Blog KYDV

Tuesday, February 18, 2014

Ngựa trong điêu khắc Kinh Bắc

Thứ sáu, 24/01/2014 - 09:29
 
Ngựa trong điêu khắc Kinh Bắc
 
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, ngựa gắn bó trung thành với con người trong cuộc sống và đã trở thành nguồn cảm hứng nghệ thuật. Có lẽ, hình tượng ngựa xuất hiện sớm nhất trong văn hóa tâm linh dân tộc Việt, đặc biệt với người Kinh Bắc là ngựa sắt hý ra lửa khiến giặc Ân bạt vía kinh hồn, sau khi chiến thắng, Thánh Gióng - nhân vật kỳ vĩ thuộc đời Hùng Vương thứ 6 đã cùng thần mã bay vào trời xanh.
 
Ngựa ở cửa võng đình Diềm (Hòa Long - TP. Bắc Ninh).        
Con ngựa sắt khổng lồ do Phù Đổng Thiên Vương cưỡi đã phản chiếu sự hân hoan của tổ tiên ta khi tìm thấy sắt và kỹ nghệ luyện rèn sắt thành những sản phẩm có kích thước hoành tráng và tinh xảo. Những bằng chứng khảo cổ học khai quật ở nhiều nơi trong vùng văn hóa Kinh Bắc đã cho thấy rằng: tại tầng đất thuộc thế kỷ IV trước Công nguyên có rất nhiều sắt. Đến thời Lý thì con ngựa có huân công trong việc quy hoạch xây dựng kinh đô Thăng Long là con ngựa trắng ở đền Bạch Mã (Thăng Long - Hà Nội). Khi Lý Công Uẩn - vị vua đầu tiên Nhà Lý thiên đô từ Hoa Lư ra Đại La, ông cho tu sửa lại thành cho xứng với tên gọi mới: Thăng Long “kinh sư bậc nhất của đế vương muôn đời”. Nhưng lần nào cũng vậy, dân chúng vừa đắp xong thì thành lại bị sụp đổ. Vua bèn làm lễ cầu thần Long Đỗ và chợt thấy con ngựa trắng từ trong đền đi ra, dạo quanh thành một vòng, đi tới đâu để lại vết chân tới đó, cuối cùng quay lại đền thì biến mất. Vua cho là điềm Trời mách bảo nên cứ theo vết chân ngựa mà đắp thành không bị sụt lở. Tạ ơn thần linh trợ giúp, vua cho tạc tượng ngựa trắng để thờ, đặt tên đền là “Bạch mã linh từ”; sắc phong cho thần Long Đỗ làm “Quốc đô định bang Thành hoàng đại vương”, “Quảng Lợi tối linh thượng đẳng thần”.      
Ngựa trắng ở đây là một biểu hiện cho “linh khí ” đất nước, sự “hóa thân” của đức Phật. Nhờ “âm phù”, vua Lý Thái Tổ - người tôn Phật giáo là quốc giáo đã mở mang kinh đô bền vững theo quy luật phát triển tự nhiên (vết chân ngựa - tượng trưng cho sự vận động của Mặt trời: Từ Đông sang Tây tạo thành trục thần đạo sáng láng). 
Sau Bạch mã là đôi ngựa ở chùa Phật Tích (Tiên Du - Bắc Ninh), được chế tác khoảng giữa thế kỷ XI, bằng đá nguyên khối vùng Đông Triều (Quảng Ninh). Đôi ngựa nằm ngang hàng với các cặp voi, sư tử, trâu và tê giác. Hai con ngựa này béo tốt tạo nhiều khối căng tròn biểu hiện sự no đủ, sung túc. Đầu ngựa tạc chân thực, ngoảnh nhìn về phía đường đi. Bờm ngựa dài chải mượt rẽ đều về hai bên gáy. Kích thước ngựa gần như voi (1,17m x 1,43m x 0,7m), tư thế cũng quỳ sụp xuống đài Sen như voi nhưng tư thế chân hơi khác: Hai chân trước gập gối về phía sau, hai chân sau gập gối về phía trước, các móng guốc áp sát mặt bệ sen.
Ngựa còn xuất hiện trên đài sen, có nghĩa con vật tượng trưng cho tâm ý bồng bột lăng xăng đã được Phật giác ngộ, tự nguyện chở kinh đi khắp nơi để Phật giáo hoá chúng sinh. Ngựa thờ bằng gốm men thời Lý cũng được tìm thấy ở chùa Phật Tích.
Nói đến ngựa trong điêu khắc thời Lý không thể không nhắc đến “ngựa đá của giặc Ân” trên sườn núi Châu Cầu - Thất Gian (huyện Quế Võ). Ngựa đá có cánh như cánh Thiên Nga này được chạm theo phong cách Champa. GS sử học Trần Quốc Vượng đã “liên tưởng ngay đến hình ngựa Trà Kiệu. Ngựa Châu Cầu cũng như ngựa Trà Kiệu là biểu tượng môn thể thao Hất Phết (một trò chơi thế tục hoá tín ngưỡng mặt trời) rất thịnh hành ở Champapura và Đại Việt các thế kỷ X - XIII ”. Dấu tích ngựa đá, cột đá chứng tỏ rằng trên núi Châu Cầu - Thất Gian từng có một công trình chùa chiền chung đúc nhiều tài nghệ thợ thủ công Việt - Chăm.
