Blog KYDV
▼
Friday, March 28, 2014
Thăm miền đất Phật vùng Dâu
Thứ ba, 25/02/2014 - 09:11
Thăm miền đất Phật vùng Dâu
Nằm bên bờ Nam sông Đuống đỏ nặng phù sa, chùa Dâu và hệ thống chùa Tứ Pháp vùng Dâu nằm trên địa bàn của 3 xã: Thanh Khương, Trí Quả, Hà Mãn, thuộc huyện Thuận Thành.
Mật độ phân bố của các chùa Tứ Pháp chỉ cách nhau trên, dưới 1km theo đường chim bay bao gồm chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Tướng, chùa Dàn, chùa Tổ. Từ lâu đời, hệ thống chùa Tứ Pháp đã có quy mô kiến trúc to lớn bề thế với các tòa ngang dãy dọc, với các lớp mái ngói đao cong uốn lượn duyên dáng; được tọa lạc trên những khu đất có phong thủy tốt như: Cao, rộng, phẳng, thoáng, đẹp; cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp như: vườn tược cây cối quanh năm tươi tốt, ao hồ tụ thủy, ruộng đồng, nhà cửa, phố xá bao quanh, thanh bình, yên ả; lại có các đường giao thông liên tỉnh, liên huyện chạy qua, rất thuận tiện để quý khách từ mọi miền hành hương về đây nghiên cứu, tham quan, chiêm ngưỡng.
Chùa Dâu và hệ thống chùa Tứ Pháp vùng Dâu-Luy Lâu được khởi dựng từ thế kỷ II đầu Công nguyên.
Chùa Dâu (Diên Ứng Tự) nằm ở trung tâm của vùng Dâu, sát chợ Dâu, phố Dâu. Từ xa xa, đã nhìn thấy chùa Dâu với những lớp mái ngói đao cong uốn lượn bay lên và cây tháp Hòa Phong cao vút đứng sừng sững hiên ngang giữa trời, vì thế mà trong dân gian truyền nhau câu ca: “Dù ai đi đâu về đâu / Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về”. Tháp Hòa Phong cao lớn đứng trước Tam Bảo của chùa có ý nghĩa để thu hút mọi người từ muôn phương hướng về nơi đất Phật cổ xưa, vừa có ý niệm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng phong đăng hòa cốc, người khang vật thịnh.
Vào thời Trần, chùa Dâu được trùng tu mở rộng với quy mô rất lớn theo kiểu “chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp” và đến thời Hậu Lê, Nguyễn tiếp tục được tôn tạo. Năm 2011, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chùa Dâu được trùng tu. Trong quá trình tu bổ, nhiều cấu kiện kiến trúc điêu khắc là dấu ấn của các thời Trần, Lê, Nguyễn được gìn giữ tối đa theo nguyên tắc “nguyên gốc” để làm chứng tích cho sự trường tồn của ngôi chùa gần 2000 năm tuổi.
Chùa Dâu gồm nhiều công trình được xây dựng trên một trục thẳng, hướng Tây Nam, có bình đồ kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc” gồm các công trình như: Tam quan, Tiền thất, tháp Hòa Phong, Tam Bảo, Hậu đường, hai dãy hành lang và các công trình phụ trợ khác là nhà mẫu, nhà tổ, nhà khách, vườn tháp, ao chùa. Đến chùa Dâu, đi qua Tam quan, Tiền thất, tháp Hòa Phong là đến ngôi Tam Bảo bề thế kết cấu chữ “Công” gồm 3 tòa: Tiền đường là nơi có hai tượng Hộ Pháp to lớn đến gần nóc nhà đứng canh cửa nhà Phật nhằm khuyến thiện trừng ác và tượng Bát Bộ Kim Cương với nghĩa bảo vệ Phật pháp. Thiêu Hương là nơi có các ban thờ: Thập Điện Diêm Vương, tượng Mạc Đĩnh Chi (người có công trùng tu chùa vào thời Trần)…
Trung tâm Thượng điện là ban thờ Đại Thánh Pháp Vân Phật (gọi tắt là Pháp Vân). Ngài tọa thiền trên tòa sen, đặt trong khám thờ lớn chạm rồng và sơn son thiếp vàng rực rỡ. Tượng có thân hình to lớn nhưng thanh thoát (cao 1,57m, vai rộng 0,65m, đùi rộng 1,15m), trong thế ngồi bán kiết chân phải gác lên chân trái để lộ bàn chân, trên tòa sen nở rộ. Đầu kết tóc thành các cụm xoắn ốc nhỏ đen nhánh, giữa trán nổi lên quý tướng của Phật, tai to chảy dài, lông mày cong, mắt nhìn xuống nhân từ, mũi dọc dừa, miệng mỉm cười nhân hậu. Cổ cao ba ngấn. Vai rộng, ngực nở, bụng thon. Váy có nhiều nếp, thắt lưng ngang bụng. Tay phải giơ lên ngang ngực trong lòng bàn tay để lộ hạt minh châu (ngọc sáng). Tay trái để ngửa lên đùi, ngón tay kết ấn, trong lòng bàn tay có một viên ngọc sáng.
