Blog KYDV

Friday, February 24, 2017

Câu chuyện đồng hương: Bà Đinh Thị Hợp và họ hàng

Thursday, February 23, 2017 - 6:33pm (Facebook Time)

Dưới đây là trích đoạn cuộc nói chuyện giữa những họ hàng, đồng hương Dũng Vi, gồm các vị: bà Đinh Thị Hợp, ông Đinh Văn Hưng, ông Đinh Tất Thức và ông Đinh Văn Thắng (Tony)... trên KYDV Messenger của Facebook. Quý vị cũng có thể liên lạc riêng theo những đường dẫn (name link) trên.

..........

Đinh Thị Hợp:

Cháu cảm ơn Chú nhiều ạ, cháu là cháu ngoại của bà Đinh Thị Nên, ông ngoại Nguyễn Văn Hịch, ông bà sinh ra được 4 người con 1 trai và 3 gái.

Trong 4 người con gồm:

1 - Nguyễn Thị Roan chồng Nguyễn Văn Hậu.
2 - Nguyễn Thị Xoang chồng Nguyễn Văn Xuyền.
3 - Nguyễn Văn Hùng vợ Trần Thị Thi.
4 - Mẹ cháu Nguyễn Thị Luyến và bố cháu Đinh Văn Hoạt là các con của bà ngoại Đinh Thị Nên chú ạ? Cháu xin cảm ơn chú nhiều.

Đinh Tất Thức:

Hợp giới thiệu giúp đồng hương hiểu biết về gia đình hơn. Dễ tìm kiếm gia phả. Hợp đánh máy chữ rõ ràng rất tốt. Đọc không cần phải suy đoán.

Đinh Thị Hợp:

Cháu cảm ơn Chú.

Đinh Văn Hưng:

Bác Đinh Thị Hợp là bà quản của Giáo xứ Dũng Vi đấy chú Đinh Thức.

Đinh Thị Hợp:

Cháu chào chú Đinh Thức ! Cháu xin phép được giới thiệu với Chú và quí đồng hương rõ hơn về gia đình nhà cháu. Bố cháu là Đinh Văn Hoạt và Mẹ cháu là Nguyễn Thị Luyến, thân sinh được 9 người con 5 trai 4 gái hiện tại đã lập gia đình hết rồi ạ . 9 chị em gồm:

1 - Đinh Thị Hường chồng Nguyễn Tuyển Văn.
2 - Đinh Văn Huynh vợ Thạch Thị Huyền.
3 - Đinh Văn Hiến vợ Nguyễn Thị Hưng.
4 - Đinh Thị Liên chồng Nguyễn Quý Dũng.
5 - Đinh Thị Hợp chồng Nguyễn Văn Hậu.
6 - Đinh Văn Nghĩa vợ Nguyễn Thị Liên.
7 - Đinh Văn Binh vợ Nguyễn Thị Tôn.
8 - Đinh Thị Bích chồng Phan Tự Thân.
9 - Đinh Văn Khoa vợ Phan Thị Tâm.

Đây là 9 chị em con của Bố Đinh Văn Hoạt và Mẹ Nguyễn Thị Luyến để quí đồng hương hiểu rõ về gia đình cháu hơn. Cháu xin cảm ơn nhiều.

Đinh Tất Thức:

Cảm ơn Hợp.

Đinh Văn Thắng (Tony):

Busy lắm, nhưng phải can thiệp để tránh sự hiểu lầm. Mấy người con anh Đinh Văn Hoạt có thể gọi bằng chú Thức hay bằng bác Thức. Nếu tính theo họ bên vợ anh Hoạt, thì cháu phải gọi bằng bác Thức vì bà Đinh Thị Nên (4 người con Roan, Xoang, Hùng và Luyến) là em con chú-bác với ông Thơ Thành (ông nội của Thức), bà Luyến phải gọi ông Đinh Tất Cuông bằng anh. Nhưng ngược lại, ông Cuông phải gọi Bố anh Hoạt (ông Lý Điệt) là anh, cho nên anh Hoạt là vai anh của Thức.

