Blog KYDV

Tuesday, May 15, 2018

ẢNH HƯỞNG CỦA NHO GIÁO Ở VIỆT NAM QUA HỆ THỐNG VĂN MIẾU, VĂN TỪ, VĂN CHỈ

  Hội thảo khoa học
Nguyễn Hữu Mùi [Toàn văn
 
ẢNH HƯỞNG CỦA NHO GIÁO Ở VIỆT NAM QUA HỆ THỐNG VĂN MIẾU, VĂN TỪ, VĂN CHỈ
 
Cập nhật lúc 22h56, ngày 26/08/2007



ẢNH HƯỞNG CỦA NHO GIÁO Ở VIỆT NAM QUA HỆ THỐNG VĂN MIẾU, VĂN TỪ VÀ VĂN CHỈ
TS. Nguyễn Hữu Mùi
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Văn miếu, Văn từ và Văn chỉ ở nước ta là nơi thờ Khổng Tử(1), Tứ phối(2) cùng các vị tiên hiền của Nho giáo. Khởi nguồn từ một ngôi miếu thờ Khổng Tử xây dựng vào năm 478 trước công nguyên ở Khúc Phụ, Sơn Đông, Trung Quốc, là quê hương ông, trở về sau do tác động của Nho giáo đến các nước láng giềng nên Văn miếu cũng được xây dựng tại những nước này. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: " Năm Canh Tuất, niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) đời Lý Thánh Tông, mùa thu, tháng 8, dựng Văn miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tranh Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Vua cho Hoàng tử đến học ở đó" (3).
Việc xây dựng Văn miếu ở kinh thành Thăng Long đánh dấu sự nhận thức về tư tưởng của nhà nước Đại Việt đối với Nho giáo. Nho giáo là học thuyết không chỉ đề cập đến đạo đức và chính trị mà còn chứa đựng những tư tưởng về giáo dục và học tập rất tiến bộ. Trước thời Khổng Tử, tri thức do tầng lớp quí tộc chủ nô nắm giữ, từ thời Xuân Thu trở đi, do sự biến hoá của quan hệ giai cấp nên tri thức bắt đầu chuyển xuống tầng lớp dưới. Theo trào lưu đó, Khổng Tử là người đầu tiên mở trường tư dạy học, với quan điểm giáo dục bác ái, vô tư " Ta có thể dạy tất cả mọi người, không phân biệt ai" (4). Khi thu nhận học trò, chỉ cần '' Từ người đem đến một bó nem trở lên, ta chưa hề vì lễ bạc mà không dạy''(5). Phương châm trong cuộc đời tự học và giảng dạy của ông là"Học không biết chán, dạy không biêt mỏi" (6).
Khổng Tử cũng là người đề cao việc học, cho rằng: " Bản tính con người gần giống nhau, do thói quen của mỗi người mà thành khác nhau" (7). Muốn cải tạo bản tính con người đạt đến chỗ giống nhau, tức hướng con người đến điều thiện, theo ông phải thông qua con đường học tập:"Muốn nhân mà không muốn học, thì điều nhân bị che lấp mà thành người ngu; muốn trí mà không muốn học, thì cái trí bị che lấp mà thành không có cơ sở; muốn tin mà không muốn học, thì cái tin bị che lấp mà thành làm hại; muốn trực mà không muốn học, thì điều chính trực bị che lấp mà thành nóng nảy"(8) .
Tư tưởng giáo dục và học tập học của Khổng Tử với những đường nét chính là như vậy. Tựu trung là đề cao kiến thức, sự hiểu biết, lối sống của mỗi con người trong cộng đồng xã hội, mang tính nhân văn sâu sắc.
Người Việt Nam tiếp thu tư tưởng ấy bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có việc xây dựng Văn miếu theo mô hình của Trung Quốc. Tuy nhiên, do tác động về tâm lý, phong tục, tập quán, lối sống, đặc biệt là truyền thống hiếu học của dân tộc nên Văn miếu ở Việt Nam, ngoài nét chung, còn có nét riêng so với Văn miếu của Trung Quốc cũng như của Triều Tiên và Nhật Bản. Ta có thể thấy điều này qua từng đơn vị hành chính của đất nước.
