Blog KYDV

Tuesday, July 23, 2019

Đình thôn Lương cần sớm được tu bổ, tôn tạo

Đình thôn Lương cần sớm được tu bổ, tôn tạo

22/07/2019 08:15
 
Trải bao biến thiên của lịch sử, đình thôn Lương, xã Tri Phương (Tiên Du) vẫn sừng sững uy nghi, trầm mặc trên nền đất cũ. Đình được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1990. Hơn 300 năm nay, đình là nơi gắn kết sinh hoạt cộng đồng, nhân dân trong thôn vẫn hàng ngày bảo vệ, gìn giữ song đến nay đã xuống cấp cần sớm được trùng tu, tôn tạo.
 

Cột bên ngoài cửa vào đình bị nghiêng.

Thôn Lương hiện có hơn 3.000 nhân khẩu, hơn 1.000 hộ, nhân dân chủ yếu làm nông nghiệp. Cũng như bao làng, xã khác, đình thôn Lương là nơi thờ các vị tiên thánh, nhân thần có công với đất nước là nơi hội họp, bàn bạc, quyết định mọi việc chung của dân làng. Đình được xây dựng năm Canh Thìn 1700 đời vua Lê Hy Tông. Theo lời kể của các cụ, 4 giáp trong làng cùng chung lưng đấu cật góp công sức tiền của để xây dựng công trình văn hóa bằng tài nghệ của mình.
 
Đình thờ bà Nguyên Phi Ỷ Lan vợ vua Lý Thánh Tông sinh ra vua Lý Nhân Tông. Bà có nhiều công lớn cùng với chồng con giữ gìn đất nước, củng cố, xây dựng vương triều Lý vào những giai đoạn rực rỡ nhất của thế kỉ XI. Đình còn thờ 3 anh em họ Cao: Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, có nhiều công lao giúp vua đánh giặc, bảo vệ đất nước, được các triều vua phong lên bậc “Trung đẳng thần” hộ quốc an dân, còn ghi rõ trong sắc phong lưu lại ở đình Lương. Tại đây dân làng vẫn quanh năm đèn nhang, hương khói, “xuân thu nhị kỳ” có hai tiết lệ chính trong một năm đó là ngày 1 tháng 2 âm lịch và ngày 15 tháng 8 âm lịch, là ngày kỷ niệm và tưởng nhớ tới ngày sinh và ngày hóa của các nhân hiền được thờ ở đình làng. Những ngày này dân làng quy tụ đông nhất thể hiện lòng tôn kính đối với các vị tiên hiền.

Xưa kia việc tế lễ và rước sách được tổ chức một cách long trọng, nghiêm trang và vui nhộn với các ban nhạc, cờ quạt, tàn lọng, bát biểu, kiệu rước… cùng màu cờ sắc áo âm thanh của nhạc khí, sự tham gia của già, trẻ, trai, gái. Đám rước trở thành lực lượng biểu dương lòng ngưỡng mộ của cả làng đối với đức thánh cuốn hút rất nhiều người xem. Ngày nay, dù không tổ chức tế lễ, rước sách cầu kì, tốn kém như xưa, song việc thờ cúng, hành lễ vẫn được dân làng tổ chức rất trang nghiêm thành kính, nhất là lễ hội ngày 1 tháng 2 âm lịch.

Đình thôn Lương còn tồn tại tới ngày nay là do công sức giữ gìn, bảo vệ của nhân dân. Đình là công trình có giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật độc đáo, phong phú, điêu luyện của phong cách chạm khắc gỗ dân gian ở Việt Nam vào cuối thế kỷ 17 còn lại ở Tiên Du. Những hình chạm khắc ở đây mang đề tài chủ yếu là rồng, hoa lá, mây lửa vẫn còn giữ nghiêm chỉnh trong cách bố cục, hình khối, đường nét. Ngoài những hình chạm khắc đứng trong vị trí kiến trúc, bổ trợ cho giá trị nội dung lịch sử cũng như nghệ thuật kiến trúc, đình còn giữ được nhiều cổ vật quý, tài liệu hiện vật vô cùng phong phú và đa dạng có giá trị nghiên cứu, giáo dục sâu sắc. Các hiện vật là đồ thờ: Loại chất liệu bằng gỗ, loại bằng đồng, bằng sành, sứ, gốm. Đồ thờ bằng gỗ ở đây đều được sơn son thếp vàng rực rỡ như: Án thờ, sập thờ, bát biểu, đèn gỗ, hạc gỗ, phỗng gỗ, mâm bồng gỗ, lọ cắm hoa, bình hương… Các đồ thờ được chạm khắc đẹp và tài nghệ, có giá trị. Hương án và sập còn giữ nguyên được kiểu dáng ban đầu rất cổ xưa với những thân rồng uốn lượn đứng trên thân rùa (biểu tượng cho sự vững bền). Đáng chú ý là cây đèn bằng gỗ chạm khắc cầu kỳ tài nghệ. Chân đèn là một con vật đầu rồng, mình cá, đuôi tôm, nằm cuộn tròn ôm lấy cây trúc cao 1,5m. Đặc biệt bên dưới hương án, trên sập thờ còn một đôi phỗng gỗ, mình cởi trần trông lực lưỡng khỏe mạnh trong tư thế quỳ nghiêm trang, 2 tay khoanh về phía trước thành kính dâng hương, mặt ngoảnh vào trung tâm bàn thờ. Đình còn giữ được 5 đạo sắc phong thời Nguyễn.

Ông Nguyễn Văn Tuẩn, Trưởng Ban khánh tiết thôn Lương cho biết: Năm 2009 do các cột đình bị rỗng đã được bơm keo tu bổ nên vẫn giữ nguyên được kiểu dáng ban đầu, tuy nhiên hiện nay một số dui mè, cột, hoành đang bị hư nát, đứng bên ngoài quan sát, mái đình đang nghiêng về hướng Đông khoảng 20 độ. Địa phương có kế hoạch cùng với kinh phí của tỉnh và sự đóng góp của nhân dân sẽ tu bổ, tôn tạo để bảo vệ tốt hơn cho ngôi đình.
 
Minh Hường
 

No comments:

Post a Comment