Tuesday, March 14, 2017

Theo dấu thơ xưa nơi danh lam, cổ tự

Thứ ba, 01/03/2016 - 15:22

 
Theo dấu thơ xưa nơi danh lam, cổ tự
 
Suốt ngàn năm nay đã có rất nhiều người từ muôn phương đến chiêm bái, nghiên cứu danh lam cổ tự Phật Tích và thả hồn mình bay bổng cùng trời đất, nhân gian trong ngày hội mùng 4 tháng giêng hay những dịp tuần tiết khác. Nhưng ai có thể biết được những thi phẩm viết về nơi nổi tiếng này còn lại là bao và đồng vọng trong tâm tưởng muôn đời ra sao?
 
“Cảo thơm lần giở trước đèn”, có lẽ người đầu tiên làm thơ về Phật Tích là Phật Hoàng Trần Nhân Tông - vị vua anh minh đã lãnh đạo dân tộc ta hai lần chiến thắng quân Nguyên - Mông và sáng lập Thiền phái Trúc lâm Yên Tử mang đậm dấu ấn văn hóa tâm linh Đại Việt ở thế kỷ XIII. Sau khi khánh thành tại chùa Phật Tích một thư viện lớn và cung Bảo Hoa, ngài đã sáng tác tập thơ “Bảo Hoa dư bút” dày tới 8 quyển nhưng tiếc thay trước tác ấy đã mất biệt.
Giờ đây, một thiên niên kỷ trôi qua mà chỉ còn lại vài  bài thơ “vượt thời gian” của  6 danh  gia- thi sĩ trong  đó có 2 tác giả thời Trần (Chu Văn An, Phạm Sư Mạnh), 1 tác giả thời Hồ (Nguyễn Phi Khanh), 3 tác giả thời Lê sơ (Nguyễn Trãi, Vũ Mộng Nguyên, Hoàng Đức Lương).
Tuy sống ở các thời đại khác nhau và đảm đương những chức trách khác nhau nhưng các tác giả đều có chung cảm hứng dạt dào, sâu sắc dành cho Phật Tích.
Trong bài “Dạo chơi đêm trăng trên đường thông ở núi Tiên Du”, Chu Văn An (1292-1370), nhà giáo, thầy thuốc, đại quan nhà Trần (có tượng thờ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám Thăng Long - Hà Nội) đã bộc bạch trạng thái ung dung tự tại khi hòa mình vào phong cảnh sơn thủy hữu tình vô cùng thanh bình, thanh khiết, thanh tịnh của Phật Tích:
Hoãn hoãn bộ tùng đê  
Cô thôn đam ái mê  
Triều hồi giang định quýnh
Thiên khoát thụ vân đê
Túc điểu phiên thanh lộ
Hàn ngư dược bích khê
Xuy sinh hà xứ khứ
Tịch mịch cố sơn tê  
 
(Đủng đỉnh dạo bờ thông
Làng quê bát ngát trông
Nước lui còi bến thoảng
Trời rộng khói cây lồng
Chim đậu tan sương lạnh
Cá bơi vẫy nước trong
Tiếng sênh đâu vắng tá
Hiu quạnh một non không).  
Phạm Sư Mạnh - học trò của danh sư Chu Văn An, người từng được triều đình cử đi tranh biện về vấn đề cột đồng ở biên giới, từng giữ chức Hành khiển tả tư lang trung, Tri khu mật viện sự, Nhập nội nạp ngôn… rất  khéo khái quát cả một tổng thể bồng lai tiên cảnh đượm màu sắc tranh thủy mặc và âm vang những khúc nhạc đồng quê, thiên đường đồng thời ông cũng chân thành bày tỏ thế giới nội tâm rất mực phóng khoáng, phiêu diêu khi “Đi chơi núi Phật Tích ngẫu đề”:
Ngâm tiên từ khách thượng thiều nghiêu
Đạp biến chiêu đề tuyệt thế hiên
Tùng lãng phiên phong hàn động khẩu
Nguyên thần đà bạch lặc sơn yên
Quần phong yên vụ tam thần đảo
Vạn khiển sinh dung cửu tấu thiền
Từ thị quái kỳ lưu thuyết trước
Bồi hồi ngâm bãi hựu xuy tiêu
 