Ở cấp trung ương, như đã nói đến, là Văn miếu Thăng Long xây dựng vào năm 1070 đời Lý Nhân Tông làm nơi thờ các vị tổ sư của Nho giáo, đồng thời cũng là nơi học tập cho Thái tử. Năm 1076, triều đìnhlập trường Quốc Tử Giám bên cạnh Văn miếu '' tuyển trong các văn thần lấy những người có văn học bổ vào đó'' (9) . Như vậy, Văn miếu ở kinh thành Thăng Long lúc mới xây dựng đảm nhận hai chức năng, vừa là nơi thờ tự, vừa là nơi đào tạo nhân tài, mang nét riêng của người Việt Nam trong buổi sơ khai. Còn đặt trường học (Quốc Tử Giám) bên cạnh Văn miếu giúp người đi học có nơi chiêm bái là tiếp thu từ mô hình Văn miếu của Trung Quốc. 
Cuối triều Trần, Nho giáo ngày càng được củng cố, triều đình tạo bước đột khởi về tư tưởng bằng việc đưa người người Việt Nam vào thờ phụ tại Văn miếu Quốc Tử Giám. Đầu tiên là Chu Văn An, tự Linh Triệt, hiệu Tiều Ẩn, người làng Quang Liệt huyện Thanh Đàm (nay là thôn Văn xã Thanh Liệt huyện Thanh Trì TP. Hà Nội), chưa rõ năm đỗ Thái học sinh, từng làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy học cho Thái tử. Thời Trần Dụ Tông (1341-1369), ông dâng " Thất trảm sớ" xim chém bảy nịnh thần nhưng vua không nghe, bèn treo mũ từ quan về ẩn cư tại núi Chí Linh. Đánh giá sự kiện này, Ngô Sĩ Liên viết:" Hãy lấy Văn Trinh [ Chu Văn An] mà nói, thờ vua tất thẳng thắn, can ngăn xuất xử thì làm theo nghĩa lý, đào tạo nhân tài thì công khanh đều ở cửa ông mà ra, tiết tháo cao thượng thì thiên tử cũng không thể bắt làm tôi được… Ngàn năm về sau, nghe phong độ của ông há không làm kẻ điêu ngoa thành liêm chính, người yếu hèn biết tự lập được hay sao? Nếu không tìm hiểu nguyên cớ, thì ai biết thuỵ hiệu của ông xứng đáng với con người ông. Ông thực đáng được coi là ông tổ của các nhà Nho nước ta mà thờ ở Văn miếu"(10). Tiếp đến là Trương Hán Siêu, tự Thăng Phủ, hiệu Độn Tẩu, người xã Phúc Am huyện Yên Khánh, phụng sự bốn triều vua Trần, từ Trần Anh Tông đến Trần Dụ Tông, làm quan đến chức Gián nghị đại phu Tham tri chính sự. Ông không chỉ giỏi văn chương được vua gọi bằng thầy mà còn giỏi chính sự, từng có công trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên. Người thứ ba là Đỗ Tử Bình, chưa rõ quê quán, làm quan thời Trần Phế đế, lĩnh chức Nhập nội Hành khiển, tả Tham tri chính sự, thăng Kinh lược sứ Lạng Giang. Chu Văn An được thờ vào năm 1370, Trương Hán Siêu thờ vào năm 1371, Đỗ Tử Bình thờ vào năm 1380. Cả ba nhân vật này mặc dù về sau bị Phan Phu Tiên và Ngô Sĩ Liên công kích, chủ yếu nhắm vào Trương Hán Siêu và Đỗ Tử Bình nhưng đều là những vị xuất thân bằng văn học, có tài thao lược, giỏi về chính trị, vốn là sản phẩm đào tạo của Nho giáo mà xã hội đương thời cần dùng. Đây là nét riêng của Văn miếu Việt Nam so với Triều Tiên và Nhật Bản, hai nước chỉ thờ các vị tổNho giáo giống với Trung Quốc.
Về sau, đến đầu thế kỷ XIX, dưới triều Nguyễn (1802- 1945), Văn miếu Quốc Tử Giám chuyển vào Huế, trở thành Văn miếu chung cho cả nước, đối tượng thờ tự có thay đổi, gồm toàn những vị tiên triết, tiên nho người Trung Quốc.
Thời thuộc Minh (1414-1427), nước ta không còn độc lập, người Minh áp dụng chính sách cai trị theo mô hình chính quốc, lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống, trong đó có sự kiện Hoàng Phúc" xin với vua nhà Minh cho lập Văn miếu và đàn thờ thần xã tắc, núi sông, gió mưa, ở các phủ, châu và huyện, theo thời tiết cúng tế'' (11). Chủ trương đó chắc chắn rất khó thực hiện vì sự thống trị của họ không tồn tại được lâu.