Tại đền Đô (Đình Bảng - Từ Sơn) - nơi thờ 8 vị vua Nhà Lý, trên ván nong, phía dưới bao lơn của hàng cột cái và cột con chạm “Bát mã quần phi” (Bầy ngựa tám con đang phi) với các dáng điệu rất sống động: ngựa phi, ngựa lồng, ngựa nô rỡn, gặm cỏ, uống nước. Bức phù điêu phản ánh được đời sống thanh bình, phong lưu mã thượng của vùng đất Kinh Bắc - quê hương của các triều vua Lý.
Thời Lê-Trịnh,  ngựa được triều đình rất chú ý, Chúa Trịnh Căn đã có thơ vịnh: 
Danh ấy âu lên tót giá cao
Gấp hơn vật loại biết dường nào
Mình dường lân phượng gìn vẹn tốt
Vẻ tựa vân long điểm xuyết vào...
Trong điêu khắc, hình tượng ngựa sinh động, độc đáo và đa dạng hơn. Thế kỷ XVII, phổ biến nhất là loại ngựa thờ như “Vân mã” (ngựa bay trên mây) hay các loại ngựa bạch, ngựa hồng để biểu hiện cho cặp phạm trù  âm - dương, nóng - lạnh, nước - lửa. Ngựa trở thành con vật linh thiêng mang đôi cánh hình ngọn lửa hay dải cờ đuôi nheo ở hai chân trước. Ngựa chạm trên hương án chùa Bút Tháp (Thuận Thành) là một điển hình. 
5 bức phù điêu ngựa đá ở chùa Bút Tháp gây ấn tượng cho người thưởng ngoạn: bức chạm ngựa độc, bức chạm ngựa đàn, bức chạm ngựa đuổi hươu. Trên lan can phía trước bên trái thượng điện nghệ nhân chạm 2 ngựa chạy nước kiệu, con đi trước quay lại nhìn con phía sau. Cả 2 con ngựa đều có vóc dáng tròn lẳn, dẻo dai, chắc khỏe .
Trên bức lan can cuối cùng bên thành trái cầu đá, diễn tả một bầy 5 ngựa trên một bãi cỏ rộng: con nhởn nhơ gặm cỏ, con đưa chân gãi mép, con  tung tăng chạy nhảy, con đưa chân đá bạn, con khác thì nằm ngửa giơ 4 vó lên trời.
Bức đầu hồi thượng điện và bức mặt ngoài lan can phía bên trái cầu đá đều là đề tài ngựa đuổi hươu. Đẹp hơn cả là bức chạm trên cầu bởi thể hiện được không khí sôi động của cuộc rượt đuổi. Ngựa và Hươu đều nhảy bổ từ trên cao xuống, con nào cũng rướn mình, sải dài chân mà chạy. Để diễn tả tốc độ “nhanh như gió, như chớp”, nghệ nhân đã tạo thêm nhiều dải mây quấn trên thân con vật, các dải mây đều lướt về phía sau. Đây là một trong bức chạm đá xuất sắc nhất của chùa Bút Tháp.
So với các tác phẩm điêu khắc về ngựa thì bức chạm ở chân cửa võng đình Diềm (Hòa Long - TP. Bắc Ninh) cũng thuộc loại “hiếm có khó tìm”. Dân gian có câu: “chớ mó dái ngựa” kẻo nó đá chết người, thế mà nghệ nhân xưa rất hài hước, dí dỏm khi tạc cảnh một người đàn ông đứng bên ngựa, dưới bụng ngựa lại có một người đang sờ vào bộ phận sinh dục con ngựa. Phải chăng, bức phù điêu thể hiện tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp cầu cho vạn vật sinh sôi?
Đến thế kỷ XVIII, nếu hình tượng ngựa ở lăng Dinh Hương (Hiệp Hòa - Bắc Giang) đậm chất hiện thực thì hình tượng ngựa ở Từ Vũ - một di tích lịch sử văn hóa Quốc gia của họ Trương ở Như Quỳnh (xưa thuộc phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc) lại vượt hình thể bình thường biến thành Long Mã đầu rồng, thân ngựa, vẩy cá chép, chân hươu, đuôi bò - tượng trưng nguồn nước, tư tưởng cứu nhân độ thế.
Đúng là, mỗi thời đại mỗi ý tưởng sáng tạo khác nhau khiến cho nghệ thuật điêu khắc cổ điển Kinh Bắc nảy nở. Di sản quý báu đó cần được bảo tồn cho muôn đời.
Trương Thị Kim Dung
 

No comments:

Post a Comment