Wednesday, February 29, 2012

Chùa Phật Tích (Xã Phật Tích - Tiên Du - Bắc Ninh)



Chùa Phật Tích (Phật Tích tự 佛跡寺) còn gọi là chùa Vạn Phúc (Vạn Phúc tự 萬福寺) là một ngôi chùa nằm ở sườn phía Nam núi Phật Tích (còn gọi núi Lạn Kha, non Tiên), xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Trong chùa có tượng đức Phật bằng đá thời nhà Lý lớn nhất Việt Nam. Chùa Phật Tích được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Lịch sử

Theo tài liệu cổ thì chùa Phật Tích được khởi dựng vào năm Thái Bình thứ 4 (1057) với nhiều tòa ngang dãy dọc. Chùa được xây dựng vào thời nhà Lý nhưng ngôi chùa vào thời Lý hiện nay không còn nữa, nó đã được phá đi xây dựng mới.

Năm 1066, vua Lý Thánh Tông lại cho xây dựng một cây tháp cao. Sau khi tháp đổ mới lộ ra ở trong đó bức tượng Phật A-di-đà bằng đá xanh nguyên khối được dát ngoài bằng vàng. Để ghi nhận sự xuất hiện kỳ diệu của bức tượng này, xóm Hỏa Kê (gà lửa) cạnh chùa đổi tên thành thôn Phật Tích.

Văn bia Vạn Phúc Đại Thiền Tự Bi năm Chính Hòa thứ bảy (1686) ca ngợi vẻ đẹp của cảnh chùa: "Đoái trông danh thắng đất Tiên Du, danh sơn Phật Tích, ứng thế ở Càn phương (hướng Nam) có núi Phượng Lĩnh bao bọc, phía tả Thanh Long nước chảy vòng quanh. Phía hữu Bạch Hổ núi ôm, trên đỉnh nhà khai bàn đá..."

Năm 1071, vua Lý Thánh Tông đi du ngoạn khắp vùng Phật Tích và viết chữ "Phật" dài tới 5 m, sai khắc vào đá đặt trên sườn núi. Bà Nguyên phi Ỷ Lan có đóng góp quan trọng trong buổi đầu xây dựng chùa Phật Tích.

Thời bấy giờ vua Trần Nhân Tông đã cho xây tại chùa một thư viện lớn và cung Bảo Hoa. Sau khi khánh thành, vua Trần Nhân Tông đã sáng tác tập thơ "Bảo Hoa dư bút" dày tới 8 quyển. Vua Trần Nghệ Tông đã lấy Phật Tích làm nơi tổ chức cuộc thi Thái học sinh (thi Tiến sỹ).

Vào thời nhà Lê, năm Chính Hòa thứ bảy đời vua Lê Hy Tông, năm 1686, chùa được xây dựng lại với quy mô rất lớn, có giá trị nghệ thuật cao và đổi tên là Vạn Phúc tự. Người có công trong việc xây dựng này là Bà Chúa Trần Ngọc Am - đệ nhất cung tần của Chúa Thanh Đô Vương Trịnh Tráng, khi Bà đã rời phủ Chúa về tu ở chùa này. Bia đá còn ghi lại cảnh chùa thật huy hoàng: "... Trên đỉnh núi mở ra một tòa nhà đá, bên trong sáng như ngọc lưu ly. Điện ấy đã rộng lại to, sáng sủa lại kín. Trên bậc thềm đằng trước có bày mười con thú lớn bằng đá, phía sau có Ao Rồng, gác cao vẽ chim phượng và sao Ngưu, sao Đẩu sáng lấp lánh, lầu rộng và tay rồng với tới trời sao,cung Quảng vẽ hoa nhụy hồng...". Đời vua Lê Hiển Tông (1740-1786), một đại yến hội đã được mở ở đây.

Nhưng rồi vẻ huy hoàng và sự thịnh vượng của chùa Phật Tích cũng chỉ tồn tại sau đó được gần 300 năm. Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ và chùa bị tàn phá nhiều. Chùa đã bị quân đội Pháp đốt cháy hoàn toàn vào năm 1947.

