Thứ sáu, 03/08/2012 - 09:29
Sông Đuống (Thiên Đức) - chi lưu của sông Hồng chưa đầy 70 km, chảy qua địa phận Bắc Ninh. Hàng trăm năm đã đi qua, dòng Đuống vẫn lấp lánh, nghiêng nghiêng, chở bao huyền thoại, cổ tích cùng cả những oan khiên lịch sử… bồi đắp một nền văn hiến, văn hóa đặc trưng cho Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Xuôi dòng sông Đuống, cộng đồng các dân tộc Việt về dâng hương, bái yết tổ tiên Kinh Dương Vương trong ngày hội truyền thống (18 tháng Giêng).
Sông Đuống được xếp vào hàng quán quân của những dòng sông có mật độ di tích văn hóa lịch sử dày đặc. Đó là nguồn tài nguyên du lịch quý hiếm, độc đáo chỉ duy nhất Bắc Ninh có được. Gần đây, song song với việc thực hiện quy hoạch tuyến du lịch “Ven sông Đuống”, tỉnh Bắc Ninh đã khởi động một số dự án trùng tu, tôn tạo các di tích hướng đến phát triển du lịch.
Sông Đuống với nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa
Bắc Ninh - Kinh Bắc là miền đất mà mỗi bước đi đều chạm vào huyền thoại, văn hóa và lịch sử. Nếu Bắc Đuống là vùng đất phát tích vương triều Lý, triều đại khởi đầu nền văn minh Đại Việt, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài của dân tộc thì Nam Đuống lại đậm đặc dấu thiêng, truyền thuyết về “Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân - Âu Cơ là Thủy tổ Việt Nam, mở ra thời đại các Vua Hùng dựng nước làm rạng rỡ non sông đất Việt”. Qua cây cầu Hồ nối bờ Bắc với bờ Nam sông Đuống, chúng tôi về đất Thuận Thành - một vùng đất cổ, đậm đặc truyền thống văn hóa lâu đời, đầy trầm tích và huyền thoại. Thật hiếm có nơi nào như Thuận Thành, chỉ chưa đầy 120 km2 mà có đến ba Thủy tổ: Kinh Dương Vương-Thủy tổ dân tộc, Sĩ Nhiếp-Thủy tổ nền Hán học và chùa Dâu-chùa Tổ của Phật giáo.
Tựa mình bên triền đê uốn lượn, dưới tán cây cổ thụ, Lăng Kinh Dương Vương uy nghiêm với kiến trúc nghệ thuật cổ độc đáo, phần mộ đặt chính hướng Bắc nhìn thẳng ra dòng Thiên Đức cuộn đỏ phù sa. Trong khuôn viên Lăng mộ rộng hơn 20 nghìn m2 còn có nhà tả văn, hữu võ, nhà bàn soạn, nhà trình. Cách Lăng mộ không xa, phía trong đê là Đền thờ Kinh Dương Vương còn lưu giữ rất nhiều đạo sắc phong, thần phả có giá trị. Hiểu một cách đơn giản nhất thì Kinh Dương Vương chính là ông nội của các Vua Hùng. Hàng năm, cứ vào ngày giỗ Vua Kinh Dương Vương 18 tháng Giêng, người dân địa phương lại tổ chức lễ hội để cộng đồng các dân tộc Việt, du khách thập phương xuôi dòng sông Đuống về tri ân, bái yết tổ tiên dân tộc.
Sông Đuống chảy được hơn nửa đường về phía Đông thì gặp dãy núi Thiên Thai đột khởi giữa vùng đồng bằng. Sông núi gặp nhau tạo nên phong cảnh hữu tình nhưng Thiên Thai lại trái ngang chặn dòng, buộc sông Đuống phải lượn vòng. Cũng từ đây, lịch sử dường như có sự chuyển đoạn. Bắt đầu từ chân núi Thiên Thai đến Lục Đầu giang, chỉ một khúc sông ngắn khoảng mươi cây số nhưng dòng Đuống đã oằn mình chở nặng bao nỗi oan “động trời” trong sử cũ.
Đài giọt lệ mới được xây dựng ở Khu di tích Lệ Chi Viên (xã Đại Lai - Gia Bình).
