Friday, April 25, 2014

6 món ăn “thất truyền” ở Việt Nam hằng trăm năm giá 2 triệu đồng

Festival Huế 2014:
 
(Dân trí) - Phóng viên đã được tiếp cận với 6 món ăn độc đáo, cầu kỳ được chế biến theo nguyên bản lúc dâng vua trong yến tiệc hoàng cung. Đặc biệt, 6 món ăn này chưa từng xuất hiện sau hàng trăm năm thất truyền.
 
Được sự cho phép của Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, đơn vị tổ chức sự kiện này với sự cố vấn về món ăn của nghệ nhân Hồ Thị Hoàng Anh - người cháu hậu duệ của đội trưởng đội Thượng Thiện triều Nguyễn, phóng viên Dân trí đã may mắn được tiếp cận với 6 món ăn đặc biệt cầu kỳ này. Đây sẽ là 6 món ăn xuất hiện trong Dạ tiệc cung đình Huế trong khuôn khổ Festival Huế 2014.
 
Gắp tư - đồ chua
 
Đây là món khai vị dùng đầu tiên trong buổi ăn cung đình. Món gắp tư làm từ tôm sống, lột rồi sàng cho hết nhớt. Sau đó lấy tôm quết với thí đàng, rồi ướp với nước mắm, hành, tiêu, mỡ xắt chỉ. Tiếp tục trộn đều, lăn dài kẹp lại trong cây đũa bằng lồ ô dài chẻ làm tư. Sau đó đem hấp chín, nướng lại cho vàng để làm món khai vị dùng kèm đồ chua.

Món Gắp tư - đồ chua khai vị trong buổi Dạ Yến tiệc cung đình
Món Gắp tư - đồ chua khai vị trong buổi Dạ Yến tiệc cung đình

Hải sâm nấu với tôm ba oản và rau củ
 
Là một món ăn cao lương mỹ, từ nguyên liệu quý giá đến nghệ thuật nấu nướng. Nguồn hải sâm được lấy từ Phú Quốc - là một loại hải sản quý hiếm được cho là ngon bậc nhất, bổ dưỡng và có công dụng như một loại thuốc quý ở biển Đông nước ta. Còn tôm ba oản là một loại tôm rêu, viên tròn nhỏ.
 
Món hải sâm - tôm ba oẳn - rau củ đầy chất bổ
Món hải sâm - tôm ba oản - rau củ đầy chất bổ

Tuy hải sâm, tôm ba oản, rau củ tươi tốt là những nguyên liệu tươi tốt nhiều dinh dưỡng rồi. Nhưng nước dùng cho món nấu này được chế biến rất công phu, được hầm 1 ngày đêm với sá sùng ở Quảng Ninh, cồi sò điệp ở Khánh Hòa… Nên có chất ngọt, mặn tự nhiên, không cần nêm thêm gia vị.
 
Bánh khoai tía, bánh kê
 
Bánh khoai tía làm từ bột nếp ngon đặc sản của làng Hương Cần xứ Huế, nhồi với khoai tía thơm. Bánh có nhân thập cẩm gồm tôm đất tươi, thịt heo cỏ, măng Mạnh Tông, nấm mèo dòn. Bánh được gói trong lá dong. Do bánh này thường dùng nguội nên rất thơm tho.
 
Bánh kê làm từ loại kê vàng nhỏ hột đúng mùa của Huế, là loại kê thơm dẻo nhất. Bánh này có nhân chay gồm: đậu xanh, đậu khuôn, đặc biệt có nấm hương rừng nên rất thơm.

2 loại bánh khoai tía, bánh kê với hương vị mặn - chay độc đáo xuất hiện giữa bữa Yến tiệc
2 loại bánh khoai tía, bánh kê với hương vị mặn - chay độc đáo xuất hiện giữa bữa Yến tiệc

Gỏi gà Huế
 
Không như món gỏi gà có vị chua ngọt làm món khai vị của hai miền Nam Bắc, món gỏi gà Huế tương tự như món bún thang của miền Bắc. Các thành phần là: thịt gà tơ xé sợi, miến Song thần làm từ đậu xanh, chả luạ, trứng gà, thịt heo… xắc rối. Kèm thêm mè, đậu phụng, bánh tráng gạo bẻ nhỏ bỏ lên trên. Khi dùng chan vào một ít nước dùng hầm từ xương gà cô đặc.
 
Món gỏi này bày biện các thành phần tỉ mỉ, lại bỏ trong tô chiết yêu (một loại tô độc đáo trong cung đình Huế với phần giữa tô thắt nhỏ ở giữa, phần miệng loe ra to) rất hợp. Vị thanh tao rất hợp cho món ăn vào những ngày hè. Và hạt kê là một loại ngũ cốc giúp tăng cường trí nhớ.

