Blog KYDV

Wednesday, March 12, 2014

Lên đỉnh non tiên

Thứ ba, 24/08/2010 - 09:35
 
Lên đỉnh non tiên
 
Trong số các ngọn núi của trấn Kinh Bắc xưa, dải Nguyệt Hằng sơn (trăng trên đỉnh núi) hay còn gọi là núi Chè (tên núi gắn liền với tên làng) thuộc hai xã Liên Bão và Hoàn Sơn (Tiên Du, Bắc Ninh) không phải là ngọn cao nhất.
 
Nhưng như cổ nhân đã đúc kết: “Núi không cốt ở cao, vấn đề là trên núi có Tiên ngụ. Sông không cốt ở sâu, niềm thiêng ở chỗ dưới sông có Rồng ở”. Dải Nguyệt Hằng sơn bao đời nay mang trong mình bao truyền thuyết vừa thực, vừa mơ, là nguồn cảm hứng sáng tạo cho những tâm hồn nghệ sỹ ngay từ lần đầu đặt bước chân mình lên đỉnh non tiên, được đắm mình cùng cỏ cây, hoa lá, nghe tiếng chim kêu, nước suối chảy để lắng hồn về những ngày xa xưa…

Núi Nguyệt Hằng xưa rừng rậm bao bọc. Những tán lá cây cổ thụ toả bóng bạt ngàn. Quanh núi đầy hoa thơm, quả lạ. Chim chóc hót líu lo. Nước suối tuôn róc rách. Vượng khí từ khe núi bốc lên mát rượi, trong lành. Chẳng thế mà không biết tự lúc nào, cò vạc bay về làm tổ đỗ trắng xoá cả bìa rừng. Công hạc từng tốp bay lượn, đùa rỡn từng không.

Đứng trên đỉnh núi, bao quát toàn cảnh mới thấy cả dải Nguyệt Hằng có dáng hình như một người đàn bà với đầy đủ chân, tay, đầu… nằm phơi mình giữa cánh đồng xanh tươi, cạnh dòng Thiên Đức. Tích truyện dân gian bảo đấy là bà Tồ Cô to lớn, sau khi đội đá vá trời, khai thiên lập địa, bà cởi trần xuống sông tắm… và nằm ngủ quên giữa thảm cỏ xanh. Trời đất thánh thần cũng phát ghen khi nhìn thấy thân hình nõn nà của bà. Để cho cái đẹp khỏi mất đi, để cho những mảnh vải khỏi che lấp những chỗ gồ ghề, lồi lõm hấp dẫn, trời đã phù phép cho bà Tồ Cô hoá thành dải núi dài, giữ nguyên hình dáng người thiếu nữ khoả thân nằm ngủ giữa thanh thiên bạch nhật. Người đời nay vì thế mà vẫn hay gọi đây là núi cô Tiên.

Trên núi Nguyệt Hằng có Đền Thượng thờ Cao Sơn Đại Vương là sơn thần có công giúp Vua Hùng dẹp giặc, nhân dân làng Chè đời nối đời thờ ngài làm Thành hoàng làng. Trải bao triều đại phong kiến đều có sắc phong Thành hoàng và chỉ dụ cho người dân không được sao nhãng khói hương tuần tiết. Hàng năm, làng mở hội lệ 11 tháng giêng. Mới sáng sớm trống chiêng đã rộn rã, cờ, lọng, bát bửu, tàn xí rợp trời do trai đinh phò giá khiêng kiệu từ Đình lên Đền Thượng rước Thánh về làm lễ tế. Sau nghi thức tế Thánh (do Quan đám và các quan viên, bồi tế thực hiện) thì lễ hội mới chính thức diễn ra các hoạt động như: đấu vật; chọi gà; hát Quan họ trên thuyền…

 Không biết từ bao giờ, người dân sống quanh núi lấy việc trồng chè xanh cung cấp cho cả vùng là một phương kế sinh nhai. Vì thế mà quen gọi là Núi Chè. Bên cạnh một truyền thuyết dân gian về Núi cô Tiên, một Sơn thần hộ quốc an dân thì trên dải Nguyệt Hằng Sơn này còn lưu truyền một câu chuyện bảy thực ba hư về Bà Chúa Chè- một con người bằng xương bằng thịt làm khuynh đảo cung Vua, phủ Chúa- Tuyên phi Đặng Thị Huệ.