Toàn bộ pho tượng toát lên hình vẻ của một người phụ nữ khỏe đẹp, nhân hậu, tựa như người có thực trên đời nhưng lại là một đức Phật ở thế thuyết pháp, niệm chú. Toàn thân đều sơn mầu mận chín là biểu tượng của một bầu trời no đủ mây mưa sấm chớp, đó là ước vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp mà vùng Dâu là “cái nôi” của nền văn minh nông nghiệp lúa nước.
Chùa tướng (Phi Tướng Đại Thiền Tự) nằm trọn trong thành Luy Lâu cổ, có cảnh quan vườn tược, sông ngòi bao quanh rất đẹp, là công trình kiến trúc điêu khắc thời Lê Trung Hưng còn bảo lưu đến nay. Chùa xưa còn dấu vết của các công trình kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc” gồm nhiều tòa như: Tam quan, Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, Hậu đường… Hiện còn Thượng điện của tòa Tam Bảo là kiến trúc điêu khắc của thế kỷ XVII. Đó là tòa Tam Bảo có bình đồ kiến trúc kiểu chữ “Công” gồm: Tiền đường , Thiêu hương, Thượng điện, bộ khung gỗ lim to khỏe với các lớp mái đao cong uốn lượn duyên dáng.
Cũng như chùa Dâu, tại trung tâm Thượng điện là tượng “Đại Thánh Pháp Lôi Phật” gọi tắt là Pháp Lôi. Tượng được tạo tác tương tự như tượng Pháp Vân (to lớn, thánh thiện, sơn màu mận chín), nhưng về đường nét to mập hơn và nụ cười tươi hơn. Hậu đường là nơi có nhiều lớp tượng về sau được phối thờ như các ngôi chùa khác.
Chùa Dàn có tên chữ là “Trí Quả Tự” thuộc thôn Phương Quan, xã Trí Quả, được dân gian gọi nôm theo tên làng là “Chùa Dàn Câu”. Chùa Dàn thờ “Đại Thánh Pháp Điện Phật”. Chùa có tổng thể các công trình như sau: Tam quan, sân, Tiền tế, Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện; phía sau là Tam Bảo hậu, nhà tổ, nhà mẫu, tháp mộ, vườn tược cây cối bao quanh sầm uất thâm nghiêm. Tam Bảo thượng (được dân làng gọi là Đình thượng và Thượng cung) là công trình kiến trúc điêu khắc của hai thời Lê, Nguyễn còn bảo lưu được khá nguyên vẹn đến nay, có quy mô lớn, bộ khung gỗ lim to khỏe; trên tất cả các bộ phận như: Đầu tư, cốn, bảy đều được chạm khắc các đề tài “tứ linh” và nổi trội là hình ảnh của Rồng với những đao mác dài bay ngang mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng, tinh xảo, nghệ thuật. Cũng như chùa Dâu, tại trung tâm Thượng điện là tượng “Đại Thánh Pháp Điện Phật” gọi tắt là Pháp Điện. Tượng được tạo tác tương tự như tượng Pháp Vân, nhưng về kích thước nhỏ hơn một chút và đường nét thanh mảnh hơn. Sau tượng Pháp Điện còn có nhiều pho tượng khác về sau như bộ tượng Ngọc Hoàng-Nam Tào-Bắc Đẩu thể hiện sự dung hội tín ngưỡng.