Ở cấp trấn, lộ, đầu thời Lê, sau khi giành độc lập dân tộc, triều đình nhận thức rõ muốn xây dựng và củng cố chính quyền vững mạnh cần có đội ngũ quan lại được đào tạo theo con đường khoa cử của Nho giáo. Chính vì vậy mà Lê Thái Tổ " hạ chiếu cho trong nước dựng nhà dạy dỗ nhân tài, trong kinh có Quốc Tử Giám, bên ngoài có nhà học các phủ. Nhà vua thân hành chọn con cháu các quan và thường dân tuấn tú sung bổ vào học sinh các cục chầu cận, chầu ở ngự tiền và sung vào Giám sinh ở Quốc Tử Giám, lại hạ lệnh cho viên quan giữ trách nhiệm tuyển rộng cả con em nhà lương gia ở dân gian sung vào Sinh đồ ở các phủ, đặt sư nho để dạy bảo" (12).
Đi đôi với hoạt động này, triều đình triển khai việc xây dựng Văn miếu tại các trấn, lộ. Hiện có tư liệu để khẳng định điều đó qua ghi nhận của Hoàng giáp Nguyễn Tông Quai khi ông viết văn bia cho Văn miếu phủ Kinh Môn vào năm 1751: "Bản triều ta, khoảng niên hiệu Thuận Thiên (1428-1433) và Thiệu Bình (1434-1439) bắt đầu sai quan ở các trấn, lộ dựng Văn miếu làm nơi thờ tự, theo nghi thức như ở nhà quốc học. Hiệu quan ở các phủ huyện sửa đủ lễ vật mang đến lễ bái" (13). Dựa trên kết quả đạt được, đến năm 1449, theo lời tâu của An phủ sứ lộ Khoái Châu Nguyễn Hữu Phu, triều đình đã cấp phu cho Văn miếu và trường học ở các lộ" mỗi nơi 20 người… để làm bổng thường" (14) . Những Văn miếu xây dựng trong thời gian này còn lại đến nay có lẽ chỉ là Văn miếu của tỉnh Hải Dương. Đây là Văn miếu tạo dựng từ lâu đời, đến đầu thế kỷ XIX vẫn là Văn miếu của trấn Hải Dương. Thông tin trên bia ghi vắn tắt: "Văn miếu ban đầu đặt tại phía bắc của trấn cung, quy mô còn giản lược, đất ấy là trường thi của các triều" (15). Gần đây có nhà nghiên cứu nêu cụ thể vào triều Mạc (1529-1595), Văn miếu trấn Hải Dương là nơiba lần tổ chức thi Hội vào các năm 1529, 1532, 1535 và nhiều lần tổ chức thi Hương dưới triều Hậu Lê(16).
Ở cấp phủ, theo thống kê trong kho thác bản văn bia lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cả nước có 4 Văn miếu hàng phủ. Số liệu này ( kể cả số liệu về Văn từ, Văn chỉ đề cập phần sau) chỉ phản ánh một phần sự thực, vì văn bia trên địa bàn toàn quốc hiện chưa quy tụ đủ về Viện. Gồm:
Văn miếu phủ Trường Yên: ban đầu đặt tại phường Vân Sàng xã Thiện Trạo huyện Gia Viễn, sau vì địa thế bến sông cách trở, lại bị binh hoả làm cháy nên di dời đến phần đất của Đinh Thế Hưng cùng xã Thiện Trạo, dựng thành Văn miếu mới của phủ vào năm Hoằng Định thứ 7 (1606) (17).
Văn miếu phủ Tam Đới: tạo khoảng cuối thế kỷ XVI, đặt ở xã Cao Xá huyện Bạch Hạc ( nay là xã Cao Đại huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc), trùng tu vào năm 1668 đời vua Lê Huyền Tông. Năm Chính Hoà thứ 22 (1701) tiếp tục tu sửa, mở rộng, tạo thành một quần thể với 5 gian chính điện, 3 gian tiền đường, hai dải vũ ở hai bên tả hữu, mỗi dải 2 gian. Tạo một chiếc cầu vượt 7 gian bắc qua chiếc ao trong khuôn viên(18). Đến năm 1822, phủ Tam Đới không còntồn tại, cũng là lúc phủ Vĩnh Tường ra đời, sau một thời gian, Văn miếu này chuyển giao cho phủ Vĩnh Tường quản lý, trở thành Văn miếu của phủ Vĩnh Tường, rồi phát triển thành Văn miếu của tỉnh Vĩnh Yên vào năm 1925(19).
