Blog KYDV

Thursday, September 26, 2019

Những con đê làng

Những con đê làng
 
Ðể ngăn nước lũ, người xưa đã đắp nên những con đê. Ðê gắn với dòng sông, với làng mạc trù phú từ bao đời nay. Ðê góp mặt vào những sinh hoạt đời thường của con người, để lại những kỷ niệm thiết tha và ý nghĩa.

Hai bên bờ những dòng sông đều có con đê. Những con đê ngăn dòng nước lũ tràn lan, chia thành vùng đất trong đồng và ngoài bãi. Ðê giữ lũ cho xóm làng có một cuộc sống bình yên. Những con đê cứ uốn mình theo dòng sông, khúc cong, khúc thẳng như hình với bóng.

Những con đê là những con đường giao thông, nối tình người của những miền đất xuôi, ngược, mang những vật phẩm, hoa trái của miền nọ, giao hảo với miền kia. Ðê là những con đường cao ráo sạch sẽ. Dẫu có mưa dầm dề cũng không thể nào đọng nước. Và gió mặt đê cũng thỏa sức thả hết tốc độ của gió, lau sạch những bụi bặm trên mặt đường mà trận mưa rào chưa rửa hết.

Bờ đê, nơi thoáng gió ấy, là những "bệ phóng" lý tưởng của những cánh diều tuổi thơ. Cỏ bờ đê là những bãi chăn thả dự trữ của những đàn trâu, bò, gà tây, đàn ngỗng trong mùa lụt. Khi cánh đồng đã lên xanh, khi dòng sông đã nhấn chìm hết những bãi non, bãi già thì những đàn gia súc, gia cầm ấy chẳng hẹn cũng gặp nhau trên bờ đê. Những người chủ bé của chúng cũng gặp nhau cùng thi thả diều.

Với tuổi dậy thì, con đê là điểm hẹn hò đáng yêu, đáng nhớ. Mấy ai ở tuổi ấy, ở những nơi ấy chả có đôi lần gặp nhau, đợi nhau trên bờ đê. Nhà thơ Nguyễn Bính, con người "chân quê" xưa, chả đã có lần thốt lên:
 
Hôm qua em đi tỉnh về
Ðợi em ở mãi con đê đầu làng...
 
Câu thơ của thi sĩ đã nói hộ bao người. Nói hộ bao trái tim đôi lứa sinh ra bên những con đê làng.

Những loài cây cỏ bên bờ đê cũng đặc biệt lạ lùng. Loài cây trinh nữ và loài cỏ may, hai loài cây ấy hầu như triền đê nào cũng có. Trinh nữ bò lan mặt đất, lá như lá me, hoa nở từng chùm, bông hoa tròn như bông hoa tai nàng công chúa trong cổ tích. Hễ ai động bàn tay vào, lá trinh nữ cụp lại, héo rũ, tái nhợt như người con gái lần đầu tiên gặp người mình yêu.
 
Thuở trước, khi mùa cưới bắt đầu, những tràng pháo nổ râm ran. Người làng đứng trên đê nhìn xuống có thể thấy những làn khói xanh bốc lên trước ngõ nhà nhau. Chàng trai hay cô gái nhìn khói pháo, giật mình tưởng việc của mình sắp đến. Trẻ con đứng trên đê nhìn khói pháo, rủ nhau chạy ùa xuống ngõ xem mặt cô dâu chú rể.

Ðó là hình ảnh của những con đê làng thời chưa xa lắm. Hôm nay ta đi trên mặt đê, lòng cảm tạ cha ông xưa, người đã sáng tạo ra những "vạn lý trường thành" ngăn giặc lũ, cũng là nơi manh mối nghĩa tình. Cuộc sống hôm nay trên mặt đê diễn ra nhộn nhịp. Những đám đón dâu, đưa dâu không còn phải đi bộ. Những xe hoa lăn bánh trên mặt đê, xe ngược, xe xuôi gặp nhau trong những ngày lành tháng tốt.

