Blog KYDV

Saturday, February 15, 2014

Mùa Xuân trên quê ngoại Nguyễn Du

Thứ sáu, 13/04/2012 - 08:35
 
Mùa Xuân Kinh Bắc, mưa bụi phơ phất giăng tơ khắp trời. Không khí xóm làng như thực như mơ. Thiên nhiên trải bày bức tranh thuỷ mặc. Đến với làng Kim Thiều, tưởng mình trở về với ký ức thi hào Nguyễn Du trong nhịp điệu lách cách như Ả Đào gõ phách ngàn năm của một làng nghề sản xuất đồ gỗ chạm khắc nằm trong quần thể chạm khắc gỗ của phủ Từ Sơn, Đông Ngàn xưa...
 
Một phần của quần thể lừng danh 
  
Miền quê này dễ đưa đẩy tâm hồn du khách nhập vào những làn điệu dân ca Quan Họ ngọt ngào mê đắm, những huyền thoại lịch sử đượm vẻ linh thiêng, những di tích thâm nghiêm. Và nhịp sống nồng nàn hôm nay như mời gọi bước chân vui dạo. Trên những đường thôn ngõ xóm sạch sẽ phong quang dù lát gạch hay đổ bê tông thì những nếp nhà vẫn giữ được nét tươi mát, duyên dáng bên luỹ tre rặng chuối...
 
Tiện nghi sinh hoạt trong các gia đình tương đối đầy đủ: sập gụ, tủ chè khảm trai, ti vi, xe máy, và một số người còn sắm cả ô tô chạy hàng...
 
Mặc dù kinh tế đã khấm khá nhưng người dân Kim Thiều vẫn chịu thương chịu khó sớm khuya và không quên cội nguồn, thuần phong mỹ tục của địa phương từng được gần xa bao đời ca ngợi.
 
Ngôi làng cổ Kim Thiều - quê ngoại của thi hào Nguyễn Du còn có tên chữ là Hoa Thiều, tên Nôm là làng Mấc, thuộc xã Ông Mặc, trấn Kinh Bắc, nay thuộc Hương Mạc (Từ Sơn - Bắc Ninh). Kim Thiều cùng với Phù Khê, Trang Liệt, Đồng Kỵ, Hương Mạc, Vân Hà tạo thành quần thể chạm ngà, chạm gỗ lừng danh ở Kinh Bắc và nước ta.
 
Lượn quanh những ngõ xóm đầm ấm, thanh bình, tâm trí cứ thầm tìm kiếm dấu vết cậu Chiêu Bảy từng sống với người mẹ trẻ xinh đẹp cùng các anh chị em ở quê ngoại thời thơ bé. Cánh đồng Hiên xanh mướt lúa khoai, chấp chới cánh cò trắng muốt trước minh đường nhà thờ họ Trần kia có liên quan gì đến bút hiệu Thanh Hiên của Nguyễn Du?
 
Suốt mấy trăm năm nay, thiên hạ vẫn cho rằng: Nguyễn Du (1765- 1820) -  tác giả “Truyện Kiều” nổi tiếng thế giới là sự hội tụ, thăng hoa linh khí văn chương của hai vùng đất có bề dày lịch sử - văn hoá: Hà Tĩnh quê cha, Kinh Bắc quê mẹ.
 
Họ Trần danh gia vọng tộc 
  
Theo gia phả Nguyễn (Tiên Điền - Nghi Xuân) thì gia đình Nguyễn Du thuộc loại trâm anh thế phiệt, nhiều đời hiển hách “cha con, anh em, chú bác đều là người khoa giáp, làm quan to thời Lê - Trịnh”.
 
