Monday, June 23, 2014

Những con thú đá nghìn năm tuổi chùa Phật Tích

Thứ Tư, 31/07/2013 - 09:25

Chùa Phật Tích là một trong những di tích Phật giáo tiêu biểu của thời Lý hiện còn đến ngày nay, những hiện vật ở đây không những là cổ vật quý hiếm mà còn là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc có giá trị mẫu mực trong điêu khắc truyền thống.

Hiện nay, chùa đang lưu giữ một số di vật đã được khẳng định giá trị như tượng Phật A di đà bằng đá xanh ngồi trên tòa sen cao 1,87 m, một tác phẩm điêu khắc đặc sắc, hay tượng Người chim đánh trống, chân cột bằng đá chạm khắc hoa sen (mỗi hoa sen là một đôi rồng chầu)… Đặc biệt, những giá trị lịch sử, văn hóa, điêu khắc của thời Lý được thể hiện ở hàng thú đá 10 con, to lớn phủ quỳ trước cửa chùa. 
  
Đây là những tác phẩm tạc thú có qui mô lớn nhất và nhiều năm tuổi nhất của nước ta hiện nay. Mười con thú gồm: ngựa, tê giác, trâu, voi, sư tử xếp đối xứng qua cửa dẫn lên nền tầng thứ hai của chùa. Các con vật và bệ là một khối đá liền, chỉ riêng con trâu ở dãy phải ghép bằng hai khối đá. Cả tượng và bệ lại được đặt trên một chân tảng lớn.

Thú đá chùa Phật Tích (Tiên Du).
  
Những thú đá này, được nằm trên bệ đá, có những cánh hoa sen (cao trung bình 1,2m, dài 1,5m - 1,8m); trên thân mình sư tử có những lớp vân mây xoắn biểu tượng cho những tinh tú. Tất cả các di vật cổ bằng đá nói trên đều là những tác phẩm nghệ thuật tài hoa của các nghệ nhân với những nét rất đặc trưng thời Lý còn tồn tại khá ít trên cả nước. 

Cả mười con thú đều được chạm bằng khối đá nguyên, nhưng những chi tiết tai, đuôi, sừng… đều được chắp nhờ những lỗ mộng, thể hiện trong tư thế nằm, mình to, dáng khỏe. Các nghệ nhân tạc thú hoàn toàn sử dụng các khối dầy, căng nhằm mô tả thần thái con vật, ít bị sa vào chi tiết tỉ mỉ. Mặc dù vậy, ở đây cũng có sự tham gia của nghệ thuật trang trí, trên mình một số con thú còn chạm văn mây, móc nối mềm mại. 
    
Những con vật có thật trong cuộc sống như: Voi, ngựa, trâu… mà ta thường gặp đã được các nghệ nhân thể hiện chân thật. Bằng tình cảm và tài năng sử dụng thành thạo chất liệu mới có thể tạo ra những mảng khối điển hình như vậy. Tuy không phải là chủ yếu, nhưng ở những con thú này còn thể hiện thêm cả tài ghép đá rất giỏi của họ. Đây là cơ sở để giới nghiên cứu khảo cổ có căn cứ đánh giá những giá trị lịch sử, văn hóa, điêu khắc hưng thịnh ở một giai đoạn của nhà Lý. 
    
Cũng có một số ý kiến nghi ngờ niên đại thế kỷ của những tác phẩm này, nhưng nếu xem xét kỹ hoa văn trang trí ở các con vật, ví dụ đầu sư tử ở đó rất giống với đầu sư tử chùa bà Tấm, chùa Hương Lãng, chùa Một Mái những tác phẩm đó đã được xác định niên đại chắc chắn. Các văn dạng cánh sen, hình xoắn ở chân bệ cũng là văn sức thường thấy trong nghệ thuật tạo hình thời Lý. 
    
Dù đã được các nhà nghiên cứu khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa về điêu khắc của thời Lý, được coi là di sản văn hoá vật thể cổ quí hiếm thế kỷ XI, nhưng hiện nay công tác bảo quản, gìn giữ hàng thú đá vẫn chưa được chú trọng. Rất nhiều thú đá đã không còn nguyên vẹn, bệ đá, thân thú bị sứt mẻ, rạn nứt, cộng thêm cỏ dại, rêu xanh mọc kín. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiện trạng và việc trùng tu, gìn giữ hàng thú đá trong tương lai.

Đức Quý

No comments:

Post a Comment