(Ngâm nga thẳng tếch đỉnh cheo leo
Cảnh Bụt lên thăm dứt mọi điều
Lụa vắt sườn non thần núi đặt
Gió lùa cửa động sóng thông reo
Bầy non mây phủ tam thần đảo
Vạn hốc chuông rung chín khúc thiều
Chuyện lạ họ Từ thôi gác bỏ
Ngâm thơ xong lại thổi bài tiêu)
Hình tượng “Gió lùa cửa động sóng thông reo”, “Vạn hốc chuông rung chín khúc thiều” trong thơ Phạm tiên sinh gợi mở cho ta cả một trường liên tưởng về nghệ thuật biểu diễn âm nhạc thời Lý đầy đủ bộ Gõ (Phách, Trống), bộ Hơi (Sáo ngang, Tiêu, Kềnh), bộ Dây gảy (đàn Tranh, Tỳ bà, Nguyệt hay Tam) và bộ Dây kéo (Nhị). Đó là một dàn nhạc gồm 10 người: 2 người thổi kèn, 1 người gõ Phách, 1 người kéo Nhị, 1 người thổi Sáo ngang, 1 người gảy đàn Tranh, 1 người gảy đàn Tỳ bà, 1 người thổi Tiêu, 1 người gảy đàn Nguyệt (hay đàn Tam), 1 người đánh Troáng, đã được chạm nổi cực kỳ tinh xảo trên 4 mặt của những phiến đá vuông mà người xưa dùng để làm bệ kê các cột chùa to lớn ở Phật Tích.
Vào thời Hồ, Hàn lâm học sĩ, Thống chương Đại phu, Đại lý tự khanh kiêm Trung thư Thị lang, Tư nghiệp Quốc tử giám Nguyễn Phi Khanh (1355-1428), thân phụ của vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi chợt ngộ ra nhiều điều về Đời và Đạo trong chuyến “Du Phật Tích sơn đối giang ngẫu tác”:
Bán sinh trần thổ phụ đăng lâm,
Quang cảnh ta đà tiện đáo câm (kim).
Phù thế bách niên chân nhất thuấn,
Cổ nhân phiến lạc trị thiên câm (kim).
Tiền xuyên ngọ nhật bàng hoa hứng,
Nghi thuỷ xuân phong dữ vật tâm.
Ngưỡng chỉ cao sơn hoài nẵng triết,
Giản hà lộ thứ chính u tầm.
 
(Nửa đời gió bụi, phụ cảnh núi sông,
Ngày tháng sa đà, mãi đến ngày hôm nay.
Cuộc đời trăm năm, thực chỉ như một chớp mắt,
Vui chơi một khắc, người xưa đánh giá đến ngàn vàng
Cái thú kề hoa ngắm sông phía trước, trong buổi trời trưa,
Lòng cùng cảnh vật sông Nghi trong gió xuân.
Ngước nhìn ngọn núi cao, nhớ tới những bậc hiền xưa,
Dừng lại bên suối, tìm đúng cảnh thanh u) 
Nối mạch Thi thiền như các bậc hiền triết phương Đông, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi  lặng lẽ quán chiếu tất thảy “hình sắc thanh hương” cảnh vật ngoại giới trong buổi chiều vàng  ở “Tiên Du tự” để tâm mình thấu triệt chân lý “Vô ngôn”, lọc sạch hết mọi hệ lụy, ưu phiền:
Đoản trạo hệ tà dương 
Thông thông yết thượng phương
Vân quy thiền sáp lãnh
Hoa lạc giản lưu hương
Nhật mộ viên thanh cấp
Sơn không trúc ảnh trường
Cá trung chân hữu ý
Dục ngữ hốt hoàn vương.
 