Chùa Tổ (Phúc Nghiêm Tự) thuộc thôn Mãn Xá, xã Hà Mãn, có cảnh thiên nhiên là vườn tược, ao hồ, cánh đồng rộng lớn bao quanh tuyệt đẹp. Chùa Tổ được khởi dựng từ lâu đời, nhưng đã qua nhiều lần trùng tu tôn tạo. Hiện chỉ còn tòa Tam Bảo Thượng là công trình kiến trúc của thời nguyễn còn bảo lưu khá nguyên vẹn, gồm: Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện. Chùa Tổ thờ Phật Mẫu Man Nương sinh ra Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Truyền rằng chùa được xây dựng trên đất của ngôi nhà ông bà Tu Định là thân phụ và thân mẫu của Man Nương.
Trung tâm Thượng điện là nơi thờ Phật mẫu Man Nương. Tượng Mẫu được tạo tác trong tư thế ngồi thiền trên tòa sen giống như các tượng Tứ Pháp, nhưng dáng vẻ già nua, toàn thân phủ một lớp sơn mầu mận chín đầy vẻ huyền bí. Phía sau trên cao hơn là tượng ông bà Tu Định là thân phụ (Thánh phụ) và thân mẫu (Thánh Mẫu) của Man Nương. Tượng Thánh phụ toàn thân sơn mầu nâu sẫm, áo cà sa khoác chùm kín đùi, chân trái chống, chân phải gác lên. Thánh Mẫu đầu đội mũ vương miện, chân phải chống, chân trái gác lên, toàn thân sơn mầu nâu đậm, áo cà sa khoác ngoài. Góc bên phải của Thượng điện là ban thờ sư tổ Khâu Đà La đầu cạo trọc, khuôn mặt từ bi, tai dài, ngồi thiền trên tòa sen, áo cà sa khoác ngoài. Ba pho tượng (ông bà Tu Định và sư Khâu Đà La) là những trang sử kể về sự tích lai lịch của Phật mẫu Man Nương. Chùa Tổ hiện còn bảo lưu được nhiều cổ vật như: tượng thờ, bia đá, sắc phong… Đặc biệt là tấm bia đá có tên “Phúc Nghiêm tự sự tích bi” được soạn vào năm Cảnh Hưng thứ 12, đến năm Tự Đức 26 (1873) khắc lại, nội dung cho biết sự tích của Phật mẫu Man Nương và hệ thống Tứ Pháp, cũng như sự linh thiêng nổi tiếng của hệ thống chùa Tứ Pháp, trong đó có đoạn khẳng định nơi đây là trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta như sau: “Nhớ nước Việt ta Phật phát khởi ở nơi này, sông có thể cạn, núi có thể mòn, việc này không thể mai một”.
Dẫu trải thăng trầm lịch sử, hệ thống chùa Tứ Pháp vùng Dâu đã để lại kho tàng di sản văn hóa khổng lồ quý báu vẫn luôn là danh lam cổ tự, trung tâm Phật giáo cổ xưa nhất của nước ta. Hàng năm, đã có hàng vạn lượt khách trong nước và quốc tế hành hương đến thăm quan, nghiên cứu, học tập, hướng đạo và làm thiện. Vì vậy, chùa Dâu và hệ thống chùa Tứ Pháp của huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đang trở thành trọng điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn nhất của nước ta.
Đỗ Thị Thủy
Source Bac Ninh Online
Wednesday, March 26, 2014
Văn vui: CÁ THÁNG TƯ - Jos. Marie Lam Thy Đinh Văn Diệm
VĂN VUI:
CÁ THÁNG TƯ
Jos. Marie Lam Thy Đinh Văn Diệm
Trước khi vào truyện: Ngày 01/4 là ngày “Cá Tháng Tư” – Ngày Nói Dối – nói dối thoải mái. Theo truyền thuyết thì ngày “Cá Tháng Tư” có liên quan đến Ki-tô Giáo: Đức Giáo Hoàng Gregory XIII (1502–1585) đã quyết định chuyển dời ngày đầu tiên của Năm Mới (Tết Dương lịch) từ 01/4/1564 sang ngày 01/01/1564. Cũng có thuyết cho rằng năm 1564, vua Charles IX của Pháp, lúc đó 14 tuổi, quy định ngày 01/01 là ngày đầu năm thay vì 01/4 như dân chúng vẫn dùng trước đó. Quyết định này được áp dụng năm 1567 (xc. thêm chú thích *1 ở cuối bài viết).
