Blog KYDV

Wednesday, September 27, 2017

Gia Phả - Nguồn cảm xúc dạt dào về đạo lý uống nước nhớ nguồn

         
Mai Xuân Hải
              
 
Cập nhật lúc 07h25, ngày 14/02/2008

GIA PHẢ - NGUỒN CẢM XÚC DẠT DÀO VỀ ĐẠO LÝ UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN
Mai Xuân Hải
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Hai tiếng “Gia phả” đối với người Việt Nam ta xưa nay thật vô cùng thiêng liêng. Bởi gia phả chính là bộ sử sống của gia đình, của dòng họ, mà ở đó tổ tiên, ông bà các đời của chúng ta, những người liên tục truyền nối từ thuở vô thủy tới nay đã mang đến cho ta mạng sống, cho ta được làm người đã hiện lên rõ rệt...
Xưa kia, bất kể dòng họ lớn nhỏ nào cũng thường có gia phả. Dòng họ nhỏ đôi khi chỉ vài mươi trang ghi chép vắn tắt họ, tên, ngày giỗ, phần mộ của các cụ. Dòng họ lớn thì gia phả viết rất quy củ, có phép tắc, có đủ lời tựa, lời dẫn, phàm lệ, đủ cả phần chính phả, ngoại phả. Ngoài việc ghi chép họ tên, thụy hiệu, ngày sinh ngày mất, phần mộ, chức tước, hành trạng, công lao lúc sống của các cụ, gia phả còn ghi chép cả thơ văn, bi ký, hoành phi, câu đối, văn khấn, nghi thức cúng giỗ, điều lệ dòng họ, về việc xây dựng từ đường, ruộng họ, cùng các đạo sắc phong, chế cáo ban tặng của nhà vua. Phần nhiều là gia phả viết tay, đôi khi những dòng họ có điều kiện kinh tế và có ý thức cao, gia phả còn được khắc in.
Nhưng dù dài ngắn mặc lòng, gia phả vẫn là những bộ sử riêng của gia đình, dòng họ viết về những bậc tiền bối với tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, “phục bản phản thủy”, “thận chung truy viễn”, nên nó thường tràn đầy một tình cảm thiêng liêng, một trách nhiệm, một bổn phận cao cả đối với các lớp tiền bối và cả các lớp con cháu sau này, một thái độ thành kính, biết ơn công lao sinh thành, gây dựng, vun đắp của tổ tiên, nên có sức lôi cuốn, có sức cảm hóa mạnh mẽ các lớp cháu con.
Đọc gia phả chúng ta sẽ thu hoạch được rất nhiều tri thức bổ ích. Chúng ta sẽ hiểu sâu hơn về các mặt sinh hoạt xã hội, phong tục tập quán, những sự kiện lịch sử mà nhiều khi không được ghi chép trong chính sử của triều đình. Rồi còn văn chương, thơ phú, triết lý... Quả thật có những cuốn giả thực sự có tính chất “bách khoa toàn thư” về dòng họ, về xã hội quá khứ. Nhưng trong bài viết này, chúng tôi không đi sâu vào khía cạnh nhận thức của gia phả, chúng tôi chỉ xin trích dịch một vài đoạn văn, một vài mẩu chuyện trong một số cuốn gia phả, nói lên những suy nghĩ và đạo đức, đạo lý làm người của ông cha, thân thiết gần gũi với chúng ta, mà ngày nay, những nét đẹp đạo đức ấy, đã từ lâu được người Việt Nam ta chấp nhận, trở thành đạo đức truyền thống, tâm linh dân tộc, rất giàu cảm xúc uống nước nhớ nguồn, được các gia đình của mọi dòng họ Việt Nam vẫn thường dạy dỗ con cháu, đặng góp vào việc đánh thức những cảm xúc hướng thiện trong chúng ta trong cuộc hành trình trở về cội nguồn đang diễn ra sôi nổi hôm nay.
