Blog KYDV

Wednesday, March 13, 2019

Phật Tích hội chùa duyên thắm Mẫu đơn

Phật Tích hội chùa duyên thắm Mẫu đơn

29/01/2019 09:29

Không hiểu sao linh cảm cứ đinh ninh rằng đại thi hào Nguyễn Trãi đã viết bài thơ “Hoa Mẫu đơn” trong dịp thăm danh lam cổ tự Phật Tích và người bạn tri kỷ của ông là Tiến sĩ Vũ Mộng Nguyên ở làng Đông Sơn dưới chân núi Lạn Kha.


“Một thân hoà tốt lại sang,
Phú quý âu chẳng kém Hải đường.
Lai láng lòng thơ ngâm chửa đủ,
Ngoài nương toàn ngọc triện còn hương”


Ngợi ca vẻ đẹp và giá trị của một loài hoa mọc chốn sơn dã đến mức

“Lai láng lòng thơ ngâm chửa đủ
Ngoài nương toàn ngọc triện còn hương”

thật hiếm thấy trong lịch sử thơ ca cổ điển và văn học Đại Việt - Việt Nam. Hoa Mẫu đơn trong thi cảm của Nguyễn Trãi được ví như những dấu triện ngọc có hương thơm in “ngoài nương” hiển quý được vị thế tự do tự tại giữa thiên nhiên của “một thân hòa tốt lại sang”.

Ngẫm nghĩ nước ta có cơ man chùa chiền đền miếu nhưng không nơi nào nảy sinh huyền thoại về hoa Mẫu đơn và lễ hội “Khán hoa Mẫu đơn” như chùa Phật Tích. Nó không chỉ là một trong những lễ hội diễn ra với quy mô lớn, sớm nhất trong đầu năm mới của Bắc Ninh và toàn quốc.

Từ xa xưa đã thành lệ cứ đến mồng 4 Tết Nguyên đán chùa Phật Tích tưng bừng mở hội ngắm hoa Mẫu đơn. Già trẻ gái trai quần là áo lượt đổ về lễ Phật và dạo xem hoa nở khắp các vườn Thiền và sườn núi. Tình đời lẽ đạo quấn quyện trong bảng lảng khói sương huyền thoại của câu chuyện “Từ Thức gặp tiên”. Mọi người truyền tụng ở bậc nền thứ nhất chính là sân chùa xảy ra cảnh nàng tiên Giáng Hương dự hội đầu xuân vô tình đánh gãy cành hoa Mẫu đơn bị nhà chùa giữ lại phạt đền. Bất ngờ thấy cảnh người đẹp gặp sự cố éo le, Từ Thức - chàng quan huyện trẻ tuổi cởi áo xin chuộc lỗi thay cho nàng. Cảm động trước nghĩa cử hào hiệp của chàng trai hào hoa phong nhã xứ Kinh Bắc, nàng Giáng Hương đã hẹn mời về chốn “bồng lai” xin kết duyên vợ chồng.


Thiên tình sử lãng mạn “Từ Thức gặp Tiên” là ảnh xạ về cuộc hội ngộ - giao hòa Non - Nước - Tâm hồn con người các vùng miền, cảnh giới trên hành trình tâm linh đến với cõi Tiên - cõi Phật. Cành hoa chỉ là duyên cớ tác thành.

Lễ hội thưởng cảm Mẫu đơn được coi là mốc son ghi dấu hoa cảnh xuất hiện từ khi Phật giáo mới du nhập vào nước ta, người Việt đã dùng hoa cảnh để tô điểm các công trình kiến trúc truyền thống và nó đã thu hút đông đảo cộng đồng trong đó có giới tiên nữ từ biển Nga Sơn (Thanh Hóa) dự hội.

Người Kinh Bắc sớm có ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường sinh thái thiên nhiên và trân trọng cái đẹp. Dẫu là Tiên giáng trần nhưng sơ ý làm tổn thương vẻ đẹp hoa cảnh vẫn bị phạt đền và cái giá phải trả của “người bảo lãnh” là cả tấm áo (tượng trưng cho chức tước) của viên quan huyện.

Phải chăng chùa Phật Tích tổ chức lễ hội “khán hoa Mẫu đơn” đầu tiên và độc nhất vô nhị của quốc gia trong lịch sử chơi hoa cảnh?

