Thứ năm, 20/03/2014 - 08:06
Ba bảo vật Quốc gia ở Bắc Ninh được công nhận năm 2013
Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Tiêu chí cơ bản của bảo vật quốc gia là: hiện vật gốc, độc bản, có hình thức độc đáo và có giá trị đặc biệt liên quan đến lịch sử văn hóa, khoa học.
Bia “Xá lợi Tháp Minh”.
Theo tiêu chí, tính đến hết năm 2013 qua hai đợt, tỉnh Bắc Ninh đã có 5 bảo vật được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là những bảo vật quốc gia. Bắc Ninh Hằng tháng giới thiệu 3 bảo vật quốc gia của tỉnh được công nhận năm 2013.
Bia “Xá Lợi Tháp Minh” (niên đại: 601, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Bắc Ninh).
Năm 2012, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh đã phát hiện và sưu tầm được hai cổ vật độc đáo - Di sản văn hóa Phật giáo, báu vật quốc gia ở chùa Thiền Chúng (Thuyền Chúng), huyện Long Biên, xứ Giao Châu xưa, gồm: Bia mộ tháp và Liễn đá.
1. Bia mộ tháp: gồm hai phần có hình gần vuông, kích cỡ (45cm x 46cm) úp khít vào nhau: Phần dưới (thân bia) dày 9cm được cắt khá nhẵn xung quanh, một mặt khắc chữ Hán còn rất rõ nét, gồm 133 chữ, chia thành 13 dòng. Nội dung cơ bản được lược dịch như sau:
“Trước ngày Ất Sửu (tức ngày 15), tháng Tân Hợi (tháng 10), năm Tân Dậu nước Đại Tùy niên hiệu Nhân Thọ năm thứ nhất (601).
Hoàng đế cẩn trọng mở dòng thuyết pháp, mở cõi u hiển đến mọi sinh linh ở chùa Thuyền Chúng (Thiền Chúng) thuộc huyện Long Biên đất Giao Châu để kính cẩn dựng ngôi tháp thiêng đặt yên xá lợi theo ước nguyện của Thái tổ Vũ Nguyên hoàng đế, Nguyên Minh hoàng hậu.
Tất cả các bậc từ hoàng đế, hoàng hậu, hoàng thái tử, đến các con cháu trong hoàng tộc cùng các quan được sủng ái, thứ dân không kể lục đạo, tam đồ trên cõi đời đều thuận theo lời dạy của đức Phật mãi thoát khỏi cõi khổ ải trầm luân, cùng hưởng quả phúc.
Sắc cho Đại đức Tuệ Nhã pháp sư, Lại bộ Vũ kỵ, úy Khương Huy dựng ngôi tháp và an vị xá lợi ở đó…”.
Nắp đậy dày 4cm úp lên trên bia đá, mặt dưới tạo gờ nổi xung quanh đặt xuống vừa khít vào phần khắc chữ phía dưới, mặt trên tạo góc bạt chéo hình trụ.
2. Liễn (đỉnh) đá: bên cạnh bia mộ tháp nêu trên tại vị trí phát hiện các di vật còn có một liễn đá. Hiện vật này trên có nắp đậy cũng bằng dá - loại đá gần giống như bia đá, kích cỡ (45cm x46xm), lòng sâu 20cm cỡ (26cm x 27,5cm), nắp đậy có kích cỡ (45cm x 46cm x 8cm).
Cả hai di vật trên đều đặt trên một tấm đá hình chữ nhật dày 25 cm, kích cỡ (65cm x 100cm).
Xét riêng về loại bia “Mộ tháp” các bậc cao tăng - Thiền sư - thì bia mộ tháp ghi niên hiệu Đại Tùy (601) ở chùa Thiền Chúng, huyện Long Biên, đất Giao Châu là bia cổ nhất Việt Nam - tính đến thời điểm phát hiện.
Bia mộ tháp chùa Thiền Chúng là DSVH vật thể độc đáo ghi khắc về tên huyện Long Biên, xứ Giao Châu, góp phần quan trọng minh chứng cho các tư liệu, sử sách và các công trình nghiên cứu khoa học (luận văn, luận án) khi xác định - Long Biên ở vùng hoặc chính là Luy Lâu.
“Rồng đá” (Xà thần) (thời Lý, hiện lưu giữ tại đền thờ Lê Văn Thịnh (Gia Bình).
Tên gọi bảo vật trên - theo như ghi trong Quyết định công nhận bảo vật quốc gia. Còn trong thực tế - cả tên gọi và niên đại tạo tác bảo vật này có nhiều ý kiến khác nhau.
Bảo vật này được phát hiện vào năm 1991 trong thời gian lập hồ sơ khoa học và pháp lý đề nghị Nhà nước xếp hạng di tích Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh.