Trước hết, chúng ta hãy bắt đầu từ những trang của lời tựa, mà ở đây chúng ta thường bắt gặp những suy nghĩ dung dị về đạo đức làm con, đạo làm người, về mục đích của việc biên soạn gia phả.
Bài tựa gia phả họ Tăng ở thôn Nghiêm Thắng, huyện Đô Lương, Nghệ An viết: “Cây có nghìn cành vạn lá là nhờ có gốc. Nước có nghìn suối vạn dòng là nhờ có nguồn. Con người ta họ hàng con cháu đông đảo, ai mà không bắt nguồn từ tổ tiên?”.
Bài tựa gia phả họ Nguyễn Nhân ở làng Xuân Dương, huyện Thanh Chương, Nghệ An viết: “Có người hỏi tôi viết gia phả để làm gì? Tôi đáp: Đạo Càn thành nam, đạo Khôn thành nữ, con người nhờ đó được sinh ra. Vì thế con người ta sinh ra phải kính trọng cha mẹ, tôn kính tổ tông. Lúc bắt đầu là từ một gốc, sau chia ra nhiều nhánh, rồi nối tiếp nghìn vạn con cháu. Bởi lẽ đó, nếu không chép phả thì con cháu các đời sau làm sao mà biết được?”.
Bài tựa gia phả họ Đỗ thôn Đại Định, xã Cao Đài huyện Vĩnh Lạc, Vĩnh Phú viết: “Phép làm gia phả là chi chép nguồn gốc tổ tông, như cành có gốc, như nước có nguồn, có vật nào mà lại không như vậy? Làm con cháu nếu không biết họ hàng tông tộc bắt nguồn từ đâu, khi đối đáp với người ngoài thì dụng dạ rỗng tuếch, chẳng biết nói gì, hoặc nói về tổ tiên thì ú ớ cái lưỡi. Kế thừa máu thịt của ông cha mà như thế, phỏng có hổ thẹn không?”.
Bài tựa gia phả họ Mai ở Phương Liệt viết: “Kính nghĩ các cụ tổ tiên ta phúc đức đầy đặn, ăn ở hiếu hạnh. Cụ thủy tổ ta sinh ra ở đất Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay), nảy nở điềm lành ở vùng sông Nhĩ (sông Hồng). Trải qua các đời thứ hai, thứ ba, thứ tưu, thứ năm nối nhau kế thừa, có người văn học tiếng tăm, có người đạo đức ngời sáng. Được như vậy là do tổ tiên gây dựng từ lâu đời. Làm con cháu mà không biết ăn ở đầy đặn, không biết báo đáp công ơn tổ tiên thì còn ra quái gì nữa! Kinh Thi nói: “Tưởng nhớ tổ tiên, tu dưỡng đạo đức, một niềm tu dưỡng, giữ lấy nếp nhà” làm cho sự nghiệp của tiền nhân được vẻ vang, làm gì có con đường nào khác nữa đâu. Những người khéo đọc gia phả hãy nên suy ngẫm về điều đó...”.
Ngày nay chúng ta đọc bất cứ bài tựa nào của bất cứ một cuốn gia phả nào của người Việt Nam chúng ta, chúng ta đều được đọc những dòng chữ, những suy nghĩ về ông bà tổ tiên thành kính, trân trọng như thế.
Đấy là ở bài tựa. Còn về nội dung thì sao? Trong rất nhiều cuốn gia phả ngoài phần chép tên tuổi, ngày giỗ, phần mộ, còn có những dòng miêu tả hành trạng, tính cách, điều ăn nết ở rất sống động, đọc lên, chúng ta có cảm giác như các cụ “canh tường như tại”(1), đang sống cùng cháu con, đang dạy dỗ cháu con, chính bằng cuộc sống của mình.