Văn miếu phủ Kinh Môn: khi mới xây dựng đặt ở xã Hà Trường huyện Giáp Sơn, năm Canh Ngọ (1750) di dời về xã Trần Xá cùng huyện tạo thànhVăn miếu mới với 2 toà, mỗi toà 5 gian, lợp ngói bích, xây tường bao quanh. Về sau chuyển thành Văn từ của huyện Giáp Sơn. (20).
Văn miếu phủ Khoái Châu: trước đặt tại xã Diên An huyện Kim Động, đến năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1795) di dời về xã Cù Sơn cùng huyện, tạo thành Văn miếu mới của phủ(21).
Kinh phí xây dựng và trùng tu Văn miếu hàng phủ dưới triều Lê do quan chức và người dân trong các huyện thuộc địa bàn cùng nhau đóng góp.
Ở cấp tỉnh, đầu thời Nguyễn, năm Gia Long thứ 2 (1803), triều đình "sai các dinh trấn đều lập Văn miếu, mỗi miếu đặt 2 người điển hiệu, lễ sinh và miếu phu đều 30 người"(22). Năm 1808, Bộ Lễ ban hành qui định xây dựng Văn miếu "miếu thì chính đường 3 gian, 4 chái, tiền đường 5 gian 2 trái, phía hữu dựng đền Khải Thánh 3 gian 2 chái"(23). Kinh phí xây dựng lấy từ ngân sách nhà nước. Việc tế lễ ở đây do quan chức của tỉnh đảm nhận.
Dưới triều Nguyễn, theo Đại Nam nhất thống chí, dường như tỉnh nào cũng lập Văn miếu như Cao Bằng, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá... Số Văn miếu hàng tỉnh còn lại đến nay không nhiều, chỉ là 3 tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên. Cả 3 Văn miếu này đều có nguồn gốc từ Văn miếu cấp trấn hoặc cấp phủ rồi phát triển thành Văn miếu cấp tỉnh khi 3 tỉnh đó được thành lập vào năm 1831, trongcuộc cải cách hành chính của vua Minh Mệnh (1820-1840).
Ở cấp huyện, theo thống kê, cả nước có 37 Văn từphân bố trên địa bàn của 18 tỉnh. Văn từ là tên do người Việt Nam đặt để phân biệt với Văn miếu, vốn do từ cấp tỉnh trở lên quản lý. Văn từ hàng huyện do Hội Tư văn cấp huyện đứng ra xây dựa trên kinh phí do Hội viên Hội Tư văn trong huyện đóng góp là chủ yếu. Quy mô và cấu trúc của Văn từ nhỏ hơn so với Văn miếu. Văn từ hàng huyện xây dựng sớm nhất ở nước là của huyện Tân Minh (nay là huyện Tiên Lãng TP. Hải Phòng), do Hội Tư văn của 11 tổng trong huyện góp tiền của tạo vào năm Sùng Khang thứ 9 (1574) đời vua Mạc Mậu Hợp (24).
Ở cấp tổng, theo thống kê, cả nước có 42 Văn từ phân bố ở các huyện thuộc 15 tỉnh thành. Văn từ hàng tổng do Hội Tư văn hàng tổng xây dựng dựa vào kinh phí của Hội và người dân trong tổng đóng góp. Chẳng hạn như Văn từ của tổng Đồng Lại huyện Gia Phúc tỉnh Hải Dương, do 33 vị trong Hội Tư văn của 6 xã trong tổng, là Đồng Lại, Khánh Trung, Thanh Xá, Trảo Bộ, Tăng Thượng và Phú Minh tự xuất tiền của cộng với số cung tiến của quan viên, sinh đồ và dân sở tại, tạo vào năm Long Đức thứ 2 (1733)(25). Quy mô và cấu trúc của Văn từ hàng tổng thường nhỏ hơn so với Văn từ hàng huyện, thông thường chỉ là 1 toà, bên trong đặt bài vị của các vị Tiên thánh, Tiên nho của Nho giáo.
Ở cấp xã là Văn chỉ hàng xã. Tên Văn chỉ cũng do người Việt Nam đặt nhằm phân biệt với Văn từ và Văn miếu. Vẫn theo thống kê, cả nước có 221 Văn chỉ phân bố trên 21 tỉnh thành nhưng tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và BắcTrung Bộ. Đây là những Văn chỉ xây dựng chủ yếu dưới triều Nguyễn. Cũng như Văn từ hàng huyện hàng tổng, Văn chỉ hàng xã do Hội Tư văn của xã và người dân trong xã đóng góp tiền của xây dựng. Văn chỉ thường là một toà đơn sơ, bên trong đặt bài vị giống bài vị của Văn từ cấp tổng, song ở nhiều nơi chỉ là một bệ thờ lộ thiên.