 Truyện lịch sử kể rằng: Núi Nguyệt Hằng là vùng đất linh, có huyệt tràng lớn tất sinh người tài ba. Trên quê hương làng Chè dù không có một dấu tích, thư tịch nào về Đặng Thị Huệ song người dân rất tự hào vì được sống trên quê hương bà Chúa Chè. Theo truyện Danh nhân Kinh Bắc (Tiến sĩ Trần Đình Luyện- Huy Cờ) khi viết về Bà Chúa Chè kể rằng: Thủa xa xưa có một người đàn ông họ Đặng đến núi Nguyệt Hằng vỡ đất lập nghiệp rồi gá nghĩa với một người con gái ở chốn này. Họ sinh được một người con gái mắt sáng, môi đỏ, da trắng. Lúc nhỏ đặt tên là Gái. Lớn lên, một hôm Gái lên núi hái sim thấy một con bướm to, màu sắc sặc sỡ liền chạy theo. Đến khe suối có hoa thơm ngào ngạt, nước chảy róc rách, chim hót líu lo, con bướm thoắt bay lên trời hoá thành bà tiên ban cho Gái một cành hoa lạ, cánh trắng nuột nà, mùi thơm ngào ngạt. Về nhà Gái khoe với bố mẹ cành hoa bà tiên ban. Nhìn bông hoa huệ con gái cầm trên tay, vợ chồng họ Đặng liền đổi tên con là Huệ. Từ nhỏ Huệ đã tỏ rõ khí phách khác lạ, bản lĩnh hơn người, dù chơi các trò chơi dân gian với trẻ nhỏ trong làng nhưng luôn được tôn sùng là thủ lĩnh. Đánh cờ người giữ vai trò Tướng bà. Diễn tuồng đóng vai Vua bà.

Khi Đặng Thị Huệ đến tuổi thiếu nữ, được Quan chiêm tinh đến tận nhà xem tướng số, thấy ứng với ngôi sao lạ hàng đêm chói sáng trên bầu trời vùng Kinh Bắc đã được tiến cử vào Cung Vua làm Cung phi. Tiếng là vào Cung nhưng Đặng Thị Huệ chưa một lần gặp Vua. Được Hoàng hậu cho vào hầu Thái tử Lê Duy Vĩ, Đặng Thị Huệ đã tìm mọi cách lấy lòng Thái tử nhưng cũng chẳng bao lâu bị phát hiện, Hoàng hậu đã sai người đưa vào lãnh cung.

Tình cờ một lần Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm mở tiệc, Đặng Thị Huệ được giao nhiệm vụ dâng Chúa hoa quả. Ngay từ lần đầu gặp mặt, vốn bản tính háo sắc, Trịnh Sâm đã say đắm nhan sắc Đặng Thị Huệ để rồi những ngày tháng sau đấy gây lên cảnh huynh đệ tương tàn, nhân dân lầm than thống khổ do tranh giành quyền lực.

Các nhà sử học đã ví: Đặng Thị Huệ như một ngôi sao sáng xuất hiện đột ngột trên bầu trời rồi lao xuống núi Nguyệt Hằng vỡ tan, để lại trong đêm trường phong kiến một vệt sáng khó phai mờ.

Trên dải Nguyệt Hằng sơn dấu tích của Bà Chúa Chè không hề được để lại. Cũng giống như số phận của người con gái tài hoa, nhan sắc nhưng bạc phận, núi Chè với bạt ngàn rừng thông, lim, trám… dần mai một trước sức tàn phá của con người. Một thung lũng cò đẹp như bức tranh thủy mặc giờ chỉ còn trong hoài niệm của những trung niên, bô lão trong làng.