Gỏi gà Huế đầy lạ lẫm
Gỏi gà Huế đầy lạ lẫm

Vịt lọng - xôi hông
 
Vịt cân (vịt bầu) sau khi làm sạch, đem lọng (rút) xương. Dùng lòng gà băm nhỏ trộn với trứng, nấm mèo rồi đem dồi vào bụng vịt. Tiếp theo dùng lá dứa ràng quanh. Khi hông xôi thì để ngửa vịt lên đến khi vịt và xôi chín. Món này rất ngon, thịt vịt thật ngon ăn kèm xôi rất thơm dẻo.

Vịt lọng - xôi hông độc đáo
Vịt lọng - xôi hông độc đáo

Bánh màu pháp lam
 
Sở dĩ bánh có tên là bánh màu pháp lam vì có khuôn bên ngoài là giấy ngũ sắc đan xen – trùng với bảng màu chính sắc trong nghệ thuật pháp lam Huế. Bánh ở trong thì làm với bột nếp thơm của mùa mới, cùng với dưa hấu ngào và ruột hột dưa.
 
Bánh có vị ngọt thanh, hương thơm rất mát dịu, màu sắc bên ngoài vui mắt. Bánh thật thơm, bùi mà thanh mát, là món tráng miệng ý vị trong mùa hè. Đặc biệt dùng với trà ngụm, trà thơm làm món ngọt tráng miệng rất hợp.
 
Vịt lọng - xôi hông độc đáo
Bánh màu ngũ sắc pháp lam dùng để tráng miệng với nước trà cuối buổi. Tất cả 6 món ăn trên đều chưa từng xuất hiện sau hàng trăm năm thất truyền.
 
Trao đổi với PV Dân trí, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, buổi Dạ Yến tiệc Cung đình trong Đêm Hoàng Cung sẽ lần đầu tiên trình làng đến công chúng kỹ thuật điêu luyện của việc chế tác món ăn cung đình y như nguyên bản lúc xưa làm món ăn cho vua. Tất cả 6 món đều sang trọng, độc đáo và cầu kỳ, hấp dẫn và lần đầu xuất hiện lại sau hàng trăm năm bị thất truyền.
 
Hiện 600 vé giá 2 triệu đồng trong đêm tiệc 15/4 đã được bán hết. Đêm Dạ Yến tiệc Hoàng cung Huế sẽ một còn thêm một đêm nữa vào 19h30’ ngày 19/4. 
 
Vịt lọng - xôi hông độc đáo
Vịt lọng - xôi hông độc đáo
Khung cảnh đêm Dạ Yến tiệc cung đình Huế sang trọng, kiểu cách với hàng trăm binh lính, thị nữ phục vụ

Đại Dương

Source Dan Tri

Wednesday, April 23, 2014

Tình bắc sông Cầu - Dân ca Quan họ - Trung Kiên



vienncan hue
Published on Jan 20, 2013

Những ngôi làng cổ ở Việt Nam

Thứ năm, 6/3/14 | 05:05 GMT+7
 
Cổng làng rêu phong, mái ngói đỏ nhuốm màu thời gian hay cây đa, giếng nước... là nơi thanh tĩnh mà du khách muốn tìm về để quên đi những nhọc nhằn của cuộc sống.
 
Những ngôi làng cổ dưới đây mang một vẻ đẹp cổ kính và lãng mạn, đã trở thành điểm dừng chân của nhiều du khách.
 
1. Làng cổ Đường Lâm, Hà Nội
 
Nằm bên dòng sông Hồng đỏ ngập phù sa, làng Đường Lâm cổ kính với nhiều mái ngói đỏ rêu phong, những bức tường đá ong độc đáo, cùng giếng nước, sân đình như đưa du khách về một miền quá khứ tươi đẹp của những ngôi làng Bắc Bộ trước đây.
 
Chỉ cách Hà Nội 50 km, nhưng bạn sẽ ngỡ ngàng trước một không gian xưa cũ, trầm lặng của một làng cổ vẫn còn lưu giữ những sắc màu thời gian. Khi bước qua cánh cổng làng, những tất bật, chộn rộn của cuộc sống như bị đẩy lại phía sau. Làng cổ Đường Lâm được coi là ngôi làng cổ nhất miền Bắc, hiện còn tới khoảng hơn 900 ngôi nhà truyền thống có niên đại từ thế kỷ 16, nằm rải rác tại các thôn, xóm Đông Sàng, Cam Thịnh, Mông Phụ...
 
lang2.jpg
Những ngôi nhà cổ được xây chủ yếu bằng đá ong đã nhuốm màu thời gian. Ảnh: Tuan Rau
 
Làng có cấu trúc kín với một trục đường chính, từ đó tỏa đi khắp các ngõ ngách trong làng. Bao quanh làng là hệ thống ao, tạo nên phong cảnh lãng mạn, thơ mộng. Vào những ngày nắng nóng, hệ thống ao chính là chiếc điều hòa giúp không khí trong làng trở nên dễ chịu, mát mẻ.
 
