Blog KYDV

Tuesday, January 28, 2020

Ông Đồ và câu đối Tết

Cập nhật lúc 19h34, ngày 30/03/2011

Ông Đồ và câu đối Tết
 
Nói đến ngày Tết cổ truyền là nói đến "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh". Câu đối đỏ trở thành biểu trưng tâm linh không thể thiếu được đối với mọi nhà khi tết đến xuân về.
Truyền rằng: Từ xa xưa, người ta thường treo trước cửa nhà hai thẻ gỗ đào để trừ quỷ. Sau đó, nhân một đêm giao thừa vua đi thăm thú thấy cửa nhà dân chỉ có hai thẻ gỗ đào để không, cho là nhà nghèo, nên sai đem bút mực đến viết lên hai tấm gỗ đào này hai hàng chữ:
新 年 納 餘 慶
佳節 號 長 春
Tân niên nạp dư khánh
Gia tiết hiệu trường xuân
Năm mới thêm nhiều phúc,
Tết đến gọi mùa Xuân.
Quan quân đi theo vua thấy hay cũng học theo về nhà viết và treo lên. Từ những năm sau, quan quân sỹ phu khi sắm sang tết đều không quên viết lên thẻ, sau đó viết lên giấy để dán trước nhà.
Vì thế, việc viết và treo câu đối tết đã thành tục lệ. Và câu đối trở thành trang trí quan trọng trong các di tích kiến trúc xưa. Câu đối khắc trên gỗ như những tác phẩm nghệ thuật, thường được các nhà đại gia và nhà giàu treo ở giữa nhà. Câu đối ở đình chùa, đền miếu, còn gọi là câu đối thờ, thường được sơn son thếp vàng. Lại có câu đối khảm trai, nghệ thuật rất tinh xảo. Câu đối để thưởng ngoạn có thể khắc trên hình quả bầu, mai điểu, trúc tước. Câu đối có thể viết trên lụa, trên giấy hoa tiên và phổ biến là trên giấy hồng điều, nên thường được gọi là câu đối đỏ.
Câu đối gồm hai vế đối nghiêm ngặt về từ ngữ, âm thanh, vần điệu và ý tứ. Câu đối còn gọi là “doanh thiếp” hay “doanh liên”, bởi chữ “doanh” ý chỉ cây cột, còn “thiếp” chỉ tờ giấy có in chữ; “liên” chỉ đối xứng với nhau.
Câu đối được sử dụng rộng rãi trong nhiều trường hợp, nhiều hoàn cảnh, mọi không gian, thời gian, mọi môi trường xã hội và chiều dài lịch sử của dân tộc. Trước ngày, người Việt ta có phong tục viết câu đối Tết. Vào sáng mùng một tết Nguyên Đán, sau khi đã làm lễ cúng tế trời đất, gia tiên, gia chủ ngồi vào án thư viết câu đối, khắc bút đề thơ, cốt bộc lộ ý nguyện, mong muốn gia đình họ tộc một năm mới an khang, thịnh vượng. Tuy nhiên, không phải nhà nào cũng có thể viết được câu đối, nên thường xin chữ ông đồ trong dịp sắm chợ Tết. Những câu đối này thường mang nội dung chúc tụng, thể hiện ước vọng an lành, cầu an khang, thịnh vượng:
Xuân giáng thiên môn phúc;
Hoa khai vạn hộ hoan.
Xuân về muôn nhà phúc;
Hoa nở vạn hộ vui.
 
Thăng bình thịnh thế hưng ca dật;
Hạnh phúc dân sinh đắc ý đa.
Hòa bình đời thịnh vui khúc hát;
Hạnh phúc nhân dân thỏa ý mừng.
Hòa thuận nhất môn thiêm bách phúc;
Bình an nhị tự trị thiên kim.
Hòa thuận một nhà thêm trăm phúc;
Bình an hai chữ giá ngàn vàng.
Minh nguyệt thanh phong bách loại ngư cầm giai quốc sắc;
Kim chi ngọc diệp tứ thời hoa thảo hữu thiên hương.
Gió mát trăng thanh, trăm loại ngư cầm đều quốc sắc;
Cành vàng lá ngọc, bốn mùa hoa thảo có hương trời.
Ngày Tết cũng là dịp để mọi người nhớ về cội nguồn, nhớ đến công ơn dưỡng dục, sinh thành của tổ tiên, nên thường chuộng câu:
海大
Cúc dục ân thâm Đông Hải đại
Sinh thành nghĩa trọng Thái Sơn cao
Ơn dưỡng dục sâu tựa biển Đông Hải
Nghĩa sinh thành cao hơn núi Thái Sơn.
Tết đến, người thêm tuổi, thêm tài lộc; xuân về, hoa thêm đẹp, hứa hẹn một năm mới tốt đẹp:
滿滿
Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ
Xuân mãn càn khôn phúc mãn môn
Trời thêm năm tháng người thêm thọ
Xuân khắp đất trời phúc mọi nhà.
Câu đối được làm bằng chữ Hán, song cũng được làm bằng chữ Nôm, thậm chí bằng chữ Quốc ngữ:
Có là bao, ba vạn sáu ngàn ngày, được trăm cái Tết
Ước gì nhỉ, một năm mười hai tháng, cả bốn mùa Xuân.
 
