Saturday, August 25, 2018

Tỏa sáng văn hiến Bắc Ninh - Kinh Bắc - Đỗ Thị Thủy

Bắc Ninh – Kinh Bắc nằm ở trung tâm châu thổ sông Hồng, có điều kiện tự nhiên thuận lợi, sớm là “cái nôi” của người Việt cổ, quê hương của những danh nhân, danh tướng tài cao đức trọng, nên được sử sách và dân gian ca ngợi là vùng địa linh nhân kiệt và hàng ngàn năm văn hiến. Trong tiến trình lịch sử dân tộc ta, các thế hệ cộng đồng nhân dân Bắc Ninh đã cùng nhau tạo dựng nên những thành tựu văn hóa vật chất và tinh thần vô cùng to lớn, quý giá. Song tất cả được hội tụ, kết tinh, tỏa sáng ở kho tàng di sản văn hóa và đó chính là nền văn hiến Kinh Bắc – Bắc Ninh.  
       
        Nét văn hiến tiêu biểu đầu tiên của Kinh Bắc – Bắc Ninh phải kể đến hệ thống di tích. Bắc Ninh là 1 trong 10 tỉnh có số lượng di tích lớn nhất nước: Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 1558 di tích thuộc nhiều loại hình, đã có 574 di tích đã được Nhà nước xếp hạng các cấp, trong đó có 04 di tích Quốc gia đặc biệt gồm ( Chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích, đền Đô và khu lăng mộ nhà Lý), 194 di tích cấp Quốc gia, 376 di tích cấp Tỉnh, xếp hạng được 05 nhóm bảo vật Quốc gia gồm (Tượng ADi Đà chùa Phật Tích, tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp, ba pho tượng Tam thế chùa Linh Ứng, tượng Rồng đá đền Lê Văn Thịnh, Bia xá lợi ). Nhiều di tích nổi tiếng nhất nước: Các di tích có niên đại sớm là các di chỉ khảo cổ học thuộc các nền văn hóa từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn, có niên đại trên dưới 4.000 năm như:  di chỉ Chùa Lái, Thùng Lò (Xuân Ổ - Võ Cường); di chỉ Bãi Tự, Tiêu Sơn (Tương Giang-  Từ Sơn); di chỉ Nội Gầm (Dũng Liệt – Yên Phong); di chỉ Quả Cảm (Hòa Long –TP. Bắc Ninh); di chỉ Lãng Ngâm (Lãng Ngâm –Gia Bình); di chỉ Đại Lai (Xuân Lai – Gia Binh); di chỉ Đại Trạch (Trí Quả - Thuận Thành)... Đặc biệt, tại thành cổ Luy Lâu (Thuận Thành), là nơi duy nhất các nhà khảo cổ học đã phát hiện được những khu lò đúc trống đồng với nhiều mảnh khuôn đúc trống thuộc niên đại Đông Sơn - Qua đây khẳng định Bắc Ninh- Kinh Bắc là cái nôi của người Việt cổ.  Nổi tiếng hơn cả là hệ thống di tích đình chùa cổ kính thâm nghiêm với những di tích nổi tiếng như: Chùa Dâu và hệ thống chùa Tứ Pháp ở huyện Thuận Thành là trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta. Thư tịch cổ cho biết, ngay từ đầu Công nguyên, Phật giáo từ Ấn Độ được truyền trực tiếp vào vùng  Dâu – Luy Lâu và dung hội với tín ngưỡng bản địa của người Việt cổ thờ các lực lượng tự nhiên (mây, mưa, sấm, chớp) để có hệ thống chùa Tứ Pháp với các pho tượng được thờ vừa là “Thần vừa là Phật” huyền bí linh thiêng, mang sắc thái riêng của Phật giáo Việt Nam. Đó còn là các Đại danh lam như chùa Dạm, chùa Phật Tích được xây vào thời Lý (thế kỷ 11 – 12): Chùa Dạm thuộc xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, còn bảo lưu được 3 lớp nền móng được kè đá tảng với quy mô rất lớn, những di vật quý giá như: gạch, ngói, đầu rồng, đầu