Đầu tiên là nỗi oan của Thái sư Lê Văn Thịnh, người làng Bảo Tháp (Đông Cứu, Gia Bình) bị nghi là “hóa hổ dọa vua” từ hơn 900 năm về trước trên hồ Dâm Đàm (hồ Tây) mà cho đến tận hôm nay vẫn bị “sương mù” thời gian che phủ. Cách đền thờ Lê Văn Thịnh chẳng bao xa, là “hiện trường” vụ thảm án xảy ra cách đây khoảng 570 năm đã làm cả gia tộc đại quân sư Nguyễn Trãi, một khai quốc công thần triều Lê điêu đứng. Gần 6 thế kỷ trôi qua, dấu tích vườn vải năm xưa giờ không còn nữa. Khu di tích Lệ Chi Viên (xã Đại Lai, Gia Bình) bây giờ là cánh đồng lúa xanh mướt mát, là những mái ngói thâm nâu và đường làng bê tông uốn lượn. Từ Lệ Chi Viên, đi thêm khoảng dăm phút bằng xe máy đến chùa Đại Bi nằm giữa một vườn cây cổ thụ xanh mát phía ngoài đê thuộc xã Thái Bảo. Nhân vật được thờ trong chùa là danh nhân Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang (Lý Đạo Tái) - một Quốc sư, nhà văn hóa, nhà tư tưởng, nhà thơ lớn đã rơi vào nỗi oan tình nàng Điểm Bích để “Dẫu mà tát cạn Bình Than/ Cũng không rửa được nỗi oan cho thầy”. Tiếp tục xuôi dòng sông Đuống đến khu Lăng mộ và Đền thờ Cao Lỗ Vương (xã Cao Đức) lại gặp ông Nỏ (Cao Lỗ Vương - cha đẻ của “nỏ thần An Dương Vương”) đã phải rửa nỗi oan bằng chính mạng sống của mình…
Nắng chiều sông Đuống nhuộm vàng những vạt ngô, khoai. Con đê uốn lượn chầm chậm đưa chúng tôi tới cửa Lục Đầu giang mênh mông. Trong xôn xao sóng nước, vẳng nghe như lời bàn luận của tướng sĩ nhà Trần ở hội nghị Bình Than tìm kế sách chống quân xâm lược thuở nào.
Bờ sông Đuống không chỉ dày đặc di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu cấp Quốc gia, lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống quy mô vùng miền mà bên vùng đất Nam Đuống còn tụ hội nhiều làng nghề thủ công truyền thống độc đáo như: nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, đúc đồng Đại Bái, nghề gốm Luy Lâu, Tranh tre Xuân Lai… Du lịch sông Cầu có những làn điệu Dân ca Quan họ thì tuyến du lịch sông Đuống đặc biệt bởi nghệ thuật dân gian truyền thống như: biểu diễn múa Rối nước, hát Ca trù, hát Trống Quân, Chèo, Tuồng… người dân nơi đây còn sáng tạo, gìn giữ bí quyết chế biến rất nhiều món ăn ngon, đặc sản như: Nem làng Bùi, Đậu phụ Trà Lâm, bánh đúc, cháo thái, tương Đình Tổ…
Ngoài loại hình du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, làng nghề truyền thống còn có cả du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du khảo đồng quê với những trải nghiệm sông nước, trải nghiệm cuộc sống cùng người nông dân vùng Đồng bằng Bắc bộ… Sắp tới, khi các dự án du lịch Lâm viên Thiên Thai, đô thị Rồng Việt hoàn thiện sẽ mở thêm loại hình du lịch vui chơi giải trí, mua sắm cuối tuần…
Đánh thức tiềm năng du lịch, câu chuyện còn dài…
Hiếm có dòng sông nào chở đầy lịch sử, đậm đặc di tích như sông Đuống. Đó là “vùng đất màu mỡ” để khai thác, phát triển du lịch. Anh Nguyễn Xuân Côn, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) mỗi lần gặp lại say sưa, sôi nổi nói về tuyến du lịch ven sông Đuống. Lâu nay, người ta vẫn cứ nghĩ du lịch là phải ăn nhà hàng, nghỉ khách sạn cho nên sự thật là rất ít người nghĩ rằng có thể phát triển được du lịch ven sông Đuống - một Tour du lịch độc đáo, khác lạ và rất đặc biệt, chỉ Bắc Ninh mới có. Tuyến du lịch ven sông Đuống đa dạng nguồn tài nguyên, nên khách du lịch sẽ không cảm thấy nhàm chán. Họ có thể chọn lựa cho mình một tour nhỏ trong số rất nhiều loại hình: Hoặc là chuyến thăm quan, tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa: Thăm chùa Bút Tháp - ngôi chùa cổ kính bên dòng sông Đuống và tận mắt chiêm ngưỡng bức tượng phật Bà nghìn tay nghìn mắt (thời Lê Trung Hưng) - một trong số 30 hiện vật đang được Chính phủ xem xét công nhận là bảo vật Quốc gia, rồi đứng trước chiếc cối xay 9 tầng để thanh thản suy tư, chiêm nghiệm về những triết lý nhân sinh của đạo phật… Tiếp tục men theo đê sông Đuống hành hương về nguồn cội, bái yết tổ tiên dân tộc ở Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương sau đó sang Gia Bình đến thăm Đền Tam Phủ, Bãi Nguyệt Bàn. Hoặc với những ai yêu các danh nhân văn hóa, thích tìm hiểu lịch sử thì chọn tour du lịch về đền thờ Lê Văn Thịnh rồi sang Lệ Chi Viên đi tiếp tới Đền Cao Lỗ Vương. Đặc biệt, với đối tượng là khách quốc tế muốn trải nghiệm cuộc sống người nông dân Việt có thể chọn tour du lịch làng Việt cổ ở Vạn Ninh (Gia Bình).
