Monday, February 10, 2014

Du lịch: Ngôi mộ bí ẩn bên sông Đuống

Thứ sáu, 6/12/13, 14:43 GMT+7
Rất nhiều người không biết rằng, ngôi mộ Kinh Dương Vương, thủy tổ nước Việt nằm ngay bên bờ sông Đuống, thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.
Mộ giản dị, đắp trên một gò đất nhìn ra bờ sông, xung quanh là những cây cổ thụ quanh năm xanh tốt. Nhân dân không xây thành lăng mà chỉ xây cao lên bằng gạch cổ, có mái nhỏ che mưa nắng. Rêu xanh màu thời gian. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là ngôi mộ cổ do nhân dân chọn địa thế đẹp, có tụ khí phong thủy, dựng lên như một biểu tượng.
Điều quan trọng là ngôi mộ nằm ở trung tâm thời dựng nước, từng là một thánh địa do chính Kinh Dương Vương chọn. Trên đường đi kinh lý, qua trang Phúc Khang, bộ Vũ Ninh (nay là thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành), nhận ra thế đất quý, có tứ linh long, ly, quy, phượng, có sông núi bao quanh, rồng chầu, hổ phục, ngài đã đem những cư dân Việt cổ quy tụ về lập nên xóm làng đầu tiên.
Den-tho-Kinh-Duong-Vuong-tienp-5554-2865
Cổng đền thờ Kinh Dương Vương có bốn chữ Hán đắp nổi Thủy tổ đài môn (cửa đền thờ Đức Thủy Tổ). Ảnh: tienphong
Vùng đất Phúc Khang bắt đầu trỗi dậy sức sống Việt và trở thành vùng đất mang tinh hoa Việt, sau là vùng Luy Lâu nổi tiếng cho đến ngày nay. Ngài còn cho xây nhiều hành cung ở chốn này để quy tụ những hiền tài khắp vùng luận bàn việc non sông xã tắc (theo tác giả Nguyễn Thế Bình).
Theo truyền thuyết, Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam đến núi Ngũ Lĩnh (Hồ Nam, Trung Quốc), đóng tại đó rồi lấy con gái bà Vụ Tiên sau đó sinh được một người con trai tư chất thông minh đặt tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi, làm vua phương Bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam xưng là Kinh Dương Vương.
Theo sử sách nước Việt thì Kinh Dương Vương làm vua và cai trị từ khoảng năm 2879 TCN cách đây 4892 năm. Địa bàn quốc gia dưới thời Kinh Dương Vương rộng lớn, phía Bắc là miền đồng bằng thuộc lưu vực sông Dương Tử giáp hồ Động Đình, phía Nam giáp Lâm Ấp (Chiêm Thành cũ), Tây giáp Ba Thục, Đông giáp biển Đông. Ngay cái tên Kinh Dương Vương đã phản ánh vùng miền nói trên: Kinh là châu Kinh, Dương là châu Dương (nay thuộc Trung Quốc).
Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sau này Sùng Lãm kế vị, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai (con của Đế Nghi), tên là Âu Cơ.
Huyền thoại Âu Cơ sinh trăm con trai, bắt nguồn từ một sự thật là vùng đất sinh ra người con gái xinh đẹp hiền hòa làm vợ Lạc Long Quân thuộc địa phận quận Ích Dương thời xưa có nhánh sông Âu Giang, nơi sinh sản giống chim Âu, có hàng đàn chim Âu bay lượn trên trời. Nhân dân lấy tên chim Âu đặt tên cho nàng.
Chim Âu đẻ trứng. Người đời sau lấy việc đẻ trứng của chim Âu làm hình ảnh triết học để tả vị quốc mẫu Âu Cơ đã sinh ra các thế hệ “trăm họ” về sau mang tên “Bách Việt”. Cứ theo truyền thuyết trên thì vua Hùng đầu tiên là cháu nội của Kinh Dương Vương. (Theo các tác giả Lê Quang Châu, Hoàng Tuấn, Nguyễn Thế Bình).
16029db5b-denkinhduongvuong03-5241-13863
Giáo sư Lê Quang Châu biệt hiệu Hồng Nguyên Tử ngồi chơi bên bờ sông Đuống, dưới chân mộ tổ, kể rằng, trẻ con có trò chơi, bắt đầu từ bài đồng dao
“Chi chi chành chành.
Cái đanh thổi lửa.
Con ngựa chết trương.
Ba vương ngũ đế.
Chấp chế đi tìm.
Ú tim bắt được.
Ù à ù ập!”.
Xin giải mã bài đồng dao như sau: Chi chi là chi nọ (trong một tộc họ) nối chi kia. Chành chành là nếu không có chi kế tiếp thì “chành” sang họ trực hệ hoặc đồng tông. “Cái đanh thổi lửa” là biểu hiện thời cổ xưa có ông Toại Nhân dùng dùi đá lấy lửa.
Con ngựa chết trương” là hình ảnh chuyện nhân vật Hiên Viên phản vua Thần Nông, giết vua và mười bốn người, cướp ngôi, tự xưng chính mình là hậu duệ, phạm vào lời nguyền “Bắc Nam không xâm phạm nhau”, gây nên cảnh “người và ngựa chết trương đầy đồng nội”.
Ba vương Ngũ đế”, nói trước về ngũ đế là năm vị tổ của Kinh Dương Vương gồm Đế Thiên (Phục Hy), Đế Thích (Thần Nông), Đế Khôi (Viêm Đế, viêm là lửa), Đế Tiết (Hoàng Đế, vị vua đã phạm lời nguyền), Đế Thức (Thần Đế). Ba vương là ba vua anh em ruột dòng dõi Đế Thức: Vua Minh, vua Lai và vua Long Cảnh. Vua cả tên Minh đã đặt tên nước ta thời ấy là Xích Quỷ, xích là đỏ, màu lửa để chỉ rằng đây là dòng dõi của Viêm Đế, quỷ là một trong 28 ngôi sao, tượng trưng phương nam (không phải quỷ là ma quái).
Chấp chế đi tìm” kể từ Ba vương ngũ đế đã chấp nhận đi tìm một thể chế để có thể xây dựng cơ đồ bền vững. “Ú tim bắt được”, bắt được chế độ liên hiệp trăm họ lại, tạo dựng nên nhà nước Văn Lang. “Ù à ù ập” là tán thán từ tỏ dấu hiệu vui mừng.
Đây là trò trẻ con chơi đã mấy nghìn năm, nó là cách người Việt ghi nhớ chuyện cổ sử. “Uống nước nhớ nguồn” là như thế.
Theo VTC
Source VnExpress