Gia phả họ Bùi xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Đông (nay là Hà Tây) viết về cụ tổ đời thứ 10 là cụ Ôn Mục Đoan Khiết công như sau: “Tính cụ nghiêm thẳng, trị nhà cần kiệm có phép, thờ phụng cha mẹ rất hiếu thảo, giữ mình kính cẩn, đãi người chân thành, đối với hàng xóm thì hòa mục lễ nghĩa, tương thân tương ái, không ai chê trách gì được...”. Khi viết về cụ bà, gia phả chép càng cảm động hơn: “... Cụ bà hiệu là Từ Tường nhụ nhân, tính nết cần kiệm tần tảo, rất mực thương yêu chồng con. Thuở còn hàn vi, mỗi khi đi chợ về, cụ đều giành ra vài đồng tiền kẽm để mua giấy bút cho con đi học. Cụ Khắc Trai công chăm chỉ học hành, ngày sau thành đạt, phần nhiều là nhờ công lao dậy dỗ của cụ vậy. Sau này cụ Khắc Trai công làm quan ở viện Hàn lâm, thường xót xa về nỗi mẹ già đã qua đời, không được phụng dưỡng. Đến ngày giỗ mẹ, cụ xúc động làm một bài thơ rằng:
“Quan cao nơi viện Hàn lâm,
Cảm thương nhớ mẹ, ướt đầm lệ sa.
Giờ đây tuổi hạc đã già,
Ba mươi năm trước, xót xa nhớ người.
Công danh vinh hiển ở đời,
Cũng là ơn mẹ, khôn nguôi báo đền..
Ấy nhờ phúc ấm tổ tiên,
Quế lan tươi tốt, vững bền dài xa..”
Gia phả họ Lê ỡ xã Phù Xá, huyện Kim Hoa, phù Đa Phúc, tỉnh Bắc Ninh, là một vọng tộc lớn ở Bắc Ninh xưa, gia phả viết rất kỹ càng đầy đủ. Đặc biệt những dòng viết về công tích đạo đức của tiền nhân đọc lên rất xúc động. Như đoạn viết về cụ tổ đời thứ 8 rằng: “... Khi cụ làm xã trưởng, cụ xử sự công bằng, được dân xã tin yêu... Vả lại, bấy giờ gặp lúc lắm gian nan, dân tình đói kém, phàm gặp người nào có tai ách, cụ đều rủ lòng chu cấp, mọi người đều được hưởng ơn trạch. Sau khi cụ mất, hai xã tưởng nhớ công đức, đều xin được thờ cụ ở trong đình... Kìa như họ nhà ta đối với dân chúng hai xã Đông Đoài có ơn trạch rất lớn, là bắt đầu từ cụ tằng tổ Nghiêm Quang hầu vậy. Cụ tổ ta nối theo, xây dựng nhà tế đường, sửa sang hương lệ, sắp đặt kỷ cương, đời đời tuân theo, cũng là một việc làm to tát cho dân. Nghìn năm hương hỏa vẫn còn trường tồn nơi miếu xã, mà nhà ta nối đời hưng thịnh. Đó thực là nhờ các cụ liệt tổ nhà ta để lại ơn trạch đến vô cùng vậy”.
Cũng trong cuốn gia phả họ Lê ở Phù Xá này, đọc đến đoạn văn bia, đọc bài minh họa sau đây, con cháu nào mà không tự hào chính đáng về tiên tổ: “Kìa như cụ chỉ là người ở nơi thôn dã cuộc đời gặp nhiều cảnh ngộ vất vả gian nan, mà sừng sững hơn hẳn bọn lưu tục, ưa văn học, thích bố thí, lấy đạo làm việc thiện để lại cho con cháu, làm vinh hiển cho gia tộc, xóm làng. Khi mất lại được vua ban cáo mệnh phong tặng, vẻ vang cả nơi chín suối. Hai xã Đông Đoài chịu ơn và tưởng nhớ công đức cụ, đã phối thờ cụ ở trong đình, để mọi người tới đó kỷ niệm cụ không bao giờ mất vậy.