2. Làng cổ Phước Tích, Thừa Thiên Huế
 
Nằm bên hạ lưu sông Ô Lâu, ranh giới giữa hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, cách thành phố sông Hương hơn 40 km, làng cổ Phước Tích như một bảo tàng sống động của văn hóa làng quê Việt được gìn giữ và bảo tồn qua hàng trăm năm.
 
Ngôi làng là một quần thể nhà rường cổ, với hơn 100 ngôi nhà, trong đó có đến 37 ngôi nhà rường có tuổi trên 100 năm, các đền miếu còn nguyên vẹn. Có 12 ngôi nhà rường thuộc loại đặc biệt quý hiếm, có tuổi thọ 150 - 200 năm với những kèo cột, hoành phi được chạm trổ tinh xảo.
 
Du khách sẽ như lạc bước vào một không gian yên tĩnh và tràn ngập màu xanh của các khu vườn. Những tia nắng ấm xuyên qua tán cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi tạo nên một khung cảnh thật đơn sơ nhưng rất thanh bình. Từ đường đi, ngõ hẻm đến sân vườn, sân đình, nhà thờ họ ở Phước Tích luôn sạch sẽ, cây cối được chăm sóc cẩn thận. Du khách cũng sẽ được ngắm nhìn đồ gốm cổ với những hoa văn tinh xảo hay trải nghiệm thử làm “thợ gốm” trong làng.
 
3. Làng cổ Long Tuyền, Cần Thơ
 
Làng cổ Long Tuyền có sông Bình Thủy chảy qua, uốn lượn như thân rồng nằm là nơi sinh ra nhân vật lịch sử Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, người có công chống giặc ngoại xâm. Đến với vùng đất "địa linh nhân kiệt”, du khách sẽ nhìn thấy dãy nhà cổ nằm bên chợ Bình Thủy hiện vẫn còn giữ được nguyên vẹn.
 
Nổi bật nhất là khu nhà cổ của dòng họ Dương xây dựng từ năm 1870, thường được gọi là "nhà cổ Bình Thủy" - một trong những mẫu nhà hiếm hoi còn sót lại khá nguyên vẹn trên một thửa đất rộng với cổng và tường rào kiến cố bao quanh sân. Đây còn là nơi lưu giữ kho đồ cổ quý giá qua nhiều đời con cháu.
 
Dù trải qua thăng trầm của lịch sử, những cuộc chiến tranh, làng cổ Long Tuyền vẫn còn giữ được nét đặc trưng văn hoá miệt vườn sông nước Nam Bộ.
 
4. Làng cổ Túy Loan, Đà Nẵng
 
Làng cổ Túy Loan thuộc xã Phong Hòa, huyện Hòa Vang, cách thành phố Đà Nẵng chừng hơn 10 km. Đây là ngôi làng cổ trên 500 tuổi, tọa lạc ở vị trí rất thoáng đãng, quay ra mặt sông, nhìn về hướng núi, phong cảnh hữu tình. Du khách sẽ được đắm mình trong không gian đồng quê yên tĩnh, như một bức tranh với dòng sông, bến nước, và những cánh đồng lúa xanh ngút ngàn.
 
Ngôi đình Túy Loan còn lưu giữ 20 sắc phong thần, sắc, gần nhất từ đời vua Khải Định, tạo nên nét độc đáo và khác biệt so với các ngôi đình khác của làng quê Việt Nam. Trước sân đình là một bình phong theo kiểu cuốn thư lớn, mặt trước đắp nổi hình long mã, mặt trong đắp nổi hình con lân. Tất cả được lắp ghép bằng nghệ thuật sành sứ, rất độc đáo.
 
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, đình Túy Loan tuy không giữ được nguyên trạng nhưng người ta vẫn thấy những nét uy nghi và trầm mặc, là một nơi du khách thích chút gì cổ kính, xưa cũ muốn tìm về khi ghé thăm Đà Nẵng.
 
5. Làng cổ Phong Nam, Đà Nẵng
 
Với những nét kiến trúc của làng quê Việt cổ xưa, làng cổ Phong Nam (huyện Hòa Vang) là một điểm đến hấp dẫn du khách khi đến miền Trung nắng gió. Du khách như được tìm về miền quê yên ả với những cánh đồng lúa xanh bát ngát, những hàng tre rợp bóng trên đường làng, những nếp nhà cổ rêu phong xưa cũ.
 
Làng Phong Nam cho đến ngày nay vẫn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc cổ như đình, chùa, miếu, nhà thờ tiền hiền, nhà thờ các tộc họ… Còn gì tuyệt hơn khi ngồi thư thái dưới lũy tre làng, thoang thoảng đâu đó mùi hương lúa nếp hay nghe tiếng sóng vỗ nhè nhẹ nơi bến sông.
 
Anh Phương
Source VnExpress