Friday, September 6, 2013

Giới thiệu tác giả đồng hương JM Lam Thy Đinh Văn Diệm

TÀI LIỆU HỌC TẬP:
NHÂN BẢN HỌC KITÔ GIÁO
JM Lam Thy Đinh Văn Diệm

TNHT xin chân thành cám ơn tác giả JM Lam Thy Đinh Văn Diệm đã suy tầm, nghiên cứu để hoàn thành tài liệu này giúp cho việc học hỏi thật có ích lợi. Xin trân trọng giới thiệu đến Quý vị.

MỤC LỤC
- Lời ngỏ
- Bài 1 Nhân bản
- Bài 2 Nhân bản ở xã hội Việt Nam
- Bài 3 Nhân bản Kitô Giáo: Nhân phẩm
- Bài 4 Lương tâm con người
- Bài 5 Các nhân đức
- Bài 6 Trưởng thành nhân bản
- Bài 7 Con người - gia đình, xã hội

LỜI NGỎ:
Chủ nghĩa nhân bản ở xã hội phương Tây ra đời trong thời kỳ được gọi là “Phục hưng” (khoảng thế kỷ XV – XVII), phát triển mạnh mẽ cùng với thời đại khoa học nhằm giải quyết vấn đề đời sống con người và những giá trị liên quan đến các hiện tượng trên hành tinh. Trong khi đó, chủ nghĩa nhân bản của Phật giáo cũng rất thịnh hành tại Á châu. Riêng với Nho giáo và Lão giáo thì tuy không hình thành hẳn một chủ nghĩa nhân bản cụ thể, nhưng quan điểm vẫn bàng bạc khắp trong các giáo thuyết. Còn Kitô Giáo thì sao ? Kitô Giáo cũng không đưa ra một chủ thuyết nhằm xây dựng một chủ nghĩa nhân bản như các chủ nghĩa theo trường phái triết học (chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa hư vô, chủ nghĩa cộng sản v.v…), vì tự bản tính, Kitô giáo không thể và không phải là một trường phái ý thức hệ theo quan điểm triết học trần thế. Tại sao ? Chính bởi vì Kitô giáo là một tôn giáo được xây dựng từ nguồn gốc của con người nhằm phục vụ cho hạnh phúc con người, mà nguồn gốc con người (nhân bản) lại xuất phát từ nơi Thiên Chúa. Nói khác hơn, tự bản chất Kitô giáo đã là một “CHỦ NGHĨA NHÂN BẢN ĐÍCH THẬT” (Thông điệp “Thiên Chúa là Tình yêu”, 9).

Vì tình yêu, Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ, muôn loài. Khi tạo dựng loài người, Thiên Chúa đã phán bảo “hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (St 1, 28), và “Thiên Chúa tôn trọng phẩm giá con người do chính Ngài tạo nên, con người ấy phải được tự do và được hướng dẫn theo chính phán đoán của mình” (“Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo”, 11). Rõ ràng, nguồn cội con người xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu (“… chỉ có một Thiên Chúa thật duy nhất, Đấng là nguồn mạch của mọi loài thọ sinh; toàn thể thế giới này hiện hữu bởi quyền năng của Lời sáng tạo. Hệ quả là tạo vật của Ngài là điều rất thân thiết với Ngài, vì nó được an bài và ‘dựng’ nên bởi Ngài” – Tđ “Thiên Chúa là Tình Yêu”, 9), nên Người chính là “nhân bản” vậy (“Lịch sử quan hệ ái tình giữa Thiên Chúa và Israel, ở mức thâm sâu nhất, bao gồm trong sự kiện là Ngài đã ban cho Israel Torah (Lề Luật), qua đó mở mắt cho dân Israel thấy bản chất thật sự của con người, và chỉ cho dân Người thấy con đường dẫn đến chủ nghĩa nhân bản đích thật. Quan hệ này chứa đựng trong sự kiện là con người qua cuộc sống trung tín với Thiên Chúa duy nhất, sẽ tự cảm nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương, và khám phá ra những niềm vui trong sự thật và trong sự công chính – đó là niềm vui nơi Thiên Chúa mà rồi ra sẽ trở nên hạnh phúc thiết yếu của con người” – Tđ “Thiên Chúa là Tình Yêu”, 9).

