bắc thoả sức tự hào với truyền thống văn hiến của quê hương.

Sân chơi cho người yêu cổ vật

Ông Nguyễn Việt Dũng, 42 tuổi, đường Thiên Đức, Vệ An, thành phố Bắc Ninh

Tôi yêu thích sưu tầm từ nhỏ nhưng phải từ 10 năm nay mới có điều kiện thực hiện niềm đam mê ấy. Công việc chính là kinh doanh nên tôi đi nhiều nơi, do đó thu thập được một số lượng khá lớn cổ vật. Hiện tại tôi sở hữu khoảng 700 hiện vật, trong đó tôi đặc biệt đam mê gốm thời Lý - Trần, nếu tính riêng Thạp hai triều đại này tôi có 10 chiếc lớn, nhỏ. Tôi nghĩ việc ra đời của Hội sưu tầm và nghiên cứu cổ vật Kinh Bắc sẽ giúp những người yêu đồ cổ như tôi có một sân chơi để giao lưu đồng thời có thể học hỏi kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu cổ vật.

Tôi tâm đắc bộ sưu tập tiền từ thời Đinh đến nay

Ông Nguyễn Văn Thạo 44 tuổi, phố Nguyễn Huy Tưởng, Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh

Hồi nhỏ khi còn đi học tích luỹ bút viết các loại, tôi đã nghĩ mình sẽ theo đến cùng niềm đam mê sưu tầm. Giờ đây, sau hơn 10 năm đi khắp nơi và thu thập tất cả những gì tôi nghĩ là cổ, quý, tôi càng củng cố “tình yêu” của mình với cổ vật. Từ Thái Nguyên cho đến Bắc Kạn, Lạng Sơn... tôi đã “lượm lặt” cho mình được hàng trăm cổ vật, trong đó tôi đặc biệt tâm đắc bộ sưu tập tiền đầy đủ các triều đại từ nhà Đinh đến nay. Vì yêu thích cổ vật nên tôi tự tìm tòi trong sách báo và học hỏi các nhà nghiên cứu để hiểu nhiều, hiểu sâu và đánh giá chính xác giá trị của cổ vật.

Chơi đồ cổ là tìm về vẻ đẹp của mỹ thuật quá khứ

Ông Dương Minh Chính, đường Nguyễn Gia Thiều, TP Bắc Ninh.

Đối với tôi, chơi đồ cổ là tìm về vẻ đẹp của mỹ thuật trong quá khứ và sưu tập đồ cổ chính là sưu tập mỹ thuật cổ. Sau 20 năm sưu tầm đủ loại đồ cổ như: đồ đá, đồng, đất nung, sứ, gốm… dần tôi thấy say mê đồ đồng và đồ đá hơn cả bởi nó không những có giá trị lịch sử về thời gian mà còn mang vẻ đẹp hấp dẫn đặc biệt, hiếm và độc đáo. Hiện tôi đang sở hữu hơn 200 hiện vật đồ đá và đó là thế mạnh của tôi. Việc sưu tầm và nghiên cứu của tôi có nhiều thuận lợi vì vợ tôi là một người rất gần gũi, thích đồ cổ và có trình độ chuyên môn về ngành bảo tồn bảo tàng. Việt Nam có một nền văn minh đồ đá cực kỳ rực rỡ nhưng số người thích sưu tầm và nghiên cứu về đồ đá ở nước ta còn hạn chế bởi dòng hiện vật này khó chứng minh được thời gian, niên đại. Vì thế, ấp ủ lớn nhất của tôi là cố gắng làm sao xác định được địa chỉ - nơi phát hiện ra đồ vật, từ đó tôi sẽ tìm hiểu độ phong hóa, bề mặt thời gian và liệt kê đầy đủ lý lịch quá khứ của hiện vật để chứng minh cho mọi người, nhất là các nhà khoa học khảo cổ đầu ngành trong nước đồng thuận, công nhận giá trị các cổ vật mà tôi đang có.

No comments:

Post a Comment