Tuy rằng ngày “Cá Tháng Tư” được “nói dối xả láng”, nhưng xin lưu ý một điều: Chỉ nên nói dối những gì “vô thưởng vô phat”, không gây thiệt hại (về mọi mặt) đến ai. Ngoài ra, vì ngày 01/4 nằm trong Mùa Chay, mà “ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối” (tục ngữ Việt Nam), nên các Ki-tô hữu cần phải hết sức lưu tâm: Hãy luôn tự nhắc nhở mình là “Chớ làm chứng dối” (dù cho đó có là ngày Cá Tháng Tư hay không), vì đó là Điều Răn thứ tám trong 10 Điều Răn Chúa đã truyền dạy.
Dông dài đôi điều cho “dzui dzẻ cả làng”, bây giờ thì xin “nhập cuộc” – í quên! – vào đề:
Ngày xưa, Nguyễn Du tả ngày cuối Xuân như thế này: “Mùa Xuân con én đưa thoi, Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi…” (“Đoạn Trường Tân Thanh” – Truyện Kiều – Nguyễn Du); và ca dao Việt Nam còn nhắc nhở: “Chơi Xuân kẻo hết, Xuân đi, Cái già xồng xộc nó thì theo sau”. Thấm thoát mùa Xuân Giáp Ngọ 2014 “đã gần sáu mươi” ngày trôi qua, hôm nay nhìn lên lịch thấy đã gần hết tháng 2 âm lịch (23 tháng Hai Giáp Ngọ – 24/3/2014). Chẳng hiểu vì sao, ngẫu hứng viết lời “Khai từ” cho một tập hồi ký, lại nhằm vào thời gian chuẩn bị đón chào ngày “Cá Tháng Tư” (01/4 dương lịch) – ngày mà thế giới gọi là “Ngày Nói Dối” – là ngày mà mọi người được thoải mái trêu đùa những người thân yêu, thậm chí cả những người chưa quen biết. Cứ kể ra, trêu đùa người khác (kể cả những người thân yêu), nếu không có sự đồng cảm thì rất dễ gây phiền toái. Chi bằng “mình tự ghẹo mình” cho khỏi mất công “ấm ớ hội tề” mà “lãnh đạn” thì nguy! Hì hì… Đúng vậy, “Chơi Xuân kẻo hết Xuân đi, Cái già xồng xộc nó thì theo sau. Ấy là cái chú ‘TO ĐẦU’, ‘TO-ĐẦU-MÀ-DẠI’ là câu sửa mình” (*2). Hì hì…
Chuyện là vầy:
Đọc lai “KỶ YẾU DŨNG VY” – số 2 (xuất bản ngày 20/4/2001), xúc động dâng trào khi bắt gặp bài thơ “BUỔI ẤU THỜI” (Thủa còn nhỏ dại) nói về những tinh nghịch của cái tuổi “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Cổ nhân đã nói: “Trẻ thì hướng tới tương lai, già hay quay về dĩ vãng”, ấy cũng là lẽ thường tình. Quay về dĩ vãng bằng hồi ức thì dễ thôi, đằng này tự trong thâm tâm lại muốn trẻ lai như “Buổi Ấu Thời”, ấy mới là khó! Cuối cùng thì chẳng đùa giỡn, diễu cợt được ai, đến “mình cợt ghẹo mình” cũng chẳng được. Đành chép lại bài thơ, gửi bà con xa gần cùng dzui dzẻ thưởng lãm:
Bỗng dưng đọc lại vần thơ cũ
Xúc động trào dâng thật não lòng:
BUỔI ẤU THỜI
“Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không”
(“Nhớ Mẹ” – Thơ Lưu Trọng Lư)
Chẳng biết làm sao được sống lại
Giây phút thiêng liêng buổi ấu thời
Hằng đêm dậy sớm khi gà gáy
Cho kịp giờ đi “giúp Lễ” thôi.
