Monday, May 7, 2012

Gia Lâm

Gia Lâm là một huyện ngoại thành phía Đông của thành phố Hà Nội. Đây là cửa ngõ phía đông của thủ đô.

Địa lý

Diện tích và dân số

Trước tháng 11 năm 2003, khi quận Long Biên chưa được thành lập thì diện tích của huyện là 172,9 km², dân số 340.200 người. Năm 2003 khi quận trên được thành lập thì diện tích huyện chỉ còn là 108,446 km² với dân số 190.194 người.

Thủy văn

sông Hồng (làm ranh giới tiếp giáp với quận Hoàng Maihuyện Thanh Trì), sông Đuống (ranh giới tiếp giáp với huyện Đông Anhquận Long Biên), sông Cầu Bây, sông Bắc Hưng Hải, sông Thiên Đức chảy qua.

Vị trí địa lý

Địa giới hành chính của huyện Gia Lâm là: phía bắc giáp thị xã Từ Sơnhuyện Tiên Du (Bắc Ninh), phía tây bắc giáp huyện Đông Anh, phía tây giáp quận Long Biên, quận Hoàng Mai, phía tây nam giáp huyện Thanh Trì, phía đông giáp huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), phía đông nam giáp huyện Văn Giang (Hưng Yên).

Hành chính

Có 22 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 2 thị trấn và 20 xã, cụ thể:

Về mặt địa lý, huyện Gia Lâm được phân ra làm hai khu vực, ngăn cách bởi dòng sông Đuống gồm:
  • Cụm Bắc Đuống: Thị trấn Yên Viên, Yên Viên, Yên Thường, Dương Hà, Ninh Hiệp, Đình Xuyên, Phù Đổng, Trung Mầu.
  • Cụm Nam Đuống: Thị trấn Trâu Quỳ, Cổ Bi, Đông Dư, Đa Tốn, Bát Tràng, Kiêu Kỵ, Kim Lan, Văn Đức, Đặng Xá, Dương Xá, Phú Thị, Dương Quang, Kim Sơn, Lệ Chi.

Lịch sử - Hình thành
Trước năm 1945, huyện Gia Lâm thuộc phủ Thuận An, rồi phủ Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh.
Ngày 13 tháng 12 năm 1954, sáp nhập khu vực phố Gia Lâm (gồm phố Gia Lâm, khu nhà ga Gia Lâm, sân bay Gia Lâm, và 4 xã Hồng Tiến, Việt Hưng, Long Biên, Ngọc Thụy) của tỉnh Bắc Ninh vào Hà Nội.
Ngày 20 tháng 4 năm 1961, toàn bộ huyện Gia Lâm (gồm 15 xã) của tỉnh Bắc Ninh được sáp nhập vào Hà Nội. Ngày 31/5/1961, lập huyện Gia Lâm mới gồm 2 thị trấn và 31 xã:
  • 2 thị trấn: Gia Lâm, Yên Viên (trước thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh)
  • 31 xã: Hồng Tiến, Việt Hưng, Long Biên, Ngọc Thụy, Thượng Thanh, Tiến Bộ, Giang Biên, Phúc Lợi, Trung Thành, Thạch Bàn, Quyết Chiến, Quyết Thắng, Toàn Thắng, Tân Hưng, Kim Lan, Quang Minh, Thừa Thiên, Cự Khối, Quang Trung I, Quang Trung II, Quyết Tiến, Vân Dục, Phù Đổng, Trung Hưng, Tiền Phong, Đình Xuyên, Dương Hà, Ninh Hiệp, Đức Thắng, Chiến Thắng, Đại Hưng.
Ngày 13 tháng 10 năm 1982: thành lập thị trấn Đức Giang và thị trấn Sài Đồng.
Thị trấn Đức Giang có diện tích 133 ha, gồm phần đất của 2 xã Việt Hưng, Thượng Thanh, thị trấn Gia Lâm và thị trấn Yên Viên. Thị trấn Đức Giang đông giáp xã Việt Hưng, tây giáp xã Thượng Thanh, nam giáp thị trấn Gia Lâm, bắc giáp thị trấn Yên Viên.
Thị trấn Sài Đồng có diện tích 79 ha, gồm phần đất của 3 xã Thạch Bàn, Gia Thụy, Hội Xá. Thị trấn Sài Đồng đông bắc giáp xã Hội Xá, tây giáp xã Gia Thụy, đông nam giáp xã Thạch Bàn.