phượng; đặc biệt là cây cột đá chạm rồng hiên ngang đứng giữa trời tượng trưng cho “Vương quyền” và “ Thần quyền” của quốc gia Đại Việt hùng cường. Chùa Phật Tích nằm trên núi Phật Tích thuộc xã Phật Tích, huyện Tiên Du, đầy ắp những huyền thoại về người và thần, còn bảo lưu được pho tượng bằng đá xanh nguyên khối Phật A Di Đà thời Lý là một kiệt tác nghệ thuật về tượng Phật – Đức Phật ADi Đà tọa thiền trên tòa sen, cao gần 3m, nhưng thanh thoát với vẻ đẹp mềm mại của thân hình và nếp áo cà sa chảy nuột, khuôn mặt thánh thiện với đôi mắt khép hờ, nụ cười độ lượng như đang muốn cứu vớt mọi chúng sinh ra khỏi biển khổ khi đến lễ bái kêu cầu; hàng tượng đá 10 linh thú (sư tử, voi, tê giác, trâu, ngựa) tượng trưng cho sức mạnh muôn thú tự nhiên chầu phục trước cửa chùa quy phục Phật Pháp. Chùa Bút Tháp thuộc xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của hai thời Lê – Nguyễn, với các lớp mái ngói đao cong trùng điệp duyên dáng và cây tháp “Báo Nghiêm” cao vời vợi như cây bút vẽ lên trời xanh ngàn năm văn hiến của quê hương. Bắc Ninh – Kinh Bắc còn nổi tiếng với những ngôi đình làng có quy mô bề thế, các lớp mái ngói đao cong uốn lượn bồng bềnh duyên dáng, trên kiến trúc là những bức chạm trổ rồng bay, phượng múa, lân chầu, quy đội thư... tinh xảo nghệ thuật và đã đi vào tiềm thức dân gian bằng những câu ca: “ Thứ nhất là đình Đông Khang/ Thứ nhì Đình Bảng vẻ vang đình Diềm”. Đó còn là những ngôi đền thờ các danh nhân lịch sử, văn hóa có công dựng nước và giữ nước như: đền và lăng Kinh Dương Vương thuộc xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, nơi thờ phụng Thủy tổ dân tộc có công khai mở đất nước; đền Vua Bà làng Viêm Xá, xã Hòa Long, thờ Thủy tổ Quan họ; đền Cao Lỗ Vương thuộc xã Cao Đức, huyện Gia Bình, thờ Tổ sư ngành quân khí; đền Đô phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, nơi tôn vinh Bát vị Tiên Vương nhà Lý có công khai mở nền văn minh Đại Việt; Văn Miếu Bắc Ninh thuộc phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, nơi tôn vinh truyền thống hiếu học khoa bảng và ghi danh gần 700 vị đỗ đại khoa; đền Lê Văn Thịnh xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, thờ “ Trạng nguyên” khai khoa đầu tiên; đền Xà xã Tam Giang, huyện Yên Phong, nơi ghi dấu bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” là bản “Tuyên ngôn độc lập” đầu tiên khảng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc ta... Nhiều di tích với lễ hội lớn mang quy mô vùng, miền như: hội chùa Dâu, hội Lim, hội Diềm, hội Phật Tích, hội Thập Đình, hội đền Cao Lỗ Vương... Hàng năm đã thu hút hàng ngàn vạn khách thăm quan trong nước và quốc tế. Đó còn là hàng trăm ngôi đền, đình, chùa của các làng xã là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng với nghi thức sự lệ  (sóc, vọng, thượng nguyên, kỳ an...) và lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm, ở đó đã hội tụ, kết tinh và tỏa sáng bề dịch lịch sử, văn hóa, những thuần phong mỹ tục của quê hương, đất nước.
 
