Blog KYDV

Wednesday, July 24, 2019

Những tên gọi của làng Dũng Vi (Tiếp theo)

Trong bài viết trước "Những tên gọi của làng Dũng Vi" đăng trên Blog KYDV ngày Thứ Hai 22 tháng 07 năm 2019. Tôi đã trình bày một số tài liệu tham khảo về tên gọi các thôn làng Dũng Vi xưa và nay.

Như vậy, chúng ta đã xác thực được những tên gọi này, như VE, PHÚC LAI VI, DŨNG VY và TRI PHƯƠNG cùng những tên gọi các thôn trong làng như VE ĐINH, VE LƯƠNG và VE CHỢ (VE GIÁO) hoặc THÔN NGOÀI (THÔN GIÁO), THÔN TRONG (THÔN LƯƠNG)... qua tham khảo, đối chiếu những tài liệu.

Vị trí, địa điểm của làng thì chúng ta đã có thể căn cứ trên tài liệu và bản đồ. Hãy thử phỏng đoán thời gian tính của những tên gọi này. Tổng kết có 4 tên gọi:


1-VE (Tên khởi thủy, khoảng Thế kỷ thứ ?)
2-PHÚC LAI VI (Tên vua ban tặng, khoảng Thế kỷ 10)
3-DŨNG VI (Tên hành chính, khoảng sau Thế kỷ thứ 10)
4-TRI PHƯƠNG (Tên hành chính, khoảng Thế kỷ thứ 19)

1-VE (Tên khởi thủy, khoảng Thế kỷ thứ ?)

Theo như lý giải phóng đoán của tác giả đồng hương Đinh Văn Đích bút hiệu Đinh Bằng (Giáo sư, Cử nhân Sử-Địa) trong bài LÀNG TÔI viết vào tháng 05-2000. VE là tên gọi từ khi mới khai hoang lập làng. Dưới đây là trích đoạn bài viết:

"I - Ve

Tại sao Ve ? Thử đưa ra một cách giải thích nguồn gốc danh xưng này.

Thuở xa xưa, khi đường xá còn trong tình trạng sơ khai, Ve là một vùng sâu, vùng xa (ve kêu vượn hót) hẻo lánh, nằm lọt thỏm giữa cánh đồng khá rộng lớn, có vị trí tự nhiên trải dài từ chân núi Chè ở phía Bắc qua Đồng Lạng, Ve... đến Trung Mầu, Phù Đổng ở phía Nam. Phía Đông là Cao Đình, Đền Xộp và phía Tây giáp Đại Vy... chợ Giầu bên quốc lộ 1. Nếu kẻ một trục thẳng đứng (tung) hướng Bắc-Nam từ núi Chè xuống Phù Đổng và hướng Đông-Tây từ Cao Đình đến quốc lộ 1 (hoành) thì Ve nằm ở vùng giữa hai trục. Nói một cách hình tượng. Ve là cái túi, cái rốn của vùng này.

Khi tổ tiên chúng ta tới đây lập nghiệp khung cảnh còn hoang sơ, cây cối rậm rịt. Nơi đây qui tụ nhiều muông chim hoang dã, trong đó có giống ve sầu, một loài sâu có cánh chuyên sống trên các ngọn cây cao hoặc bụi rậm. Hàng năm, cứ vào đầu mùa Hè, chúng cất cao “tiếng gọi tình thương” mở đầu thời kỳ “vui vẻ” để duy trì nòi giống. Cuộc tình ầm ĩ này vốn kéo dài đến ngày nay, dầu chỉ là rơi rớt, dư âm của một thời vang bóng.

Phải chăng tiếng ve-ve inh ỏi suốt mùa Hè đã khiến cha ông chúng ta, vốn đơn sơ chất phác lấy nó đặt tên cho nơi mình sinh sống là xóm Ve, làng Ve ?

Đây chỉ là giả thiết. Mong các bạn và các bậc cao tuổi tại quê nhà tìm hiểu, xác minh."

2-PHÚC LAI VI - 福 來 為 (Tên vua ban tặng, khoảng Thế kỷ 10)

Căn cứ trên thời gian tính của sự kiện "Chiến thắng Như Nguyệt" của danh tướng Lý Thường Kiệt tại sông Cầu vào năm 1076 (Thế Kỷ 10)...