Khi hòa bình lập lại (1954) đến nay, chùa Phật Tích được khôi phục dần. Năm 1959, Bộ Văn hóa cho tái tạo lại 3 gian chùa nhỏ làm nơi đặt pho tượng A-di-đà bằng đá quý giá. Tháng 4 năm 1962, nhà nước công nhận chùa Phật Tích là di tích lịch sử-văn hóa.
,,,

Nguồn Chùa Phật Tích - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Giáo xứ Dũng Vi - Giáo phận Bắc Ninh

Giáo xứ Dũng Vi - Giáo phận Bắc Ninh

Giáo xứ Dũng Vi được hình thành và phát triển từ năm 1887 nhờ vào công lao của Thày Đaminh Tín, ngài đã đỡ đầu và lo việc tòng giáo cho những người đầu tiên trong giáo họ - giáo xứ.

Lúc đầu có 12 cụ đại diện cho dân làng đứng ra xin tòng giáo, sau 2 năm (1889) đức cha Lễ đã phê chuẩn thành lập giáo họ Dũng Vi và nhận thánh Giuse làm Bổn Mạng giáo họ.

Trải qua những thăng trầm, giáo họ đã được thánh bổn mạng gìn giữ và chuyển cầu được muôn ơn lành. Đặc biệt là hồng ân có được các chủ chăn từ khi hình thành giáo họ - giáo xứ cho đến nay, nhờ vậy mà giáo họ không ngừng phát triển và thăng tiến về đời sống tâm linh.

Từ năm 1887 đến năm 2011 đã có 21 linh mục làm mục vụ tại Dũng Vi, đặc biệt cha Giuse Nguyễn Khắc Mẫn đã có công xây dựng ngôi thánh đường Dũng Vi (1939); Có 14 thày đã về ở và phục vụ giáo họ. Nhờ hồng ân và sự dẫn dắt của các bậc chủ chăn đến nay giáo họ đã có 600 nhân danh với nhiều hội đoàn, bao gồm: Ban hành giáo 5 vị, 50 thành viên dòng Ba Đaminh, 80 thành viên họ gia trưởng, họ mân côi 57 thành viên. Ca đoàn giới trẻ 80 em, đoàn kèn 24 thành viên, đoàn hoa 20 em, đoàn trống trắc 20 em, thiếu nhi Thánh Thể 100 em và 28 em lễ sinh. Mặc dù còn non trẻ nhưng nhìn trung nếp sống đạo trong giáo xứ tương đối đạo đức và có nét truyền thống. Cha Giuse Trần Bá Hạnh đang là cha quản nhiệm giáo xứ Dũng Vi.
...

Bắc Ninh ngày 12/8/2011
-----------

Trích "Giáo phận Bắc Ninh: Một chặng đường" - Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận Bắc Ninh
Ảnh Nhà thờ Giáo họ Dũng Vi, Giáo xứ Cẩm Giang, Giáo hạt Bắc Ninh

Monday, February 27, 2012

Giáo họ Dũng Vi thuộc giáo xứ Cẩm Giang đón tiếp Đức Giám Mục Bắc Ninh

Giáo họ Dũng Vi thuộc giáo xứ Cẩm Giang đón tiếp Đức Giám Mục Bắc Ninh

Dũng Vi 7/10/2010

BẮC NINH: Tối ngày 09/07/2010 Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt đến thăm và dâng thánh lễ tạ ơn Năm Thánh tại giáo họ Dũng Vi - giáo xứ Cẩm Giang.

Hình ảnh đón tiếp Đức Cha


Dũng Vi là họ lẻ thuộc giáo xứ Cẩm Giang, nằm ở tả ngạn Sông Đuống, cách tòa giám mục Bắc Ninh 18 Km về hướng Tây Nam. Đây là một giáo họ có truyền thống đức tin lâu đời. Ngày nay, Dũng Vi có khoảng hơn sáu trăm nhân danh, sống chủ yếu bằng nghề nông và một vài ngành nghề khác như chăn nuôi, thợ xây, thợ mộc….