Dưới xã có Văn chỉ của thôn, giáp, trang, trại song không phải là đơn vị hành chính nên không đề cập trong bài viết này.
Nghi thức tế tự tại Văn từ hàng huyện, hàng tổng và Văn chỉ hàng xã do Hội Tư văn của từng cấp lo liệu, tổ chức vào ngày đinh của tiết xuân thu trong năm, nhu phí lễ vật thu từ khoản ruộng của Văn từ, Văn chỉ.
Mô hình xây dựng Văn miếu theo từng cấp độ hành chính như trên giống với mô hình Văn miếu của Trung Quốc. Theo tài liệu công bố gần đây cho biết, từ niên hiệu Trinh Quán thứ 4 (630), Đường Thái Tông đã xuống chiếu cho trường học ở các châu, huyện trong nước dựng Khổng miếu. Từ đóKhổng miếu phát triển rộng khắp Trung Quốc, đến triều Minh (1368-1644) và triều Thanh (1616-1911), toàn quốc có trên dưới 1500 nơi lập Khổng Miếu(26). Điểm khác ở đây chỉ là ở tên gọi do người Việt Nam đặt ra ở từng cấp độ được thờ. Nó cũng khác với Triều Tiên và Nhật Bản, hai nước chỉ xây dựng Văn miếu ở cấp trung ương.
Ngoài chức năng là nơi thờ các vị tổ sư của Nho giáo, biểu thị lòng tôn sư trọng đạo, truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, Văn miếu, Văn từ và Văn chỉ ở Việt Nam còn là nơi dựng bia ghi tên người đỗ khoa trường. Vào thời Lê Thánh Tông (1460-1497) Nho giáo chiếm vị trí độc tôn trong đời sống xã hội, thi Hương thi Hội đều đặn 3 năm mở một khoa, số người đỗ ngày một đông, triều đình cho khắc họ tên, quê quán của người đỗ Tiến sĩ vào bia, đặt tại Văn miếu Quốc Tử Giám Thăng Long, mở ra tiền lệ cho việc khắc bia ghi tên người đỗ khoa trường ở nước ta. Đợt dựng bia đề danh Tiến sĩ đầu tiên thực hiện vào năm 1484, niên hiệu Hồng Đức thứ 15, kết thúc vào năm 1780, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 41, tổng cộng qua 32 đợt dựng bia, hiện còn 82 văn bia, ghi về 1307 vị đỗ Tiến sĩ trong 82 khoa thi Hội. Tại Văn miếu Quốc Tử Giám Huế, dựng 32 văn bia, ghi họ tên, quê quán của 284 Tiến sĩ đỗ trong 39khoa thi Hội của bản triều.
Mục đích dựng bia bao hàm nhiều ý nghĩa nhưng tập trung vào một số chủ đề chính mà trước tiên là khuyến học. Ngay trong văn bia dựng đợt đầu nói về khoa thi năm Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442) đã viết:" Lập bia đá đề danh dựng ở cửa hiền quan, khiến kẻ sĩ chiêm ngưỡng, hâm mộ hứng khởi, rèn luyện danh tiết, hăng hái giúp đỡ nhà vua"(27). Hoặc nói như văn bia khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Khánh Đức thứ 4 (1652):"Các sinh viên khăn đóng áo cài ngày sau chú mục vào bia này, mắt xem miệng đọc ai là chẳng cảm kích hứng khởi, lấy khoa mục mà đặt kỳ vọng cho mình"(28).. Thứ đến là đề cao trí thức, coi họ là nhân tài có quan hệ đến vận mệnh đất nước: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn"(29). Sau là đề ra trách nhiệm của trí thức trước thời cuộc: " Kẻ sĩ được khắc tên vào tấm đá này, thật may mắn biết bao! Cho nên phải đem lòng trung nghĩa tự hẹn với mình, làm sao để danh xứng với thực, theo điều sở học mà làm nên sự nghiệp to lớn vinh quang"(30 ).
Văn miếu ở trấn, lộ và phủ, trước thế kỷ XIX trở đi, hiện chưa có tư liệu nào cho thấy đã dựng bia đề danh Tiến sĩ theo cấp độ sở tại, sau thế kỷ XIX mới lập văn bia đề danh Tiến sĩ của phủ, như phủ Hoài Đức tỉnh Hà Đông, gồm 2 bia, ghi về 173 vị đỗ đại khoa trong địa bàn (31).