Trích "Xứ Dũng Quê Tôi" của tác giả Đinh Văn Diệm bút hiệu Lam Thy (Giáo sư, Cử nhân Hán-Việt) đăng trên Blog KYDV ngày Thứ Bảy 19 tháng Một năm 2013.

"...Phía Nam làng cũng có một nhánh sông ôm sát lũy tre làng, gọi Ngòi Cầu Cung, hợp lưu với Ngưu Giang ngay tại xóm Gạ. Qua Ngòi Cầu Cung thì tới Đền Vua và Mả Ngụ. Nghe đồn từ xa xưa, Triều đình phong kiến có lập tại đây một trường tập bắn cung gọi là Mả Ngụ và xây dựng một ngôi đền (Đền Vua) để nếu nhà vua có về ngự thi xạ tiễn thì có nơi để nghỉ ngơi. Theo suy nghĩ của tôi thì có lẽ trường tập bắn tên là Mã Ngự (ngựa của vua hoặc có thể hiểu theo nghĩa: Mã là ngựa, Ngự là vua ngự lãm - Mã Ngự là vua cỡi ngựa bắn cung hoặc xem bắn cung - ở đây tôi giải thích chữ Mã Ngự theo cách giải thích những chữ sau: Ngự thiện = Vua ăn cơm - Ngự triều = Vua họp triều đình - Ngự xạ = Vua bắn cung - Ngự tiễn = mũi tên vàng của vua v.v...), rồi theo dòng thời gian, dân chúng đọc trại đi (luật biến âm của từ nguyên) thành Mả Ngụ chăng ? Tôi đã hỏi các vị cao niên, nhưng không ai rõ nguồn gốc chữ Mả Ngụ và cũng chẳng thấy có ngôi mộ nào tại trường tập bắn cả. Còn một điểm nữa, cổng làng phía Nam của làng tôi gọi là cổng Cầu Cung (nơi ghi dấu một cái Cung đường để nhà vua cầu phúc, hoặc có thể hiểu là nơi cầu cho cung tên được bách phát bách trúng). Trên cổng Cầu Cung còn có 3 đại tự: PHÚC LAI VI (phúc lại vi hành đến hoặc phúc đến với làng Dũng Vy). Tổng hợp cả 3 địa danh CẦU CUNG - ĐỀN VUA - MẢ NGỤ, chứng tỏ có ghi dấu ấn các Hoàng đế phong kiến ở nơi đây mà 3 đại tự PHÚC LAI VI có thể là do vua ban hoặc sắc phong cho làng..."

Đây là ý kiến của tác giả đồng hương Đinh Văn Diệm bút hiệu Lam Thy viết trong lời "KHAI TỪ - ĐINH TỘC THẾ PHỔ ( 丁 族 世 譜 )".

"...
Theo những tài liệu do các cụ thu thập được để làm cuốn GIA PHẢ HỌ ĐINH đầu tiên, thì khởi thủy từ Tiên tổ duy nhất họ Đinh (không nhớ được tên) đến khai hoang lập ấp tại bãi đất hoang ở vào khoảng giữa dãy núi hình cánh cung ở phía bắc với sông Đuống (Thiên Đức giang) ở phía Nam. Dãy núi phía bắc gồm: Trà sơn (núi Chè), Cổ Miễu, Vĩnh Phú, Bát Vạn, Phật Tích, Long Khám (Long Giáng). Nhờ dãy núi hình cánh cung, trên có sông Cầu dưới có sông Đuống, danh tướng Lý Thường Kiệt – một danh tướng văn võ toàn tài đời Lý Thánh Tông – đã lập phòng tuyến sông Cầu (vào năm 1076) để chống lại quân nhà Tống (Trung Quốc). Lý Thường Kiệt đã từng cầm quân đánh cả sang Tàu chiếm được Châu Ung, Châu Liêm, với câu nói bất hủ “Muốn phòng thủ chắc chắn, hãy tấn công vào hang ổ địch”. 