Không còn nhìn thấy cánh cò, cánh vạc về làng mỗi khi chiều xuống. Ngước mắt nhìn lên núi cao chỉ thấy trơ những tảng đá dường như chỉ chờ một trận mưa to là lăn xuống ruộng vườn, nhà cửa khiến người dân làng Chè mới giật mình nhận ra mình đã sai, đã sống không phải với núi, với Sơn thần, với những hoài niệm về cô Tiên, bà Chúa. Dự án trồng cây phủ xanh đất trống, đồi trọc được hàng chục hộ dân tham gia trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Nếu như trước đây chỉ có chè, sắn, trám, sấu thì nay có thêm thông, keo lá tràm, vải thiều, na, nhãn... Mô hình trang trại dần hình thành trên từng khoảnh đất mà hộ gia đình đăng ký dự án được giao. Thấm thoắt thoi đưa, đất lành chẳng phụ công người, một màu xanh mướt mát phủ kín núi Chè.

Cùng với trồng cây, gây rừng, điều đáng mừng ở núi Chè đã thoát khỏi sự nhòm ngó của những “thổ tặc”. Với cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, giao thông thuận lợi khi tiếp giáp với các Quốc lộ, tỉnh lộ lại nằm gần như trung tâm liên kết các di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng trong vùng như: Đền Đô, Chùa Phật Tích, Hội Lim… núi Chè đã và đang trở thành địa điểm khám phá, nghỉ dưỡng lý tưởng. Hàng năm tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng theo người dân sống quanh núi có hàng nghìn lượt người (chủ yếu là học sinh, sinh viên) về đây thăm quan giải trí vào các dịp nghỉ lễ, ngày Tết. Nhiều thương gia, văn nghệ sĩ của Thủ đô Hà Nội và các địa phương lân cận đã đến đây dựng nhà, làm trang trại vừa để nghỉ ngơi cuối tuần vừa đón đầu phục vụ du lịch sinh thái trong tương lai.

Còn nhớ hôm ngồi uống rượu với nhạc sĩ Trần Tiến ở Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành, khi biết tôi là “trai thôn Chè” anh Tiến đã ký tặng tôi bản nhạc viết tay “Ngẫu hứng giao duyên” rất được người dân Bắc Ninh yêu mến. Tôi hỏi nhạc sĩ: “Sao anh lại viết: Trăng thôn Chè xanh buồn đến thế?. Khi viết bài này, chắc anh cũng đang ngồi uống rượu, ngắm trăng?”. Nhạc sĩ Trần Tiến bảo rằng: Đúng là khi viết bài này, tôi ngồi uống rượu ngắm trăng trên núi Chè, thấy nó thật cô đơn. Nếu không có cái đêm trăng định mệnh ấy, không có men say tình nghĩa của người Quan họ chưa chắc tôi đã có được “Ngẫu hứng giao duyên”.

Trước khi chia tay, tôi hẹn mời nhạc sĩ Trần Tiến trở lại Làng Chè để thêm một lần được uống rượu, ngắm trăng. Tôi quả quyết với anh rằng: Trăng thôn Chè giờ đây vẫn xanh nhưng không buồn nữa. Người dân nơi đây trọng tình, trọng nghĩa và hơn hết họ đã biết trân trọng những vốn quý của thiên nhiên, của lịch sử ban tặng. Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, tương lai không xa người dân Làng Chè đang hướng đến mục tiêu làm du lịch ngay chính trên dải Nguyệt Hằng sơn để non tiên tích tụ thêm vượng khí, đất lành chim thú trở về cho bức tranh sơn thuỷ hữu tình làm mê hoặc bước chân du khách.

Bút ký của Đào Đình Khoa

Source Bac Ninh Online

No comments:

Post a Comment