Văn miếu cấp tỉnh, như Bắc Ninh và Hưng Yên tạo lập 21 văn bia đề danh Tiến sĩ, trong đó tỉnh Bắc Ninh có 12 bia ghi về 677 người đỗ Tiến sĩ. Tỉnh Hưng Yên có 9 bia, ghi về 161 người đỗ tương tự(32).
Văn từ cấp huyện, như Chí Linh tỉnh Hải Dương, Chương Mỹ tỉnh Hà Đông, Đông Yên tỉnh Hưng Yên… gồm 20 huyện, mỗi huyện dựng 1 bia, ghivề 570 người đỗ Tiến sĩ(33).
Văn từ cấp tổng, như tổng Diên Hào huyện Thọ Xương tỉnh Thanh Hoá, tổng Đào Yêu huyện An Dương tỉnh Kiến An… không chỉ dựng bia ghi người đỗ Tiến sĩ mà còn ghi Hương cống, Cử nhân và người làm quan.
Văn chỉ cấp xã, như Sơn Đông huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên; Tam Sơn huyện Tiên Sơn tỉnh Bắc Ninh; Thanh Liệt huyện Thanh Trì tỉnh Hà Đông… mỗi nơi dựng 1 bia, ghi tên người đỗ Tiến sĩ của bản quán.
Qua cách dựng bia ghi tên người đỗ khoa trường qua nhiều cấp độ như thế, trong quan niệm của người Việt Nam sẽ có ích về mặt tâm lý, giúp kẻ sĩ "tất thảy rành rành, biết người nào đỗ trước, người nào đỗ sau. Nếu không như thế thì người đỗ trong mỗi làng, mỗi huyện, mỗi châu truyền cho hậu học không được xa"(34). Do vậy, chúng ta không lấy gì làm lạ khi thấy nhiều vị Tiến sĩ, ngoài danh tính ghi trong Đăng khoa lục, lại được khắc trên bia đề danh Tiến sĩ qua hai ba cấp độ, thậm chí đến bốn cấp độ, như trường hợp Nguyễn Chiêu Huấn, người xã Yên Phong huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh(35).
Việc khắc họ tên, quê quán của người đỗ Tiến sĩ lên bia bày nơi công cộng không phải là sáng kiến của người Việt Nam mà đây cũng là sự tiếp thu từ mô hình văn bia đề danh Tiến sĩ của Trung Quốc. Ở Trung Quốc, lệ dựng bia đề danh Tiến sĩ có từ đời Đường Trung Tông (705-707) đặt tại tháp Nhạn chùa Từ Ân, về sau tại Văn miếu Quốc Tử Giám Nam Kinh mô phỏng theo cách làm đó, bắt đầu khắc tên người đỗ Tiến sĩ lên bia thực hiện từ niên hiệu Hoàng Khánh năm thứ nhất (1312) đời Nhân Tông nhà Nguyên, làm khuôn mẫu cho triều Minh và triều Thanh noi theo. Nhưng bia đề danh Tiến sĩ của Trung Quốc chỉ dựng ở cấp trung ương, tức tại Văn miếu Quốc Tử Giám Nam Kinh, còn ở Việt Nam có đủ tại các cấp độ hành chính. Đây là nét riêng thể hiện rõ nhất truyền thống hiếu học và mang bản sắc văn hoá của người Việt Nam.
Tựu trung, người Việt Nam tiếp thu ảnh hưởng của Nho giáo thông qua hình thức xây dựng Văn miếu, Văn từ và Văn chỉ với nhiều cấp độ hành chính khác nhau, từ trung ương xuống địa phương. Đó là hệ thống phát triển theo chiều dọc, trên là Văn miếu cấp trung ương ( Văn miếu Quốc Tử Giám Thăng Long và Huế), qua trung gian là Văn miếu trấn, lộ, phủ, tỉnh, dưới là Văn từ cấp huyện, tổng rồi Văn chỉ cấp xã. Sự phát triển này tăng dần theo dần theo thời gian, cấp độ trên làm tiền đề cho cấp độ dưới, cấp độ dưới luôn nhiều hơn so với cấp độ trên. Điều đó phản ánh thực trạng Nho giáo ở Việt Nam phát triển từ trung ương xuống địa phương và ngày càng được củng cố vững chắc. Nó cũng cho thấy ảnh hưởng của Nho giáo ở Việt Nam khác với Phật giáo và Đạo giáo, vốn chỉ xây dựng chùa và quán theo cấp độ ngang, tức chỉ ở cấp xã là chính. Từ nguyên uỷ của vấn đề như thế sẽ giúp chúng ta có cơ sở để hiểu rõ hơn sự ảnh hưởng của Nho giáo trong đời sống xã hội Việt Nam suốt nhiều thế kỷ qua.
 