Năm 1999, huyện Gia Lâm có 4 thị trấn: Đức Giang, Yên Viên, Sài Đồng, Gia Lâm và 31 xã: Thạch Bàn, Bát Tràng, Lệ Chi, Đình Xuyên, Ninh Hiệp, Phù Đổng, Trung Màu, Dương Hà, Yên Thường, Yên Viên, Giang Biên, Thượng Thanh, Kim Lan, Việt Hưng, Ngọc Thuỵ, Gia Thụy, Bồ Đề, Long Biên, Hội Xá, Cổ Bi, Trâu Quỳ, Đa Tốn, Dương Xá, Kiêu Kỵ, Văn Đức, Đông Dư, Cự Khối, Dương Quang, Phú Thị, Đặng Xá, Kim Sơn.
Ngày 6 tháng 11 năm 2003, tách 10 xã: Thượng Thanh, Giang Biên, Ngọc Thụy, Việt Hưng, Hội Xá, Gia Thụy, Bồ Đề, Long Biên, Thạch Bàn, Cự Khối và 3 thị trấn: Gia Lâm, Đức Giang, Sài Đồng để thành lập quận Long Biên. Trong đó thị trấn Gia Lâm đổi tên thành phường Ngọc Lâm

Truyền thống

Dưới thời phong kiến, huyện Gia Lâm có nhiều nhà khoa bảng lừng danh mà tên tuổi của họ được nhiều người trong cả nước biết tới. Chẳng hạn như: Hà Giáp Hải (làng Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm), Cao Bá Quát (xã Phú Thị, huyện Gia Lâm)...
Huyện Gia Lâm cũng là quê hương của Chử Đồng Tử, Thánh Gióng - hai nhân vật trong Tứ bất tử của Phật giáo Việt Nam.
  • Chử Đồng Tử là người xã Văn Đức, huyện Gia Lâm ngày nay, Thánh Gióng người xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm
  • Nguyên phi Ỷ Lan hay còn gọi là Bà Tấm (người xã Dương Xá, huyện Gia Lâm);
  • Công chúa Lê Ngọc Hân còn gọi là Ngọc Hân công chúa hay Bắc Cung Hoàng hậu vợ của vua Quang Trung (Nguyễn Huệ). Dân gian còn lưu truyền tên gọi bà là Bà Chúa Tiên khi bà ở Phú Xuân vì dinh phủ lập ở chùa Kim Tiên .
  • Công chúa Lê Ngọc Hân là người xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm ngày nay.
  • Lý Thường Kiệt -Theo Phả hệ họ Ngô Việt Nam, ông tên thật là Ngô Tuấn (吳俊), là con của Sùng Tiết tướng quân Ngô An Ngữ, cháu của Ngô Ích Vệ, chắt của Sứ quân Ngô Xương Xí và cháu 5 đời của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập - hoàng tử trưởng của Ngô Quyền [1], người phường Thái Hòa, thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Có tài liệu lại nói quê ông là làng An Xá, huyện Quảng Đức (Cơ Xá, huyện Gia Lâm ngày nay). Tuy nhiên, theo văn bia Đỗ Anh Vũ (được cho là soạn vào năm 1159) thì ông vốn họ Quách, tổ tiên là người ở Lũng Tây (Cam Túc, Trung Quốc). Thân phụ ông làm Thái úy đời Lý Thái Tông [2], quê ở huyện Câu Lậu, Tế Giang (nay thuộc huyện Mỹ Văn, Hưng Yên), được vua ban quốc tính, vì mới có tên là Lý Thường Kiệt. Cha của Đỗ Anh Vũ gọi Lý Thường Kiệt là cậu ruột. Sử sách Trung Quốc chép tên ông là Lý Thường Cát hoặc Lý Thượng Cát.
Nơi đây là phát hiện nhiều di tích khảo cổ quan trọng.

