Blog KYDV

Friday, December 8, 2017

Sắc phong - giá trị và hướng bảo tồn

Thứ sáu, 10/11/2017 - 08:36
 
Sắc phong - giá trị và hướng bảo tồn
 
Bằng những nỗ lực của cơ quan chuyên môn và các địa phương, Bắc Ninh hiện còn bảo lưu được số lượng sắc phong tương đối lớn. Những giá trị của sắc phong góp phần quan trọng vào công tác nghiên cứu lịch sử, văn hoá của quê hương, đất nước.
 
Sắc phong là một loại văn bản đặc biệt do vua trực tiếp ban cho các làng xã, gia đình, cá nhân. Một cá nhân hoặc tập thể khi được vua ban sắc thì không chỉ là vinh dự mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa. Ngoài việc được nhà nước, chính quyền công nhận tôn vinh còn  được cả cộng đồng trân trọng. Ngày nay, sắc phong vẫn được các địa phương, dòng họ, gia đình trân trọng bởi nó chứa đựng nhiều giá trị, ý nghĩa về lịch sử, văn hoá, mỹ thuật… Trong các đình làng, cuốn thần phả và sắc phong được coi là những vật báu của cả cộng đồng dân cư nên những tài liệu này thường được gọi là “ngọc phả”, “thần sắc”.
Kết quả khảo sát sơ bộ, trên địa bàn tỉnh hiện còn lưu giữ được khoảng hơn 2.189 đạo sắc phong. Trong đó, thành phố Bắc Ninh có 318 đạo, thị xã Từ Sơn có 292 đạo, Tiên Du có 95 đạo, Gia Bình có 233 đạo, Lương Tài là 290 đạo, Quế Võ có 127 đạo, Yên Phong có 454 và Thuận Thành đang lưu giữ 380 đạo sắc phong. Trên thực tế, trong nhiều làng xã, gia đình, nhà thờ họ vẫn còn đang cất giữ sắc phong nhưng chưa được điều tra nên số lượng có thể còn cao hơn. Về giá trị của sắc phong, theo giới chuyên môn đánh giá là thể hiện rõ rệt dấu ấn uy quyền của các vị vua, có tính độc bản vì đạo sắc nào cũng chỉ có một bản. Hơn nữa, niên đại ghi ở cuối văn bản gồm triều vua và ngày tháng ban sắc là thông tin tuyệt đối chính xác làm căn cứ để người đời sau có thể hiểu về phong cách mỹ thuật, thư thể của từng thời kỳ lịch sử. Ngoài ra, sắc phong được viết trên chất liệu giấy quý vừa đẹp vừa có độ bền cao. Loại giấy này được làm tại làng Nghè (tức làng Nghĩa Đô, Từ Liêm, Hà Nội) rất quý vì nguyên liệu dùng để vẽ lên bề mặt giấy là vàng, bạc, kim nhũ và được sản xuất bằng kỹ thuật seo giấy cổ truyền đặc biệt công phu, chuyên cung cấp cho triều đình sử dụng.
 
 
Các nhà nghiên cứu thảo luận sôi nổi về giá trị và hướng bảo tồn sắc phong trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.  

Sắc phong ở Bắc Ninh có hai dạng chính: Loại thứ nhất dùng để phong cấp, ban chức tước cho công thần, quan chức. Đối với các gia đình, dòng họ thì sắc phong được xem là gia bảo do trưởng tộc hoặc những người có uy tín cất giữ bảo quản. Loại sắc phong này không có nhiều ở Bắc Ninh. Loại thứ hai là sắc phong thần cho các vị Thành hoàng làng (có thể là nhiên thần hoặc nhân thần) là tài sản chung của cả cộng đồng làng xã nên thường được cất giữ tại các đình, đền, miếu, phủ… Loại sắc phong này còn được bảo lưu khá nhiều ở các làng, xã trong tỉnh. Các nhà nghiên cứu xác định, đạo sắc gốc có niên đại sớm nhất và muộn nhất tỉnh Bắc Ninh đều ở thị xã Từ Sơn. Đó là, đạo sắc có niên hiệu Đức Long (1634) ở đình làng Hồi Quan, xã Tương Giang là sắc sớm nhất, còn sắc phong có niên đại muộn nhất phong thời Nguyễn, niên hiệu Bảo Đại 8 (1932) ở đền Đầm khu phố Phù Lưu, phường Đông Ngàn. Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Khải phân tích: Sắc phong bao giờ cũng chỉ được viết trên một mặt của tờ sắc với nội dung chỉ có khoảng hơn 100 chữ ghi về địa chỉ nơi được ban sắc phong, lý do được ban sắc, hệ thống mỹ tự ban cho Thành hoàng, đẳng cấp của Thành hoàng, niên hiệu và đóng quốc ấn. Hình thức sao chép phổ biến nhất là ghi chép trên giấy dó, giấy bản hoặc chạm khắc vào bia đá, bảng gỗ, kim loại… Việc cất giữ, bảo quản, phát huy loại tài liệu linh thiêng này mỗi nơi có những quy định riêng.
Thời gian qua, việc nghiên cứu sắc phong ở Bắc Ninh đã được các cơ quan quản lý nhà nước, giới chuyên môn và các địa phương quan tâm. Năm 2012, Bảo tàng tỉnh xuất bản cuốn “Thần tích, thần sắc các vị thần, Thành hoàng làng tỉnh Bắc Ninh”. Hàng năm, Ban Quản lý di tích tỉnh đều có chương trình thống kê tài liệu lịch sử, trong đó có nội dung chụp ảnh, phiên âm, dịch nghĩa in ấn lưu trữ tại cơ quan và phục vụ cho các địa phương cần khai thác sử dụng. Công tác tuyên truyền quảng bá các di sản sắc phong cũng được thực hiện thông qua việc trưng bày chuyên đề của Bảo tàng tỉnh và trên các phương tiện truyền thông đại chúng của Trung ương và địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác bảo tồn và phát huy giá trị sắc phong vẫn còn nhiều bất cập. Tại hội thảo khoa học mới đây về “Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di sản sắc phong trên địa bàn tỉnh”, các nhà khoa học đã thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp nhằm gìn giữ và phát huy giá trị sắc phong trong giai đoạn hiện nay. Một giải pháp quan trọng là đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, quảng bá để người dân hiểu được nguồn gốc, ý nghĩa, giá trị của di sản sắc phong, đồng thời, tiếp tục thực hiện các đề tài khoa học nghiên cứu tổng thể di sản sắc phong trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung đánh giá nghiên cứu số lượng sắc phong hiện có. Đặc biệt, cần có một dự án đầu tư kinh phí để bảo quản, kéo dài tuổi thọ cho hệ thống sắc phong trong tỉnh. Bởi, tuy được làm bằng giấy dó có độ bền cao nhưng do thời gian, khí hậu, bảo quản không đúng cách nên những tài liệu này không tránh khỏi bị hư hỏng, tỷ lệ sắc phong bị rách nát chiếm 40% so với tổng số hiện có ở Bắc Ninh. Đáng chú ý là phương án số hoá tư liệu sắc phong với tư cách là một nguồn di sản tư liệu ký ức độc đáo. Và nếu thực hiện thành công việc số hoá sắc phong sẽ góp phần quan trọng trong công tác quản lý hệ thống di sản văn hoá, đồng thời có thể giới thiệu, quảng bá rộng rãi hình ảnh, giá trị của di sản tư liệu đặc biệt này đến công chúng trong bối cảnh đương đại.   
Bài, ảnh: Thuận Cẩm
 

No comments:

Post a Comment