Làng tôi bên kia sông Hồng, một làng ven ngoại thành Hà Nội, cũng có một con đê trải bao đời như thế. Những nỗi lo mùa lụt hằng năm vẫn canh cánh người dân quanh vùng. Lịch sử sắp sang trang một thiên niên kỷ mới. Và những con đê quanh vùng ven cũng đổi đời. Những con đê bên bờ Hà Nội sẽ trở thành con đê bê-tông cốt thép để bảo vệ nội thành. Sau những nỗi mệt nhọc lo âu thường nhật, chiều chiều ra đê đón gió mát lạnh của sông Hồng, tôi mới hiểu con đê trong tôi tha thiết và ý nghĩa biết chừng nào.
 
Thanh Hào (Báo Giáo dục và thời đại)
 
Source E-CaDao

Monday, September 23, 2019

Mộ tổ PHAN TỘC và NGUYỄN-THẾ (04-2019)



Một số những hình ảnh về Dũng Vi do các em Thiếu Nhi Thánh Thể Maria Goretty Giáo xứ Dũng Vy chụp nhân dịp Chiến Dịch Hè 2019.
 
 
Mộ tổ dòng họ NGUYỄN-THẾ và PHAN TỘC (Kiến trúc bên phải)

 
Mộ tổ dòng họ NGUYỄN-THẾ của cả thôn Giáo và thôn Lương (Kiến trúc bên trái có bia và mái rồng) - Văn Việt (Facebook)
 
 
Mộ tổ PHAN TỘC
 


Photos: TNTT GXDV
 

Wednesday, September 18, 2019

Tri Phương - Bắc Ninh: Phát triển bền vững theo chuẩn nông thôn mới

Tri Phương - Bắc Ninh: Phát triển bền vững theo chuẩn nông thôn mới

Trong năm 2017, xã Tri Phương đã đạt tiêu chí nông thôn mới tạo tiền đề vững chắc thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ cho những năm tiếp theo.
 
Về sản xuất nông nghiệp, tổng diện tích reo cấy vụ xuân được đẩy lên là 268/270 ha đạt 99,3%; tổng diện tích reo cấy được 530,5ha đạt 98,2%, sản lượng bình quân đạt 57 tạ/1 ha. Năm 2017, tổ chức 07 lớp chuyển giao KHKT với 450 lượt người tham gia, không ngừng nâng cao kiến thức trồng trọt chăn nuôi.

Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp như: cung ứng 3.900kg giống lúa cho các Tổ hợp tác, trong đó vụ xuân cung ứng được 1.980kg, vụ mùa cung ứng 1.924kg lúa thuần các loại, đáp ứng được nhu cầu giống lúa cho người dân trong xã. Phối hợp tổ chức 02 lớp dạy nghề mây tre đan, 01 lớp trồng rau sạch với 90 học viên tham gia; tổ chức nghiệm thu 08 hộ xây dựng bể Biôga. Tập trung chỉ đạo điều hành các thôn, tổ hợp tác thực hiện tốt các dịch vụ nước, làm đất, bảo vệ thực vật, dịch vụ thu hoạch đảm bảo hoàn thành những nhiệm vụ đặt ra trong sản xuất nông nghiệp năm 2018.

Công tác quản lý tài nguyên – môi trường có nhiều thành tích đáng khen. Trong năm 2017, UBND xã đã tiếp nhận 52 hồ sơ, trong đó 04 hồ sơ xin cấp mới Giấy CNQSDĐ, chuyển nhượng 16 hồ sơ, tặng cho 17 hồ sơ, phân chia thừa kế 03 hồ sơ, thỏa thuận gia đình 12 hồ sơ; đến nay đã trả kết quả được 48 hồ sơ. Về vi phạm đất đai, năm 2017 trên địa bàn đã xảy ra 9 trường hợp tự ý tân đất, tân cát, xây bờ bao trên diện tích đất canh tác, UBND xã chỉ đạo giải tỏa 5 trường hợp còn lại 4 trường hợp. Duy trì vệ sinh môi trường, thu gom được 80% rác thải ở các thôn về khu trung chuyển chứa rác.