Thôn Đình Vỹ - xã Yên Thường có lễ hội truyền thống hàng năm vào ngày 20-08 (âm lịch) và đình làng thờ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đây là nơi có truyền thống đấu tranh và là một trong hàng trăm nơi hậu phương vững chắc cho kháng chiến trong cả nước. Ngoài ra, truyền thống hiếu học - tôn sư trọng đạo luôn được giữ gìn và phát huy nên có rất nhiều con em trong làng đỗ vào các trường Đại học trong cả nước.

Làng nghề

Một số làng nghề tại huyện Gia Lâm:
  • Bát Tràng (sản xuất gốm sứ)
  • Kiêu Kỵ (dát bạc, sơn son thếp vàng, đồ gỗ)
  • Ninh Hiệp (trồng và kinh doanh thuốc Bắc, buôn bán vải vóc)
...

Nguồn Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Khám phá di tích bên bờ sông Đuống

Trong các dòng sông ở Việt Nam, Đuống có lẽ là dòng sông có mật độ các di tích lịch sử hai bên bờ dày đặc nhất. Sông dài gần 70 cây số, điểm đầu là ngã ba Dâu (huyện Đông Anh, Hà Nội), điểm cuối là ngã ba Mỹ Lộc (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) nối sông Hồng với sông Thái Bình.
 
Phía bờ Bắc sông là nơi phát tích của triều Lý, phía bờ Nam sông - thành Luy Lâu - là thủ phủ suốt gần một ngàn năm Bắc thuộc đã để lại rất nhiều làng cổ, chùa cổ và các di tích, đền thờ hai bên bờ sông.

Dạo chơi trên đường đê sông Đuống là thú vui của nhiều người trẻ Hà Nội. Đáng tiếc là con đường đê tuyệt đẹp này chỉ dành cho những du khách đi xe hai bánh chứ không thể phục vụ những đoàn khách trên các xe du lịch lớn.
 
Triền sông Đuống đẹp nhất vào khoảng tháng 11 - 12, khi nắng thu còn dịu, trời chỉ hơi se lạnh và hoa dại vàng rực nở bạt ngàn. Hai bên sông là cảnh làng mạc Bắc bộ xinh đẹp yên bình với những lớp nhà ngói nâu, lũy tre, đồng lúa…

Cứ đi vài cây số, những ai yêu thích kiến trúc cổ và những câu chuyện thần thoại, lịch sử lại sẽ phải dừng chân trước một mái đình cổ, một ngôi chùa tuổi đời gần ngàn năm, một đền thờ hứa hẹn nhiều câu chuyện ly kỳ. Một trong số đó là lăng Kinh Dương Vương cổ kính nằm trên một khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng, rợp bóng cây cổ thụ.
 
Rồi từ đê sông Đuống đi khoảng 300 mét vào thôn Á Lữ là gặp đền thờ Kinh Dương Vương rộng đến 3.000 mét vuông, cảnh quan rất đẹp. Bên trong hậu cung đền có ba ngai thờ: Ngai Kinh Dương Vương đặt ở gian giữa, ngai Lạc Long Quân ở bên phải, ngai Âu Cơ đặt ở bên trái. Ngoài các đồ thờ cúng, đền có lưu giữ 15 đạo sắc phong bằng chữ Hán thời Nguyễn, khẳng định đền thờ Kinh Dương Vương là lăng tẩm đế vương, có một sắc phong của vua Tự Đức năm thứ 33.

