Wednesday, February 19, 2014

Chuông vàng gác cửa Tam quan - Dân ca Quan họ - Tốp ca



vienncan hue
Published on Jan 22, 2013

Sách cổ miền Kinh Bắc

Thứ Hai, 26/11/2012, 15:50'

Hệ thống thư tịch cổ Kinh Bắc đều làm bằng những chất liệu có độ bền vững cao với thiên nhiên và tác động của con người. Giáo sư Trần Quốc Vượng từng nhận xét Kinh Bắc ở vào trung tâm của văn minh Đại Việt, với sự phát triển nghề làm lúa nước sớm, với những kinh đô Cổ Loa, Luy Lâu, với chữ viết và phật giáo đứng chân và phổ biến...
  
Bia 25 Tiến sĩ làng Kim Đôi.
 
Hệ thống thư tịch cổ Kinh Bắc đều làm bằng những chất liệu có độ bền vững cao với thiên nhiên và tác động của con người.
 
Giáo sư Trần Quốc Vượng từng nhận xét Kinh Bắc ở vào trung tâm của văn minh Đại Việt, với sự phát triển nghề làm lúa nước sớm, với những kinh đô Cổ Loa, Luy Lâu, với chữ viết và phật giáo đứng chân và phổ biến... Quả vậy, hệ thống thư tịch cổ miền Kinh Bắc còn lại đến nay khá phong phú, đa dạng, tương đối lâu bền giúp hậu thế hiểu được cuộc sống xa xưa của cha ông, qua đó là những tinh hoa văn hoá truyền lại. Hệ thống thư tịch cổ chưa được thống kê và khai thác đầy đủ, thậm chí có nơi còn làm thất thoát, nhưng chỉ với số ít lượng thư tịch cổ này được khai thác sử dụng cũng đã làm sáng danh miền quê văn hiến.
 
Ngoài những thư tịch trên chất liệu giấy thông thường như gia phả, sắc phong, thần tích, ta còn thấy có những chất liệu bền vững khác là sách đá, sách đồng và sách gỗ.
 
Sách đá là khắc chữ trên chất liệu đá, còn lại phổ biến hơn cả do sự bền vững của đá, do trị giá vật chất không cao và do sự thiêng hoá trong quan niệm dân gian. Được biết riêng ở huyện Yên Phong đã tổ chức khai thác tương đối toàn diện hệ thống sách đá trong huyện qua công trình đã in Văn bia Yên Phong. Một số địa phương cũng tự tổ chức dịch hoặc bỏ tiền thuê dịch một số bia. Còn lại hầu như chưa được khai thác.
 
Trong địa giới Bắc Ninh hiện nay ta thấy có những bia đá rất lớn như bia trùng tu Văn Miếu tỉnh, bia đền Lũng, bia chùa Bút Tháp. Lại có loại sách đá lớn hơn là cuốn kinh khắc trên tháp Tôn Đức chùa Bút Tháp, tháp mộ sư Minh Hành, người có công chỉ đạo xây chùa Bút Tháp thế kỉ 17 và mang kinh phật thiền tông từ Trung Quốc về chùa. Ngoài ra ta còn thấy sách đá ở cây hương, cầu quán, khánh hoặc trên những viên đá làm vật liệu xây dựng.
 
Một trong những cuốn sách đá có niên đại sớm là bia trùng tu đình xã Mão Điền, Thuận Thành, dựng năm 1587 thời Mạc. Qua bia này ta đọc được thông tin về quy định mức góp tiền tu sửa đình, 38 quan sẽ được bầu làm hậu thần, thu tô ruộng công điền 4,8 thăng thóc 1 mẫu, tên hậu thần và cách lập khoán ước bầu hậu thần...
 