(Bóng xế thuyền con buộc
Vội lên lễ Phật đài
Mây về giường sãi lạnh
Hoa rụng suối hương trôi
Chiều tối vượn kêu rộn
Núi quang, trúc bóng dài
Ở trong dường có ý
Muốn nói bỗng quên rồi)
Thích phân thân, nhập vai vào các nhân vật trữ tình, quan Tham nghị, Hộ bộ Tả thị lang Hoàng Đức Lương - tác giả bộ sách “Trích diễm thi tập” về thơ văn Lý Trần thầm gửi gắm tâm sự Thiền ẩn vào “Du Phật Tích sơn Thiên Phúc tự”:
Tham thắng quyện khước vong,
Lân kì mục bất xả.
Khách lai tăng vị tri,
Thụ hạ xả sơn quả.
Thiềm hạ chẩm thạch miên,
Thụ lão thu âm bạc.
Vô nhân mộng vật kinh,
Không đình sơn diệp
 
(Thăm chùa Thiên Phúc trên núi Phật Tích
Ham ngắm phong cảnh đẹp nên mỏi mệt cũng quên hết,
Vẻ đẹp đáng ngưỡng mộ và kì lạ khiến mắt không rời.
Khách đến mà sư không biết,
Dưới gốc cây rơi rất nhiều loại quả của núi đồi.
Mái nhà thấp, gối đầu lên đá ngủ,
Cây già bóng thu mỏng manh.
Không người trong giấc mộng chợt giật mình,
Sân vắng lá cây trên núi rơi)
Vốn quê Đông Sơn lại am hiểu và yêu mến vùng đất Phật Tích, Tiến sĩ Vũ Mộng Nguyên - người bạn thân của Nguyễn Trãi đã sảng khoái, tự hào viết “Tiên Du sơn” ngợi ca “địa linh nhân kiệt” nơi đây:
“Từ Sơn văn thuyết hữu Tiên Du
 Cao xuất chư phong tối thượng đầu.
Nhân kiệt địa linh truyền tự cổ,
Tinh di vật hoán kỷ kinh thu.
Lạn kha dĩ hĩ hà tu biện,
Kỳ cục du nhiên mạc mạn cầu.
Thừa hứng vãn đăng khoan nhãn giới,
Ngũ vân thâm xứ thị hoàng châu.
 
(Từ Sơn nghe nói có Tiên Du
So với chung quanh núi vượt cao
Người giỏi đất thiêng truyền tự cổ
Sao dời vật đổi trải bao thu
Cán rìu đã nát, cần biện biệt?
Cờ cuộc xa xôi chớ vọng cầu
Chiều hứng lên cao vời phóng mắt
Nơi mây năm sắc ấy Hoàng Châu)


Tựu chung, Phật Tích đã trở thành đối tượng thẩm mỹ để các Danh nhân - Thi sĩ tìm về bản thể Chân như với những rung cảm thăng hoa nhất.
      
“Của thiêng còn một chút này”, hy vọng một mùa Xuân rất gần những sáng tác mang khuynh hướng Thi Thiền kể trên của các tác gia: Chu Văn An, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Hoàng Đức Lương, Vũ Mộng Nguyên sẽ được Nhà chùa và người đời chạm khắc lên “bảng vàng bia đá” trưng bày trong không gian linh thiêng, thơ mộng của di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt Phật Tích để mọi người cùng thưởng lãm. 
 