Khám thờ bốn thước, khu mộ tốt tươi, dựng tấm bia to, khắc sâu công đức.
Có bài minh ca ngợi rằng:
“Núi Sóc Sơn cao vút,
Sông Nguyệt Bảo trong xanh.
Nhà họ Lê ta ấy
Hàm chứa bao tinh anh.
Cụ đội ơn tiên tổ,
Gia sản giầu thêm nhanh.
Một đời làm việc thiện,
Con nối nghiệp cha anh.
Mọc lên cây ngọc quý,
Được triều đình tôn vinh.
Hiển hách tên tuổi ấy.
Còn mãi với trời xanh.
Bia đá này ghi khắc,
Không mờ mòn đức âm.
Núi Thái Sơn sừng sững,
Ngưỡng mộ mãi ngàn năm”.
Gia phả (bản khắc in) họ Đỗ ở làng Chương Dương, huyện Thường Tín tỉnh Hà Đông (nay là Hà Tây), những tấm gương sáng ngời về đạo đức của các cụ còn được viết xen kẽ thành những mẩu chuyện nho nhỏ, rất giầu ý nghĩa giáo dục và giá trị văn chương, đọc lên con cháu nhớ mãi. Xin nêu ra đây vài truyện.
1. Truyện nhường ao của cụ Đoan Lương
Cụ tổ đời thứ 6 là cụ Đoan Lương (húy Tông) thi đỗ Tam trường khoa thi Hương năm Quý Mão (1723) niên hiệu Bảo Thái thứ 4, làm quan Đồng tri châu châu Lộc Bình, xứ Lạng Sơn. Khi về hưu, cụ giữ chức văn trưởng hội Tư văn ở làng. Cụ có mua một cái ao, phía đông giáp chân đê, phía tây và nam liền với cái ao của ông Trung úy Lượng, phía bắc giáp đường xóm Thượng Phúc. Nguyên phía trước nhà ông Lượng có bốn cái ao liền bờ, vuông hình chữ điền, cụ mua một cái, ông Lượng mua ba cái. Ý ông Lượng muốn mua nốt cái ao của cụ, phá bỏ bờ thành một cái ao to để thả cá và trồng sen trước cửa nhà cho đẹp. Ông Lượng có lần hỏi mua, nhưng cụ không bán, nên ông Lượng để bụng thù.
Nhân ngày cuối năm, cụ cho người lên dọn ao, cắt cỏ xung quanh bờ cao và đánh cá ăn tết. Thấy vậy ông Lượng vu cho cụ là đẽo vạc chân đê, mở rộng ao, định làm đơn thưa kiện. Có người mách với cụ, cụ bèn gọi các con đến bảo rằng: “Việc dọn ao, cắt cỏ, đánh cá là việc nhà ta làm hàng năm. Nay ông Lượng muốn mua cái ao của ta không được, bèn vu ra chuyện đẽo vạc chân đê để đi thưa kiện. Gặp được quan thanh liêm thì chẳng nói làm gì. Nhưng thời buổi kim tiền này, quan thấy kiện như kiến thấy mỡ, nén bạc đâm bạc tờ giấy. Vả lại, quan bênh quan, đồng tiền trên lẽ phải, ta dù có lý đến mấy cũng thua. Cổ nhân có câu: “Thua kiện mười bốn quan năm, được kiện mười lăm quan chẵn”, mà đã gây sự kiện cáo, hẳn sinh oán thù, một đời kiện ba đời thù, như thế phỏng có ích gì?”. Sau đó cụ bèn chủ động đến nhà ông Lượng, bảo với ông Lượng rằng: “Ông muốn mua cái ao của tôi, phá bờ thành cái ao to trước nhà, trồng sen thả cá cho đẹp thì tôi nhượng lại cho, việc gì phải thưa với kiện”. Rồi cụ đưa văn tự ao cho ông Lượng.
