Sunday, March 18, 2012

Sông Đuống

Sông Đuống, còn gọi là sông Thiên Đức hay Thiên Đức Giang, là một con sông dài 68 km[1], nối sông Hồng với sông Thái Bình. Điểm đầu từ ngã ba Dâu[1] (xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội tại địa giới giữa 2 đơn vị hành chính là huyện Đông Anh và quận Long Biên của thành phố Hà Nội). Điểm cuối là ngã ba Mỹ Lộc[1] (xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh). Về tổng thể sông Đuống chảy theo hướng tây-đông. Nó là một phân lưu của sông Hồng, trước đây chỉ là một dòng sông nhỏ, do cửa nối với sông Hồng bị cát bồi cao nên chỉ khi sông Hồng có lũ lớn mới tràn qua được[2]. Từ năm 1958, cửa sông được mở rộng để trở thành một phân lưu quan trọng giảm sức uy hiếp của lũ sông Hồng đối với Hà Nội[2]. So với lượng lũ của sông Hồng tại Sơn Tây thì sông Đuống tiêu được 20-30 %[2]. Theo Bách khoa toàn thư Việt Nam, tại Thượng Cát?, lưu lượng nước trung bình nhiều năm 880 m³/s[2], còn theo website tỉnh Bắc Ninh thì lưu lượng trung bình đạt khoảng 1.000 m³/s[3]. Lưu lượng đỉnh lũ lớn nhất 9.000 m³/s (ngày 22 tháng 8 năm 1971)[2]. Đoạn chảy qua Bắc Ninh dài 42 km[3]. Mực nước cao nhất tại bến Hồ vào tháng 8 năm 1945 là 9,64 m[3], cao hơn so với mặt ruộng là 3-4 m. Sông Đuống có hàm lượng phù sa cao, vào mùa mưa trung bình cứ 1 m³ nước có 2,8 kg phù sa[3].

Sông Đuống là đường giao thông thuỷ nối cảng Hải Phòng với Hà Nội và các tỉnh ở phía bắc Việt Nam[2].

Các loại tàu thuyền, xà lan tải trọng từ 100 tấn đến 450 tấn có thể vận tải trên sông được cả trong 2 mùa.

Hiện trên sông Đuống có 3 cây cầu bắc qua:
  • Cầu Đuống trên quốc lộ 1A cũ, nối thị trấn Đức Giang thuộc quận Long Biên với thị trấn Yên Viên thuộc huyện Gia Lâm.
  • Cầu Phù Đổng trên quốc lộ 1A mới, nối hai xã Phù Đổng và Phúc Lợi của huyện Gia Lâm.
  • Cầu Hồ trên quốc lộ 38; nối thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành với xã Tân Chi, huyện Tiên Du; đều thuộc tỉnh Bắc Ninh.
Ngoài ra, sẽ có thêm 4 cầu đường bộ mới sẽ được xây dựng ngang qua sông Đuống, là: cầu Thạch Cầu, cầu Đông Trù, cầu Phù Đổng II, cầu trên vành đai giao thông đối ngoại (gần cầu Hồ hiện tại).[4]

Các huyện thị chảy qua


Thơ văn

Nhà thơ Hoàng Cầm có bài thơ "Bên kia sông Đuống" nổi tiếng.
...Em ơi! Buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ...

Saturday, March 17, 2012

Lên Tiên Cung - Quan họ - Thúy Hường

Đại danh lam chùa Phật Tích và lễ hội Khán hoa Mẫu đơn

Th.s. Đỗ Thị Thủy

Theo thư tịch cổ và truyền thuyết, chùa Phật Tích tên chữ là “Vạn Phúc Tự” là nơi Phật giáo từ Ấn Độ đặt bước chân đầu tiên truyền giáo vào nước ta ngay từ buổi đầu Công nguyên. Thư tịch cổ còn cho biết: Vào thời nhà Đường, vua Đường đã cho người mang ba hòm xá lỵ của Phật đến đất Giao Châu để xây tháp, trong đó có một hòm ở chùa Phật Tích.