Bia trùng tu đền Đô dựng năm 1604 khi nhà Lê mới trung hưng cho biết lịch sử nhà Lý, những người có công trùng tu đền, những quy định bảo vệ đền và các lăng mộ nhà Lý. Ý nghĩa lịch sử của vương triều Lý đã được khẳng định từ thời đó như sau: Thế nước thật vững vàng, chủ trương giữ nước chu đáo, vun đắp tình đoàn kết dân tộc. Dẫu thời vận đã hết, công đức ấy phải duy trì để người nước Nam đời đời ghi nhớ, phải dựng đền thờ cúng để toàn dân tôn kính báo đền công đức Lý triều. Bia chùa Bút Tháp khá phong phú để lại rất nhiều thông tin về ngôi chùa và quá trình xây dựng. Riêng bia Phụng lệnh chỉ do thiền sư Minh Hành soạn văn ở chùa Bút Tháp viết rằng: Than ôi! Ta vốn là kẻ nghèo hèn ở đất Hu Giang, biết bao giờ gửi tinh chất vào toà sen thượng phẩm. Ngoảnh mặt vào tường, đứng trong tuyết lạnh, ấn tổ theo đó thêm sáng; lưng đeo đá nặng giã gạo đêm khuya. Y bát từ đây kế truyền. Một niệm Di Đà sáng soi thế giới ba ngàn đại thiên; Luận bàn Phật điển phô bày nghĩa lí sáu đời lục tổ. Qua lời văn này khẳng định chùa đây là một nhánh của thiền tông Thiếu Lâm mà thiền sư Minh Hành chính là một vị tổ. Bia cầu Bái Giang dựng năm 1644 có những lời luận sâu sắc về công việc dựng cầu và lời văn rất bay bổng: Cầu cao to vắt ngang sông, người xem có cảm giác như trụ cầu ở giữa dòng mà thân cầu lại bắc tận mây. Những trụ những xà của cầu trông như ngọc, trăng soi gió thổi, nắng không đến mà đất cũng không nhuốm tới được. Làng xa mã, khách công khanh cho đến người buôn bán, khách lữ hành, kẻ làm ruộng qua qua lại lại trên cầu như đi vào cõi nhân thọ. Chiếc cầu đã điểm vào chỗ thiếu của tạo hoá góp vào chỗ không đủ của trời đất.
 
Sách đồng là văn bản khắc trên chất liệu đồng, như chuông, khánh, đồ thờ và sách bằng giấy đồng. Văn bản chuông chùa Long Châu ngoài cho biết niên đại đúc chuông còn cho biết các địa phương và cá nhân hàng phủ cúng tiền cho địa phương sở tại làm chuông. Như vậy ý nghĩa của việc đúc chuông có tính xã hội rộng lớn. Cuốn sách đồng chép kinh Lăng Hoa Nghiêm cất ở tháp Tôn Đức chùa Bút Tháp lại là một cuốn sách hoàn chỉnh bằng giấy đồng. Do đồng là loại vật chất có giá trị cao nên việc bảo quản loại sách này khá khó khăn và còn lại đến nay không nhiều.
 
Sách gỗ là loại thể hiện văn bản trên chất liệu gỗ, có thể viết chữ lên gỗ, có thể khắc chữ lên gỗ. Gỗ thường được xử lí công nghệ cao là sơn then hoặc sơn son thếp vàng. Kiểu dáng gỗ cũng làm hình thức đẹp, như các bức hoành phi, câu đối, cuốn thư. Cũng có khi chữ khắc kèm tranh và trở thành một bộ phận của tranh, như các bức tranh làng Hồ. Ở Bắc Ninh hiện còn lưu giữ được một số bộ sách gỗ nguyên vẹn, đó là các bản khắc sách Cổ Châu phật bản hạnh thế kỉ 18 ở chùa Dâu. Do chất liệu gỗ có thể bị mối mọt, bị cháy, bị chuyển mục đích sử dụng nên độ bền vững không cao, tuy nhiên gỗ dễ kiếm, nghề mộc sơn ta khá thịnh nên sách gỗ hiện còn vẫn nhiều, tới tận gia đình riêng. Lượng thông tin sách gỗ đem lại khá phong phú. Đáng chú ý là dòng chữ khắc ở bệ pho tượng Phật Bà Quan Âm nghìn tay nghìn mắt chùa Bút Tháp cho biết tác giả pho tượng là Giao Thọ nam Trương tiên sinh, làm xong năm 1656. Chùa Tùng Lâm, chùa Đại Bi, chùa Khánh Lâm đều có sách gỗ chép thơ vịnh cảnh. Nhiều câu đối có nội dung ca ngợi danh nhân sâu sắc, tiêu biểu như câu đối đình Đình Tổ ca ngợi Lê Văn Thịnh:
 