Súng sính trong trang phục chùng thâm
Áo trắng phủ ngoài (lửng giữa chân)
Dây lưng thắt chặt nâng tà áo
Khỏi vướng chân đi. Đỡ ngại ngần.
“Ad Deum…” mở miệng con ra
Tôn vinh Thiên Chúa khúc hoan ca
“Confiteor…” xin sám hối
Đấm ngực mà “Mea culpa”.
Ngây ngất tâm hồn trong hướng vọng
“Lạy Chúa nhân từ – hỡi Abba!”
Ngôi Hai cứu độ toàn nhân loại
Ban cho Thần Khí – chính Ngôi Ba.
Vui nhất là sang phần “Rước Lễ”
Cầm đĩa đỡ ngay phía dưới cằm
Tinh nghịch (“nhất quỷ nhì ma…” đó!)
Cứa ngang cần cổ để “chơi khăm”
Bị cứa đau, nhưng vẫn mỉm cười
Há miệng đón Mình Thánh Chúa thôi
(Anh em, bè bạn thương mình thế
Giận chẳng giận – thương vẫn thương hoài).
Chẳng biết làm sao được sống lại
Trống trường vẫn điểm mỗi hôm mai
Tung tăng cắp sách – nôn nao quá!
Lòng rộn ràng theo những bước nai.
Để được gặp thầy, gặp bạn hữu
Nghiêm túc học hành, vui vẻ chơi
Con diều thơ ấu luôn bay bổng
Ăm ắp tình thương – người với người.
Làm sao quên được những ban mai
Đến lớp mà chưa thuộc hết bài
Bài tập chưa làm – tay gãi gáy
Tay lại sờ mông – sợ điếng người.
Hình ảnh roi mây cứ chập chờn
Nhưng mà … đã lỡ … biết sao hơn
(Thầy yêu thầy mới cho roi vọt
Ai bảo mình lười, hả bé con?!).
Rồi tới giờ chơi (quên tất cả)
Cùng với bạn bè chơi hết ga
“Nhảy vô… Đánh đáo… Chơi khăng…”, đủ
“Nhảy ếch… Cà kheo… Chọi cỏ gà…
Nhảy cừu…” (nhảy đại vào phe nữ
đang mải đánh chuyền – hoảng hốt la)
Chẳng biết làm sao được sống lại
Dũng Vy – Kinh Bắc buổi Xuân về
Rộn rã đường thôn khoe áo mới
Hồng vương xác pháo xóm Cầu Ve
“Búng quay” – quay với lòng thơ dại
Nghe chừng đồng vọng ý “Duyên Quê”
Rồi tiếng ve ran giữa bóng râm
Hè về rạo rực tự trong tâm
Rủ nhau lên núi Chè, Cổ Miễu (*3)
Hái hoa dâng Mẹ – đón hồng ân
Đuổi chuồn, bắt bướm, ăn sung chín
Tắm nước Cầu Ve – thú tuyệt trần!
Thu lại về khi nước ngập đồng
Chẳng lo đê vỡ, cứ hoài mong
Lụt lớn – đi thuyền trong ngõ hẹp
Vớt bưởi rụng và câu cá rong
Hoặc tới nhà thờ – vui tránh lụt
(Rõ là … “con nít” – đúng hay không?)
Những buổi Đông về – run lập cập
Co ro áo đụp, đánh đờn răng
Lo gom lá rụng mà hong lửa
Sưởi ấm lòng người (có phải chăng?)
Ôi! Cả bốn mùa in dấu ấn
Khắc chặt tâm can tới vĩnh hằng.
Là nhớ, là thương mãi đấy thôi
Nhớ thương ngươi lắm, Dũng Vy ơi!
Ngày mai trong cõi vô thường ấy
Vẫn chỉ mình ta muốn nghẹn lời!!!