      Bắc Ninh còn nổi tiếng là cái nôi yêu nước cách mạng: Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, nhiều sĩ phu yêu nước người Bắc Ninh đã anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược như: Hoàng Văn Hòe, Dương Khải, Ngô Quang Huy, Đội Văn... Tiêu biểu là Nguyễn Cao người thôn Cách Bi, xã Cách Bi, huyện Quế Võ, đã chỉ huy nghĩa quân đánh bại quân Pháp ở nhiều nơi như: Siêu Loại, Gia Lâm, Hà Tây, Hà Nội... Khi bị rơi vào tay giặc ông đã tự rạch bụng nhổ máu vào mặt giặc, giữ vững khí tiết yêu nước quật cường. Đầu thế kỷ XX, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã đem ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lê nin vào phong trào yêu nước của Việt Nam, Bắc Ninh là nơi sớm có các chiến sĩ cộng sản tiền bối xuất sắc  của Đảng có công gây dựng cơ sở và phong trào các mạng cả nước như: Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Lê Quang Đạo, Hoàng Quốc Việt...  Trong kháng chiến chống Pháp, Bắc Ninh từng là nơi căn cứ địa cách mạng, nơi Trung ương Đảng hoạt động, hội họp, lãnh chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phát xít Nhật, ra bản Chỉ thị lịch sử “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”; nơi 18 lần vinh dự được Hồ Chủ Tịch về thăm và làm việc. Đó còn là sự cống hiến hy sinh hết mình về sức người sức của của nhân dân Bắc Ninh trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, bảo vệ  biên giới phía Bắc và Tây Nam của Tổ quốc.   
              
          Bắc Ninh còn là cái nôi của Nho giáo, nơi Sĩ Vương mở trường dạy chữ nho đầu tiên. Trải ngót ngàn năm khoa bảng phong kiến, xứ Kinh Bắc nổi tiếng là đất học với gần 700 vị đỗ đại khoa, hàng nghìn cử nhân, tú tài, được sử sách và dân gian ca ngợi là vùng quê của “ giỏ ông đồ, bồ ông cống, đống Trạng nguyên, thuyền Bảng nhãn” và để lại dấu ấn là những di tích về nho học như: Văn Miếu Bắc Ninh, Văn Chỉ ở các huyện, xã có nhiều đỗ đạt; đền, từ đường, nhà thờ của các dòng họ thờ các bậc khoa bảng. Truyền thống khoa bảng của Kinh Bắc có những đặc điểm tiêu biểu như: Người đỗ thủ khoa đầu tiên là Lê Văn Thịnh ( Đông Cứu – Gia Bình); Trạng nguyên đầu tiên là Nguyễn Quán Quang ( Tam Sơn - Từ Sơn); người đỗ Tiến sĩ trẻ nhất nước 15 tuổi là Nguyễn Nhân Thiếp  (Kim Chân – TP. Bắc Ninh); người đỗ Tiến sĩ cao tuổi nhất nước 68 tuổi là Quách Đồng Dần (Phù Khê -Từ Sơn); 13 đời đỗ Tiến sĩ và cha con anh em cùng đỗ một khoa làm quan đồng triều là họ Nguyễn thôn Kim Đôi (Kim Chân – TP. Bắc Ninh); đoạt hết các thứ hạng Tam khôi là làng Tam Sơn (Tam Sơn - Từ Sơn), làng Bịu Thượng  (Hoài Bão – Tiên Du). Các làng có những dòng họ khoa bảng nổi tiếng như: Họ NguyễnVĩnh Kiều (Đồng Nguyên - Từ Sơn), họ Đàm (Hương Mạc), họ Ngô và Nguyễn (Tam Sơn), họ Ngô (Tam Giang), họ Nguyễn (Bịu Thượng)… Nổi tiếng là các vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa sau trở thành các đại thần đi sứ với tài ngoại giao lỗi lạc, xuất chúng như: Thái sư Lê Văn Thịnh người thôn Bảo Tháp ( Đông Cứu – Gia Bình) đi sứ bên nhà Tống đã đòi lại cho nước ta 6 huyện 3 động. Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư thôn Hiền Lương (Phù Lương - Quế Võ) được dân gian gọi là “Quan Trạng” đi sứ sang nhà Minh đã làm cho cả triều đình phải kính phục và để lại nhiều giai thoại nổi tiếng. Đặc biệt nổi tiếng là Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo người thôn Hoài Thượng (Hoài Bão - Tiên Du): ông từng đi sứ sang nhà Thanh, với tài ngoại giao kiệt xuất sự uyên bác về văn chương, thơ phú, khiến triều đình nhà Thanh phải kính phục tôn vinh là “Đệ nhất Khôi nguyên của Bắc triều” và được vua Lê Dụ Tông tặng 4 chữ vàng “Lưỡng quốc Trạng nguyên” còn bảo lưu được tại đền thờ ông ở thôn Hoài Thượng. Đó còn là các vị đại khoa sau trở thành những danh thần bất hủ về lòng trung quân ái quốc, sống anh hùng đánh giặc chết hiển linh làm Thần được sử sách lưu danh, dân gian lập đền thờ phụng muôn đời như: Thượng thư Đàm Văn Lễ, Nguyễn Quang Bật, Nguyễn Tự Cường… Các nhà khoa bảng của cả nước nói chung, của xứ Kinh Bắc nói riêng đã trở thành nguyên khí quốc gia và “rường cột ” vững chắc của đất nước trên mọi lĩnh vực như: Chính trị, quân sự, văn hoá, giáo dục, ngoại giao…đã có công to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc non sông gấm vóc Việt Nam. Họ đã làm rạng rỡ những trang sử oai hùng của dân tộc ta bằng tài năng, đức độ và lòng yêu nước sâu sắc.
 