Về sau, sau khi ông Lượng chết, con cháu ông Lượng không chịu làm ăn, ham mê rượu chè cờ bạc, lại đem chiếc ao to ấy bán cho cháu cụ là cụ Ôn Văn đời thứ 8.
2. Sự tích ngôi mộ cụ Ôn Văn
Ngôi mộ cụ Đỗ Đình Đại (hiệu Ôn Văn) đời thứ 8 để ở gò con Nhạn, xứ đồng Mật, làng Bạch Mai, tổng Kim Liên, huyện Thọ Xương, sau là huyện Hoàn Long, Hà Nội.
Năm Tân Mão (1831) cụ Đỗ Danh Tuấn 15 tuổi lên trọ ở làng Bạch Mai để lên Hà Nội học. Ở chỗ cổng làng Bạch Mai có bà bán nước chè tươi và quà bánh cho khách bộ hành qua lại. Như thường lệ, sáng nào cụ cũng ra đấy uống bát nước chè tươi nóng hổi, hút điếu thuốc lào, rồi mới đi lên Hà Nội học.
Một hôm cụ ra quán nước đã thấy một ông lão, áo quần rách rưới lôi thôi, râu tóc bạc phơ ngồi ở trong quán. Cụ vào uống nước xong, cầm lấy cái điếu, thông bã vê thuốc, châm đóm định hút. Vừa lúc ấy ông lão giằng điếu tranh hút. Cụ vui vẻ châm lửa nhường ông lão hút trước, còn mình thông bã hút sau, sắc mặt không có tí gì là bực tức. Cách hai hôm sau, ông lão lại tranh hút như trước, nhưng cụ vẫn một niềm kính cẩn, sắc mặt không hề bực tức. Cách ba ngày sau, ông lão vẫn tranh hút như hai lần trước, cụ vẫn một niềm vui vẻ mời ông lão hút trước. Khi ông cụ đi khỏi, ông lão hỏi bà hàng rằng cậu học trò này quê quán ở đâu bà có biết không? Bà hàng bảo, tôi nghe nói cậu ở dưới phủ Thường Tín lên đây trọ học. Ông thân sinh cậu là Tri huyện, Tri phủ gì đấy. Ông lão bảo: Con nhà gia thế có khác, có phúc mới có người con như thế.
Một hôm cậu đi học về, gặp ông lão ở Cầu Dền, ông lão gọi lại và bảo cho cậu biết, rằng lão chính là thảy Địa lí đi để đất cho thiên hạ, thấy đây có ngôi đất đẹp, lão thử xem nhà nào có đức thì sẽ để cho. Lão đã thử nhiều người, chẳng ai vừa ý. Nay thấy cậu khiêm nhường, lễ nghĩa, trọng người cao tuổi, lão để ngôi đất ấy cho. Cậu về thưa với quan nhà, lên mua thửa ruộng ấy. Nhớ đến ngày 16 tháng chạp, sớm tinh sương, có đủ mặt ở đấy, lão đến cắm hương cho. Nhớ mua thêm mươi thúng gạch vụn, cát, vôi bột, để lúc lấp huyệt cần dùng đến...
Đúng hẹn sáng sớm tinh mơ ngày 16 tháng chạp, ông lão đã có mặt, cắm đất đào huyệt, đặt quan tài, phân kim ngắm hướng xong, cho lấp đất. Lúc lấp đâts còn cách mặt ruộng ba gang tay, ông lão bảo trộn đều gạch, cát, vôi bột đổ xuống dầy một gang, tưới nước nện chặt (đó gọi là đất tam hợp, sau này cho con cháu dễ nhận), sau đó đắp đất lên như ngôi mộ khác. Ông lão còn bảo, nếu muốn xây phải đợi ngoài 100 năm mới xây và đặt mộ chí được. Khi cụ Trường Ấn (bố cụ Tuấn) đưa biếu lễ vật và tiền, ông lão không nhận, chỉ lấy 1 phẩm oản, 1 quả chuối mà thôi.