Vì có được Thiên thời + Địa lợi + Nhân hòa như vậy, nên tên làng đầu tiên được đặt là PHÚC LAI VI (khắc trên cổng Cầu Cung, mãi tới sau 1954 mới bị phá bỏ). PHÚC ( 福  ) là sự tốt lành, LAI ( 來 ) là tới, VI ( 為 ) là hành động, PHÚC LAI VI là hành động đem tới sự tốt lành, hạnh phúc. Đó là một hành động dũng cảm, và vì thế mới chính thức đặt lại tên làng là DŨNG VY ( 勇 為  )....


(Trích đoạn lời "KHAI TỪ - ĐINH TỘC THẾ PHỔ ( 丁 族 世 譜 )" của tác giả Lam Thy Đinh Văn Diệm.)


3-DŨNG VY - 勇 為 (Tên hành chính, khoảng sau Thế kỷ thứ 10)

Căn cứ trên thời gian tính sau sự kiện "Chiến thắng Như Nguyệt" của danh tướng Lý Thường Kiệt tại sông Cầu vào năm 1076 (Thế Kỷ 10).

"...
Vì có được Thiên thời + Địa lợi + Nhân hòa như vậy, nên tên làng đầu tiên được đặt là PHÚC LAI VI (khắc trên cổng Cầu Cung, mãi tới sau 1954 mới bị phá bỏ). PHÚC ( 福  ) là sự tốt lành, LAI ( 來 ) là tới, VI ( 為 ) là hành động, PHÚC LAI VI là hành động đem tới sự tốt lành, hạnh phúc. Đó là một hành động dũng cảm, và vì thế mới chính thức đặt lại tên làng là DŨNG VY ( 勇 為  )....

(Trích đoạn lời "KHAI TỪ - ĐINH TỘC THẾ PHỔ ( 丁 族 世 譜 )" của tác giả Lam Thy Đinh Văn Diệm.)"

Đây là tên hành chính dưới những triều đại phong kiến được ghi trên Thần sắc của xã Dũng Vi, tổng Dũng Vi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Trích "Dũng Vi tổng các xã thần sắc‏ (Dẫn giải)" của tác giả Đinh Văn Diệm bút hiệu Lam Thy đăng trên Blog KYDV ngày Thứ Năm 24 tháng 10 năm 2013.

"Trong kho thư tịch di sản Hán-Nôm. Địa danh Dũng Vi đã được ghi chép trên "Bắc Ninh tỉnh Tiên Du huyện Dũng Vi tổng các xã thần sắc", mang ký hiệu AD.a7/27 của Viện Nghiên Cứu Hán-Nôm vào khoảng Thế kỷ 17 dưới triều vua Quang Trung và Cảnh Thịnh...

 

BẮC NINH TỈNH, TIÊN DU HUYỆN, DŨNG VI TỔNG CÁC XÃ THẦN SẮC 北 寧 省 仙 遊 縣 勇 為 總 各 社 神 敕 (Viện Nghiên Cứu Hán-Nôm)". 

4-TRI PHƯƠNG (Tên hành chính, khoảng Thế kỷ thứ 19)

Đây là tên hành chính của xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh dưới giai đoạn của chính quyền Cộng sản từ khoảng năm 1954 đến hiện nay (2019).

Xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh hiện nay (07-2019) có 4 thôn là Lương, Giáo, Đinh và Cao Đình (Cao Đường).

Mong đón nhận những ý kiến của quý đồng hương và bạn đọc.

Thung Lũng Hoa Vàng, Hoa Kỳ
Tháng 07-2019
Đinh Tất Thức
----------

Bài viết liên quan:
- Tên Làng: Dũng Vi hay Dũng Vy ?
- Quê hương qua Ca dao: Ba cô đội gạo lên chùa - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: Thằng Cuội - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: 8 Con Chuột - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: Bánh Bèo - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: Bán Rượu - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: 10 Yêu - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: 10 Lo - Đinh Thức
- Đình Dũng Vi - Blog KYDV
- Những tên gọi của làng Dũng Vi
- Những tên gọi của làng Dũng Vi (Tiếp theo)
- Thần Sắc và Thần Tích xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh
- Thần Sắc và những vị Thành Hoàng làng Dũng Vi
- Văn Chỉ làng Dũng Vi
- Quê hương qua Ca dao: Cái Bống - Nhạc: Đinh Thức

No comments:

Post a Comment