Blog KYDV

Saturday, November 14, 2015

Bảo tồn di sản trong lòng đất Bắc Ninh

Thứ sáu, 05/06/2015 - 15:00
 
Bảo tồn di sản trong lòng đất Bắc Ninh
 
Thời gian qua công tác khảo cổ được quan tâm nên đạt nhiều kết quả quan trọng. Các nhà khoa học liên tiếp tiến hành khai quật và phát hiện nhiều vấn đề quan trọng, mới lạ từ những di vật, di sản trong lòng đất Bắc Ninh.
 

Cần có phương án bảo tồn phát huy giá trị của các di tích, hiện vật khảo cổ học trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Các đại biểu nghe báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học tại chùa Dạm (xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh) năm 2011.
 
Đầu tiên phải kể đến đợt khai quật tại Thành cổ Luy Lâu (Thuận Thành) được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia công bố kết quả vào đầu tháng 1-2015. Với sự phối hợp tham gia của các chuyên gia đến từ Đại học Đông Á Nhật Bản và sử dụng phương pháp khai quật khảo cổ học hiện đại, đoàn nghiên cứu tiến hành khảo sát thực địa và khảo sát viễn thám trước đó để xác định vị trí mở các hố khai quật nhằm tìm vết tích chính xác của thành nội Luy Lâu. Sau gần 2 tháng tiến hành nạo vét, bóc tách 2 hố khai quật và 1 hố thám sát với tổng diện tích 30m2, các nhà khoa học phát hiện được ở khu di tích này rất nhiều bằng chứng quan trọng, giúp làm sáng tỏ những bí ẩn lịch sử còn gây nhiều tranh luận bấy lâu nay.
  
Thành công lớn nhất là làm rõ phạm vi, cấu trúc bên trong thành nội Luy Lâu không phải là lệch về phía Tây như bản vẽ năm 1969 và năm 1986 của Viện Khảo cổ mà thành Nội được mở rộng về phía Đông và thiên về phía Bắc. Cấu tạo của thành Nội có chiều dài Đông - Tây là 170m, chiều rộng Nam - Bắc là 110m. Cũng từ các tầng văn hóa khảo cổ đã chứng minh khu đô thị Luy Lâu thuộc quận Giao Chỉ xưa được xây dựng trải qua các thời kỳ từ Hán đến Lục Triều, Tùy Đường đều được xây dựng tại chính địa điểm thành cổ Luy Lâu. Đây cũng là lần đầu tiên nhóm nghiên cứu tìm được những mảnh khuôn đúc trống đồng Đông Sơn với số lượng lớn và nằm trong địa tầng ổn định, chứng minh cho tính bản địa của trống Đông Sơn cũng như giúp chúng ta hình dung rõ hơn về quy trình đúc trống đồng.
 
Cũng vào đợt cuối năm 2014, một nhóm nghiên cứu khác tại di chỉ gốm Quả Cảm do cán bộ khảo cổ của Trung tâm nghiên cứu Kinh Thành phối hợp với Bảo tàng Bắc Ninh tiến hành bóc tách 3 hố khai quật với diện tích 196m2 thuộc xóm Vườn Lò, thôn Quả Cảm, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh. Kết quả, làm xuất lộ nền móng, quy mô của lò nung cùng những bằng chứng liên quan đến kỹ thuật làm gốm sứ, như “ắc bàn xoay”, “các chồng dính”… Di vật thu được chủ yếu là đồ sành với tổng số 21.618 hiện vật nguyên và mảnh các loại sản phẩm như: lon, bình, nồi, vung/nắp, lọ hình ống, vò, hũ, chậu, mảnh vại, quai bình vôi, con giống. Có những sản phẩm được giới nghiên cứu so sánh và đánh giá là giống với một số hiện vật đồ sành đã tìm thấy tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ngoài ra, còn tìm thấy 244 hiện vật gốm sứ, như bát, đĩa, chậu… thuộc các dòng men trắng, ngà, men trắng hoa lam, men ngọc.
  
Đây là đợt khai quật đầu tiên tại Quả Cảm và có ý nghĩa quan trọng. Bởi từ kết quả khai quật, căn cứ vào hình dáng, quy mô, kích thước của lò nung và các sản phẩm, các nhà khoa học cho rằng gốm Quả Cảm có niên đại từ thế kỷ 15 - 16. Đặc biệt, kết quả này còn góp phần tìm hiểu về nguồn gốc, niên đại và kỹ thuật chế tác, đặc trưng, các loại hình… của đồ sành Quả Cảm, cũng như mối liên hệ, sự khác biệt của nó so với các di tích sản xuất gốm được xác định trước đây. Ngoài ra, còn cung cấp nhiều tư liệu về địa tầng, di tích, di vật để hiểu biết được quá trình hình thành, phát triển và tàn lụi của một trung tâm sản xuất đồ gốm sành Quả Cảm (Hòa Long), Đương Xá (Vạn An) và Khúc Toại (Khúc Xuyên).
 
Theo các nguồn sử liệu và kết quả nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu khảo cổ học cho thấy, Bắc Ninh là địa bàn cư trú của người Việt cổ, đồng thời là bộ phận cốt lõi của quốc gia Văn Lang, Âu Lạc. Từ mấy nghìn năm trước người Việt cổ đã cư trú và lập làng ở ven sông Cầu, sông Dâu, sông Đuống, Ngũ Huyện Khê, sông Tiêu Tương... sống chủ yếu bằng canh tác nông nghiệp kết hợp làm nghề thủ công. Hàng loạt di vật bằng đồng với những hoa văn độc đáo được tìm thấy ở các di tích Lãng Ngâm, Đại Trạch, Quả Cảm, Đại Lai… như trống đồng, dao găm, rìu, giáo, tấm che ngực, mảnh giáp... Đặc biệt là những mảnh khuôn đúc trống đồng trong thành cổ Luy Lâu đã chứng tỏ người xứ Bắc rất tinh xảo trong nghề đúc đồng, chế tác các đồ trang sức và làm gốm...
 
Nhờ khảo cổ học, con người đương đại có thể lật giở lại từng trang sách có niên đại từ rất xa xưa để nghiên cứu lịch sử. Và cũng dựa vào kết quả khảo cổ học mà các nhà quản lý di sản có thể phục dựng lại những công trình kiến trúc cổ xưa giống như bản thân nó đã có từ cách đây hàng ngàn năm trước. Đã có biết bao câu chuyện lịch sử được mở ra, bao nhiêu di tích, di vật được xác định niên đại với không ít công trình kiến trúc cổ nằm sâu trong lòng đất từ nhiều thế kỷ đã được phát lộ nhờ những đợt nghiên cứu khai quật khảo cổ học. Đó là nguồn sử liệu vật thật vô cùng phong phú nhưng cũng rất dễ bị lãng quên và không dễ để khai thác vì nó nằm sâu trong các lớp địa tầng.
  
Làm thế nào để bảo tồn lâu dài các dấu tích kiến trúc, hiện vật, di chỉ khảo cổ học đã được phát hiện và tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; việc quy hoạch khu vực khảo cổ học tránh sự chồng chéo, xung đột giữa các công trình xây dựng mới với giá trị, lợi ích của công tác bảo tồn các di tích, hiện vật khảo cổ học vẫn nằm sâu trong lòng đất thực sự là vấn đề rất cần nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng…
 
Bài, ảnh: Thuận Cẩm
 

No comments:

Post a Comment