Blog KYDV

Wednesday, October 14, 2015

Ký ức Chợ Tranh

Thứ sáu, 04/09/2015 - 09:20
 
Ký ức Chợ Tranh
 
Chợ nằm ngay bến sông, dấu mốc của cái chợ quanh năm lèo tèo ấy là một ngôi đình nhỏ chỉ có một gian hai chái. Trong đình là bài vị thờ cả trời, đất và nước giống như đền thờ Tam phủ. Trước cửa ngôi đình có một cái giếng khá to quanh năm nước trong leo lẻo.
 
Vào dịp cuối năm, tiết heo may khách về chợ tranh mỗi ngày một đông, thường thì người đến chợ từ phía bên kia sang đò phải đi qua một đoạn bờ sông lầy lội nên cứ đến chợ là múc nước rửa chân. Được cái giếng nước ở bên sông nên lúc nào cũng ăm ắp nước, mọi người tha hồ múc rồi ì oạp té rửa và cảm nhận cái mát lành của không gian sông nước. 
  
Thuở ấy sông Đuống chưa có đê nên dòng sông trải rộng ra mênh mông, phía bên kia là nương dâu, bãi mía và phía bên này cũng vậy, cứ mênh mông ngút ngàn bãi mía nương dâu. Dòng sông khi ấy chỉ chảy xuôi theo dòng vào mùa mưa chứ thường nó chỉ là những hồ nước lớn lan tỏa từ Dâu, Phật Tích, Loa Hồ, Tào Khê, bởi vậy mà nhiều làng xóm cả phía bên này sông và bên kia sông đều có những cái tên gắn với từ Hồ.
 
 
Làng Mái nằm trên địa bàn của hai cái hồ lớn nên còn có tên là làng Hồ, Đông Hồ hay Song Hồ, mãi sau này khi nhà Trần khơi thông dòng chảy để xây dựng thế trận phòng thủ chống giặc Nguyên Mông thì khi ấy đê điều đã làm cho dòng sông có diện mạo như ngày nay. Còn làng Hồ vì gắn với nghề làm vàng mã, nghề làm tranh nên vẫn giữ được cái tên như vậy. 
  
Đấy là lời kể của mấy cụ già trong làng Hồ, câu được, câu chăng truyền lại cho con cháu bằng những ký ức khi mờ khi tỏ, chợt như thật rồi lại chợt như mơ để rồi dần dà trôi vào quên lãng. 
  
Làng Hồ xưa chỉ là mấy chòm xóm lưa thưa ở bên sông, người dân sống bằng chăn tằm, canh cửi như bao làng ven sông khác. Nghề làm vàng mã có trước nghề làm tranh bởi làm vàng mã là một nghề gắn với các hoạt động tâm linh, nhất là khi hoạt động tín ngưỡng nở rộ cùng với các trung tâm phật giáo trên vùng quê Kinh Bắc, từ Phật Tích, chùa Dâu, Bút Tháp bên này cho đến các trung tâm Phật Giáo khác tiếp tục được xây dựng theo các triều đại mở rộng sang tận Yên Tử, Hoành Bồ rồi lan tỏa ra mọi miền đất nước. 
  
Theo một số tài liệu sử học thì nghề làm tranh có lẽ hình thành vào thời nhà Mạc. Tranh Đông Hồ là tranh khắc gỗ, khi nhà Mạc phát hành tiền giấy thì kỹ thuật khắc gỗ mới phát triển. Đoán vậy chứ mọi thứ bây giờ cũng chỉ là ký ức. 
  
Mùa heo may, dòng sông cứ cạn dần sau mùa mưa lũ, người làng Hồ thu gom lá tre để ngâm rồi nghiền thành mầu đen, thu hoạch những vạt cây giành giành mọc quanh bờ ao làm màu vàng, những con thuyền ngược từ phía biển thường ghé lại đình tranh để bán vỏ sò, vỏ trai, đây là nguyên liệu khi nung lên để làm màu điệp. Màu đỏ để vẽ tranh được làm từ sỏi son, màu xanh được làm từ lá khoai. Màu vẽ chỉ đơn giản thế nhưng để cho lên thành tranh thì quả là một bí quyết mà không phải ai cũng làm được. 
  
Cuối năm vào dịp tháng một tháng chạp thì công việc làm tranh mới bận rộn. Chợ bến vào dịp cuối năm cũng luôn nhộn nhịp, ngày nào cũng có người đến mua những sản phẩm của làng, sản phẩm chính vẫn là vàng mã, giáp phiên tết thì tranh mới đắt hàng, bên cạnh những lô vàng mã cồng kềnh, trên những chiếc xe, chiếc thuyền qua sông luôn kèm theo những bó tranh đủ loại từ hứng dừa, đánh ghen, đám cưới chuột hay tranh tứ quý, tranh tố nữ, tranh lợn, tranh gà. Vàng mã là để tống cựu, cúng bái tri ân tiền nhân, thánh thần, còn tranh là để nghinh tân cầu phúc cho năm mới. Chỉ trên những mảnh giấy gió đơn sơ ấy mà có bao điều gửi gắm của cả kẻ bán cho đến người mua. 
  
Có một thời việc thờ cúng và hoạt động tâm linh bị cấm đoán và nhất là việc trao đổi hàng hóa, buôn bán bị triệt tiêu thế nên người ta vu cho nó là nghề tranh bị mai một nhưng đâu phải thế. 
  
Dòng Đuống nay thu mình lại giữa đôi bờ. Những phiên chợ bến nơi diễn ra việc mua bán của những nông dân nay chỉ còn là ký ức. Đình tranh nằm cô liêu ở nơi cuối làng, họa hoằn lắm mới có người ghé thăm. Nhưng không vì thế mà nghề cũ của làng bị thất truyền. Giờ đây về Đông Hồ thì thấy nghề làm vàng mã vẫn phát triển như một thế mạnh kinh tế của làng, còn nghề làm tranh thì nay cũng vậy, tiếng tăm của những bức tranh làng cứ lan tỏa khắp nơi, người làm tranh bây giờ cũng giầu có như bao người làm nghề thủ công khác. Những bức tranh thôn dã với sỏi son, vỏ điệp, than lá tre, quả giành giành vẫn làm bừng sáng niềm vui của những mùa xuân mới.
   
Tiền Hải
 

No comments:

Post a Comment