Blog KYDV

Thursday, May 31, 2018

Tham khảo: Làng Trung Màu

Như quý vị đã biết, Tổng Dũng Vi, huyện Tiên Du, trấn Kinh Bắc xưa gồm nhiều làng xã, trong đó có làng Dũng Vi, Trung Màu, Thịnh Liệt...

"Trung Màu nằm trong vùng tụ cư sớm của người Việt cổ. Tại làng, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được nhiều ngôi mộ cổ ở xóm Ngoài, vườn Rú, đường Con Lợn, Cầu Vàng. Trong các mộ có các vò gốm, chậu đồng, tiền đồng, bát đồng, có niên đại thế kỷ IV - III trước Công nguyên."

Trong bài viết, Trung Màu được kể đến như một vùng tụ cư sớm của người Việt cổ cùng với những di chỉ khảo cổ được khai quật có niên đại thế kỷ IV - III trước Công nguyên...

Địa danh Ve hay làng Dũng Vi xưa có những liên quan lịch sử thế nào? Qua bài viết này, bạn đọc hẳn cũng đã có thể hình dung được phần nào những liên quan lịch sử của Ve hay Dũng Vi cổ xưa. Hy vọng tương lai sẽ có thêm những câu trả lời mới...

Nhằm mục đích tham khảo thêm về những liên quan đến Dũng Vi. Blog KYDV xin được chia sẻ bài "Làng Trung Màu" đăng trên trang Báo Hà nội mới Thứ Ba ngày 15/11/2005 với mục đích tham khảo.

Blog KYDV

-----------

Làng Trung Màu

Thăng Long - Hà Nội | 10:06 Thứ Ba ngày 15/11/2005
 
(HNMĐT) - Làng Trung Màu tên Nôm là làng Miêu, nằm ở bờ Bắc sông Đuống, giáp ranh giữa 4 huyện : Gia Lâm (Hà Nội) và Tiên Du, Đông Ngàn (nay là huyện Từ Sơn), Siêu Loại (nay là huyện Thuận Thành) của tỉnh Bắc Ninh. Dân gian tổng kết, nơi đây “con gà gáy bốn huyện nghe”.

Cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, Trung Màu là một xã thuộc tổng Dũng Vi, huyện Tiên Du, trấn Kinh Bắc (từ năm 1831 là tỉnh Bắc Ninh). Trong kháng chiến chống Pháp, làng nằm trong xã Toàn Thắng của huyện Gia Lâm; sau Cải cách ruộng đất (giữa năm 1956), làng Trung Màu và làng Thịnh Liên tách khỏi xã Toàn Thắng để lập thành xã Trung Hưng thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Tháng 4 - 1961, xã Trung Hưng được cắt chuyển về huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Năm 1964 xã đổi tên thành Trung Màu.

Trung Màu nằm trong vùng tụ cư sớm của người Việt cổ. Tại làng, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được nhiều ngôi mộ cổ ở xóm Ngoài, vườn Rú, đường Con Lợn, Cầu Vàng. Trong các mộ có các vò gốm, chậu đồng, tiền đồng, bát đồng, có niên đại thế kỷ IV - III trước Công nguyên.

Dân làng Trung Màu sống bằng nghề trồng lúa trong đồng và các loại hoa màu trên đất bãi. Một số người đi buôn đường dài trên các tuyến đường sông.

Nằm ở giao điểm của 4 huyện, nên Trung Màu có nhiều thời kỳ bị xáo động bởi các cuộc chiến tranh, nội chiến và các toán trộm cướp trong vùng, nên làng xóm nhiều phen bị phiêu tán, sau đó được nhiều vị quan lại là người làng và phu nhân các vị quan lại bỏ tiền giúp dân ổn định cuộc sống. Một số văn bia còn lại phản ánh điều đó. Bia “Cảm Đức báo tự mậu đức da bi” ở Từ đường Trương Quận công do Hồ Sĩ Dương - Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn niên hiệu Khánh Đức (năm 1652), Thượng thư bộ Công soạn năm Vĩnh Trị thứ ba (1678) cho biết, ông Đô đốc Quận công họ Trương là người làng Trung Màu cùng phu nhân là Lê Thị Toàn - người xã Giới Tế huyện Yên Phong bỏ tiền ra giúp dân làng lo liệu việc quan, tạo điều kiện để dân lưu tán ở các nơi về quê làm ăn yên ổn. Ông bà còn giúp xã 6 mẫu 5 sào ruộng tốt làm ruộng hương hỏa. Dân xã tôn bầu ông bà làm bậc mậu đức, cho dựng bia lưu truyền. Bia “rần Quý thị Lưu Trạch bi” ở xứ Đồng Châu do Nguyễn Đăng Đạo- Tiến sĩ khoa Quý Hợi niên hiệu Chính Hòa (1683), Đô Ngự sử soạn năm Vĩnh Thịnh thứ năm (1709) cho biết Cung tần Trần Thị Ngọc Nhuyễn quê ở Nghệ An đã bỏ 400 quan tiền giúp dân xã Trung Màu lúc khó khăn đói kém, lại hiến cho làng 4 mẫu 5 sào ruộng tốt; dân làng tôn làm Hậu Thần.

Làng Trung Màu sớm tiếp thu ánh sáng cách mạng. Cuối 1940, trong vai một thầy giáo, một cán bộ đến gây cơ sở cách mạng, hình thành đội tự vệ và phát triển sang các làng bên. Cuối 1940, Trung Màu trở thành An toàn khu của Trung ương. Đây còn là nơi đóng của cơ quan thường trực Tỉnh uỷ Bắc Ninh, nơi mở lớp huấn luyện cán bộ, một trạm liên lạc giữa Trung ương với Xứ ủy. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của đảng như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng đã hoạt động ở đây và được bảo vệ an toàn. Trung Màu còn nổi tiếng với các cuộc đấu tranh chống Nhật bắt phá ngô lúa để trồng đay, chống độc quyền muối. Ngày 18 - 8 - 1945, quần chúng cadch mạng xã Trung Màu đi đầu lực lượng giành chính quyền ở huyện Tiên Du. Với những đóng góp và thành tích trên với cách mạng, tập thể làng Trung Màu và 15 gia đình đã được tặng Bằng và Kỷ niệm chương “Có công với nước”.

TS. Bùi Xuân Đính

No comments:

Post a Comment