Trong tháng 11/2017, UBND xã đã đề nghị Công ty môi trường Tân Trường Lộc chuyển rác tại các khu trung chuyển đi xử lý, đến nay công ty đã xử lý xong lượng rác của thôn Lương, thôn Giáo và thôn Đinh. Trong thời gian tới sẽ xử lý lượng rác của thôn Cao Đình.


Giáo dục luôn được quan tâm hàng đầu trong các nhiệm vụ. Cả 3 cấp học vẫn được duy trì ổn định về quy mô; chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên; cơ sở vật chất cơ bản được đảm bảo; cả 3 trường đều hoàn thành nhiệm vụ năm học. Bậc mầm non, Chất lượng giáo dục được nâng lên về nề nếp vệ sinh có 23/23 lớp đạt tốt chiếm 100%, nề nếp đạo đức có 23/23 lớp đạt tốt chiếm 100%, nề nếp học tập có 23/23 lớp đạt tốt chiếm 100%. Bậc tiểu học, học sinh được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học là 137/137 học sinh đạt 100%, học sinh được lên lớp thẳng là 690 đạt tỷ lệ 99,6%.

Giáo viên có trình độ chuyên môn giỏi là 20 đ/c, khá 18 đ/c, TB là 0 đ/c, không xếp loại là 02 đ/c. Có 07 đ/c giáo viên dạy giỏi cấp huyện và 01 đ/c giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Bậc trung học, học sinh tốt nghiệp THCS là 103/105 học sinh đạt 98,1%. Tổng số học sinh thi đỗ vào lớp 10 công lập đạt 89,66%; Có 23 học sinh đạt giải trong các cuộc thi học sinh giỏi về môn văn hóa do các cấp tổ chức (1 giải nhì, 11 giải ba, 11 giải khuyết khích).
 
Trong năm 2017, Trạm y tế xã là đơn vị tiên phong trong toàn huyện về công tác khám, lập hồ sơ sức khỏe cá nhân đạt 8515/9375 đạt 90,8%, phát hiện 101 mặt bệnh (656 ca bệnh). Số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm trong chương trình tiêm chủng mở rộng là 217 trẻ. Thực hiện tốt các tiêu chí đạt chuẩn quốc gia, về y tế cơ sở đạt 90,5/100 điểm, trạm đạt chuẩn giai đoạn 2; thực hiện tốt công tác phòng dịch, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Năm 2017, trên địa bàn xã không xảy ra dịch bệnh, không có vụ ngộ độc thực phẩm và tai biến nào xảy ra trong điều trị; khám chữa. Công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em và sức khỏe sinh sản được quan tâm thường xuyên, số phụ nữ mang thai khám 3 lần trước khi sinh đạt 100%, tiêm  trủng mở rộng cho phụ nữ có thai là 167 người, 100% các cháu khi sinh đều được uống VitaminA; chăm sóc sức khỏe.

Công tác tư pháp, giải quyết đơn thư trong năm 2017, tổ chức tiếp dân 49 buổi với tổng số 230 lượt người phản ánh 22 vụ việc, trong đó khiếu nại 02, đề nghị 20; về lĩnh vực đất đai là 10, chính sách xã hội là 07,  nội dung khác là 05. Tổng số đơn đã thụ lý để giải quyết là 21 đơn, trong đó huyện chuyển về 05, xã thụ lý 16, bao gồm khiếu nại 02, tố cáo 01, nội dung khác 18; nội dung đơn về đất đai 16, tài chính 01, nội dung khác 04. Kết quả đã giải quyết xong 13 đơn do xã tiếp nhận, đang giải quyết 03 đơn; giải quyết xong 04 đơn do huyện chuyển về, đang giải quyết 01 đơn.

Lập hồ sơ và ra quyết định áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính 44 trường hợp, cụ thể Chủ tịch xã đã ban hành quyết định xử lý hành chính áp dụng biện pháp giáo dục tại xã đối với 09 trường hợp liên quan đến ma túy và gây rối trật tự công cộng, 15 quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong xử lý vi phạm đất đai, xử phạt hành chính 09 đối tượng với tổng số tiền là 32.300.000 đồng; Trưởng Công an xã đã lập hồ sơ và ban hành quyết định xử phạt hành chính 11 đối tượng với số tiền là 10.000.000 đồng.

Phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của UBND xã Tri Phương là tiếp tục thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của các cấp về những giải pháp chủ yếu kiềm chế lạm phát nền kinh tế; khắc phục mọi khó khăn, đảm bảo thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Chủ động, phát huy nội lực, khai thác quản lý và sử dụng các nguồn lực để duy trì ổn định nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn; tận dụng cơ hội, phối hợp thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo bước chuyển biến mạnh về nhận thức và trách nhiệm hành động trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhằm hướng đến mục tiêu “Thực hiện từng bước đi vững chắc bền vững theo các nội dung tiêu chí của đề án xây dựng nông thôn.

Đình Cường

Thursday, September 5, 2019

Quê hương qua Ca dao: Thằng Cuội - Đinh Thức

Quê hương qua Ca dao: Thằng Cuội - Đinh Thức
Trung Thu lại về mang theo những niềm vui nhỏ nhỏ, dễ thương cho tuổi thơ và có lẽ cả người lớn... Gia đình tôi vào những dịp Trung Thu hàng năm thì cả nhà bận rộn để kịp ra lò những hộp bánh nướng, banh dẻo đặng giao khách hàng (Quý vị muốn đặt hàng gọi số 0838438004)...

Mỗi người có một tuổi thơ với những kỷ niệm để nhớ. Những kỷ niệm tuổi thơ đáng yêu mà tôi vẫn nhớ suốt cuộc đời vào những dịp Trung Thu ở quê nhà là những chiếc đèn Trung Thu tự tạo bé nhỏ, ngộ nghĩnh, tốn công mấy ngày mới làm xong, không phải vì bố mẹ không mua cho mà vì thích tự làm lấy như thế; có khi làm bằng giấy bóng kính, có khi thì làm bằng cóng lon nước ngọt kêu lóc cóc, leng keng quanh xóm ngõ cùng đám trẻ trong xóm... Cả đám ồn ào, vui nhộn với những câu hát đi hát lại... "Tết Trung Thu đốt đèn đi chơi. Em đốt đèn đi khắp phố phường... Đèn ông sao với đèn cá chép... đèn bướm bướm..." (Rước đèn tháng Tám - Nhạc sĩ Vân Thanh hay Đức Quỳnh)... Tuổi thơ thật hồn nhiên, vô tư và dễ thương như những cây đèn cầy ngũ sắc bé nhỏ xinh xinh lung linh tỏa sáng...

Nói đến Trung Thu thì không thể thiếu câu chuyện Chị Hằng Nga và Chú Cuội mà chúng tôi vẫn hát vang đêm trăng rằm "Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một mối mơ... Cuội ơi! Ta nói Cuội nghe, ở cung trăng mãi làm chi..." (Thằng Cuội - Nhạc sĩ Lê Thương).

Cung Quảng vừa tròn vừa sáng lung linh huyền ảo lại có Hằng Nga và một bầy tiên nữ xinh đẹp vui đùa múa hát như thế hỏi sao chú Cuội cứ ôm cây ở mãi chẳng muốn về... Đến như bố mẹ Cuội mà còn mê cưỡi ngựa, chơi cầu vồng... thì trách chi Cuội sao chỉ muốn sống mãi trên tiên cung...
 

 
 
----------

Bài viết liên quan:
- Tên Làng: Dũng Vi hay Dũng Vy ?
- Quê hương qua Ca dao: Ba cô đội gạo lên chùa - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: Thằng Cuội - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: 8 Con Chuột - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: Bánh Bèo - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: Bán Rượu - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: 10 Yêu - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: 10 Lo - Đinh Thức
- Đình Dũng Vi - Blog KYDV
- Những tên gọi của làng Dũng Vi
- Những tên gọi của làng Dũng Vi (Tiếp theo)
- Thần Sắc và Thần Tích xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh
- Thần Sắc và những vị Thành Hoàng làng Dũng Vi
- Văn Chỉ làng Dũng Vi
- Quê hương qua Ca dao: Cái Bống - Nhạc: Đinh Thức