Sau này, các triều đại kế tiếp nhau phát huy. Tiêu biểu là các vua triều Lý (1010 - 1225) rất thích xây dựng các hoa viên, ngự uyển ở kinh đô Thăng Long và tại quê nhà. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”: nhiều ngự uyển trong Hoàng thành trồng các loại hoa thơm cỏ lạ và nuôi các thứ muông thú quý hiếm, như  Quỳnh Lâm, Thắng Cảnh, Xuân Quang (năm 1048), Thượng Lâm (năm 1085). Trên trục thần đạo của kinh thành, trồng cây làm cảnh theo thiết kế: “Đông Hòe - Tây Liễu” có nghĩa là đường Hòe Nhai ở phía Đông thì trồng Hòe, đường Liễu Giai ở phía Tây thì trồng Liễu. “Thập tam trại” (13 làng trại: Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Nghi Tàm, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Hào Nam, Thủ Lệ, Vĩnh Phúc...) đã trở thành vành đai hoa cảnh ven khu vực Hồ Tây. Vùng phía Nam là những rừng, những trại Mơ bạt ngàn mang tên: Hoàng Mai, Bạch Mai, Tương Mai, Mai Động.


Đương nhiên vào thời Lý, diện mạo quy hoạch chùa Phật Tích cũng được khởi sắc. Năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057) Lý Thánh Tông cho kiến tạo tòa ngang dãy dọc huy hoàng. Năm 1066 dựng bảo tháp với tượng Phật A Di Đà bằng đá xanh nguyên khối dát vàng. Đến vua Lý Nhân Tông tiếp tục hoàn thiện nơi đây thành Đại danh lam. Lễ hội khán hoa Mẫu đơn ắt tưng bừng, hoành tráng theo quy mô kiến trúc.

Khác hẳn giống Mẫu đơn Trung Quốc, hoa Mẫu đơn ta (còn gọi là Long thuyền hoa hay bông Trang) được dùng làm hoa cảnh trong chùa Phật Tích cũng không nằm ngoài xu hướng thẩm mỹ thuần Việt.

Mẫu đơn ta được yêu chuộng vì nó là loại cây thân gỗ mọc thành cụm khóm, rất dễ sống trong điều kiện thời tiết, đất đai kham khổ nhưng đem lại sự phong phú, đa dạng về màu sắc, dáng vẻ. Mẫu đơn ta có nhiều loại với các màu sắc khác nhau: đỏ, đen, vàng, trắng, xanh, hồng, cam...

Hoa đơm từng chùm sum suê ở đầu cành, nách lá. Mỗi chùm hoa với vô số bông nhỏ xinh, lúc còn là nụ thì hình cây trâm, khi bừng nở bốn cánh tỏa như ngôi sao với một cuống đài đầy mật, phảng phất hương thơm dịu nhẹ, biểu hiện cho tuổi thọ cao và trí tuệ vô lượng.

Chúng rực rỡ mãn khai như thể đám mây phiêu lãng, ngọn lửa hóa giải mọi ưu phiền. Do đó nhà chùa thường trồng mẫu đơn ở cổng và lối vào Phật điện để cầu mong “sứ giả thần tiên” dẫn đắt  muôn người tới cõi an nhiên thanh tịnh.

Lá cũng nhiều loại, có loại lá to, lá nhỏ, lá vừa và màu xanh nhạt hoặc xanh thẫm, bóng. Nghệ nhân hoa cảnh cây thế có thể cắt tỉa uốn ghép thành các hình khối, đường nét có hồn hoặc các mẫu linh vật (rồng, phượng, rùa, sư tử, cá chép, ngựa, voi...) sinh động, thú vị.

Ngoài nhan sắc yêu kiều của hoa lá, Mẫu đơn ta còn là thảo dược có vị đắng hơi ngọt, tính mát để trị đau đầu, ho, thanh nhiệt giải độc.

Các gia đình thích trồng Mẫu đơn trong chậu cảnh bày trong nhà ngoài cửa để mong rước tài lộc, duyên may phận đẹp vào nhà mình.

Hoa Mẫu đơn và chuyện tình “Từ Thức gặp Tiên” đã góp phần tạo nên những giá trị di sản vật thể và phi vật thể cho ngôi chùa nổi tiếng ngàn năm Phật Tích.

Lễ hội khán hoa Mẫu đơn ở Phật Tích diễn ra ngay những ngày đầu xuân năm mới âu cũng là niềm mong cầu, mơ ước về một tương lai tươi đẹp, may mắn, một đời sống gia đình hạnh phúc, phú quý.

Ngày xuân rất gần, mọi người sẽ được mãn nhãn các loài hoa Mẫu đơn trải khắp núi non Phật Tích và đón mừng lễ hội “khán hoa Mẫu đơn” với cuộc thi hoa cảnh cây thế đẹp, lạ được tái hiện trên cõi thiêng liêng này.

Trương Thị Kim Dung

No comments:

Post a Comment