Đông nhạc giáng thần, vi lương sứ, vi sư, vi tướng, quán cổ nguy khoa truyền Lý sử
Nam triều hiển thánh, như tường vân, như tinh, như nhật, ức niên linh tích trấn liên đàm
 
Hay câu đối miếu Âm Hồn ca ngợi bà ba Cai Vàng:
 
Tiểu cát phục nhung y kị mã huy kì danh trấn anh hùng nhân Kinh Bắc
Xuất gia quy thiền phái chiêu kinh tịch kệ giác chân đức độ phật Như Lai.
 
Tạm dịch:

Thân gái yếu đuối mà làm tướng giỏi, nổi tiếng là anh hùng của đất Kinh Bắc
Khi tu hành theo đạo Phật chăm đọc kinh kệ, thông hiểu hết đức độ của phật tổ Như Lai.
 
Ngoài ba loại sách kể trên, miền quê Kinh Bắc còn loại sách cổ bằng nguyên liệu vữa tốt đắp ở các cột đồng trụ, ở cổng, ở tường, có khi là vữa nguyên, có khi được dán mảnh gốm nhiều màu. Loại sách này thay cho sách gỗ vì trưng ở ngoài trời, chịu được mưa nắng gió bão của thời gian. Loại hình này gần đây được các nghệ nhân gốm Bát Tràng vận dụng làm sách gốm tráng men, vừa đẹp vừa bền. Sách gốm đã được trưng ở đền Đô với bản Chiếu dời đô và một số câu đối ở cột đồng trụ.
 
Sách cổ mặc dù chưa được khai thác sử dụng hết, nhưng chỉ sự tồn tại rất phong phú của nó đã nói lên nhiều điều về một miền quê giàu truyền thống văn hoá, quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc.
 
theo Phạm Thuận Thành-BBN
 

Tuesday, February 18, 2014

Ngựa trong điêu khắc Kinh Bắc

Thứ sáu, 24/01/2014 - 09:29
 
Ngựa trong điêu khắc Kinh Bắc
 
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, ngựa gắn bó trung thành với con người trong cuộc sống và đã trở thành nguồn cảm hứng nghệ thuật. Có lẽ, hình tượng ngựa xuất hiện sớm nhất trong văn hóa tâm linh dân tộc Việt, đặc biệt với người Kinh Bắc là ngựa sắt hý ra lửa khiến giặc Ân bạt vía kinh hồn, sau khi chiến thắng, Thánh Gióng - nhân vật kỳ vĩ thuộc đời Hùng Vương thứ 6 đã cùng thần mã bay vào trời xanh.
 