Wednesday, February 5, 2014

Du lịch: Trẩy hội mùa Xuân trên quê hương Quan họ

Thứ tư, 5/2/14, 08:18 GMT+7 
 
Du khách có thể thăm những mái đình cổ kính, lênh đênh trên dòng sông Cầu, sông Đuống thơ mộng và nghe làn điệu dân ca mượt mà, say đắm lòng người trên đất Bắc Ninh.
 
Đường đến và phương tiện đi lại
 
Cách Hà Nội khoảng hơn 30 km, du khách có thể đến thăm Bắc Ninh, nơi nổi tiếng với làn dân ca Quan họ luôn làm say đắm lòng người. Du khách có thể đến đây bất kỳ mùa nào trong năm, nhưng vào mùa Xuân là thời điểm đẹp nhất, khi tiết trời ấm áp và khắp nơi mọi người đều nô nức đi trẩy hội. Để thăm hết các điểm đến ở Bắc Ninh, bạn nên lưu lại đây ít nhất 2 ngày.

Từ Hà Nội về Bắc Ninh bạn có thể đi xe bus hoặc xe khách ở các bến xe Hà Nội, sẽ có lần lượt các điểm đến theo lịch trình tại các bến xe khách như Long Biên, bến xe Lương Yên...
Nếu du khách muốn chủ động lịch trình điểm đến, cũng có thể "phượt" bằng xe máy cũng rất thú vị.
 
Những điểm du lịch
 
den-Do-7066-1390807325.jpg
Đền Đô cổ kính và uy nghiêm. Ảnh: A. Phương
 
Đền Đô tọa lạc ở ngay làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, đền Đô nguyên là Thái miếu nhà Lý, do Lý Thái Tổ khởi dựng năm 1019. Năm 1030, Thái miếu được Lý Thái Tông nâng cấp, mở rộng thành đền thờ Lý Thái Tổ. Nơi đây thờ 8 vị vua triều Lý. Trải qua gần 900 năm tồn tại, với nhiều lần trùng tu tôn tạo, đền Đô đã trở thành một trong những địa chỉ tiêu biểu nhất của quê hương Kinh Bắc.