Tính đến năm an táng cụ là năm Tân Mão (1831) đến năm Bính Tý (1936) cháu đời thứ 12 là cụ Đỗ Danh Doãn (hiệu Tế Xuyên) xây mộ cụ vừa đúng 105 năm, đúng như thày địa lý nói. Nếu không có đất tam hợp thì năm Canh Tý (1900) bọn thù nghịch đã đào mất mộ rồi. Thực là công việc ở đời đều bởi ông Tạo hóa định liệu trước cả, người đời chỉ biết làm theo, đến đâu biết đấy. Cứ chịu khó làm lụng, thực thà hiền lành, ắt được hưởng lộc trời cho, chỉ có sớm muộn mà thôi.
3. Truyện đào trộm ngôi mội cụ Ôn Văn ở Bạch Mai
Ngôi mộ cụ Ôn Văn an táng ở gò con Nhạn, xứu Đồng Mật, làng Bạch Mai, huyện Thọ Xương, sau là huyện Hoàn Long, Hà Nội. Năm Canh Tý (1900) ở Chương Dương có kẻ thù nghịch cho người lên đào trộm, nhưng không được. Chuyện rằng:
Tối 30 tháng Chạp năm Canh Tý (1900) trời tối như mực, lại mưa phùn gió bấc, đêm tĩnh mịch vắng vẻ. Ở cổng làng Bạch Mai có cái điếm canh, cách ngôi mộ cụ Ôn Văn chừng 100m. Trong điếm có 7, 8 người tuần phiên canh gác. Họ chung nhau mua mấy con cá rán, ít xôi, chai rượu để đến lúc giao thừa cùng nhau nâng chén mừng xuân. Chính trong lúc mấy anh em trương tuần quây quân đánh bạc làm vui, thì ngoài mộ bọn thù nghịch đang đào trộm ngôi mộ cụ. Đúng lúc ấy, chợt có con mèo ở đâu đến tha mất con cá rán, bọn tuần vội đứng lên đuổi bắt mèo. Nhưng trời tối, họ chẳng biết mèo chạy đằng nào, chỉ hô hoán lên: “Nó kia, nó kia, bắt lấy nó!” Mấy tên đào trộm mộ nghe tiếng hô hoán, tưởng lộ chuyện, vội bỏ về thẳng. Sáng hôm sau, anh em đi tuần qua đấy mới biết ngôi mộ đêm qua bị đào trộm, đất cát đang còn bừa bãi. Cụ Diên, người chủ thửa ruộng và trông nom ngôi mộ, vội cho người xuống báo ngay cho cụ Xuân Trạch biết. Cụ Xuân Trạch liền lên làm lễ điền hoàn và đắp lại ngôi mộ như cũ.
Cụ Diên thường nói: “Từ ngày tôi trông nom ngôi mộ, tôi ăn nên làm ra, con cái học hành thành đạt, nên trông nom rất cẩn thận”. Việc đào trộm mộ ở Bạch Mai có nhiều người biết. Họ bảo nhau rằng: “Đó là quan Thổ thần hóa làm mèo vào tha cá để báo cho anh em tuần phu biết, chứ có phải mèo thật đâu, vì số cá rán chẳng mất con nào cả”. Về sau chuyện mới rõ ràng, có ông Bát Hanh, người làng Chương Dương đi lính cho Pháp, được ban hàm bát phẩm, bị cụ Xuân Trạch giật mất chức Tiên chỉ, nên để tâm báo thù, cho người lên đào trộm mộ.
Sau này con trai ông Bát hanh nghèo túng, phải quay về nhờ vả cụ Danh Doãn, là cháu đời thứ 12. Thế mới biết cổ nhân nói: “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác” chẳng sai tí nào.