Từ lăng Kinh Dương Vương đi một đoạn là đến chùa Bút Tháp tòa ngang, dãy dọc thâm nghiêm với nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc cổ độc đáo tài tình, có nhiều tượng Phật và cổ vật quý. Sông Đuống còn đi qua làng tranh Đông Hồ, rồi từ đó rẽ ngang thêm vài cây số là đến đền Bình Ngô - nơi thờ Lạc Long Quân - Âu Cơ.

Sông Đuống chảy hơn nửa đường về phía Đông thì gặp dãy núi Thiên Thai, tạo nên một vùng phong cảnh hữu tình. Từ đây, lại hàng loạt làng thờ An Dương Vương - Mỵ Châu. Đến gần cửa sông Lục Đầu Giang là cụm làng thờ Cao Lỗ Vương: Đông Trung, Bình Than, Văn Than, Kênh Phố, Tiểu Than…
 
Một buổi chiều dạo chơi hai bên bờ sông Đuống, du khách không chỉ được tận hưởng cảnh đẹp đồng quê, mà còn chiêm nghiệm được bao điều thú vị trước bề dày lịch sử vùng Kinh Bắc - cái nôi của văn hóa Việt Nam.



Monday, April 30, 2012

Lễ hội mùa Xuân và hội hát Quan họ

Cho đến tận ngày nay, dân gian vẫn truyền nhau về những lễ hội Quan họ nổi tiếng của một số làng Quan họ gốc như: Lim, Diềm, Bịu, Ó, Nhồi, Bùi, Bò, Nưa… với những câu ca:

“Mùng năm hội Ó
Mùng sáu hội Nhồi
Mùng bẩy hội Bùi…”

Hoặc

“Mùng năm hội Ó
Quan họ dồn về
Hội vui vui lắm
Chưa kịp đi tắm
Chưa kịp gội đầu
Giầu chưa kịp têm
Cau chưa kịp bổ
Miếng lành miếng xổ
Miếng lại quên vôi
Người có yêu tôi
Thì người cầm lấy”.

Giống như lễ hội của các làng khác, lễ hội của các làng Quan họ cũng có hai phần: phần lễ và hội. Phần lễ là để thờ Thần (Thánh), Phật nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh là “cầu may” - tức cầu cho Thần, Phật phù hộ cho dân an vật thịnh, mùa màng phong đăng hòa cốc. Phần hội là diễn ra các tục trò dân gian vui chơi giải trí như: tuồng, chèo, ca trù, quan họ, vật… nhằm thư giãn sức dân sau những ngày mùa vụ vất vả trong năm. Khác với lễ hội của các làng khác, lễ hội của các làng Quan họ thường có tục hát Quan họ diễn ra cả phần lễ và phần hội. Quan họ phần lễ là để hát những làn điệu cổ có nội dung ca ngợi công đức của Thần, Phật cầu may cho dân làng. Quan họ phần hội là để các liền anh, liền chị của các làng đến dự hội hát đối đáp giao lưu, mang đậm văn hóa lễ nghĩa của một vùng quê hàng ngàn năm văn hiến.

Vào những ngày hội của các làng Quan họ, các liền anh, liền chị Quan họ cùng quý khách thập phương nô nức đến trảy hội, bởi sức hấp dẫn của các lễ hội Quan họ là người ta được thưởng thức văn hóa Quan họ từ lề lối sinh hoạt cho đến lời ca tiếng hát ngọt ngào, sâu lắng tình nghĩa con người. Đối với các làng Quan họ “kết chạ” với nhau như: Diềm-Bịu, Bồ Sơn-Y Na-Khả Lễ… thì không những họ coi nhau như anh em ruột thịt trong cuộc sống hàng ngày, mà những ngày đình đám hội hè là dịp để sinh hoạt giao lưu văn hóa Quan họ, thắt chặt thêm mối quan hệ đầy tính nhân văn giữa hai làng. Thường thì từ vài ngày trước hội, làng có hội cử đôi Quan họ sang làng Chạ (bạn) để có nhời mời Quan họ bạn. Đúng hẹn, Quan họ chủ nhà sẽ ra tận đầu làng đón bạn (khách) “tay bắt mặt mừng” bằng những câu ca Quan họ nghe ngọt ngào, lịch thiệp, tế nhị, ví như:

“Ngày ngày ra đứng cổng làng
Trông về Quan họ mà mua lấy sầu
Ai làm mặt ủ mày chau
Ai làm đến nỗi nhớ nhau đi tìm
Ước gì đôi cánh như chim
Bay đến Quan họ để xem thế nào
Xem rằng ý ở làm sao
Nước thì không khát, nhưng khát khao tình”.

Khi đón được bạn, khách, Quan họ chủ nhà sẽ đưa bạn vào đình, chùa hát thờ Thần, Phật để cầu may, ví như:

“Chúng em ra tận đầu làng
Nghe lời thày dạy đón già thập phương
Lễ này có quả có hương
Dâng lên tam bảo Người biên đôi dòng
Người biên là tấm lòng thành
Mong người phù hộ an khang cửa nhà”.

Sau phần lễ là phần hội, Quan họ chủ nhà đưa bạn tham gia phần hát hội. Các liền anh, liền chị Quan họ từng tốp hát đối đáp giao duyên say sưa bên nhau ở sân đình, sân chùa, tràn cả xuống những vạt núi, đồi, ruộng và trên ao hồ quanh đình, chùa và đây chính là phần hấp dẫn nhất của các lễ hội Quan họ. Sau khi tham gia hát hội, Quan họ chủ nhà đưa bạn mình về “nhà chứa” để hát canh Quan họ với nhau. Vào canh hát Quan họ, bao giờ Quan họ chủ nhà cũng mời trầu nước bằng những cử chỉ, lời ca cung kính, tế nhị, như: “Nhất niên nhất lệ, đầu xuân năm mới, hội lệ làng em được đương Quan họ sang thăm đất nước làng em, trước là lễ Thần Phật, sau là vãng cảnh thăm đình chùa, xin mời đương Quan họ liền anh xơi trầu, xơi nước cho chị em chúng em được bằng lòng”. Tiếp theo Quan họ mời nhau hát rất khéo và trong canh hát bao giờ người ta cũng hát đôi, hát đối. Giữa canh hát Quan họ chủ nhà mời bạn xơi cơm, nước, bánh, quả. Mặc dù cỗ Quan họ rất to, nhưng Quan họ chủ nhà mời mọc khiêm tốn, tế nhị. Không những trong khi ca hát với nhau, mà ngay cả khi sinh hoạt ăn uống, Quan họ luôn luôn mời mọc nhau bằng những làn điệu lời ca ngọt ngào, lịch thiệp, tế nhị. Sau đó Quan họ chủ nhà sẽ mời bạn về từng thành viên trong bọn Quan họ để thăm hỏi động viên cha mẹ, anh em và tặng quà cho nhau.

Kết thúc hội, Quan họ chủ nhà lại đưa tiễn bạn ra về tận cổng làng. Ở đấy, họ còn giùng giằng quyến luyến bằng những lời ca, tiếng hát nghe sâu nặng ân nghĩa tình người, ví như:

“Người ơi, người ở đừng về
Người về em vẫn khóc thầm
Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa…”

Như vậy, hội các làng Quan họ mặc dù chỉ diễn ra trong thời khắc, song dư âm về sự mến mộ, cung kính, lịch thiệp, tế nhị cùng lời ca tiếng hát ngọt ngào, sâu sắc của Quan họ chủ nhà đã mãi mãi đi vào tình cảm của các làng Quan họ bạn, cũng như quý khách thập phương. Và đầu xuân năm mới với những lễ hội của các làng Quan họ đã trở thành biểu tượng của văn hiến xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh.

Nguồn E-Ca Dao