Ủa! Tết đến rồi đó, chẳng lẽ trơ cùi cùng tuế nguyệt,
Kìa! Xuân sang đấy ư, thôi đành mở múi với giang sơn.
Đối với bậc văn nhân, những câu đối tết này là nỗi niềm của họ về gia cảnh, về sự đời, về thế sự.
Cao Bá Quát với một đôi câu đối sau cũng đủ nói lên một tâm hồn, một khí phách hào hùng của ông:
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
(Hàng chục năm giao du để tìm những bậc anh hùng,
Một đời ta luôn cúi đầu vái lạy hoa mai).
Những cặp đối của Tú Xương cũng cho thấy chất hào hoa, phóng túng nhường nào của ông:
"Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài,
Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt".
(Phẩm giá bậc nhất ở cõi thế gian này, là kẻ ôm nhớ thương trăng gió.
Phong lưu trên hết ở trên đời là người có khí cốt giang hồ).
 
"Nực cười thay! Nêu không, pháo không, vôi bột cũng không, mà Tết,
Thôi cũng được! Rượu có, nem có, bánh chưng đều có, thừa Xuân.
Tết với Nguyễn Công Trứ, thì:
"Đuột trời ngất một cây nêu, hết tối ba mươi, gì cũng Tết!
Vang đất đùng ba tiếng pháo, rạng ngày mồng một, thế là Xuân"!
 
"Tối ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa,
Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông phúc vào nhà".
Còn Nguyễn Khuyến:
"Quan chẳng quan thì dân, chiếu trung đình ngất ngưởng,
Già chẳng già thì trẻ, đàn tiểu tử lau nhau".
 
"Không tham, không hãi, không ngại, không lo, không cứng cổ, không to khí tượng,
Có phúc, có phần, có nhân, có nở, có lọt lòng có nợ quân thân".
 
"Tết đến, rượu ngon đưa mấy chén,
Xuân về, cầm bút thử vài trang".
Trần Tế Xương :
"Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột,
Loẹt lòe trên vách, bức tranh gà!".
 
"Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo,
Nhân tình bạc thế lại bôi vôi".
Và Nữ sĩ Hồ Xuân Hương:
“Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo Ma vương đưa quỷ tới,
Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước Xuân vào”.
Lệ xưa, chuẩn bị đón tết, người ta thường dựng tre làm cây nêu, lấy 3 lạt buộc 1 bó vàng, hoặc lấy cành đa lá dừa cài ngoài cửa ngõ, hoặc rắc vôi bột trong sân ngoài ngõ, vẽ bàn cờ cái cung, cái nỏ. Ý để trừ ma quỷ, kẻo sợ năm mới quỷ vào nhà. Vì thế mà thường gặp những chi tiết này trong câu đối Tết.
Ngày Tết, người ta không chỉ sắm câu đối đỏ mà còn xin chữ ông đồ. Chính ông đồ đã giúp người ta truyền đi ý vị ngọt ngào từ những chữ xin ấy. Nhắc đến ngày xuân, nhắc đến ông đồ, không gì hơn bằng đọc lại vần thơ Ông đồ của cố nhà thơ tài hoa Vũ Đình Liên:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
"Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay".
Đúng là mỗi khi hoa đào nở, là lúc tết đến xuân về, lại xuất hiện hình ảnh quen thuộc của những ông đồ với giấy đỏ, với mực tàu cho chữ trên phố.
Lệ xưa, Ông đồ đã trở thành một biểu tượng của ngày Tết xưa, với những nét chữ “phượng múa rồng bay”. Phượng múa rồng bay là nét chữ, đồng thời còn là nết người, là nỗi niềm. Người xin chữ vừa mong được phúc của người cho chữ, vừa mong xin được chữ đúng với tâm nguyện của bản thân, của gia đình. Vì thế có người xin chữ Lộc, có người xin chữ Phúc, hoặc chữ Đức, chữ Tâm, chữ Tín, chữ Nhẫn,...
Thói quen xin chữ và cho chữ ngày Tết cổ truyền mang nhiều ý nghĩa văn hóa là vậy.
 
Tài liệu dẫn
Những câu đối hay, Câu đối Tết:; http://my.opera.com/hadung80/blog/show.dml; Bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên: http://www.thivien.net/viewpoem.php
Minh Thuận

No comments:

Post a Comment