Xuân quận công Nguyễn Nghiễm (1707 - 1775) thân phụ Nguyễn Du đã đỗ Tiến sĩ, giữ chức Đại tư đồ Bình nam Tả tướng quân (tức Tể tướng triều đình). 4 chữ “Cổ Kim Nhật Nguyệt” khảm vàng son trên bức đại tự treo ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) là bút tích thư pháp và 2 cây đại hoa vàng trước cửa Thái học là kỷ vật của đại thần văn võ song toàn Nguyễn Nghiễm đối với trường Đại học đầu tiên của nước ta...
 
Họ nội đã vậy nhưng họ ngoại và quê mẹ Nguyễn Du cũng “môn đăng hộ đối” không kém. Nhiều bộ gia phả của các dòng họ làng Hoa Thiều và toàn xã Ông Mặc có ghi chép về gái vùng này vừa đẹp vừa đảm, thường được các triều đại tuyển chọn phi tần. Không chỉ có nghệ nhân giỏi được kén vào cung đình làm đồ mỹ nghệ và trang trí nội thất cho vua chúa mà còn lừng danh khoa bảng, toàn xã có 22 Tiến sĩ kể từ thời Trần đến thời Nguyễn (theo “Danh công truyện ký”). Thời nay số giáo sư, Tiến sĩ trong các lĩnh vực cũng gần gấp đôi con số đó. Tại xã có 11 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia thì 9 di tích thuộc về các dòng họ như Đàm (Đàm Thận Huy), Nguyễn (Nguyễn Giản Thanh), Đỗ (Đỗ Đại Uyên), Nguyễn Hữu (Mai Động), Trần (Trần Ngạn Húc).
 
Ngay tại làng Hoa Thiều, dân gian còn truyền tụng câu chuyện Tể tướng Nguyễn Nghiễm lấy cô thôn nữ Trần Thị Tần làm trắc thất. Sinh ngày 8 tháng 7 năm Canh Thân (tức 24-8-1740) bà Trần Thị Tần - con gái quan Câu kê thuộc đời thứ 9 của dòng họ Trần ở Hoa Thiều. Khi kết hôn, Tể tướng hơn người vợ thứ ba này 32 tuổi. Theo bản gia phả của họ Nguyễn ở Tiên Điền thì Tể tướng Nguyễn Nghiễm có 8 vợ và 21 người con. “Hoa thơm đánh cả cụm”, vợ cả, vợ hai của Xuân Quận ông Nguyễn Nghiễm là hai chị em ruột họ Đặng: Đặng Thị Dương và Đặng Thị Thuyết đều biết hát Ca trù.
 
Bà Trần Thị Tần sinh được 5 người con (4 trai, 1 gái). Anh chị em của Nguyễn Du ra đời với thứ tự: Nguyễn Trụ, Nguyễn Nễ, Nguyễn Thị Diên, Nguyễn Du và Nguyễn Ức. Nguyễn Trụ, con trưởng mất từ nhỏ, Nguyễn Nễ con trai thứ hai hơn Nguyễn Du 4 tuổi. Nguyễn Ức, con trai út.
 
Nguyễn Du sinh ra ở Kinh Bắc và các anh chị em của ông đều sống với mẹ tại Hoa Thiều. Vùng quê này còn là nơi lánh nạn của gia đình anh trai (Nguyễn Nễ - Trương Thị Ngọc Bình) khi triều đình Lê - Trịnh ở thế kỷ XVIII bị biến loan.
 
Trong ngôi Từ đường treo bức đại tự “Tiến sĩ từ”, ông trưởng họ Trần đã cho tôi xem gia phả.
 