Chú thích:
(1)Khổng Tử: (551-479 TCN), huý Khâu, tự Trọng Ni, sinh ở nước Lỗ, ông là nhà tư tưởng, nhà chính trị và là nhà giáo dục xuất sắc ở thời Xuân Thu của Trung Quốc, được coi là ông tổ của Nho giáo.
(2)Tứ phối: chỉ bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử, là Nhan Hồi (513-482TCN), Tăng Sâm (505-436 TCN), Khổng Cấp (372- 401TCN) và Mạnh Kha (372-289TCN).
(3)Nxb KHXH, H,1993, tập1, tr 275.
(4)Nguyên văn'' Hữu giáo vô loại'' (Luận ngữ, Vệ Linh công).
(5)Nguyên văn'' Tự hành thúc tu dĩ thượng, ngô vị thường vô hối yên'' (Luận ngữ, Thuật nhi).
(6)Nguyên văn'' Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện'' (Luận ngữ, Học nhi).
(7)Nguyên văn'' Tính tương cận, tập tương viễn'' (Luận ngữ, Dương Hoá).
(8)Nguyên văn'' Hiếu nhân bất hiếu học, kỳ tế dã ngu; hiếu trí bất hiếu học, kỳ tế dã đãng; hiếu tín bất hiếu học, kỳ tế dã tặc; hiếu trực bất hiếu học, kỳ tế dã giảo'' (Luận ngữ, Dương Hoá).
(9)Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Nxb Giáo dục, H.1998, tập1. tr. 353.
(10) Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb KHXH, H,1993, tập 2, tr.152-153.
(11) Khâm định Việt sử khâm giám cương mục, Nxb Giáo dục, H.1998, tập1. tr. 754.
(12) Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục. Nxb Sử học, H. 1962, tr. 96-97.
(13) Trùng tu thánh miếu bi ký. No.12162-3.
(14) Khâm định Việt sử khâm giám cương mục, Nxb Giáo dục, H.1998, tập1. tr. 959.
(15) Hải Dương trấn trùng tu Văn miếu bi ký. Tạo năm Gia Long thứ 9 (1810). No. 26951.
(16) Đặng Quang Lộc: Văn miếu Mao Điền, trường học cổ xứ Đông. Tạp chí Văn hoá - Thôn tin Hải Dương, số 6, tháng 11.1998, tr. 35.
(17) Cấu tác Văn miếu bi. Tạo năm Hoằng Định thứ 8 (1607).
(18) Tu tập Từ vũ bi ký. Tạo năm Chính Hoà thứ 23 (1702). No. 5109-12.
(19) Vĩnh Yên tỉnh Văn miếu bi ký. Tạo năm Bảo Đại thứ 2 (1927). No. 14636-7.
(20) Trùng tu thánh vũ bi. Tạo năm Cảnh Hưng thứ 15 (1754). No. 2393.
(21) Khoái Châu Văn miếu bi. Tạo năm Cảnh Thịnh 4 (1796). No. 3567- 8.
(22) Đại Nam thực lục. Nxb Sử học, H. 1963, tập 3, tr. 106.
(23) Đại Nam thực lục. Nxb Sử học, H. 1963, tập 3, tr. 374.
(24) Tiên hiền Từ bi. No. 9382- 3.
(25) Từ vũ bi ký. No. 12966- 7.
(26) Lạc Thừa Liệt: Khổng miếu- khu vườn tinh thần văn hoá của Nho gia. Nghiên cứu Khổng Tử, số 2, năm 2007, tr. 106-107.
(27) No.1358.
(28) Khánh Đức tứ niên Nhâm Thìn khoa Tiến sĩ đề danh bi ký. Tạo năm Thịnh Đức thứ 1 (1653). No.1309.
(29) chú số 27.
(30) Hồng Đức thập bát niên Đinh Mùi khoa Tiến sĩ đề danh bi ký. Tạo năm Hồng Đức thứ 18 (1484). No.1361.
(31) Nguyễn Hữu Mùi: Văn bia ghi tên người đỗ khoa trường của phủ Hoài Đức. Tạp chí Hán Nôm, số 4, năm 2001, tr. 45-51.
(32) Nguyễn Hữu Mùi: Cụm văn bia đề danh Tiến sĩ ở Văn miếu Bắc Ninh: nhìn từ góc độ tư liệu. Tạp chí Hán Nôm, số 4, năm 2000, tr. 33-39.
(33) Nguyễn Hữu Mùi: Văn bia đề danh Tiến sĩ cấp huyện ở nước ta. Tạp chí Hán Nôm, số 5, năm 2002, tr. 57-66.
(34) Bản phủ Tiến sĩ đề danh bi. Tạo năm Tự Đức thứ 25 (1872). No. 788-9.
(35) Đỗ Bảng nhãn khoa Giáp Tuất niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514), ông được khắc lần đầu ở Văn miếu Quốc Tử Giám Thăng Long trên bia Hồng Thuận lục niên Giáp Tuất khoa Tiến sĩ đề danh bi ký (No.1356); lần thứ hai ở Văn miếu Bắc Ninh trên bia Kim bảng lưu phương (No.4936); khắc lần thứ ba ở Văn từ huyện Yên Phong trên bia Yên Phụ văn phái bi ký (17232) và lần thứ tư ở Văn chỉ xã Yên Phụ Thượng (No.17230).
 
