Blog KYDV

Monday, November 23, 2015

Gìn giữ báu vật của làng

Thứ sáu, 13/11/2015 - 09:49
 
Gìn giữ báu vật của làng
 
Sắc phong xưa là một loại hình văn bản Hán-Nôm đặc biệt quan trọng luôn được các thế hệ người dân tôn thờ, bảo vệ và cất giữ cẩn mật như báu vật linh thiêng của làng xã mình. Có một điều mà hầu hết đấng bậc cao niên của các dòng tộc, làng xã tự hào tâm niệm trao truyền răn dạy cháu con rằng- “giữ sắc phong tức là giữ làng”…
 
Theo các nguồn tài liệu, sắc phong là văn bản truyền mệnh lệnh của vua phong chức tước cho quý tộc, quan chức, khen thưởng những người có công hoặc phong thần và xếp hạng cho các vị thần được thờ trong những công trình tín ngưỡng như đình, đền, miếu, từ đường… ở các làng xã của người Việt. Nhưng, sắc phong không chỉ đơn thuần là “bằng khen”, “tấm huân chương” của Nhà nước phong kiến đối với làng xã hay cá nhân, dòng họ có công trạng mà còn là nguồn tài liệu quý lưu giữ hồn cốt tinh thần, những giá trị truyền thống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của từng địa phương.
 
Bản sắc phong ở đình làng Tam Tảo, Phú Lâm, Tiên Du được phong tặng triều vua Tự Đức thứ 33 năm 1880.
 
Nghiên cứu của Nguyễn Phạm Bằng, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh cho thấy, nội dung của mỗi đạo sắc thường bố cục gồm 4 phần chính: Mở đầu là một chữ “sắc” rồi ghi đối tượng gửi, tiếp đó là phần ban thưởng tước vị hoặc quyền lợi mới, sau đến phần chỉ thị cho đối tượng được phong tước phải tuân theo và phần cuối cùng ghi niên hiệu, ngày tháng ban sắc, có dấu triện màu đỏ tươi của vị vua đang trị vì được đóng xác nhận vuông vức. Riêng về đặc điểm hoa văn trang trí, hình thức trình bày, lối viết chữ hay kích thước rộng dài, độ dày mỏng của sắc phong thì ở đời Lê sẽ khác với đời Nguyễn. Thậm chí, ngay các sắc phong đời Nguyễn cũng có sự thay đổi qua từng triều vua như triều Gia Long, Minh Mệnh có mẫu dấu khác với triều Thiệu Trị, Tự Đức... 
  
Giới chuyên môn khẳng định, hầu như làng nào ở Bắc Ninh cũng có sắc phong, làng ít nhất cũng phải có từ ba đến bốn đạo, làng nhiều nhất là Quan Đình ở Văn Môn (Yên Phong) có tới 57 đạo sắc phong do các đời vua phong tặng cho 4 vị thần được thờ ở đình làng là: Cao Sơn đại vương- một vị tướng thời Hùng Vương có công giúp vua đánh giặc, giúp dân trừ tai họa; Tam Giang Khước Địch đại vương (Trương Hống) và Tam Giang Uy Địch đại vương (Trương Hát) là hai vị tướng giúp Triệu Quang Phục đánh giặc Lương ở thế kỷ thứ VI, ngoài ra còn có Thổ thần. 
 
Trên cơ sở của các bản sự tích, ngọc phả, thần phả ghi chép thân thế sự nghiệp, đặc biệt là xuất xứ, công trạng của các vị thần để triều đình ban tặng sắc phong vào những dịp lễ tiết lớn hoặc mừng thọ nhà vua. Sắc phong có nhiều loại: Sắc phong chức tước cho quí tộc, quan lại, sắc phong thần cho các vị thần được thờ trong đình, đền, miếu, từ đường... tại các làng, xã. Đến nay, sắc phong chức tước không còn nhiều và nếu còn thì chủ yếu do các dòng tộc lưu giữ, trong khi đó, sắc phong thần vẫn còn khá tương đối. 
  
Tuy chưa có một thống kê chính thức đầy đủ về tình trạng bảo tồn sắc phong trên địa bàn tỉnh nhưng khảo sát sơ bộ cho thấy, các sắc phong hiện còn cổ nhất có niên đại từ đời Lê, gần đây nhất thuộc đời Nguyễn. Có làng vẫn còn đầy đủ bản gốc, có làng giữ được một phần, có làng đã mất sạch và có làng thì thực hiện in lại bản sao. Ngay trong số những đạo sắc gốc đang còn được lưu giữ thì nhiều sắc đã bị hư hỏng, rách nát, ẩm mục hoặc mất chữ... nguyên nhân là bởi một số địa phương thiếu kinh nghiệm trong việc bảo quản. 
 
Sắc phong là một loại cổ vật quý do tính độc bản, đồng thời còn là nguồn tư liệu giá trị và trung thực nhất được truyền lại cho hậu thế biết rõ về tên, tuổi, quê quán, công trạng của các vị thần cũng như sự tôn vinh của các triều đại và cộng đồng dân cư đối với vị thần đó. Sắc phong có giá trị khoa học liên ngành và đa ngành, bởi nó không chỉ cung cấp thông tin quý giá, bổ khuyết cho những tồn nghi trong lịch sử mà còn là một nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu về tôn giáo, văn hóa tín ngưỡng dân gian. Mỗi tờ sắc phong được xem như một tác phẩm nghệ thuật có giá trị, cho phép người ta thấy được phong cách mỹ thuật đặc trưng qua từng thời kỳ lịch sử, đồng thời hiểu hơn về tư tưởng thẩm mỹ, tư tưởng vương quyền của các triều đại. Ngoài ra, sắc phong còn giúp cho việc nghiên cứu kỹ thuật làm giấy dó, giấy lụa, giấy sắc… 
 
Sắc phong là một tài liệu quý để nghiên cứu nhiều mặt về đời sống của cư dân mỗi làng cụ thể, nhưng nếu tách ra khỏi địa phương thì ý nghĩa và giá trị sẽ không cao. Vậy nên việc gìn giữ sắc phong được xem là một trong những việc hệ trọng của làng, của họ. Hy vọng, các địa phương sẽ biết cách bảo quản, gìn giữ “kho vàng” thiêng liêng ấy thật lâu bền để từ đó tiếp tục có những nghiên cứu khám phá, phát hiện thêm giá trị mới, bồi đắp và làm giàu truyền thống tốt đẹp của quê hương mình. 
 
Bài, ảnh: V.Thanh
 

No comments:

Post a Comment