Saturday, June 8, 2013

Kể Chuyện Bốn Mùa - Thúy Hường


Bắc Ninh - Miền quê của những di sản lịch sử, văn hoá tiêu biểu

Tiến sỹ Trần Đình Luyện

Đến bất cứ đâu trên mảnh đất Bắc Ninh - miền quê ''địa linh nhân kiệt" ? nơi từ nghìn xưa cho đến hôm nay luôn là phên dậu phía Bắc của kinh thành Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, cũng đầy ắp những kỉ niệm lịch sử được kết tinh trong những di sản văn hoá tiêu biểu ở khắp các làng quê của vùng đất này.

Bên kia sông Đuống, trên đất Thuận Thành, uy nghiêm lăng mộ Kinh Dương Vương, đền thờ Lạc Long Quân ? Âu Cơ tại làng Á Lữ - di tích thờ "Nam bang thuỷ tổ" (ông tổ nước Nam). Thành cổ Luy Lâu ở xã Thanh Khương (Dâu) với các di tích dinh thự, phố chợ, đền đài, chùa tháp nguy nga còn lại của trung tâm chính trị, kinh tế thương mại, trung tâm Phật giáo và Nho giáo của nước ta trong thiên niên kỷ đầu công nguyên.

Thuận Thành còn là miền quê của nghệ thuật dân gian với làng tranh Đông Hồ, làng ca trù Thanh Tương, múa rối nước Bùi Xá, kiến trúc Phật giáo nổi tiếng cổ kính và mỹ lệ như Chùa Dâu, chùa Bút Tháp. Đây còn là quê hương của nhiều thi nhân nổi tiếng như Nguyễn Gia Thiêu, Sái Thuận,...

Qua Thuận Thành, tới Gia Bình ? nơi có ngọn Thiên Thai thơ mộng, quê hương của ông trạng khai khoa Lê Văn Thịnh là một địa thắng nổi tiếng nên các vua chúa đời trước đã dựng chùa Đông Lâm, chùa Tĩnh Lự trên đỉnh núi, cung Long Phúc ở sườn non để thường xuyên về đây du ngoạn. Qua Thiên Thai tới Lệ Chi Viên và dấu tích hành cung Đại Lai nơi xẩy ra vụ oan nghiệt với Nguyễn Trãi-người anh hùng dân tộc và danh nhân văn hoá thế giới. Từ Đại Lai sang chùa Đại Bi ? quê hương của nhà sư, thi sỹ nổi tiếng Huyền Quang, một trong ba vị tổ của thiền phái Trúc Lâm thời Trần. Xuống cửa Lục Đầu ? Bình Than vũ công lẫy lừng, vào thăm đền thờ và lăng mộ Cao Lỗ Vương ở làng Đại Than và Tiểu Than quê hương của nhà quân sự tài ba đã sáng chế ra nấy nỏ và kiến trúc kinh thành Cổ Loa, giúp vua An Dương Vương bảo vệ nhà nước Âu Lạc.

Vượt cầu Hồ hay từ Hà Nội ngược quốc lộ 1A qua sông Hồng, sông Đuống tới đất Từ Sơn xưa, nay là các huyện Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong, thị xã Bắc Ninh và huyện Quế Võ. Hơn bất cứ đâu nơi đây đậm đặc di tích lịch sử và sống động truyền thống văn hoá Việt Nam. Làng Đình Bảng, lăng Lý Bát Đế, đền Cổ Pháp-nơi yên nghỉ và tôn thờ các vua Lý những bậc minh quân đã khai mở một triều đại vàng son, xây dựng và phát triển nền văn minh Đại Việt. Vùng đất này là địa bàn chủ yếu để thi triển các chính sách bảo vệ và xây dựng đất nước, phát triển văn hoá Việt Nam của các triều đại với nhiều thành tựu rực rỡ. Chiến tuyến Như Nguyệt, đền Xà, đền Yên Phụ (Yên Phong) còn âm vang lời tuyên ngôn trên dòng sông Cầu lịch sử "Nam quốc sơn hà Nam đế cư..." (sông núi nước Nam vua Nam ở). Các chùa Phật Tích, Tiêu Sơn, Bách Môn, Bách Môn, Cổ Pháp, Lãm Sơn (Dạm), Hàm Long, các đình Đình Bảng, đình Diềm, đền Bà Chúa Kho, đình Hồi Quan, Cổ Mễ, thành cổ Bắc Ninh,... là những danh lam cổ tự và những công trình kiến trúc nghệ thuật vào bậc nhất của nước ta thời Lý-Trần-Lê. Tiêu biểu là Văn Miếu Bắc Ninh, nơi tôn thờ trên 600 tiến sỹ quê hương Kinh Bắc-Bắc Ninh, chiếm 1/3 các vị đại khoa Hán học cả nước, cho thấy Bắc Ninh là vùng đất tiêu biểu của nền văn hiến Việt Nam. Nền văn hiến ấy nẫy nở, bảo tồn và phát triển trước hết ở các làng xã Bắc Ninh. Đa số làng quê ở đất này được tôn vinh là "Mỹ tục khả phong", "địa linh nhân kiệt" bởi có lịch sử lâu đời và trù phú với các hoạt động kinh tế, văn hoá vừa đa dạng vừa sôi động. Nơi đây có các làng tiến sỹ như Kim Đôi, Tam Sơn, Vĩnh Kiều,... các làng buôn nổi tiếng như Phù Lưu, Mai Động, Đình Bảng, Lũng Giang,... và đông đảo các làng thợ; làm giấy gió Đống Cao, chạm khắc gỗ Phù Khê, Kim Thiều, Đồng Kỵ; rèn sắt Đa Hội, sơn mài Đình Bảng, đúc đồng Đại Bái, Quảng Bố, làm gốm Phù Lãng, dệt lụa Cẩm Giang, Tam Sơn, Nội Duệ,...

Bắc Ninh là vương quốc của lễ hội, quê hương của sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc và phát triển tới đỉnh cao. Hầu như làng nào cũng có lễ hội, trong đó có nhiều lễ hội tiêu biểu cả vùng, cả nước như hội xem hoa mẫu đơn chùa Phật Tích, hội rước pháo Đồng Kỵ, hội đền Lý Bát Đế, đền Bà Chúa Kho, hội chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Hàm Long, hội đền Phả Lại, hội giổ tổ Huyền Quang,... Nổi tiếng và thu hút là hội ca hát giao duyên của các làng Quan Họ. Lễ hội và các hoạt động văn hoá của dân tộc Việt Nam trên vùng đất Bắc Ninh ? Kinh Bắc: thông minh, cần cù, tài khéo, năng động và tinh xảo trong hoạt động kinh tế, sáng tạo trong hoạt động văn hoá nghệ thuật và bao trùm là đạo lí sống "uống nước nhớ nguồn", quý trọng cái tình, cái nghĩa, sự chung thuỷ trong quan hệ ứng xử giữa người với người "bốn biển một nhà", "tình chung một khắc, nghĩa dài trăm năm", tôn vinh tình yêu thương con người và sự mê say các hoạt động văn hoá nghệ thuật. Vì vậy về với Bắc Ninh là về với quê hương của thi ca, nhạc hoạ, về với cội nguồn dân tộc và văn hoá Việt Nam.

Ngày nay trong sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, những di sản văn hoá quý giá của quê hương Bắc Ninh ? Kinh Bắc đang được bảo tồn và phát huy, góp phần xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hiến Kinh Bắc.