Để khai thác tiềm năng này, vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030, trong đó, không gian du lịch phía Đông dọc dải sông Đuống với nhiều sản phẩm du lịch đặc thù, được tập trung ưu tiên phát triển. Song song với đó là các chính sách, dự án đầu tư, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa ven sông như: chùa Bút Tháp, Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương, Đền thờ Cao Lỗ Vương, Đền thờ Lê Văn Thịnh, Bãi Nguyệt Bàn, Đền Tam Phủ, Khu di tích Lệ Chi Viên… Đặc biệt, ngành văn hóa đã triển khai thực hiện kiểm kê, đề nghị tranh dân gian Đông Hồ là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; xúc tiến triển khai xây dựng một số điểm du lịch như: Khu du lịch Lâm viên Thiên Thai, Rồng Việt… Qua khảo sát cũng cho thấy, hoạt động du lịch vẫn thường xuyên diễn ra trên địa bàn cả 3 huyện vùng Nam Đuống. Ở từng điểm di tích lại thu hút đối tượng cũng như lượng khách tham quan nhất định.
Song, tất cả mới chỉ ở giai đoạn manh nha và vẫn còn nặng tính tự phát, lẻ tẻ, rời rạc, thiếu tính liên kết. Anh Nguyễn Văn Định, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Bình cho biết: Huyện cũng mới triển khai thực hiện quy hoạch điểm du lịch chứ chưa có Quy hoạch theo tour, tuyến một cách tổng thể và chi tiết. Còn nói như anh Côn thì quy hoạch tổng thể đã có nhưng phải sớm được quy hoạch chi tiết vì không thể chờ khi có du khách đến rồi mới tính việc quy hoạch, bởi lúc đó chắc gì những ngôi làng Việt cổ ở Vạn Ninh (Gia Bình) còn giữ được nguyên vẹn như bây giờ.
Theo Tiến sỹ sử học Trần Đình Luyện, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - người có kiến thức về lịch sử cũng như từng trải qua kinh nghiệm quản lý văn hóa khẳng định: Du lịch ven sông Đuống là một sản phẩm du lịch khá độc đáo và tiêu biểu của vùng Nam Đuống. Tuy nhiên, hệ thống di tích ven sông Đuống hiện vẫn còn khá lộn xộn, chưa được quy hoạch chi tiết, cụ thể. Đó là chưa nói đến sự thiếu quan tâm đầu tư tôn tạo mà thậm chí vẫn còn một số di tích đang xuống cấp nghiêm trọng.
Phát triển du lịch ven sông Đuống, chắc chắn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Đối với du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh, yếu tố con người, hướng dẫn viên, thuyết minh viên được đặt ra hết sức quan trọng mà Bắc Ninh chúng ta lại chưa có sự chuẩn bị chu đáo cho vấn đề này. Cứ nhìn thực trạng các di tích bây giờ sẽ rõ, mỗi di tích chỉ có người cao tuổi được bà con địa phương tin tưởng giao trách nhiệm trông nom, đèn nhang chứ chưa hề có một người thuyết minh hoặc hướng dẫn viên du lịch đúng nghĩa, được đào tạo bài bản. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về các điểm di tích phải được coi trọng để không chỉ khách tham quan du lịch hiểu mà phải làm cho người dân trong vùng nhận thức rõ lợi ích thì họ sẽ hình thành ý thức, văn hóa du lịch… Đánh thức được “vẻ đẹp tiềm ẩn” bên dòng sông Đuống đầy huyền thoại thì sông Đuống sẽ trở thành “dòng sông du lịch” mang đậm nét văn hóa đặc trưng, riêng có của miền Quan họ.
Thuận Cẩm
Source Bac Ninh Online
No comments:
Post a Comment