Cụ tổ thứ nhất (không rõ tên, sau cháu chắt đặt hiệu là Phổ Khánh) lúc đầu lập cư ở Ngô Trực (Hương Mặc). Khi cụ mất, quan Trần Thái Sử chọn miếng đất ở gò Chử (thôn Cổ Trâu nay thuộc Phù Khê) rộng hơn sào, có núi Thái Sơn làm án, có gò hình thước ngọc. Đúng giờ chính Tý (12 giờ đêm) thì hạ huyệt, mạch theo hướng Tý dẫn vào. Quan Thái sử bảo: Long mạch đắc địa sẽ phát vào đời thứ 5. Quả nhiên, Trần Ngạn Húc sinh năm Giáp Tý (1504) đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất giữ chức Thái Bảo. Thân phụ ngài là Trần Tôn (1472 - 1546) (hiệu Nhiễm Khê) thi hội trúng Tam trường. Vua Lê ra đề thi “Phụng thành xuân sắc phú” thì bài của Nguyễn Giản Thanh xếp thứ nhất, bài của Tiến sĩ Hứa Tam Tỉnh xếp thứ hai, bài của Tiến sĩ Trần Tôn xếp thứ ba. Cụ Trần Tôn được bổ làm tri huyện phủ Ứng Thiên (Thăng Long) và được vua phong Tham nghị, tham chính đại phu. Cụ kết hôn với Trinh Từ Ngọc Uyển (1478 - 1552) con gái cụ Tiến sĩ Nguyễn Giản Liên và là chị gái Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh.
 
Tiến sĩ Trần Phi Nhỡn (tổ đời thứ sáu) làm quan to triều Mạc, mất tại Cao Bằng; là cháu đích trưởng cụ Trần Tôn.
 
Theo sự truyền tụng thì họ Trần (Kim Thiều) là hậu duệ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn - vị anh hùng lỗi lạc của dân tộc đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông (thế kỷ XIII).
 
Trong trận Bạch Đằng, những nghệ nhân họ Trần (Kim Thiều) từng rèn đúc Thiết toả (khoá sắt) để giữ chắc những cọc gỗ lim được chằng dây xích đóng xuống lòng sông cửa biển chặn thuyền chiến giặc.
 
Hồn quê trong danh nhân 
  
Họ Trần danh gia vọng tộc và làng Hoa Thiều đã để lại nhiều kỷ niệm thân thương đối với Nguyễn Du trong quãng đời thơ ấu, hoa niên từ lúc trứng nước đến khi 10 tuổi thì mồ côi cha, 13 tuổi lại chịu thêm tang mẹ. Sau “đại sự” của thân phụ mẫu, cậu chiêu Bảy Nguyễn Du phải rời quê ngoại đến sống với anh trưởng cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản - đại thần trong phủ chúa Trịnh, giữ chức Tả thị lang Bộ Hình, có dinh thự lớn ở phường Bích Câu (Thăng Long), thì Nguyễn Du có nhiều lần trở về quê mẹ, nghe hát quan họ, vãn cảnh thiên nhiên, thắp hương nhà thờ Tổ. Bên bờ sông Hồng, hơn hai trăm năm trước có lần nào nhà thơ lớn thầm nhỏ lệ trước khung cảnh mênh mang sông nước:
 
“Chiều chiều ra đứng bờ sông
Trông về quê mẹ mà không có đò”
 
Cũng như bao người khác sau khi đọc thơ chữ Hán và Truyện Kiều, tôi cứ thầm hỏi những điều còn ẩn ức trong tâm khảm về chàng Tố Như và chưa tìm ra được lời giải đáp. Chỉ có điều xoa dịu trái tim thời nay là bậc thày thiên tài thi ca Nguyễn Du đã thừa hưởng “gen” thông minh, tài hoa của dòng họ nội - ngoại đều thành đạt về khoa bảng và không khí sinh hoạt hào hoa, nho nhã với nền học vấn uyên thâm của Thăng Long - Kinh Bắc - Hà Tĩnh. Ông có cuộc sống thăng trầm dâu bể và sự thấu hiểu sâu sắc nhân tình thế thái qua ba triều đại (Lê -Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn). Tất cả những yếu tố ấy đã góp phần tạo nên cốt cách nhân bản và văn tài siêu việt khiến nhân loại thế giới ngưỡng mộ.
 
Trương Thị Kim Dung
 

No comments:

Post a Comment