4. Truyện vứt thuốc phiện vào thùng phân
Cụ tổ đời thứ 9 họ Đỗ ở Chương Dương là cụ Ôn Cung, thụy là Đoan Lượng. Cụ đỗ Cử nhân năm Ất Dậu (1825) lúc 29 tuổi, sau làm quan Tri huyện Lang Tài, thăng Tri phủ Quốc Oai, rồi giữ chức Lễ khoa Cấp sự trung. Thời kỳ cụ làm việc ở Khoa đạo 7 năm, hai lần đi thanh tra ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, lúc về chỉ có mấy gói thuốc Bắc, có quan Bố chính Bình Định là Phan đại nhân, người làng Phù Ủng, Hải Dương là người nghiện thuốc phiện, có tặng cụ hai lọ thuốc phiện, chừng độ 30 lạng. Cụ miễn cưỡng phải nhận để yên lòng người cùng xứ, làm quan nơi xa gặp nhau. Cụ xử sự cận với nhân tình như vậy đấy.
Về nhà cụ nói dối cụ bà rằng, đó là hai lọ thuốc cao, khi nào cụ bảo mở thì mới được mở.
Một hôm cụ bà đi vắng, cụ đem hai lọ thuốc phiện đó vứt vò thùng phân. Cụ bà về biết chuyện, có phàn nàn rằng: “Hai lọ thuốc đắt tiền, giá đến hơn 300 quan, sao không bán đi chẳng được món tiền to hay sao. Tiếc quá! tiếc quá!”. Cụ bảo: “Thuốc ấy là vật giết người, làm tan nát cửa nhà, mình đã không dùng, sao nỡ tham lợi bán cho kẻ khác kiếm vài trăm quan tiền thì yên tâm sao đánh!”. Kể từ khi cụ được bổ nhiệm chức Hữu kinh lịch tỉnh Quảng Trị, đến Giám sát ngự sử đạo Thanh Hóa, hơn 15 năm, dân gian có việc thưa kiện, trước cụ lấy điều nghĩa lý hòa giải, sau mới lấy luật phát phân xử nhanh chóng, không để đọng án, kéo dài dây dưa, tốn phí thời gian đi lại, phiền nhiễu cho dân.
Đấy, gia phả viết về ông cha như thế, con cháu muôn đời sau đọc đến, ai mà không cảm động, ai mà không tự hào. Những tấm gương sáng như thế, con cháu nào mà không noi theo. Trong ngôn ngữ ta có từ “bách tính”, nghĩa là trăm họ, đồng nghĩa với từ “quốc gia”, “dân tộc”, “đất nước”. Nhiều nhà họp thành họ, nhiều họ họp thành làng, nhiều làng họp thành nước. Mọi nhà, mọi họ làm việc thiện tất sẽ có nhiều phúc khánh. Cả nước làm việc thiện, nước tất sẽ hưng vượng.
Bài viết nhỏ này chỉ xin trích dịch một số đoạn, dăm ba truyện dồi dào cảm xúc về đạo lý uống nước nhớ nguồn mà trong bất cứ một cuốn gia phả của dòng họ nào cũng đều có thể tìm thấy, những mong tiếp thêm một chút ít sức mạnh tinh thần truyền thống cho chúng ta trên con đường chấn hưng dân tộc Việt Nam ta hôm nay(2).
Chú thích:
1. Canh tường: theo sách Hậu Hán thư - Lý Cố truyện: “Sau khi vua Nghiêu chết, vua Thuấn tưởng nhớ suốt 3 năm, khi ngồi như thấy bóng vua Nghiêu ở trên tường, khi ăn như thấy bóng vua Nghiêu ở trong bát canh. Sau đó, từ này được dùng như một động từ, chỉ sự tưởng nhớ không quên.
2. Cảm ơn bạn Đỗ Diễn Hịch đã cung cấp một số tư liệu về dòng họ Đỗ ở Chương Dương, Thường Tín, Hà Tây.
Thông báo Hán Nôm học 1996 ( tr.115-128)
----------
Source: Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Thư tịch                 

No comments:

Post a Comment