Hợp có thể gọi bằng Chú cho thích hợp, nhưng nhớ là cháu có họ hai bên với Đinh Tất Thức. Giống như nhà chú có họ ba bên với nhà của Thức. Nếu muốn tìm hiểu thêm, cháu cứ đọc cuốn Gia phả "Đinh Tộc Thế Phổ" của ông Đinh Văn Diệm làm thì sẽ rõ. Bà Nên và ông Thơ Thành là hai anh em con Chú con Bác. Ông Thơ Thành là vai anh. Đôi hàng cho cháu tìm hiểu thêm về họ hàng. 

Chú thường có một câu châm ngôn là: Nếu là người đồng hương Dũng Vy, Bắc Ninh thì trước sau cũng sẽ là họ hàng, không bên nội thì sẽ bên ngoại, còn gặp may thì sẽ là họ hàng bên Nội và bên Ngoại luôn. Bây giờ trong Nam không lấy người cùng làng Dũng Vy nữa, cho nên thế hệ sau này không bị trùng họ hàng nữa.

Chúc cháu Hợp và toàn thể gia đình được mạnh khỏe và an lành trong tình thương Chúa Kitô. 

Chú Thắng.

Cách xưng hô chỉ là theo văn hóa Việt Nam, liên lạc nhau trong Kỷ Yếu Dũng Vy mới là cái quan trọng. Cứ gọi Chú Thức cho thân mật như gọi Chú Thắng vậy...! Có giờ thì chịu khó vào trò chuyện với KYDV nhé, đây là cơ hội tốt nhất để giữ liên lạc đồng hương với nhau.

(Tạm ngưng)

..........

Thursday, February 23, 2017

Câu chuyện đồng hương: Ông Đinh Văn Túy (tiếp theo 2)

Blog KYDV mới nhận thêm được tin nhắn từ ông Đinh Văn Thơi (thôn Lương, xã Tri Phương, Tiên Du, Bắc Ninh) hiện đang sống ở Buôn Ma Thuột cho biết thêm thông tin về gia đình ông Đinh Văn Túy hiện cũng đang sống ở Buôn Ma Thuột với con trai là ông Đinh Xuân Vũ...

Nếu quý họ hàng và đồng hương muốn liên lạc với gia đình ông Túy thì có thể liên lạc với ông Đinh Xuân Vũ qua E-Mail dinhxvu@gmail.com. Quý vị cũng có thể xem tại: Liên lạc đồng hương Dũng Vi

Trích đoạn cuộc trò chuyện giữa ông Đinh Văn Thơi và ông Đinh Tất Thức qua Messenger (KYDV) của Facebook:

.....

Đinh Văn Thơi:
Ông Đinh Văn Túy là thân sinh của Đinh Quốc Trụ, Anh ơi.

Đinh Tất Thức:

OK

Đinh Văn Thơi:

Anh Vũ vừa gọi điện cho em, em làm đối diện với cơ quan của anh Vũ. Xa quê, tìm được người cùng làng, em rất vui.

Đinh Tất Thức:

Tôi đã gửi 2 bài viết cho Vũ

Đinh Văn Thơi:

Vâng.

Đinh Văn Thơi:

Em cũng mới nhắn địa chỉ mail cho anh Vũ. Như vậy anh Vũ là con thứ (do em chưa biết những thông tin trước đây). Ông Nội của em (đã mất năm 2011), hồi nhỏ cùng thời với ông Đinh Văn Túy ở ngoài quê.

Đinh Tất Thức:

Vũ và Trụ ai là anh?

Đinh Văn Thơi:

Anh Trụ là anh của anh Vũ.

Đinh Văn Thơi:

Giờ anh Trụ đi xuống An Giang rồi (anh Vũ mới cho biết tin)

Đinh Tất Thức:

Để tôi điều chỉnh lại bài viết

Đinh Văn Thơi:

Vâng. ông Đinh Văn Sủng (đã mất ở bên Mỹ) có người em ruột là Đinh Văn Thịnh (đang ở Sài gòn) cũng là bà con nhà em ở ngoài quê.