        Bắc Ninh- Kinh Bắc còn là cái nôi của Phật giáo Việt Nam, ngay từ đầu Công nguyên Phật giáo từ Ấn Độ theo bước chân các nhà tu hành du nhập trực tiếp vào nước ta tại vùng Dâu  (Luy Lâu) tạo nên hệ thống chùa Tứ Pháp là trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta. Từ đây, Phật giáo phát triển, lan tỏa đi khắp các vùng miền trong cả nước. Vì vậy, hệ thống chùa tháp ở Bắc Ninh sớm được hình thành và vô cùng phong phú: Hầu như làng xã nào bên cạch ngôi đình thờ Thần/Thánh là người có công với dân với nước, còn có ngôi chùa thờ Phật nhằm hướng thiện, cầu may; có làng tới 2 -3 ngôi chùa. Các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn những nơi có núi cao, sông dài, cảnh đẹp của tỉnh Bắc Ninh như Phật Tích, Lãm Sơn, Tam Sơn, Tiêu Sơn, Hàm Sơn, Thiên Thai... đều được các vua, chúa, vương hầu quý tộc cho xây dựng chùa tháp, danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, triều đại Lý – Trần đã coi Phật giáo là Quốc giáo và cho xây dựng những Đại danh lam ở những nơi có núi sông cảnh quan tốt đẹp, trên đất Kinh Bắc như: Đại danh lam chùa Phật Tích, Đại danh lam chùa Đại Lãm và nhiều danh lam cổ tự  khác như: đền chùa Phả Lại, chùa Vọng Nguyệt, chùa Trường Liêu, chùa Tiêu, chùa Cổ Pháp...Coi trọng tăng ni và đã có nhiều vị Quốc sư trụ trì ở chùa chiền vùng đất này có công lao to lớn với dân với nước như: Quốc sư Lý Khánh Văn; Vạn Hạnh, Khổng Minh Không, Dương Không Lộ, Thiền sư Huyền Quang... đã có công lao to lớn trong việc xây dựng triều chính, trị nước, an dân.   
 
         Bắc Ninh còn được ca ngợi là “vùng đất trăm nghề” và giao thương buôn bán trong nước và quốc tế. Các nghề thủ công Bắc Ninh thật là phong phú, đa dạng, từ việc sản xuất ra các mặt hàng là công cụ sản xuất, đồ gia dụng, vật liệu xây dựng, đến cả đồ trang sức, đồ mỹ nghệ, đồ tín ngưỡng... Hiện nay, theo số liệu thống kê tỉnh Bắc Ninh có 120 làng nghề, trong đó có 62 làng nghề thủ công truyền thống, nhiều làng nghề nổi tiếng như: Tơ tằm làng Vọng Nguyệt (Tam Giang -Yên Phong); đúc luyện đồng, nhôm, gang, trì  làng Mẫn Xá  (Văn Môn - Yên Phong); gốm mỹ nghệ ( Phù Lãng - Quế Võ); giấy Đống Cao, Châm Khê ( Phong Khê - TP. Bắc Ninh), sắt thép Đa Hội ( Châu Khê - Từ Sơn); mộc gia dụng và mỹ nghệ  Phù Khê, Đồng Kỵ (Từ Sơn); gò đồng Đại Bái (Gia Bình); tre trúc mỹ nghệ làng Xuân Lai (Gia Bình).... Hiện các làng nghề trên, không những tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động, mà còn đó những nghệ nhân, bí quyết nghề nghiệp, dây truyền sản xuất, những sản phẩm không những nổi tiếng trong nước, mà còn có thương hiệu trên thị trường quốc tế.  
 
           Bắc Ninh còn nổi tiếng là vùng đất của văn hóa nghệ thuật dân gian: Quan họ, tuồng, chèo, ca trù, trống quân, rối nước... Không biết từ bao giờ đã có cả những làng chuyên làm nghệ thuật nổi tiếng như:  ca trù (ả đào) làng Thanh Tương, Thanh Khương (Thanh Khương – Thuận Thành), Tiểu Than (Cao Đức – Gia Bình), Thượng Thôn ( Yên Phong); trống quân làng Bùi Xá;  tuồng các làng Tam Lư xã Đồng Nguyên, Đa Hội xã Châu Khê, Phú Mẫn, Trung Bạn (TT.Chờ  - Yên Phong), Định Mỗ (Xuân Lai – Gia Bình); múa rối nước làng Đồng Ngư ( Song Liễu –Thuận Thành); chèo làng Thất Gian (Châu Phong – Quế Võ), Hán Đà, Thị Thôn (Hán Quảng – Quế Võ), Từ Phong (Cách Bi – Quế Võ); tranh dân gian Đông Hồ... Đặc biệt, dân ca Quan họ thì có tới 44 làng quan họ gốc nằm dọc đôi bờ sông Tiêu Tương, Ngũ Huyện Khê và sông Cầu. Với nhiều giá trị lớn trong nước và quốc tế, ngày 30/9/ 2009,  Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO  long trọng công bố là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngay sau khi dân ca Quan họ được vinh danh, ngày 29/11/2010, UBND tỉnh Bắc Ninh có Quyết định số 1663/QĐ – UBND về việc phê duyệt Dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Quan họ Bắc Ninh giai đoạn 1”. Tiếp theo, khi Ca trù được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, ngày 4/7/2013 UBND tỉnh Bắc Ninh có Quyết định số 780/ QĐ –UBND về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể dân ca Quan họ Bắc Ninh và Ca trù giai đoạn 2013– 2020” với kinh phí đầu tư 64.880.000.000 đồng. Công tác kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) được triển khai tích cực, kết quả:đã kiểm kê được 23 DSVHPVT, trong đó lập hồ sơ khoa học cho 8 DSVHPVT tiêu biểu đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm: tranh dân gian Đông Hồ, hát Trống quân Bùi Xá, nghề Tre trúc Xuân Lai, gò đồng Đại Bái, gốm Phù Lãng, gỗ mỹ nghệ Phù Khê, lễ hội Đồng Kỵ, lễ hội làng Diềm. Trò chơi Kéo co làng Hữu Chấp được lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia”. Nhân dân các làng xã là chủ nhân của các DSVHPVT trên được quốc gia và thế giới công nhận đã tưng bừng mở hội đón nhận vinh dự lớn lao này và cam kết nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản của quê hương, đất nước.
 
         Nền văn hiến Bắc Ninh – Kinh Bắc được hội tụ, kết tinh và tỏa sáng ở kho tàng di sản văn hóa  (vật thể và phi vật thể) to lớn, phong phú nói trên. Đây chính là niềm tự hào to lớn, quảng bá về hình ảnh tỉnh Bắc Ninh giàu truyền thống lịch sử và hàng ngàn năm văn hiến; đồng thời là “tài nguyên” vô cùng quý giá của quê hương đất nước, đang được các cấp cấp, các ngành, cùng đông đảo cộng đồng nhân dân các địa phương tỉnh Bắc Ninh cùng vào cuộc với nhiều biện pháp thiết thực để bảo tồn và phát huy giá trị trong công cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế  hiện nay./.
 

No comments:

Post a Comment