Trương Thị Kim Dung
 

Wednesday, March 8, 2017

Hình ảnh: Đình Thôn Lương (Đình Dũng Vi) 96-100

Đình làng Lương

Tổng quan

Đình làng Lương (xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) có niên đại thời Lê Trung Hưng năm Chính Hòa thứ 21 (1700). Theo nhà nghiên cứu đình làng Nguyễn Hoài Nam thì đình Lương có nghệ thuật chạm khắc còn đẹp hơn cả đình Đình Bảng. Đây là một báu vật kiến trúc thời Lê Trung Hưng còn ít người biết tới. Vietlandmarks vinh dự được giới thiệu với bạn đọc gần xa bộ ảnh công phu do Nguyễn Hoài Nam và Việt Cường thực hiện ngày 01/01/2015.






More at source Viet Nam Landmarks

Wednesday, March 1, 2017

Câu chuyện đồng hương: Bà Đinh Thị Nhan và họ hàng

Mar. 01, 2017 - 9:29am (Facebook Time)

Như trong bài viết trước đây chúng tôi đã đề cập "Câu chuyện họ hàng: Đinh Thị Nhàn, Đinh Văn Hưng và Đinh Tất Thức" Tuesday, January 17, 2017.

Hôm nay chúng tôi nhận thêm được câu hỏi về bà Đinh Thị Nhan (thôn Giáo) của ông Đinh Văn Thơi (thôn Lương). Xin được mượn đoạn đối thoại dưới đây thay cho lời giải đáp.

Dưới đây là trích đoạn cuộc nói chuyện giữa ông Đinh Văn Thơi, ông Đinh Tất Thức và bà Đinh Thị Liên về bà Đinh Thị Nhan và gia đình... Câu chuyện cũng giúp đồng hương hiểu biết rõ thêm về liên hệ họ hàng.

Những đoạn nói chuyện dưới đây được thực hiện qua KYDV Messenger trên Facebook.

..........

Đinh Văn Thơi:

Anh Thức cho em hỏi thêm một chút thông tin: ông Thơ Thành có một người con là chị Đinh Thị Nhan lấy chồng là Đinh Công Hằng, hiện nay đang sống ở Hồ Chí Minh có phải không?

Đinh Tất Thức:

Chào Thơi. Ông Thơ Thành (Đinh Văn Đan) không có người con nào tên Đinh Thị Nhan.

Thơi có thể hỏi bà Đinh Thị Nhàn (là người thôn Giáo) thêm, vì bà Nhàn cũng có mẹ tên là Nhan sống ở TP. HCM.

Đinh Thị Nhàn (Facebook): https://www.facebook.com/profile.php?id=100012577563843

Đinh Thị Liên:

Cô Đinh Thị Nhan là con gái của Ông Đinh Văn Khảo và Bà Đinh Thị Muối Chú ạ (hiện nay Ông, Bà đều mất rồi) còn cô Nhan hiện đang sống ở TP. HCM Chú ạ!

Cô Nhan là Mẹ của em Nhàn ạ.

Đinh Tất Thức:

Chồng cô Nhan có phải tên là Đinh Công Hằng không hả Liên?

Đinh Thị Liên:

Dạ đúng rồi đó Chú ạ, Ông Khảo không có con trai mà chỉ sinh được 02 người con đó là: cô Đinh Thị Nhan và cô Đinh Thị Hòa ạ!

Đinh Tất Thức:

Cám ơn Liên.

Đinh Thị Liên:

Chú Đinh Quang Hằng là người thôn Lương, khi lấy cô Nhan mới theo đạo đó Chú ạ.

Còn cô Đinh Thị Hòa lấy chú Đinh Văn Hải con cụ Đinh Văn Mô là người cùng thôn Giáo hiện đang ở Giáo xứ Dũng Vy Chú ạ!

Chú Hằng họ Đinh Quang ạ!

Đinh Tất Thức:

Cám ơn Liên. Cháu giải thích rõ ràng giúp đồng hương hiểu biết thêm về họ hàng.

Đinh Thị Liên:

Dạ không có gì Chú ạ!

Đinh Tất Thức:

Đinh Công Khảo có lẽ đúng hơn là Đinh Văn Khảo, Liên à.

(Tạm ngưng)

..........