Đinh Tất Thức:

Nếu Thơi có gia phả cứ gửi tôi đăng lên KYDV cho đồng hương cùng rõ

Đinh Văn Thơi:

Vâng, để em sưu tầm lại và gửi cho anh sau

Đinh Tất Thức:

Nếu có gia phả thì sẽ dễ dàng tìm hiểu liên hệ họ hàng hơn cho thế hệ trẻ

(Hết)
-----------

Những bài viết liên quan:

1- Câu chuyện đồng hương: Ông Đinh Văn Túy
2- Câu chuyện đồng hương: Ông Đinh Văn Túy (tiếp theo 1)
3- Giáo xứ Hòa Yên (hạt Cam Lâm): Thánh lễ an táng Bà cố Maria Nguyễn Thị Đôn – thân mẫu Cha Giuse Đinh Quốc Trụ, OFM. (Link)



Tuesday, February 21, 2017

Câu chuyện đồng hương: Ông Đinh Văn Túy (tiếp theo 1)

Nếu quý vị đã xem bài viết "Câu chuyện đồng hương: Ông Đinh Văn Túy" đăng ngày Saturday, October 15, 2016 trên Blog KYDV thì cũng đã có thể biết được phần nào về gia thế của ông Đinh Văn Túy qua cuộc trò chuyện giữa ông Đinh Văn Diệm và ông Đinh Văn Thắng...

Vài ngày trước đây. Blog KYDV lại nhận thêm được tin nhắn của ông Đinh Văn Thơi (thôn Lương, xã Tri Phương, Tiên Du, Bắc Ninh) hiện đang sống ở Buôn Ma Thuột cho biết thêm thông tin về ông Đinh Văn Túy hiện cũng đang sống ở Buôn Ma Thuột với con trai là ông Đinh Xuân Vũ cùng một số chi tiết cụ thể và số điện thoại cũng như E-Mail để liên lạc...

Nếu quý họ hàng và đồng hương muốn liên lạc với gia đình ông Túy thì có thể liên lạc với ông Đinh Xuân Vũ qua E-Mail dinhxvu@gmail.com. Quý vị cũng có thể xem tại: Liên lạc đồng hương Dũng Vi

Dưới đây là trích đoạn cuộc trò chuyện giữa ông Đinh Văn Thơi và ông Đinh Tất Thức qua Messenger của Facebook:

...
Đinh Văn Thơi:

Chào anh Đinh Tất Thức, em là Đinh Văn Thơi - thôn Lương, xã Tri Phương, Tiên Du, Bắc Ninh và hiện nay đang ở Buôn Ma Thuột.
 
Tại đây có ông Đinh Văn Túy, năm nay gần 90 tuổi (di cư từ làng Dũng Vi - thôn Giáo vào Khánh Hòa, sau đó lên Đắk Lắk). Hồi trước ở quê, nhà ông Túy ở ngã ba thôn Giáo, đối diện với Đinh Văn Hải (bà con với anh Thức). Em đã đến thăm gia đình ông Túy rồi.
 
Đinh Tất Thức:
 
Chào bạn Thơi, qua trao đổi chúng tôi cũng biết được chú Đinh Văn Túy là thân phụ của Linh mục Đinh Quốc Trụ. Bạn có thông tin gì thêm không?


LM Đinh Quốc Trụ và họ hàng. (Photo Đinh Thức)

Đinh Văn Thơi:

Ông Đinh Văn Túy có con trai là Đinh Xuân Vũ, đang sinh sống ở Buôn Ma Thuột. Còn ông Đinh Văn Túy là thân phụ của Đinh Quốc Trụ thì em không biết, chỉ biết qua Kỷ Yếu Dũng Vi thôi. Ông Đinh Văn Túy có họ hàng bà con bà Đắc ở thôn Giáo

Đinh Tất Thức:

Cám ơn Thơi. Tôi sẽ đăng những thông tin này lên blog KYDV để đồng hương cùng tìm hiểu

Đinh Văn Thơi:

Em chỉ biết như vậy, qua thông tin chú Mạnh con ông Tài ở thôn Giáo, số điện thoại của chú Mạnh 01684008151

Đinh Tất Thức:

Cho đến nay tôi chỉ biết có ông Đinh Văn Túy vợ là Đinh Thị Đôn, con là Linh mục Đinh Quốc Trụ

Đinh Văn Thơi:

Em đã đến nhà chơi rồi, ông Túy trước đây ở Cam Ranh - Khánh Hòa, sau đó lên Đắk Lắk sống cùng con trai cả là anh Đinh Xuân Vũ.