Lễ hội Đền Đô được tổ chức vào ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm, đúng ngày Lý Công Uẩn đăng quang. Vào ngày lễ này, người dân ở khắp nơi tụ họp, tham gia lễ hội có từ lâu đời để tưởng nhớ về cội nguồn, tưởng nhớ những vị vua đã có công xây dựng đất nước.

Ngoài thăm đền Đô, du khách cũng nên ghé thăm làng Đình Bảng đã đi vào thơ ca, nơi có đình Đình Bảng với kiến trúc độc đáo vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn.
 
Làng Tranh Đông Hồ chỉ cách Hà Nội khoảng 35 km, là làng nghề nổi tiếng về tranh dân gian. Nét dân gian của tranh Đông Hồ nằm ở màu sắc và chất liệu giấy in. Giấy in tranh Đông Hồ được làm từ vỏ con điệp trộn với hồ rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Màu sắc của tranh cũng sử dụng các màu tự nhiên từ cây cỏ. Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới.
 
tranh-dong-ho-1550-1390807325.jpg
Tranh Đông Hồ được làm trên chất liệu giấy dó đặc sắc. Ảnh: A.Phương
 
Làng gốm Phù Lãng nằm bên bờ sông Cầu và có nhiều bến đò ngang tấp nập người qua lại. Với phong cảnh hữu tình, nơi đây có rất nhiều những ngọn núi đẹp và những dòng sông thơ mộng, hiền hòa.

Không tấp nập ồn ã, làng gốm Phù Lãng mộc mạc với những nếp nhà gạch trần bình dị, mái ngói rêu phong cổ kính ẩn hiện bên con đường làng quanh co. Khắp nơi, du khách có thể thấy những dãy dài chum vại, chậu nồi, ấm đất được xếp hàng dài ven đường với đủ hình hài, màu sắc. Gốm Phù Lãng được phủ một lớp men có hoa văn màu da lươn trông vừa thanh nhã vừa bền đẹp.
 
Làng du lịch Tam Tảo, nơi bạn sẽ bắt gặp rất nhiều khung cảnh cổ kính xưa cũ như mái đình với tuổi đời hàng trăm năm, đắm chìm trong làn điệu dân ca quan họ trữ tình hay hình ảnh những cụ cao niên trong làng chăm chú bên bàn cờ tướng. Khung cảnh ở đây dường như rất thanh bình khiến du khách như quên đi những chộn rộn của cuộc sống thường nhật.

Bạn đừng quên dừg chân ở đình làng được xây dựng năm thứ 14 thời vua Gia Long triều Nguyễn (1815). Ngôi đình được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Phía trước ngôi đình là hồ bán nguyệt, có thủy đình là nơi liền anh, liền chị thường hát quan họ trong những ngày lễ hội.
 
gom-vuvanlong-6527-1390807325.jpg
Gốm Phù Lãng nổi tiếng. Ảnh: Vũ Văn Long
 
Làng cỗ chay Đào Xá nổi tiếng khắp vùng bởi sự độc đáo. Mâm cỗ chay làng Đào được sắp xếp, bày đặt trên mâm đan, bát đàn. Tất cả các món ăn đều làm từ sản phẩm của nhà nông. Trong đó, món bánh cắp và cháo cái không thể tìm thấy nơi nào khác ngoài làng Đào Xá.
 
Du thuyền trên sông ở Cổ Mễ, du khách sẽ được đắm mình trong không gian thơ mộng, trên những con thuyền xuôi theo dòng sông Cầu. Ở mỗi bến sông, du khách sẽ được tiếp đón rất nồng nhiệt, sẽ được du ngoạn thăm bãi nhãn, những rặng tre hay những miền sông nước vùng quê trù phú.
 
Về hội Lim nghe hát quan họ vào hai ngày 12 - 13 tháng Giêng hàng năm. Sức hấp dẫn của những điệu dân ca ngọt ngào cùng nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian đặc sắc khiến hội Lim đã trở thành một điểm hẹn mỗi độ xuân về, để rồi mỗi du khách ra về ai ai cũng vấn vương câu hát “Người ở đừng về”.
Anh Phương
Source VnExpress

Monday, February 3, 2014

Tết xưa trong tranh Đông Hồ, Hàng Trống

Thú chơi tranh Tết từ xa xưa đã trở thành một phong tục đẹp của người dân Việt. Nó là một phần không thể thiếu trong không gian của ngày Tết cổ truyền cũng là nơi lưu giữ những giá trị tâm linh sâu sắc.
 