Rồng có thân hình lạ và độc đáo, nằm trong tư thế cuộn tròn ngóc cao, miệng ngoạm vào thân, toàn thân có vẩy, đầu không có bờm râu, kích thước rộng 1,37m; cao 0,72m - còn khá nguyên vẹn.
Đây là pho tượng linh vật rất độc đáo, hình dáng nửa mình rắn, nửa mang tư thế và móng vuốt như rồng. Hình ảnh linh vật này chưa từng thấy có trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
Trước thời điểm phát hiện bảo vật này, hầu như chưa có tư liệu lịch sử hay nhân chứng nào xác định vốn trước đây ở khu di tích này đã có bảo vật này rồi (hay có từ bao giờ…).
“Rồng đá”.
Bảo vật nằm trong khu vực đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh - nhà khoa bảng tài ba, đỗ độc đắc trong kỳ thi đầu tiên thời Lý tuyển nhân tài (nhất) để vào cung dạy vua thời niên thiếu. Sau do “thói đời” “Chữ tài liền với chữ tai một vần”, vị Thái sư tài ba lỗi lạc, có nhiều công lao to lớn với nước với dân đã bị bọn quan nịnh thần - ghen ăn tức ở - vu oan giáo họa, hãm hại. Cho nên có nhiều ý kiến cho rằng tượng linh thú này biểu hiện đoạn đời oan khuất của danh nhân Lê Văn Thịnh sau vụ án trên hồ Dâm Đàm đời vua Lý Nhân Tông. Hình ảnh tự cắn vào thân mình của linh vật thể hiện sự hối hận của vua Lý Nhân Tông vì đã nghe bọn nịnh thần mà nghi oan cho Thái sư Lê Văn Thịnh. Một bên tai của linh vật lành, còn một bên bịt kín, có người suy đoán đó là tương ứng với việc nghe lời xàm tấu, người cho rằng sau khi bị oan khuất đi đày ở Thao Giang thì “mũ ni che tai” cho quên đi sự đời có nhiều kẻ “vu oan giáng họa” cho bậc công thần tài cao đức trọng.
“Ba pho tượng Tam Thế” (thời Lê Trung Hưng, hiện lưu giữ tại chùa Linh Ứng (Thuận Thành).
Trong Quyết định công nhận bảo vật quốc gia ghi niên đại tạo tác 3 pho tượng Tam Thế là thời Lê Trung Hưng, còn hồ sơ bảo vật quốc gia của tỉnh Bắc Ninh cho biết tượng Tam Thế chùa Linh Ứng ra đời đầu đời Trần, thế kỷ thứ 13.
Trong sách “Di tích lịch sử văn hóa tỉnh Bắc Ninh” năm 2013, ghi như sau:
“Chùa Linh ứng còn lưu giữ được 3 pho tượng Phật bằng đá xanh. Tượng ngồi xếp bằng tròn trên toàn sen, đặt trên đầu hổ phù, dưới cùng là bệ đá hình bát giác và hình vuông. Phần đế gồm 3 bậc, phần tòa sen có 3 lớp cánh sen. Tượng cao 1m40, cao cả bệ là 2m90. Cả 3 pho tượng đều có sắc tướng và tư thế giống tượng Tam Thế ở Tam Bảo”.
“Tượng Tam thế chùa Linh Ứng”.
Cũng theo hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia, cả 3 pho tượng đều có nhiều nét giống nhau là từ bi và Phật tính, trang phục tương đồng nhau. Tuy nhiên mỗi pho tượng đều có những chi tiết, họa tiết riêng, thể hiện cá tính, hình thức và sắc thái tư duy khác nhau ở tư thế ngồi thiền.
Pho tượng thứ nhất ngồi ở tư thế đang thuyết pháp, hai ngón bàn tay phải chỉ lên trời, tay trái để trước lòng, vẻ mặt từ bi, áo thụng có hoa dây. Pho tượng thứ hai phần bệ có 5 bậc. Các bệ này lần lượt được chạm rồng và sóng nước cách điệu, rồng mây, hoa cúc cách điệu, hoa sen rồng ẩn hiện trong mây. Pho thứ ba, phần tòa sen có 16 cánh sen, trong mỗi cánh đều được trang trí hình rồng cuốn. Bệ được chạm hình hổ phù, hình rồng và hoa chanh cách điệu. Hình rồng của 3 pho Tam Thế có các đường cong tròn nối nhau uyển chuyển, với phần kết thúc như đuôi rắn. Dáng rồng uốn lượn thoải mái với động tác dứt khoát.
Năm 1981, ba pho tượng đá chùa Linh Ứng được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử và nghệ thuật - Quyết định số 10-VHTT/QĐ, cơ bản do giá trị của bảo vật quốc gia này.
Lê Viết Nga
Source BacNinhOnline
No comments:
Post a Comment