Di tích Quốc gia Đình thôn Lương
Toàn cảnh Đình thôn Lương.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thôn Lương là địa điểm hoạt động cách mạng của dân quân, du kích và Việt Minh. Đình cũng là nơi thực dân Pháp sử dụng làm đồn trú quân, lực lượng cách mạng địa phương đã nhiều lần tổ chức đánh địch. Trong kháng chiến chống Mỹ, đình thôn Lương là nơi tập trung, chứng kiến nhiều cuộc giao quân đầy khí thế hào hùng.
Đỉnh nóc mái trang trí hình “lưỡng long chầu nhật”.
Hoà bình lập lại, đình thôn Lương được tu sửa nhiều hạng mục nhưng vẫn giữ nguyên được vẻ cổ kính và sự uy nghi của ngôi đình cổ.
Bức bình phong phía trước đình.
Năm 2006, bằng nguồn vốn xã hội hoá, nhân dân địa phương đã lát lại nền đình, chống mối mọt cho hệ thống cột, dui hoành. Đến năm 2007, làm bức bình phong phía trước đình. Năm 2010 xây cổng nghi môn.
Mái đình với đầu đao cong vút.
Đình có kiến trúc kiểu chữ Nhất. Tòa Đại đình 3 gian 2 chái 2 dĩ, khung đình làm bằng gỗ lim, cấu trúc vì kèo kiểu con chồng giá chiêng, mái lợp ngói mũi hài tựa như những vây cá uốn lượn về 4 phía rồi chụm lại theo các đầu đao cong vút tạo nên vẻ mềm mại cho ngôi đình. Toàn bộ sức nặng của bộ khung mái dồn lên hệ thống 48 cột lớn nhỏ đặt trên các tảng đá xanh, những mảng kiến trúc độc đáo của các chi tiết như vì kèo, xà, bẩy…
Đầu dư được chạm hình đầu rồng, tóc và râu ngược về phía sau.
Tám chiếc đầu dư được chạm hình đầu rồng, tóc và râu ngược về phía sau vươn ra đỡ những câu đầu lực lưỡng, thấp thoáng xung quanh là những chú rồng con luồn lách trong râu tóc rồng mẹ. Phía trên câu đầu những con rường chồng khít theo kiểu con Tam, tạo thành những bức cuốn thư được chạm nổi, chạm thủng, chạm kênh bong các đề tài rồng ổ, rồng mây, hoa lá, xen kẽ là những con thú 4 chân nghiêng ngó rất ngộ nghĩnh, có con tinh nghịch lại ngồi vắt vẻo trên lưng rồng mẹ tạo thành bức tranh sống động, mang cả sức sống của thế giới sinh vật.
Nghệ thuật chạm nổi, chạm thủng, chạm kênh bong tinh tế, tỉ mỉ.
Hầu hết các bẩy tòa Đại đình được chạm nổi hình hoa lá cách điệu mang tính thẩm mỹ dân gian. Riêng các đầu bẩy phía trước thuộc 3 gian chính được chạm khắc hình ảnh những rồng mẹ há miệng ngậm lấy tàu mái, luồn lách trong những đám mây lửa chơi đùa với rồng con. Nhìn chung, nghệ thuật chạm khắc tinh tế tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ ở đình thôn Lương mang phong cách dân gian đình làng Việt vào cuối thế kỷ XVII.
Gian thờ chính trong đình.
Đình thôn Lương thờ Nguyên Phi Ỷ Lan, một người đầy tài năng đức độ, bà là người có tài về chính trị, quân sự, đã từng là nguồn động viên nhà vua đánh thắng quân Chiêm Thành năm 1069. Năm 1077, bà đã cùng với các đại thần nhà Lý gánh vác việc nước đánh đuổi quân xâm lược nhà Tống. Tấm gương kinh bang tế thế đó biểu hiện cho phụ nữ Việt Nam nói chung, bà Nguyên Phi nói riêng, trở thành tấm gương trung liệt, sáng chói cho thế hệ mai sau học tập.
Bức cuốn thư.
Bên cạnh đó, tại đình còn thờ 3 anh em ông Cao Gia: Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, được các triều vua phong tặng “Dực phù Trung Hưng Trung đẳng thần”, là những người có công đánh giặc Chiêm Thành sang làm loạn, giữ bình yên bờ cõi.
Cuốn thư câu đối trong đình.
Hội làng được tổ chức trong 3 ngày từ ngày 30 đến hết ngày mùng 2 tháng 2 Âm lịch vẫn bảo lưu được các phong tục cổ truyền. Ngày 30 nhập tịch, mở cửa đình bao sái đồ thờ tự, mùng 1 chính hội tổ chức rước rồi tế tại đình, ngày 2 tế dã đám.
Đạo sắc phong vua triều Nguyễn ban tặng.
Kiệu cổ trong đình.
Bộ bát biểu trong đình.
Đình là nơi lưu giữ nhiều sự kiện lịch sử, nhiều kỷ niệm của các thế hệ người dân trong suốt quá trình phát triển, hiện còn bảo lưu nhiều cổ vật có giá trị như: thần phả, sắc phong, đồ thờ tự.
Đình thôn Lương được công nhận Di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp Quốc gia tại Quyết định số 34/VH- QĐ ngày 09/01/1990.
Source
"Chi tiết - Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh"
https://bacninh.gov.vn/news/-/details/20182/di-tich-quoc-gia-inh-thon-luong-40947068