Đinh Tất Thức:

Thơi xem thử bài viết này "Câu chuyện đồng hương: Ông Đinh Văn Túy" có phải ông Túy không? Tôi thấy có lẽ đúng là ông Túy trong bài viết trên rồi

Đinh Văn Thơi:

Em đã liên hệ qua điện thoại của con ông Túy về thông tin đầy đủ về ông, bà Túy. Em sẽ trao đổi thông tin với anh

Đinh Tất Thức:

Thanks Thơi

Đinh Văn Thơi:

1. Cụ ông, cụ bà thân sinh ông Đinh Văn Túy: ĐINH VĂN DẬU và ĐINH THỊ CA (đã mất)

2. Ông: ĐINH VĂN TÚY Bà: NGUYỄN THỊ ĐÔN (đã mất năm 2016, hiện đang an nghỉ tại Khánh Hòa).

3. Con ruột ông Đinh Văn Túy là Đinh Xuân Vũ, Email: dinhxvu@gmail.com

Đinh Tất Thức:

Thế hệ bô lão trong làng thì biết rõ hơn... Gia đình Chú Túy tôi mới chỉ gặp được LM Đinh Quốc Trụ.
Mai mốt rảnh tôi sẽ đăng lên KYDV để đồng hương cùng rõ
 
Đinh Văn Thơi:

Anh Vũ nhắn cho em những thông tin như vậy, em nhắn để anh biết và tìm hiểu thêm. Ông Túy đã về quê thăm mấy lần rồi.

Đinh Tất Thức:

Cảm ơn Thơi. Vậy là đúng ông Túy trong bài viết rồi
(Hết)
Giới thiệu KYDV trên Facebook

Trang KỶ YẾU DŨNG VI trên FACEBOOK. Nơi thông tin, gặp gỡ, trò chuyện của những đồng hương Dũng Vi (Tri Phương, Tiên Du, Bắc Ninh) và bạn đọc bốn phương. Quý đồng hương và bạn đọc có thể đăng tài bài vở, hình ảnh và những thông tin liên quan trực tiếp, nhanh chóng tại đây...

Thursday, February 16, 2017

Kinh Dương Vương qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn

Thứ sáu, 26/02/2016 - 09:41
 
Kinh Dương Vương qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn
 
Mộc bản triều Nguyễn là những bản gỗ khắc bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược để in ra thành sách, được dùng phổ biến ở Việt Nam trong thời kỳ phong kiến.
 
Đây là loại hình tài liệu có giá trị về nhiều mặt như: vật mang tin, phương pháp chế tác và đặc biệt về nội dung ghi chép, phản ánh chiều dài lịch sử Việt Nam qua các thời đại. Ngoài ra, tài liệu Mộc bản triều Nguyễn còn có giá trị đặc biệt khi nghiên cứu lịch sử văn hóa của một số nước khác trên thế giới như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Mông Cổ, Trung Quốc... 
 
Dưới triều Nguyễn, tài liệu Mộc bản được xem như quốc bảo, chỉ những người có thẩm quyền làm việc trong Quốc Sử quán mới được tiếp xúc. Mỗi bộ sách khi biên soạn xong đều được dâng lên vua ngự lãm, sau đó mới được đem đi khắc in. Do vậy, Mộc bản triều Nguyễn không chỉ là kho tư liệu quý, mà còn là nguồn sử liệu gốc mang tính lịch sử và có giá trị pháp lý cao. 
 
Hiện nay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đang bảo quản 34.619 tấm Mộc bản triều Nguyễn, được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào ngày 30 tháng 7 năm 2009. Đây cũng chính là Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam. 
 
Kinh Dương Vương là một nhân vật truyền thuyết trong lịch sử, tương truyền ông là Đức thủy tổ mở ra nhà nước sơ khai độc lập có chủ quyền đầu tiên của dân tộc ta. Năm 2879 trước Công nguyên, Kinh Dương Vương lên ngôi, lập nên nhà nước Xích Quỷ (tên một vì sao có sắc đỏ rực rỡ nhất trong số 28 vì sao sáng trên bầu trời). Các vua Hùng là hậu duệ huyết thống của Kinh Dương Vương. 
  
Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 1, mặt khắc 1 có chép về thân thế của Kinh Dương Vương như sau: “Vương tên húy là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông. Nhâm Tuất, năm thứ 1. Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân lần đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua Kinh Dương Vương. Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi. Vua cố nhường cho Đế Nghi, không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Ðế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ. Vua lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân”. 
 