 
[Tóm tắt]

         Văn miếu là nơi thờ Khổng Tử, người sáng lập ra học thuyết Nho giáo

         Ở thời Xuân Thu. Học thuyết của ôngảnh hưởng đến các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Người Việt Nam tiếp thu Nho giáo bằng nhiều con đường, với những hình thức khác nhau, kể cả xây dựng Văn miếu theo mô hình của người Trung Quốc. Song, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của nền giáo dục, đào tạo nhân tài, khuyến khích việc học, người Việt Nam đã xây dựng cho mình một hệ thống Văn miếu theo cấp độ hành chính từ trung ương xuống đến địa phương. Tại mỗi cấp độ, người Việt Nam không chỉ thờ Khổng Tử, Tứ phối mà còn thờ những người đỗ đạt khoa cử có trong cấp độ đó. Đây là điểm khác so với Văn miếu của người Trung Quốc cũng nhưTriều Tiên và Nhật Bản. Sự khác biệt này làm lên bản sắc văn hóa cho người Việt Nam dưới tác động của Nho giáo.
  
***

The Impact of Confucianism in Việt Nam through the System of Confucian Temples and Temples of Literature in Hà Nội and other Provinces
 
Dr. Nguyễn Hữu Mùi
The Institute of Han-Nôm Studies
 
The Confucian temple is the place of worship of Confucius, who founded the theory of Confucianism during the Chun-Qiu period. Confucius’s theory has been spread to neighboring countries, including Việt Nam. The Vietnamese acquired Confucianism in a variety of ways, and through various forms, include the building of Confucius temples according to the Chinese model. However, based on the practical needs of the educational system in Việt Nam, which are to train talent and promote study, the Vietnamese created a Confucius temple system of their own, according to the levels of the Vietnamese political structure. At each level of the Vietnamese political structure, Vietnamese not only worship Confucius and his four best deciphers, but also local people who have succeeded in the system of competitive examinations. This is what distinguishes the Vietnamese Confucius temple system from the Chinese system, and from the systems of Korea and Japan. It also builds the cultural character of Việt Nam, under the effect of Confucianism.
 

              

Source Nguyễn Hữu Mùi [Toàn văn]
ẢNH HƯỞNG CỦA NHO GIÁO Ở VIỆT NAM QUA HỆ THỐNG VĂN MIẾU, VĂN TỪ, VĂN CHỈ
           
            

No comments:

Post a Comment