Ngựa ở cửa võng đình Diềm (Hòa Long - TP. Bắc Ninh).        
Con ngựa sắt khổng lồ do Phù Đổng Thiên Vương cưỡi đã phản chiếu sự hân hoan của tổ tiên ta khi tìm thấy sắt và kỹ nghệ luyện rèn sắt thành những sản phẩm có kích thước hoành tráng và tinh xảo. Những bằng chứng khảo cổ học khai quật ở nhiều nơi trong vùng văn hóa Kinh Bắc đã cho thấy rằng: tại tầng đất thuộc thế kỷ IV trước Công nguyên có rất nhiều sắt. Đến thời Lý thì con ngựa có huân công trong việc quy hoạch xây dựng kinh đô Thăng Long là con ngựa trắng ở đền Bạch Mã (Thăng Long - Hà Nội). Khi Lý Công Uẩn - vị vua đầu tiên Nhà Lý thiên đô từ Hoa Lư ra Đại La, ông cho tu sửa lại thành cho xứng với tên gọi mới: Thăng Long “kinh sư bậc nhất của đế vương muôn đời”. Nhưng lần nào cũng vậy, dân chúng vừa đắp xong thì thành lại bị sụp đổ. Vua bèn làm lễ cầu thần Long Đỗ và chợt thấy con ngựa trắng từ trong đền đi ra, dạo quanh thành một vòng, đi tới đâu để lại vết chân tới đó, cuối cùng quay lại đền thì biến mất. Vua cho là điềm Trời mách bảo nên cứ theo vết chân ngựa mà đắp thành không bị sụt lở. Tạ ơn thần linh trợ giúp, vua cho tạc tượng ngựa trắng để thờ, đặt tên đền là “Bạch mã linh từ”; sắc phong cho thần Long Đỗ làm “Quốc đô định bang Thành hoàng đại vương”, “Quảng Lợi tối linh thượng đẳng thần”.      
Ngựa trắng ở đây là một biểu hiện cho “linh khí ” đất nước, sự “hóa thân” của đức Phật. Nhờ “âm phù”, vua Lý Thái Tổ - người tôn Phật giáo là quốc giáo đã mở mang kinh đô bền vững theo quy luật phát triển tự nhiên (vết chân ngựa - tượng trưng cho sự vận động của Mặt trời: Từ Đông sang Tây tạo thành trục thần đạo sáng láng). 
Sau Bạch mã là đôi ngựa ở chùa Phật Tích (Tiên Du - Bắc Ninh), được chế tác khoảng giữa thế kỷ XI, bằng đá nguyên khối vùng Đông Triều (Quảng Ninh). Đôi ngựa nằm ngang hàng với các cặp voi, sư tử, trâu và tê giác. Hai con ngựa này béo tốt tạo nhiều khối căng tròn biểu hiện sự no đủ, sung túc. Đầu ngựa tạc chân thực, ngoảnh nhìn về phía đường đi. Bờm ngựa dài chải mượt rẽ đều về hai bên gáy. Kích thước ngựa gần như voi (1,17m x 1,43m x 0,7m), tư thế cũng quỳ sụp xuống đài Sen như voi nhưng tư thế chân hơi khác: Hai chân trước gập gối về phía sau, hai chân sau gập gối về phía trước, các móng guốc áp sát mặt bệ sen.
Ngựa còn xuất hiện trên đài sen, có nghĩa con vật tượng trưng cho tâm ý bồng bột lăng xăng đã được Phật giác ngộ, tự nguyện chở kinh đi khắp nơi để Phật giáo hoá chúng sinh. Ngựa thờ bằng gốm men thời Lý cũng được tìm thấy ở chùa Phật Tích.
Nói đến ngựa trong điêu khắc thời Lý không thể không nhắc đến “ngựa đá của giặc Ân” trên sườn núi Châu Cầu - Thất Gian (huyện Quế Võ). Ngựa đá có cánh như cánh Thiên Nga này được chạm theo phong cách Champa. GS sử học Trần Quốc Vượng đã “liên tưởng ngay đến hình ngựa Trà Kiệu. Ngựa Châu Cầu cũng như ngựa Trà Kiệu là biểu tượng môn thể thao Hất Phết (một trò chơi thế tục hoá tín ngưỡng mặt trời) rất thịnh hành ở Champapura và Đại Việt các thế kỷ X - XIII ”. Dấu tích ngựa đá, cột đá chứng tỏ rằng trên núi Châu Cầu - Thất Gian từng có một công trình chùa chiền chung đúc nhiều tài nghệ thợ thủ công Việt - Chăm.