Xin được phân chia dàn bài chung thành từng bài học cho dễ phân bổ các tiết học về đề tài NHÂN BẢN KITÔ GIÁO :

Bài 1 : NHÂN BẢN
Bài 2 : NHÂN BẢN Ở XÃ HỘI VIỆT NAM
Bài 3 : NHÂN BẢN KITÔ GIÁO : PHẨM GIÁ CON NGƯỜI
Bài 4 : LƯƠNG TÂM CON NGƯỜI
Bài 5 : CÁC NHÂN ĐỨC
Bài 6 : TRƯỞNG THÀNH NHÂN BẢN
Bài 7 : CON NGƯỜI – GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI

Saigon, những ngày mong mưa (4/2008)
..........

Ghi chú của Blog KYDV:

Nhằm giới thiệu đến toàn thể đồng hương Dũng Vy khắp nơi. Trên đây là đoạn văn trích đăng từ Trang mạng Thiếu Nhi Thánh Thể của tác giả Lam Thy Đinh Văn Diệm (http://thanhanhiepthong.net/forum/viewtopic.php?f=68&t=5275#unread).

Theo như tôi biết, ngoài công việc chuyên môn là Giáo sư Cử nhân Hán Văn, ông còn là một tín hữu Kito giáo rất sùng đạo và dành nhiều thời gian, công sức cho những lãnh vực như Tôn giáo, triết học v.v... Ngoài những bài viết trên KYDV. Tác giả Lam Thy Đinh Văn Diệm còn có nhiều bài viết giá trị đăng trên các trang mạng do  Đinh Văn Thắng (Tony) sưu tầm. (Qúy vị có thể xem tiếp tại những trang mạng đính kèm dưới đây)


Monday, July 29, 2013

Về miền quan họ 2013



Le Viet Ha
Published on Mar 18, 2013
Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia "Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ" và chương trình nghệ thuật Về miền Quan họ năm 2013, với chủ đề " Ngọn nguồn tâm linh". Chương trình được tổ chức tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (Bắc Ninh), tối 16/3/2013.

Gần 65 tỷ đồng bảo tồn quan họ Bắc Ninh và ca trù

 
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa phê duyệt đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể dân ca quan họ Bắc Ninh và ca trù giai đoạn 2013-2020".

Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tỉnh Bắc Ninh tiếp tục thực hiện cam kết với UNESCO trong việc bảo vệ di sản dân ca quan họ.

Đề án được thực hiện trong 8 năm (từ năm 2013 đến năm 2020) với tổng mức kinh phí đầu tư gần 65 tỷ đồng, trích từ ngân sách của tỉnh.

Đề án gồm 5 tiểu dự án là truyền dạy dân ca quan họ Bắc Ninh; đầu tư xây dựng và tu bổ các thiết chế văn hoá liên quan đến di sản dân ca quan họ Bắc Ninh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá di sản dân ca quan họ Bắc Ninh; sưu tầm, phục dựng các hình thức hát ca trù tại tỉnh Bắc Ninh và truyền dạy hát ca trù tại cộng đồng; hỗ trợ mua sắm trang thiết bị và hỗ trợ phục dựng, tôn tạo các thiết chế văn hóa liên quan đến ca trù.

Để thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Bắc Ninh đề ra từng nhiệm vụ cụ thể. Đối với dân ca quan họ Bắc Ninh, tỉnh ưu tiên đầu tư các hoạt động bảo tồn không gian, các thiết chế văn hóa gắn với sự tồn tại và phát triển của các làng quan họ gốc; mở rộng các hình thức, phương pháp truyền dạy; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng mô hình sân khấu thực cảnh bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa quan họ. Đối với ca trù:, ngành tổ chức kiểm kê, sưu tầm nghiên cứu về di sản, tôn vinh các nghệ nhân, đầu tư cho công tác truyền dạy, đầu tư cho công tác tuyên truyền, quảng bá, tôn tạo, tu bổ các nhà Tổ ca trù...

Từ khi dân ca quan họ Bắc Ninh trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại và ca trù trở thành di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, tỉnh Bắc Ninh đã nhanh chóng xây dựng, triển khai nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể này. Đến nay, dân ca quan họ ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, các nghệ nhân được tôn vinh và có các chính sách hỗ trợ.

Ngoài 45 làng quan họ gốc, Bắc Ninh đã phát triển thêm 329 làng quan họ thực hành… Ca trù bước đầu được khảo sát, kiểm kê, toàn tỉnh có 4 câu lạc bộ ca trù đang duy trì hoạt động.

(Nguồn: Vietnam+)