Saigon, ngày vọng “CÁ THÁNG TƯ” (24/3/2014)
JM. Lam Thy Đinh Văn Diệm
-----------
Chú thích: (*1) Lịch sử thú vị về ngày “Cá Tháng Tư”:
(Dân trí) – 01/4 là ngày “Cá tháng Tư” (Ngày Nói Dối), ngày bạn được thoải mái trêu đùa những người thân yêu và thậm chí cả những người lạ. Đó là một truyền thống kỳ lạ và hài hước được rất nhiều người hưởng ứng nhưng không ai biết chắc lịch sử của ngày này.
(Món ăn quái chiêu cho ngày Cá tháng Tư)
Theo các chuyên gia về truyền thuyết đô thị tại Snopes.com, hầu hết mọi người đều tin rằng ngày “Cá Tháng Tư” xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ XVI (1564, 1569…), khi Đức Giáo Hoàng Gregory XIII (1502 – 1585) đã quyết định chuyển dời ngày đầu tiên của Năm Mới (Tết Dương lịch) từ ngày 1/4 sang ngày 01/01. Cũng có thuyết cho rằng năm 1564, vua Charles IX của Pháp, lúc đó 14 tuổi, quy định ngày 01/01 là ngày đầu năm thay vì 01/4 như dân chúng vẫn dùng trước đó. Quyết định này được áp dụng năm 1567.
Tuy nhiên, do phương tiện thông tin còn rất lạc hậu, nên nhiều người không nhận được tin đổi lịch. Những người này tiếp tục coi ngày 01/4 là Năm Mới và bị những người khác cười vì điều này, họ đã lém lỉnh trêu đùa gọi ngày 01/4 năm đó là “ngày nói dối”. Cũng từ đó, cái tên “Cá Tháng Tư” hay “Ngày Nói Dối” chính thức xuất hiện.
Tại Pháp, ngày “Cá Tháng Tư” được gọi là "Poissons d'Avril" có nghĩa là "con cá của tháng Tư", bởi vì những trò đùa thường có liên quan đến cá. Ví dụ như việc dán những mẩu giấy hình con cá vào sau lưng áo của người khác. Trong khi đó, nhiều người lại chọn cách giải thích khác, cho rằng thời gian đầu tháng Tư là “mùa ăn chay” nên người ta thường ăn cá thay cho thịt.
Tại một số nước, người ta tin rằng ngày “Cá Tháng Tư” bắt nguồn từ những trò đùa tai hại của những người đánh cá, họ cho rằng ngày 01/4 thuộc thời kỳ cá giao phối nên việc câu cá bị cấm. Tuy nhiên, một số người thì tin rằng việc sử dụng hình ảnh cá có liên quan đến vòng quay của mặt trời. Bởi lẽ trong những ngày đầu tháng Tư, khi mặt trời quay quanh cung Pisces theo chiêm tinh thì chùm sao có hình con cá.
Mặc dù hiện nay không ai trên thế giới còn bị nhầm lẫn về ngày “Cá tháng Tư” như những người dân sống cách đây 650 năm, song sự nhầm lẫn đáng yêu đó đã trở thành một truyền thống được rất nhiều người yêu thích.
Một cuộc khảo sát nhỏ trên mạng Internet cho thấy chỉ trong một tuần (trước ngày 01/4), số lượng người truy cập tìm hiểu về “trò đùa ngày Cá tháng Tư”, “những chiêu dễ bị mắc lừa trong ngày Cá tháng Tư” hoặc “ngày Cá tháng Tư tại công sở”, đã tăng vọt. Vì vậy, hãy nêu cao tinh thần cảnh giác vào ngày hôm nay nhé, vì rất có thể bạn sẽ trở thành “đối tượng trong tầm ngắm” của ai đó. Tuy vậy, cũng không có gì đảm bảo chắc chắn rằng bạn sẽ hoàn toàn tỉnh táo trước mọi trò đùa. Vì vào ngày này, ngay cả các công ty, thậm chí tập đoàn lớn, cũng rất có thể sẽ tham gia vào cuộc vui.
Năm 1998, Burger King – Tập đoàn đồ ăn nhanh lớn của Mỹ – đã dành cả một trang trên tờ USA Today để giới thiệu loại bánh kẹp “Tay Trái” (Left Hand), với thành phần được nghiên cứu riêng cho 32 triệu người thuận tay trái ở Mỹ. Sau khi tờ báo được phát hành, Burger King đã nhận được hàng ngàn lời yêu cầu cho loại bánh mới, cùng với những đơn đặt hàng cho bánh kẹp “Tay Phải” (Right Hand).