Tại đền Đô (Đình Bảng - Từ Sơn) - nơi thờ 8 vị vua Nhà Lý, trên ván nong, phía dưới bao lơn của hàng cột cái và cột con chạm “Bát mã quần phi” (Bầy ngựa tám con đang phi) với các dáng điệu rất sống động: ngựa phi, ngựa lồng, ngựa nô rỡn, gặm cỏ, uống nước. Bức phù điêu phản ánh được đời sống thanh bình, phong lưu mã thượng của vùng đất Kinh Bắc - quê hương của các triều vua Lý.
Thời Lê-Trịnh,  ngựa được triều đình rất chú ý, Chúa Trịnh Căn đã có thơ vịnh: 
Danh ấy âu lên tót giá cao
Gấp hơn vật loại biết dường nào
Mình dường lân phượng gìn vẹn tốt
Vẻ tựa vân long điểm xuyết vào...
Trong điêu khắc, hình tượng ngựa sinh động, độc đáo và đa dạng hơn. Thế kỷ XVII, phổ biến nhất là loại ngựa thờ như “Vân mã” (ngựa bay trên mây) hay các loại ngựa bạch, ngựa hồng để biểu hiện cho cặp phạm trù  âm - dương, nóng - lạnh, nước - lửa. Ngựa trở thành con vật linh thiêng mang đôi cánh hình ngọn lửa hay dải cờ đuôi nheo ở hai chân trước. Ngựa chạm trên hương án chùa Bút Tháp (Thuận Thành) là một điển hình. 
5 bức phù điêu ngựa đá ở chùa Bút Tháp gây ấn tượng cho người thưởng ngoạn: bức chạm ngựa độc, bức chạm ngựa đàn, bức chạm ngựa đuổi hươu. Trên lan can phía trước bên trái thượng điện nghệ nhân chạm 2 ngựa chạy nước kiệu, con đi trước quay lại nhìn con phía sau. Cả 2 con ngựa đều có vóc dáng tròn lẳn, dẻo dai, chắc khỏe .
Trên bức lan can cuối cùng bên thành trái cầu đá, diễn tả một bầy 5 ngựa trên một bãi cỏ rộng: con nhởn nhơ gặm cỏ, con đưa chân gãi mép, con  tung tăng chạy nhảy, con đưa chân đá bạn, con khác thì nằm ngửa giơ 4 vó lên trời.
Bức đầu hồi thượng điện và bức mặt ngoài lan can phía bên trái cầu đá đều là đề tài ngựa đuổi hươu. Đẹp hơn cả là bức chạm trên cầu bởi thể hiện được không khí sôi động của cuộc rượt đuổi. Ngựa và Hươu đều nhảy bổ từ trên cao xuống, con nào cũng rướn mình, sải dài chân mà chạy. Để diễn tả tốc độ “nhanh như gió, như chớp”, nghệ nhân đã tạo thêm nhiều dải mây quấn trên thân con vật, các dải mây đều lướt về phía sau. Đây là một trong bức chạm đá xuất sắc nhất của chùa Bút Tháp.
So với các tác phẩm điêu khắc về ngựa thì bức chạm ở chân cửa võng đình Diềm (Hòa Long - TP. Bắc Ninh) cũng thuộc loại “hiếm có khó tìm”. Dân gian có câu: “chớ mó dái ngựa” kẻo nó đá chết người, thế mà nghệ nhân xưa rất hài hước, dí dỏm khi tạc cảnh một người đàn ông đứng bên ngựa, dưới bụng ngựa lại có một người đang sờ vào bộ phận sinh dục con ngựa. Phải chăng, bức phù điêu thể hiện tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp cầu cho vạn vật sinh sôi?
Đến thế kỷ XVIII, nếu hình tượng ngựa ở lăng Dinh Hương (Hiệp Hòa - Bắc Giang) đậm chất hiện thực thì hình tượng ngựa ở Từ Vũ - một di tích lịch sử văn hóa Quốc gia của họ Trương ở Như Quỳnh (xưa thuộc phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc) lại vượt hình thể bình thường biến thành Long Mã đầu rồng, thân ngựa, vẩy cá chép, chân hươu, đuôi bò - tượng trưng nguồn nước, tư tưởng cứu nhân độ thế.
Đúng là, mỗi thời đại mỗi ý tưởng sáng tạo khác nhau khiến cho nghệ thuật điêu khắc cổ điển Kinh Bắc nảy nở. Di sản quý báu đó cần được bảo tồn cho muôn đời.
Trương Thị Kim Dung
 