Đến thời vua Lý Thánh Tông, chùa Phật Tích được xây dựng thành đại danh lam, còn cho xây dựng một cây tháp cao 10 trượng, trong chứa pho tượng Phật, mình vàng cao 6 xích, đứng từ kinh thành Thăng Long nhìn thấy được. Dấu tích chân cây tháp cổ còn để lại, có kích thước rất lớn (9,20m x 9,20m) với những viên gạch ghi rõ niên đại xây dựng: “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo” (tức vào đời vua thứ 3 nhà Lý niên hiệu Long Thụy Thái Bình năm thứ 4-(1057).

Dẫu trải hơn ngàn năm lịch sử, chùa xưa tháp cũ không còn nữa, nhưng dấu tích đại danh lam thời Lý vẫn còn với quy mô nền móng rất lớn, gồm 4 cấp nền được kè đá tảng và nhiều di vật cổ thời Lý như: tượng Phật A Di Đà, linh thú (sư tử, voi, trâu, tê giác, ngựa), tượng đầu người mình chim, chân tảng, chân cột, gạch ngói, con giống… Trong số những cổ vật độc đáo của thời Lý, đặc biệt là pho tượng Phật A Di Đà có vẻ đẹp đã vượt thời gian và không gian.

Pho tượng Phật A Di Đà đã hơn 1000 năm tuổi, vẫn còn nguyên vẻ đẹp ở nhiều phương diện như: Triết lý của Phật pháp, tạo hình, chất liệu, đường nét, hoa văn… Tượng được làm từ đá xanh nguyên khối trong tư thế ngồi thiền tĩnh tọa trên tòa sen: thân cao 1,845m, thon thả óng nuột và mềm mại bởi những đường cong và những nếp chảy của tấm áo cà sa khoác ngoài; khuôn mặt đẹp với đôi mắt hiền từ, lông mày thanh cong, miệng cười mỉm. Toàn bộ thân hình và khuôn mặt của tượng toát lên vẻ đẹp thánh thiện từ bi hỷ xả, như đang thấu nghe tiếng kêu cứu khổ cứu nạn của mọi kiếp chúng sinh để cứu khổ độ nạn.

Chùa Phật Tích còn nổi tiếng trong dân gian với lễ hội “Khán hoa mẫu đơn” (tức Hội xem hoa mẫu đơn) với thiên tình sử “Từ Thức gặp tiên”. Huyền thoại kể rằng: Xưa kia, vùng núi Phật Tích và vườn chùa Phật Tích trồng bạt ngàn hoa mẫu đơn. Hàng năm, xuân về hoa mẫu đơn nở đỏ rực cả một góc trời. Chùa Phật Tích mở hội đầu năm vào mồng 4 tháng giêng để đón năm mới, lễ Phật, cầu may. Từ muôn nơi người người đổ về đây trảy hội ngắm hoa vãn cảnh chùa. Trên trời, nàng tiên Giáng Hương thấy cảnh trần gian tuyệt đẹp, đã xin giáng trần dự hội chùa. Nhưng vô tình nàng Giáng Hương đánh gãy một cành hoa mẫu đơn giữa cửa chùa, nên bị chú tiểu giữ lại. Chàng Từ Thức bèn cởi áo khoác xin chuộc tội cho nàng. Cảm động với nghĩa cử cao đẹp của chàng trai hào hoa phong nhã, nàng Giáng Hương đã ngỏ lời hò hẹn với chàng và đã mời chàng về chốn “bồng lai” xin kết duyên vợ chồng. Và từ đó câu chuyện tình thơ mộng “Từ Thức gặp tiên” đã sống mãi với lễ hội Khán hoa mẫu đơn của chùa Phật Tích.

Mỗi khi tết đến xuân về người người lại nô nức rủ nhau về chùa Phật Tích trảy hội. Lễ hội Khán hoa mẫu đơn diễn ra tưng bừng nhộn nhịp, trước cửa chùa. Quan viên chức sắc hai hàng đón tiếp khách, trong chùa thì sư vãi tụng kinh lễ Phật, ngoài sân chùa bạt ngàn hoa mẫu đơn và người đến xem hoa.

Nguồn Thời Sự Phật Pháp