Thursday, March 5, 2020

Phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa

Phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa

24/10/2019 22:18 
 
Là sản phẩm văn hóa của làng xã xuất hiện cách đây hàng trăm năm, hương ước, quy ước ở giai đoạn lịch sử nào cũng giữ vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng dân cư. Không chỉ là một thực thể văn hóa tinh thần có giá trị, tồn tại song song với luật pháp mà hương ước, quy ước còn làm phong phú đời sống làng xã, gìn giữ lệ làng phép nước và đặc biệt, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. 
 

Nhờ những quy định cụ thể về các tục lệ ghi chép trong hương ước nên người dân Đồng Kỵ thị xã Từ Sơn (ảnh) qua các thế hệ đều có ý thức gìn giữ, bảo tồn các nghi lễ truyền thống.
 
Có nhiều cách định nghĩa về hương ước, quy ước nhưng có thể hiểu hương ước, quy ước chính là lệ làng được cụ thể hóa bằng văn bản để trở thành công cụ tự điều khiển, tự điều chỉnh của mỗi cộng đồng làng xã. Tên gọi của hương ước, quy ước cũng khá đa dạng, mỗi nơi có một cách gọi khác nhau như khoán ước, tục lệ, hương biên, hương lệ, sổ ghi phong tục... Theo các nhà nghiên cứu, hương ước ra đời vào nửa sau thế kỷ XV và có khoảng hơn 50 cách gọi khác nhau. Xưa kia, tại các làng xã đều có hương ước, một số phường thợ của các làng nghề thủ công truyền thống còn có quy ước riêng. Hương ước các làng không bất biến mà mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lại được điều chỉnh, bổ sung, thay đổi phù hợp.

 Mới đây, tại hội thảo nghiên cứu di sản văn hóa hương ước do Ban Quản lý di tích tỉnh tổ chức, các nhà nghiên cứu thảo luận và đánh giá: Di sản văn hóa hương ước tỉnh Bắc Ninh được chia làm 2 thời kỳ. Thời kỳ trước cuộc cải lương hương chính ở Bắc Kỳ (trước ngày 12-8-1921), các hương ước chủ yếu viết bằng chữ Hán Nôm, có làng viết trên giấy dó và đóng quyển lưu trữ, một số làng khắc lên bia đá, lên gỗ. Từ năm 1921, những quy định cụ thể trong việc cải cách hương ước tại các làng được triển khai đã xóa bỏ nhiều quy định không phù hợp với giai đoạn đầu thế kỷ XX và đó gọi là giai đoạn hương ước thời kỳ cải lương. Sau năm 1945, hương ước ở Bắc Ninh không còn được thực hiện. Những tài liệu ghi chép về hương ước cũng như văn bản hương ước của các làng xã bị thất lạc rất nhiều. Một số ít địa phương còn lưu giữ được bản sao hương ước cổ trước thời kỳ cải cách, tiêu biểu như: Làng Ngọc Trì (Bình Định, Lương Tài); làng Phù Lưu, làng Trang Liệt (thị xã Từ Sơn), làng Phả Lại (Đức Long, Quế Võ), làng Tư Vi (Tân Chi, Tiên Du), làng Yên Phụ (xã Yên Phụ, Yên Phong)...

 Theo thống kê của các cơ quan lưu trữ trung ương và địa phương hiện còn bảo lưu hơn 200 bản hương ước của các làng xã tỉnh Bắc Ninh, trong đó có gần 80 bản hương ước cổ (tính từ tháng 8-1921 trở về trước) và hơn 140 bản hương ước cải lương (tính từ tháng 8-1921 đến năm 1945). Một số cơ quan chuyên môn như Thư viện tỉnh sưu tầm được 68 bản hương ước tại Viện Khoa học xã hội; Bảo tàng tỉnh sưu tầm được 5 hương ước tại các địa phương để bảo tồn, phát huy giá trị. Nội dung cơ bản của hương ước phản ánh về chế độ ruộng đất công; quy định khuyến nông, bảo vệ sản xuất, môi trường; những quy định về tổ chức xã hội, bảo đảm cuộc sống như bảo vệ trật tự trị an, chống thiên tai địch họa, dịch bệnh, bảo vệ và tôn tạo công trình công cộng; quy ước về sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo, tổ chức lễ hội, đình đám, việc cưới xin, tang ma… 

  Lịch sử đi qua, hương ước thời xưa mang theo cả những giá trị tích cực và hạn chế song đó là những di sản văn hóa vô cùng quý báu của quê hương, đất nước và có giá trị nhiều mặt về lịch sử, văn hóa, cơ cấu tổ chức làng xã. Mỗi ngôi làng đều có các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đó là các công trình tín ngưỡng như đình, chùa, đền, miếu, văn chỉ, nhà thờ các dòng họ, nhà thờ và lăng mộ các danh nhân... cùng những phong tục tập quán, nghi thức tế lễ, diễn xướng âm nhạc, nghệ thuật, lễ hội, các làn điệu dân ca, trò chơi dân gian... Tất cả những di sản tiêu biểu ấy tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng của mỗi làng quê và vì thế luôn được cộng đồng làng bảo vệ nghiêm ngặt, giữ gìn chu đáo.

 Khi đề cập nhìn nhận trở lại đối với vai trò hương ước, quy ước trong tình hình hiện nay, nhiều người cho rằng như thế là lạc hậu, không mang tính thời đại. Pháp luật hiện nay ngày càng hoàn thiện và phát huy tác dụng, đủ sức bao quát, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội và giáo dục cộng đồng nên không cần đến hương ước, quy ước nữa. Tuy vậy, thực tế hội nhập quốc tế với sự biến đổi mạnh mẽ về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội cho thấy nhiều mỹ tục và di sản văn hóa làng xã đang dần mai một, một số chuẩn mực đạo lý truyền thống đang có biểu hiện xô lệch... 

 Công cuộc đổi mới ngày nay càng khiến chúng ta phải nhận thức lại về các giá trị trường tồn của văn hóa làng xã, trong đó vai trò của hương ước, quy ước là không thể phủ nhận. Đương nhiên, để hương ước, quy ước mang tính thời đại, có giá trị sử dụng và thiết thực đi vào lòng dân cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với đặc điểm tình hình của mỗi cộng đồng dân cư. Bên cạnh việc thể chế hóa pháp luật, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước thì hình thức và nội dung hương ước, quy ước ngày nay cần có cả những qui định cụ thể, thiết thực, gắn bó với nền nếp sinh hoạt và phù hợp với mọi người trong mỗi cộng đồng làng xã, khu phố. Việc tham khảo, kế thừa tính đa dạng, toàn diện của các bản hương ước truyền thống là rất cần thiết. Bởi nó không chỉ có ý nghĩa khoa học để tìm hiểu cách thức vận hành của những ngôi làng cổ mà còn thiết thực phục vụ xây dựng đời sống văn hóa đương đại, góp phần giáo dục truyền thống, gìn giữ thuần phong mỹ tục, đặc biệt là bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. 
 
Việt Thanh
 

No comments:

Post a Comment