Như vậy, theo Mộc bản sách “Đại Việt sử ký toàn thư” thì Kinh Dương Vương làm vua và cai trị đất nước Xích Quỷ từ khoảng năm 2879 TCN trở đi. Địa bàn hoạt động của quốc gia Xích Quỷ dưới thời Kinh Dương Vương rất rộng lớn; phía Bắc là miền đồng bằng thuộc lưu vực sông Dương Tử giáp hồ Động Đình; phía Nam giáp với Lâm Ấp (Chiêm Thành cũ); phía Tây giáp đất Ba Thục; phía Đông giáp biển Đông. Sách Lĩnh Nam chích quái có ghi lại truyền thuyết vua đánh đuổi thần Xương Cuồng dũng mãnh, trừ hại cho dân chúng. 
 
Kinh Dương Vương mất ngày 18 tháng 1 tại trang Phúc Khang, bộ Vũ Ninh và được nhân dân kính cẩn lập miếu thờ. Mộc bản sách Đại Nam thực lục đệ tam kỷ, quyển 53, mặt khắc 25, 26 có chép: “Miếu Kinh Dương Vương nằm ở xã Á Lữ, huyện Siêu Loại, tỉnh Bắc Ninh”. Ngôi đền thờ cùng lăng mộ của vua Kinh Dương Vương hiện vẫn còn tồn tại ở làng Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là nơi duy nhất ở Việt Nam còn nguyên dấu tích Thủy tổ của người Việt. 
  
Đền thờ Kinh Dương Vương ở Bắc Ninh từ lâu đã được các triều đại Phong kiến Việt Nam xếp vào hàng miếu thờ các bậc Đế vương, là chốn linh thiêng bậc nhất của xứ Kinh bắc. Cứ mỗi lần quốc lễ, triều đình đều sai quan đến tế, nhân dân quanh năm được phụng thờ. Dưới triều Nguyễn, miếu thờ Kinh Dương Vương cũng được các bậc vua chúa quan tâm đặc biệt. Vào năm Minh Mạng thứ 20 (1840), khi bộ Lễ dâng lên vua lời tư của tỉnh Bắc Ninh lên. Vua Minh Mạng ra lệnh cho dựng một tấm bia ở miếu thờ Kinh Dương Vương. 
  
Đến năm 1874, vua Tự Đức đã hạ lệnh cho địa phương trùng tu, sửa chữa lại: “chỗ miếu thờ Kinh Dương Vương, nếu có hư hỏng gì thì địa phương xét thực, xin chi tiền, giao cho dân sở tại tu bổ, cấm cắt cỏ chăn trâu, định làm lệ mãi mãi”. Đồng thời, nhà vua cũng cho định lại điển lễ thờ tự miếu bậc Đế vương: Miếu Kinh Dương Vương thờ 1 vị thì mỗi năm cấp cho tiền 100 quan và 10 người miếu phu. 
 
Sở dĩ các vua triều Nguyễn quan tâm đến miếu thờ Kinh Dương Vương bởi vì theo vua Minh Mạng lễ nghi thờ cúng phải nên suy từ gốc nguồn. Mộc bản sách Đại Nam thực lục, quyển 215, mặt khắc 9 có chép về lời nói của vua Minh Mạng: “Sự tích Kinh Dương vương dẫn chép ở sách “Ngoại kỷ”, thực là vua bắt đầu lịch đại nước ta”. Như vậy, trong tư liệu lưu trữ Mộc bản, Miếu thờ nhân vật Kinh Dương Vương là có thật, Kinh Dương Vương không phải là nhân vật huyền thoại nữa. 
 
Đến năm 2008, Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận đền thờ Kinh Dương Vương là Di tích quốc gia. Hằng năm, cứ đến ngày giỗ của Đức thủy tổ (18 tháng 1 âm lịch) nhân dân khắp mọi miền tổ quốc lại về thắp nén hương thơm tỏ lòng tri ân, hướng về cội nguồn đối với vị vua đầu tiên của lịch sử dân tộc. 
 
Cao Thị Thơm Quang
 

Wednesday, February 15, 2017

Ý nghĩa một số bức tranh gà Đông Hồ

Thứ sáu, 20/01/2017 - 09:33
 
Ý nghĩa một số bức tranh gà Đông Hồ
 
Làng Đông Hồ có nhiều bức tranh gà nổi tiếng được lưu truyền trong nhân dân từ xưa tới nay. Nhân Tết Đinh Dậu, Báo Bắc Ninh trân trọng giới thiệu ý nghĩa một vài bức tranh gà tiêu biểu.
 
1. Tranh gà Đại cát nghinh xuân
 
Hình thể, lông cánh, lông đuôi gà trống mang tính ước lệ hơn là tả thực. Chữ “đại cát” được tác giả đưa vào tranh đã đúc kết mong ước từ ngàn năm và cũng là mong ước hàng ngày  của mọi người nông dân. Người nông dân trồng lúa nước chỉ mong mưa thuận gió hoà; chăn nuôi thì chỉ mong các con vật hay ăn chóng lớn, cuộc đời chỉ mong khoẻ mạnh, con đàn cháu đống v.v… tất cả đều là những ước mơ giản dị điều lành lớn. Tác giả đã nhấn mạnh ước vọng của người nông dân đồng thời đó cũng là lời chúc tụng trong dịp xuân mới.
 
2.Tranh gà dạ xướng ngũ canh hòa
 
Một chú gà trống đứng co một chân (Kim kê độc lập  tư thế giống gà đại cát), mào, cánh, đuôi, lông mã  được cách điệu rất đẹp. Trên tranh có chữ “Dạ xướng ngũ canh hoà” (Đêm gáy năm canh đều đặn). Theo quan niệm xưa, tiếng gà gáy xua tan tà ma, quỷ quái, mang tới may mắn.
 
3. Tranh gà trống hoa hồng
 
Chú gà trống vạm vỡ hùng dũng vươn mình lên như sắp gáy. Theo các nghệ nhân cao tuổi, hình ảnh gà trống oai phong tượng trưng năm đức tính của  người quân tử: Văn, võ, dũng, nhân, tín. Cái mào đỏ tựa như chiếc mũ cánh chuồn tượng trưng cho Văn. Chân gà có cựa sắc nhọn như kiếm, tượng trưng cho Võ. Tư thế khỏe khoắn, luôn ngẩng cao đầu, hướng về phía trước, biểu thị của Dũng. Kiếm được mồi cùng gọi nhau ăn biểu thị của  Nhân.  Hàng ngày gà gáy sang canh không bao giờ sai, nó đánh thức  mọi người dậy đúng giờ biểu thị của  Tín.
 
4. Tranh gà Thư hùng
 
Một gia đình gà gồm gà trống, gà mái và đàn con. Trên tranh có dòng chữ nôm “lắm con nhiều cháu, giống cánh giống lông”- một lời chúc thật sâu sắc (Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh). Gà mái có bố cục theo đường xoắn ốc, tạo nên sự mềm mại. Gà trống được đặt trong một hình thang, đáy lớn nằm trên, tạo nên tư thế  chủ gia đình,  che chở cho gà mái và đàn con. Bức tranh gợi không khí hạnh phúc , đầm ấm trong một gia đình.
 
5.Tranh gà mẹ con    
 
Gà mẹ và mười chú gà con được bố cục gọn ghẽ trong một hình chữ nhật nằm ngang, mỗi chú gà con một vẻ, con nào cũng nghịch- đang rỉa lông rỉa cánh hay đang nghỉ ngơi trên lưng mẹ bỗng dỏng cổ sau tiếng cục cục của gà mẹ,  hướng về phía con mồi của mẹ. Cái “động” của gà con kết hợp với cái “tĩnh” của gà mẹ, lại đặt trong cái tĩnh của hình chữ nhật. “Động” biểu thị  cho “dương”, “Tĩnh” biểu thị cho “âm”. Tông màu nóng (đỏ, vàng) là chủ đạo, khiến cho đàn gà thêm rực rỡ trong bầu trời tràn ngập nắng. Cũng như tranh lợn đàn, bức tranh này biểu trưng cho mong ước của người nông dân: “con đàn cháu đống”, gia đình đông vui, hạnh phúc.
Ngô Phú (Tổng hợp)
 

Lễ hội Kinh Dương Vương - Nét đẹp truyền thống của người Việt

Thứ hai, 13/02/2017 - 09:27
 
Lễ hội Kinh Dương Vương - Nét đẹp truyền thống của người Việt
 
Ngày 12- 2 (tức ngày 16 tháng Giêng), lễ hội Kinh Dương Vương (Đại Đồng Thành, Thuận Thành) chính thức khai hội nhằm kỷ niệm 4.896 năm Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương khai sơn, sáng thủy. Lễ hội được tổ chức từ ngày 16 đến 18 tháng Giêng ngoài việc cầu mong Quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng còn thể hiện lòng tự tôn dân tộc, gìn giữ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, hướng về nguồn cội của con Lạc, cháu Hồng khắp cả nước.
 
Trong tâm thức người Việt, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ được coi như những vị Thủy tổ mở nước, nguồn cội của dân tộc nên hàng năm cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về con dân đất Việt trong cả nước lại hành hương về khu di tích lăng và đền Kinh Dương Vương để bái yết, tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của những bậc thủy tổ có công khai sơn sáng thủy lập nên nước Xích Quỷ, nhà nước có chủ quyền đầu tiên của nước Việt.   
 
Nhân dân và du khách thành kính tưởng nhớ công lao của Thủy tổ Kinh Dương Vương.   
Đền và lăng Kinh Dương Vương tại thôn Á Lữ từ lâu được các triều đại phong kiến coi là chốn linh thiêng bậc nhất, xếp vào loại miếu thờ Đế vương. Vào dịp tế lễ Vua, quan các triều đại đều trực tiếp về đây để thắp hương bái tổ. Hiện trong Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương còn bảo lưu được nhiều cổ vật quý như ngai thờ Kinh Dương Vương, 15 sắc phong, thần phả, văn tế, hoành phi, câu đối ca ngợi về người được thờ như: “Nam bang thuỷ tổ” (Thuỷ tổ nước Nam), “Nam tổ miếu” (Miếu thờ ông Tổ nước Nam”, “Bách Việt Tổ” (Vua Tổ nước Nam)…
Hàng năm, nhân dân và chính quyền địa phương đều long trọng tổ chức lễ hội Kinh Dương Vương nhằm bày tỏ lòng thành kính, tri ân Đức vua Thủy tổ, đồng thời giáo dục truyền thống tốt đẹp cho con cháu nhớ về nguồn cội. Lễ hội được bắt đầu bằng hàng loạt nghi lễ truyền thống như rước nước về thờ tại đền và lăng, rước bài vị của các vị thành hoàng làng ở một số thôn lên đền và lăng Kinh Dương Vương. Trong đoàn rước luôn có các hoạt động văn hóa đặc sắc như: Múa lân, múa rồng...   
 
Màn trống khai hội tại đền thờ Kinh Dương Vương (thôn Á Lữ, Đại Đồng Thành, Thuận Thành).   
Sau phần lễ trang nghiêm, phần hội cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa phong phú, như hát Quan họ trên thuyền, hát Chèo, Tuồng, Ca trù, múa rối nước.... đặc biệt là hát Trống quân, một loại hình nghệ thuật đặc sắc có từ lâu đời của người dân huyện Thuận Thành. Bên cạnh đó nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống cũng được đưa vào phục vụ nhân dân và du khách như kéo co, đập niêu, đu tiên, tổ tôm điếm, cờ tướng, bóng chuyền, vật, dưỡng sinh... Ban tổ chức lễ hội còn trưng bày giới thiệu những sản phẩm nghề truyền thống của địa phương như gốm Luy Lâu, tranh Đông Hồ, tương Đình Tổ, nem Bùi Xá, thi Gà Hồ... Các nghi thức truyền thống và hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của lễ hội Kinh Dương Vương được diễn ra đến hết ngày 18 tháng Giêng (tức ngày 14- 2).
Theo Ban tổ chức, do năm nay trùng với dịp kỷ niệm 185 năm thành lập tỉnh và 20 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh nên lượng du khác thập phương về bái tổ, dâng hương dự tính sẽ đông hơn mọi năm, vì thế các phương án phòng, chống cháy nổ, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh y tế… đều được huyện xây dựng và triển khai ngay từ những ngày đầu của năm 2017. Trong thời gian diễn ra lễ hội, đội kiểm tra liên ngành 814 của huyện thường xuyên phối hợp với xã Đại Đồng Thành rà soát các điểm kinh doanh và dịch vụ văn hóa, bảo đảm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hoạt động tôn giáo trái phép, các hoạt động mê tín dị đoan, lưu hành văn hóa phẩm không lành mạnh, góp phần làm cho lễ hội ngày một văn minh.
Nguyên Đức