"Cái rộn ràng của những bức múa rồng, tưng bừng của những bức múa Lân, trên nền điệp, giấy điều, như vang vọng một câu ca dao: "nhà nào còn đèn còn lửa/ mở cửa tôi vào/ bước lên gò cao/ có con rồng ấp/ bước xuống gò thấp/ có con rồng chầu/ bước ra đàng sau/ có nhà ngói lợp” của một trò chơi dân gian trong dịp Tết!"
 
Tranh dân gian có thể chơi, treo quanh năm, nhưng có lẽ nó vẫn được thịnh hành nhất trong dịp Tết, khi người ta có một khoảng thời gian dài rộng nhất để thư giãn, để chiêm nghiệm cũng như để thưởng ngoạn. Đề tài về Tết trên các tác phẩm tranh Đông Hồ, Hàng Trống là phong phú nhất.

 
Hình 01: Múa Rồng 

Không phải là sự minh họa về ngày Tết, mà các tranh dân gian này là sự gửi gắm, là lời chúc phúc những gì tốt đẹp nhất cho một năm mới một năm phát tài phát lộc. Bằng những hình ảnh biểu tượng rất dân giã gần gũi nhưng lại chứa đựng những thông điệp ẩn ngữ đầy tính nhân văn. Như Tiến Tài, Tiến Lộc, luôn được người dán ở cổng để mời gọi thần tài đến nhà. Bộ tranh Phúc - Thọ với câu chúc “Phúc Như Đông Hải” và “Thọ Tỷ Nam Sơn”, là những chữ được viết lấy hình sau đó trong các chữ lại được minh hoạ cho nội dung câu chúc. Đây cũng là cách thức chơi thư họa đồng nguyên của người Việt. Nhiều bức chữ Phúc được khắc vẽ một cách rất cầu kỳ có tới 24 hình ảnh về lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, hay trong chữ Thọ có vẽ tới 28 chòm sao. Những bộ tứ bình như Xuân Hạ Thu Đông, hay bốn cô tố nữ, chơi đàn sênh, sáo, nhị lại là một nét tao nhã khác của những bức tranh Tết. Chúng kết hợp với thú chơi cây cảnh, chơi hoa, khiến không gian ngày tết có nét đặc biệt sang trọng khác thường ngày.


Hình 02: Lý Ngư Vọng Nguyệt 

Tuy nhiên, chơi tranh Tết không chỉ là mang niềm vui cho cả năm, mà người Việt chơi tranh còn gửi vào đó những triết lý tế nhị. Tranh Lý Ngư Vọng Nguyệt là một ví dụ điển hình về cái triết lý âm dương. Nó được thể hiện ngay trong cái uốn mình của con cá tạo thành hình lưỡng cực chữ S. Con cá trông trăng ở đây không phải là trông khuôn trăng hiện trên trời, mà là ánh trăng in dưới nước. Sự đối nhau của hai cái vòng tròn đầy ẩn ý này đã kiến tạo nên hai cái nhân của đồ hình lưỡng cực, tức trong âm có dương, trong dương có âm. Cái màu xanh mát mắt, cái hình con cá bơi uyển chuyển có lẽ chỉ là cái cớ để chuyển tải cảm xúc về thiên nhiên, mà cái ý nghĩa về sự hòa hợp âm dương mới là cái ẩn tàng mà người xưa muốn gửi gắm. Nó cũng mang lời chúc cho một mùa Xuân mới hòa hợp thịnh vượng.

Hình 03: Phú Quý.
 
Nếu văn hóa Trung Hoa đề cao chữ hơn tranh, thì tranh Tết Việt Nam cái giản dị hồn hậu chính là biểu tượng của hình ảnh. Hình ảnh mới làm nên cái thần hồn của những câu chúc năm mới. Những đứa trẻ bụ bẫm trong bộ đôi tranh Vinh Hoa, Phú Quý hay lợn đàn, gà đàn. Các dòng chữ Hán xuất hiện trên tranh nhiều khi chỉ mang tính điểm xuyết cho bố cục hay tiêu đề bức tranh. Tuy nhiên cái tiêu đề đó cũng được người Việt diễn “Nôm” cho dễ hiểu dễ nhớ, như Vinh hoa, Phú quí được gọi là em bé ôm con gà, ôm vịt, vừa gần gũi mà cũng rất dễ hình dung. Mặc dầu các tác phẩm này mượn tứ từ các tác phẩm tranh dân gian Trung Quốc, nhưng trên đó người ta vẫn nhận ra cái tâm hồn của người Việt, rất trong trẻo, thuần khiết. Con gà là biểu tượng cho lòng dũng cảm và năm đức tính quí của con người, Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, Con Vịt biểu tượng cho sự sung túc ấm no.