Đức cha đã đến giáo họ Dũng Vi lúc 19g00, như thường lệ, ngài viếng Mình Thánh Chúa, và thăm hỏi ban hành giáo để hiểu biết hơn về tình hình sinh hoạt đạo và đời sống người Kitô hữu ở đây.

Đây là lần thứ hai đức cha đến thăm Dũng Vi và là lần đầu tiên ngài viếng thăm giáo họ trong cương vị giám mục. Cùng đến hiệp dâng thánh lễ với đức cha, có cha xứ Giuse Trần Bá Hạnh cùng một số cha khách trong và ngoài giáo phận Bắc Ninh.

Ngỏ lời với cộng đoàn dân Chúa trong bài giảng, đức cha đã nêu lên những lý do để cộng đoàn cùng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa: Thứ nhất là tất cả mọi người đều là người nhà của nhau, người nhà của gia đình Thiên Chúa. Thứ hai là đời sống kinh tế của giáo họ ngày nay khấm khá hơn những năm trước đây, nhà cửa khang trang hơn, đường xá đẹp hơn và nhiều con em được đến trường hơn. Thứ ba, Dũng Vi là họ đạo nề nếp, có ngôi thánh đường khang trang đẹp đẽ. Thứ tư, giáo họ có truyền thống đức tin lâu đời và có một số hội đoàn nòng cốt như: Dòng Ba Đa Minh, Hội Mân Côi, Hội Gia Trưởng, Ban Kèn, Thiếu Nhi Thánh Thể, Dâng Hoa, có nhiều em Lễ Sinh. Cuối cùng, trải qua bao nhiêu khó khăn thử thách, nhưng cộng đoàn Dân Chúa ở đây vẫn duy trì đời sống đức tin mạnh mẽ, đọc kinh và cầu nguyện sớm tối, đặc biệt ngày nay đã có thánh lễ hàng tuần để nuôi dưỡng và thăng tiến đời sống đức tin.

Tiếp theo trong bài giảng, đức cha dùng hình ảnh đội bóng đá để so sánh với đội bóng của gia đình Giáo hội. Vì các cầu thủ bóng đá là những người tài năng, họ rất có tinh thần đồng đội, các cầu thủ rất lịch sự tử tế, chấp hành luật lệ, tuyệt đối vâng phục trong tài, nếu không sẽ bị phạt thẻ hay treo giò, và các trận đấu thì đầy tính bất ngờ… Còn những người Kitô hữu ở họ Dũng Vi này, Chúa không cho làm cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, nhưng Chúa cho làm con cái Chúa và được làm thành viên của gia đình Hội Thánh. Trải qua bao nhiêu khó khăn thử thách trong hai mươi thế kỉ qua, Giáo hội vẫn luôn chiến thắng và Đức Giêsu là ngôi sao sáng chói mang ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.

Đức cha cũng nhắc đến chủ đề của Năm Thánh Giáo hội Việt nam là “Mầu Nhiệm, Hiệp Thông và Sứ Vụ”, để mời gọi mọi người Kitô hữu sống tinh thần đồng đội trong gia đình Hội Thánh, và không những chỉ sống và chiến đấu vì bản thân mà còn phài vì mầu cờ sắc áo của toàn thể nhân loại.

Cuối cùng, một vị ban hành giáo đại diện cho toàn thể dân họ cám ơn đức cha, quý cha và nói lên ước mong giáo họ Dũng Vi được trở thành điểm sáng của giáo phận. Ước mong của ban hành giáo và giáo họ cũng là mong muốn của đức cha, cha xứ và quý cha khách. Nguyện xin Chúa, qua lời cầu bầu của Đức Maria và các thánh tử đạo Bắc Ninh làm cho giáo họ Dũng Vi trở thành ngôi sao sáng trong giáo phận Bắc Ninh và Giáo hội Việt nam.

Nguồn VietCatholic News

Bản đồ xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh