Blog KYDV

Thursday, February 16, 2017

Kinh Dương Vương qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn

Thứ sáu, 26/02/2016 - 09:41
 
Kinh Dương Vương qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn
 
Mộc bản triều Nguyễn là những bản gỗ khắc bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược để in ra thành sách, được dùng phổ biến ở Việt Nam trong thời kỳ phong kiến.
 
Đây là loại hình tài liệu có giá trị về nhiều mặt như: vật mang tin, phương pháp chế tác và đặc biệt về nội dung ghi chép, phản ánh chiều dài lịch sử Việt Nam qua các thời đại. Ngoài ra, tài liệu Mộc bản triều Nguyễn còn có giá trị đặc biệt khi nghiên cứu lịch sử văn hóa của một số nước khác trên thế giới như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Mông Cổ, Trung Quốc... 
 
Dưới triều Nguyễn, tài liệu Mộc bản được xem như quốc bảo, chỉ những người có thẩm quyền làm việc trong Quốc Sử quán mới được tiếp xúc. Mỗi bộ sách khi biên soạn xong đều được dâng lên vua ngự lãm, sau đó mới được đem đi khắc in. Do vậy, Mộc bản triều Nguyễn không chỉ là kho tư liệu quý, mà còn là nguồn sử liệu gốc mang tính lịch sử và có giá trị pháp lý cao. 
 
Hiện nay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đang bảo quản 34.619 tấm Mộc bản triều Nguyễn, được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào ngày 30 tháng 7 năm 2009. Đây cũng chính là Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam. 
 
Kinh Dương Vương là một nhân vật truyền thuyết trong lịch sử, tương truyền ông là Đức thủy tổ mở ra nhà nước sơ khai độc lập có chủ quyền đầu tiên của dân tộc ta. Năm 2879 trước Công nguyên, Kinh Dương Vương lên ngôi, lập nên nhà nước Xích Quỷ (tên một vì sao có sắc đỏ rực rỡ nhất trong số 28 vì sao sáng trên bầu trời). Các vua Hùng là hậu duệ huyết thống của Kinh Dương Vương. 
  
Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 1, mặt khắc 1 có chép về thân thế của Kinh Dương Vương như sau: “Vương tên húy là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông. Nhâm Tuất, năm thứ 1. Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân lần đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua Kinh Dương Vương. Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi. Vua cố nhường cho Đế Nghi, không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Ðế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ. Vua lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân”. 
 
Như vậy, theo Mộc bản sách “Đại Việt sử ký toàn thư” thì Kinh Dương Vương làm vua và cai trị đất nước Xích Quỷ từ khoảng năm 2879 TCN trở đi. Địa bàn hoạt động của quốc gia Xích Quỷ dưới thời Kinh Dương Vương rất rộng lớn; phía Bắc là miền đồng bằng thuộc lưu vực sông Dương Tử giáp hồ Động Đình; phía Nam giáp với Lâm Ấp (Chiêm Thành cũ); phía Tây giáp đất Ba Thục; phía Đông giáp biển Đông. Sách Lĩnh Nam chích quái có ghi lại truyền thuyết vua đánh đuổi thần Xương Cuồng dũng mãnh, trừ hại cho dân chúng. 
 
Kinh Dương Vương mất ngày 18 tháng 1 tại trang Phúc Khang, bộ Vũ Ninh và được nhân dân kính cẩn lập miếu thờ. Mộc bản sách Đại Nam thực lục đệ tam kỷ, quyển 53, mặt khắc 25, 26 có chép: “Miếu Kinh Dương Vương nằm ở xã Á Lữ, huyện Siêu Loại, tỉnh Bắc Ninh”. Ngôi đền thờ cùng lăng mộ của vua Kinh Dương Vương hiện vẫn còn tồn tại ở làng Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là nơi duy nhất ở Việt Nam còn nguyên dấu tích Thủy tổ của người Việt. 
  
Đền thờ Kinh Dương Vương ở Bắc Ninh từ lâu đã được các triều đại Phong kiến Việt Nam xếp vào hàng miếu thờ các bậc Đế vương, là chốn linh thiêng bậc nhất của xứ Kinh bắc. Cứ mỗi lần quốc lễ, triều đình đều sai quan đến tế, nhân dân quanh năm được phụng thờ. Dưới triều Nguyễn, miếu thờ Kinh Dương Vương cũng được các bậc vua chúa quan tâm đặc biệt. Vào năm Minh Mạng thứ 20 (1840), khi bộ Lễ dâng lên vua lời tư của tỉnh Bắc Ninh lên. Vua Minh Mạng ra lệnh cho dựng một tấm bia ở miếu thờ Kinh Dương Vương. 
  
Đến năm 1874, vua Tự Đức đã hạ lệnh cho địa phương trùng tu, sửa chữa lại: “chỗ miếu thờ Kinh Dương Vương, nếu có hư hỏng gì thì địa phương xét thực, xin chi tiền, giao cho dân sở tại tu bổ, cấm cắt cỏ chăn trâu, định làm lệ mãi mãi”. Đồng thời, nhà vua cũng cho định lại điển lễ thờ tự miếu bậc Đế vương: Miếu Kinh Dương Vương thờ 1 vị thì mỗi năm cấp cho tiền 100 quan và 10 người miếu phu. 
 
Sở dĩ các vua triều Nguyễn quan tâm đến miếu thờ Kinh Dương Vương bởi vì theo vua Minh Mạng lễ nghi thờ cúng phải nên suy từ gốc nguồn. Mộc bản sách Đại Nam thực lục, quyển 215, mặt khắc 9 có chép về lời nói của vua Minh Mạng: “Sự tích Kinh Dương vương dẫn chép ở sách “Ngoại kỷ”, thực là vua bắt đầu lịch đại nước ta”. Như vậy, trong tư liệu lưu trữ Mộc bản, Miếu thờ nhân vật Kinh Dương Vương là có thật, Kinh Dương Vương không phải là nhân vật huyền thoại nữa. 
 
Đến năm 2008, Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận đền thờ Kinh Dương Vương là Di tích quốc gia. Hằng năm, cứ đến ngày giỗ của Đức thủy tổ (18 tháng 1 âm lịch) nhân dân khắp mọi miền tổ quốc lại về thắp nén hương thơm tỏ lòng tri ân, hướng về cội nguồn đối với vị vua đầu tiên của lịch sử dân tộc. 
 
Cao Thị Thơm Quang
 

No comments:

Post a Comment