Saturday, February 15, 2014

Mùa Xuân trên quê ngoại Nguyễn Du

Thứ sáu, 13/04/2012 - 08:35
 
Mùa Xuân Kinh Bắc, mưa bụi phơ phất giăng tơ khắp trời. Không khí xóm làng như thực như mơ. Thiên nhiên trải bày bức tranh thuỷ mặc. Đến với làng Kim Thiều, tưởng mình trở về với ký ức thi hào Nguyễn Du trong nhịp điệu lách cách như Ả Đào gõ phách ngàn năm của một làng nghề sản xuất đồ gỗ chạm khắc nằm trong quần thể chạm khắc gỗ của phủ Từ Sơn, Đông Ngàn xưa...
 
Một phần của quần thể lừng danh 
  
Miền quê này dễ đưa đẩy tâm hồn du khách nhập vào những làn điệu dân ca Quan Họ ngọt ngào mê đắm, những huyền thoại lịch sử đượm vẻ linh thiêng, những di tích thâm nghiêm. Và nhịp sống nồng nàn hôm nay như mời gọi bước chân vui dạo. Trên những đường thôn ngõ xóm sạch sẽ phong quang dù lát gạch hay đổ bê tông thì những nếp nhà vẫn giữ được nét tươi mát, duyên dáng bên luỹ tre rặng chuối...
 
Tiện nghi sinh hoạt trong các gia đình tương đối đầy đủ: sập gụ, tủ chè khảm trai, ti vi, xe máy, và một số người còn sắm cả ô tô chạy hàng...
 
Mặc dù kinh tế đã khấm khá nhưng người dân Kim Thiều vẫn chịu thương chịu khó sớm khuya và không quên cội nguồn, thuần phong mỹ tục của địa phương từng được gần xa bao đời ca ngợi.
 
Ngôi làng cổ Kim Thiều - quê ngoại của thi hào Nguyễn Du còn có tên chữ là Hoa Thiều, tên Nôm là làng Mấc, thuộc xã Ông Mặc, trấn Kinh Bắc, nay thuộc Hương Mạc (Từ Sơn - Bắc Ninh). Kim Thiều cùng với Phù Khê, Trang Liệt, Đồng Kỵ, Hương Mạc, Vân Hà tạo thành quần thể chạm ngà, chạm gỗ lừng danh ở Kinh Bắc và nước ta.
 
Lượn quanh những ngõ xóm đầm ấm, thanh bình, tâm trí cứ thầm tìm kiếm dấu vết cậu Chiêu Bảy từng sống với người mẹ trẻ xinh đẹp cùng các anh chị em ở quê ngoại thời thơ bé. Cánh đồng Hiên xanh mướt lúa khoai, chấp chới cánh cò trắng muốt trước minh đường nhà thờ họ Trần kia có liên quan gì đến bút hiệu Thanh Hiên của Nguyễn Du?
 
Suốt mấy trăm năm nay, thiên hạ vẫn cho rằng: Nguyễn Du (1765- 1820) -  tác giả “Truyện Kiều” nổi tiếng thế giới là sự hội tụ, thăng hoa linh khí văn chương của hai vùng đất có bề dày lịch sử - văn hoá: Hà Tĩnh quê cha, Kinh Bắc quê mẹ.
 
Họ Trần danh gia vọng tộc 
  
Theo gia phả Nguyễn (Tiên Điền - Nghi Xuân) thì gia đình Nguyễn Du thuộc loại trâm anh thế phiệt, nhiều đời hiển hách “cha con, anh em, chú bác đều là người khoa giáp, làm quan to thời Lê - Trịnh”.
 
Xuân quận công Nguyễn Nghiễm (1707 - 1775) thân phụ Nguyễn Du đã đỗ Tiến sĩ, giữ chức Đại tư đồ Bình nam Tả tướng quân (tức Tể tướng triều đình). 4 chữ “Cổ Kim Nhật Nguyệt” khảm vàng son trên bức đại tự treo ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) là bút tích thư pháp và 2 cây đại hoa vàng trước cửa Thái học là kỷ vật của đại thần văn võ song toàn Nguyễn Nghiễm đối với trường Đại học đầu tiên của nước ta...
 
Họ nội đã vậy nhưng họ ngoại và quê mẹ Nguyễn Du cũng “môn đăng hộ đối” không kém. Nhiều bộ gia phả của các dòng họ làng Hoa Thiều và toàn xã Ông Mặc có ghi chép về gái vùng này vừa đẹp vừa đảm, thường được các triều đại tuyển chọn phi tần. Không chỉ có nghệ nhân giỏi được kén vào cung đình làm đồ mỹ nghệ và trang trí nội thất cho vua chúa mà còn lừng danh khoa bảng, toàn xã có 22 Tiến sĩ kể từ thời Trần đến thời Nguyễn (theo “Danh công truyện ký”). Thời nay số giáo sư, Tiến sĩ trong các lĩnh vực cũng gần gấp đôi con số đó. Tại xã có 11 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia thì 9 di tích thuộc về các dòng họ như Đàm (Đàm Thận Huy), Nguyễn (Nguyễn Giản Thanh), Đỗ (Đỗ Đại Uyên), Nguyễn Hữu (Mai Động), Trần (Trần Ngạn Húc).
 
Ngay tại làng Hoa Thiều, dân gian còn truyền tụng câu chuyện Tể tướng Nguyễn Nghiễm lấy cô thôn nữ Trần Thị Tần làm trắc thất. Sinh ngày 8 tháng 7 năm Canh Thân (tức 24-8-1740) bà Trần Thị Tần - con gái quan Câu kê thuộc đời thứ 9 của dòng họ Trần ở Hoa Thiều. Khi kết hôn, Tể tướng hơn người vợ thứ ba này 32 tuổi. Theo bản gia phả của họ Nguyễn ở Tiên Điền thì Tể tướng Nguyễn Nghiễm có 8 vợ và 21 người con. “Hoa thơm đánh cả cụm”, vợ cả, vợ hai của Xuân Quận ông Nguyễn Nghiễm là hai chị em ruột họ Đặng: Đặng Thị Dương và Đặng Thị Thuyết đều biết hát Ca trù.
 
Bà Trần Thị Tần sinh được 5 người con (4 trai, 1 gái). Anh chị em của Nguyễn Du ra đời với thứ tự: Nguyễn Trụ, Nguyễn Nễ, Nguyễn Thị Diên, Nguyễn Du và Nguyễn Ức. Nguyễn Trụ, con trưởng mất từ nhỏ, Nguyễn Nễ con trai thứ hai hơn Nguyễn Du 4 tuổi. Nguyễn Ức, con trai út.
 
Nguyễn Du sinh ra ở Kinh Bắc và các anh chị em của ông đều sống với mẹ tại Hoa Thiều. Vùng quê này còn là nơi lánh nạn của gia đình anh trai (Nguyễn Nễ - Trương Thị Ngọc Bình) khi triều đình Lê - Trịnh ở thế kỷ XVIII bị biến loan.
 
Trong ngôi Từ đường treo bức đại tự “Tiến sĩ từ”, ông trưởng họ Trần đã cho tôi xem gia phả.
 
Cụ tổ thứ nhất (không rõ tên, sau cháu chắt đặt hiệu là Phổ Khánh) lúc đầu lập cư ở Ngô Trực (Hương Mặc). Khi cụ mất, quan Trần Thái Sử chọn miếng đất ở gò Chử (thôn Cổ Trâu nay thuộc Phù Khê) rộng hơn sào, có núi Thái Sơn làm án, có gò hình thước ngọc. Đúng giờ chính Tý (12 giờ đêm) thì hạ huyệt, mạch theo hướng Tý dẫn vào. Quan Thái sử bảo: Long mạch đắc địa sẽ phát vào đời thứ 5. Quả nhiên, Trần Ngạn Húc sinh năm Giáp Tý (1504) đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất giữ chức Thái Bảo. Thân phụ ngài là Trần Tôn (1472 - 1546) (hiệu Nhiễm Khê) thi hội trúng Tam trường. Vua Lê ra đề thi “Phụng thành xuân sắc phú” thì bài của Nguyễn Giản Thanh xếp thứ nhất, bài của Tiến sĩ Hứa Tam Tỉnh xếp thứ hai, bài của Tiến sĩ Trần Tôn xếp thứ ba. Cụ Trần Tôn được bổ làm tri huyện phủ Ứng Thiên (Thăng Long) và được vua phong Tham nghị, tham chính đại phu. Cụ kết hôn với Trinh Từ Ngọc Uyển (1478 - 1552) con gái cụ Tiến sĩ Nguyễn Giản Liên và là chị gái Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh.
 
Tiến sĩ Trần Phi Nhỡn (tổ đời thứ sáu) làm quan to triều Mạc, mất tại Cao Bằng; là cháu đích trưởng cụ Trần Tôn.
 
Theo sự truyền tụng thì họ Trần (Kim Thiều) là hậu duệ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn - vị anh hùng lỗi lạc của dân tộc đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông (thế kỷ XIII).
 
Trong trận Bạch Đằng, những nghệ nhân họ Trần (Kim Thiều) từng rèn đúc Thiết toả (khoá sắt) để giữ chắc những cọc gỗ lim được chằng dây xích đóng xuống lòng sông cửa biển chặn thuyền chiến giặc.
 
Hồn quê trong danh nhân 
  
Họ Trần danh gia vọng tộc và làng Hoa Thiều đã để lại nhiều kỷ niệm thân thương đối với Nguyễn Du trong quãng đời thơ ấu, hoa niên từ lúc trứng nước đến khi 10 tuổi thì mồ côi cha, 13 tuổi lại chịu thêm tang mẹ. Sau “đại sự” của thân phụ mẫu, cậu chiêu Bảy Nguyễn Du phải rời quê ngoại đến sống với anh trưởng cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản - đại thần trong phủ chúa Trịnh, giữ chức Tả thị lang Bộ Hình, có dinh thự lớn ở phường Bích Câu (Thăng Long), thì Nguyễn Du có nhiều lần trở về quê mẹ, nghe hát quan họ, vãn cảnh thiên nhiên, thắp hương nhà thờ Tổ. Bên bờ sông Hồng, hơn hai trăm năm trước có lần nào nhà thơ lớn thầm nhỏ lệ trước khung cảnh mênh mang sông nước:
 
“Chiều chiều ra đứng bờ sông
Trông về quê mẹ mà không có đò”
 
Cũng như bao người khác sau khi đọc thơ chữ Hán và Truyện Kiều, tôi cứ thầm hỏi những điều còn ẩn ức trong tâm khảm về chàng Tố Như và chưa tìm ra được lời giải đáp. Chỉ có điều xoa dịu trái tim thời nay là bậc thày thiên tài thi ca Nguyễn Du đã thừa hưởng “gen” thông minh, tài hoa của dòng họ nội - ngoại đều thành đạt về khoa bảng và không khí sinh hoạt hào hoa, nho nhã với nền học vấn uyên thâm của Thăng Long - Kinh Bắc - Hà Tĩnh. Ông có cuộc sống thăng trầm dâu bể và sự thấu hiểu sâu sắc nhân tình thế thái qua ba triều đại (Lê -Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn). Tất cả những yếu tố ấy đã góp phần tạo nên cốt cách nhân bản và văn tài siêu việt khiến nhân loại thế giới ngưỡng mộ.
 
Trương Thị Kim Dung
 

Nhớ Mãi Khôn Nguôi - Dân ca Quan họ - Minh Thanh



vietnamcultures
Uploaded on May 26, 2010