 
Hình 04: Vinh Hoa

Ngoài bộ tranh Vinh Hoa, Phú Quý, còn là bộ đôi tranh Nhân Nghĩa là em bé ôm con cóc, và Lễ Trí là bé gái ôm con rùa. Đây là những tác phẩm hoàn toàn do người Việt Nam sáng tạo nên. Con cóc trong dân gian là con vật nhỏ bé nhưng dũng cảm, nhân nghĩa và tinh khôn, biểu lộ trong cổ tích “Con cóc là cậu ông Giời”. Nên bé trai ôm cóc chính là ôm cái chí khí của cóc, cái nhân nghĩa của cóc, cái gan dạ của cóc. Đồng thời người ta cũng muốn gửi gắm niềm mong ước đứa trẻ lớn lên có được các đức tính tốt đẹp đó. Còn con rùa là biểu tượng sống lâu, cao quí bền vững, nó cũng là con vật nằm trong tứ linh Long - Ly - Quy - Phượng. Hình tượng bé ôm rùa là hình tượng mong gìn giữ một giá trị tường tồn: Lễ - Trí.
 
Cái tết trên tranh tết, không những được thể hiện trên các đề tài của các tờ tranh mà còn thể hiện chính trong các màu sắc của tranh. Như sắc đỏ của son hay chu sa, trên các tranh gà lợn, được coi như điềm may mắn của người Việt. Cái sắc đỏ, sắc tía, trên cái nền điệp óng ánh dường như xua đi cái giá lạnh của mùa Đông. Từ cái sắc đỏ trên những tờ tranh đến sắc hồng trên những bông hoa đào, sắc đỏ trên những đôi câu đối, khiến cho cảm giác Tết trở nên rộn rang.

 
Hình 05: Nhân Nghĩa. 

Nhân Nghĩa. Ngoài ra cái đậm đà của những nét đen, rực của vàng hoa hòe, thẫm của màu lục từ lá chàm, trắng lấy từ vỏ điệp… tuy đơn sắc nhưng khi được in chồng nhiều lớp lên nhau lại tạo nên những hiệu ứng khác, không chói lói mà đầm ấm vui tươi, như cái không khí của Tết vậy. Màu sắc này ngoài giá trị tạo ra những sắc thái hòa hợp tươi mới, mà nó còn là năm sắc của ngũ hành, Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Đầu xuân cũng là thời điểm khởi phát của những nhân tố này, nên sự hòa hợp của chúng trên những tờ tranh dán trên vách cũng khiến gia chủ nhận thêm vào nhà cái không khí bừng khởi của đất trời sang xuân.

Làng Hồ mặc dầu không bán được tranh nhộn nhịp như xưa kia vào những dịp xuân sang tết đến, mà họ túc tắc bán tranh quanh năm cho những du khách về thăm làng. Nghệ nhân Hàng trống chỉ còn duy nhất một hậu duệ biết làm tranh là ông Lê Đình Nghiêm. Và mặc dầu trong những năm gần đây thú chơi tranh Tết của người Việt không còn thuần nhất như cái Tết cổ truyền xa xưa. Các tranh in sẵn của Trung Quốc thay thế cho Vinh Hoa, Phú Quý bằng những tranh em bé ôm thỏi vàng, Lý Ngư Vọng Nguyệt là tranh cá, tranh rồng chế tác bằng vi tính rất hào nhoáng. Tuy nhiên đối với những người sành chơi, thì các tranh dân gian Việt Nam vẫn là những tác phẩm vừa giản dị, mà lại mang những nét đẹp tinh tế. Việc đóng khung tre cho những bức tranh dân gian Đông Hồ là một cách thức mới để họ có thể tìm được sự hoà hợp giữa cái truyền thống và khung cảnh của một phòng khách hiện đại. Nó cho thấy cái chân giá trị, cái tinh cái quí sẽ vẫn luôn được bảo tồn như thể truyền thống luôn chảy trong huyết quản của mỗi con người Việt Nam.

Source http://ourvietnam.org/