Trước đó vào 1957, một chương trình truyền hình của đài BBC thông báo rằng nhờ có mùa Đông không buốt giá mà các nông dân Thụy Sĩ đã trừ được loài bọ “Ăn Mì Ống” và được hưởng một mùa mì ống bội thu. Sau khi phóng sự được phát sóng, rất nhiều người đã gọi điện tới hỏi làm thế nào giúp họ có thể trồng được mì ống ở trong nhà. Năm 1966, tập đoàn bán đồ ăn nhanh Taco Bell thông báo rằng họ đã mua quả chuông nổi tiếng Liberty Bell ở Philadephia, vốn là biểu tượng lịch sử cho nền độc lập của nước Mỹ, và đổi tên thành Taco Liberty Bell (Chuông Tự do Taco).
Quả là, mọi lời trêu đùa đều có thể xảy ra trong ngày “Cá Tháng Tư”, miễn sao những lời trêu đùa đó không gây hại cho người khác mà chỉ đem lại tiếng cười sảng khoái để làm vơi bớt những áp lực trong cuộc sống bộn bề khó khăn hiện nay.
Như vậy, ngày “Cá Tháng Tư” (“Poissons d'Avril”) – “Ngày Nói Dối” – là ngày hội vui vẻ, hấp dẫn đối với những người tinh nghịch và hài hước. Ngày 1/4 là ngày được chú ý ở nhiều nước. Ngày mà bạn bè có thể bị lừa hoặc chơi khăm mà không sợ bị giận.
(Nguồn: www.ojo.vn - Vũ Anh - Theo Reuters)
-----------
Chú thích: (*2) Tác giả bài viết này (Bài “CÁ THÁNG TƯ”) vốn được bạn bè anh em gọi là anh chàng ĐINH-TO-ĐẦU. “Đầu to” thì có bộ “Óc to”, “Óc to” thì phải “khôn” mới phải lẽ. Đàng này, Đinh-To-Đầu cứ thấy suốt cuộc đời đi hết từ cái “dại” này sang cái “dại” khác, chẳng “khôn” lên được chút nào. Thế là thành cái biệt danh “ĐINH-TO-ĐẦU-MÀ-DẠI”.
Chú thích: (*3) Núi Chè (tức Trà Sơn) và Cổ Miễu là 2 ngọn núi trong dãy núi hình cánh cung (gồm: núi Chè, núi Cổ Miễu, núi Bát Vạn, núi Phật Tích, núi Long Khám và mấy ngọn đồi vô danh) thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (Kinh Bắc).
(1)- Chùa Ba Cóc (tại núi Chè – Trà Sơn)
(2)- Chùa Phật Tích (tại núi Phật Tích)
Dãy núi nói trên nằm chắn ngang ở phía Nam sông Như Nguyệt (tức sông Cầu), phía bắc sông Thiên Đức (tức sông Đuống), nơi Lý Thường Kiệt (1019-1105) – một danh tướng đời Lý Thái Tông và Lý Thánh Tông – lập “Phòng tuyến sông Cầu” và chiến thắng quân xâm lược Tống năm 1077. Lý Thường Kiệt là một danh tướng văn võ toàn tài, đã từng cầm quân đánh cả sang Tàu chiếm được Châu Ung, Châu Liêm, với câu nói bất hủ: “Muốn phòng thủ chắc chắn, hãy tấn công vào hang ổ địch”. Ông đã để lại một bài thơ bất hủ (như một Hiến pháp của Việt Nam thời nhà Lý):
南 國 山 河
南 國 山 河 南 帝 居
截 然 定 分 在 天 書
如 何 逆 魯 來 侵 犯
汝 等 行 看 手 敗 虚
李 常 傑
NAM QUỐC SƠN HÀ
Nam quốc sơn hà, Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư !”
Lý Thường Kiệt
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư !”
Lý Thường Kiệt
Tạm dịch:
SÔNG NÚI NƯỚC NAM
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Phận định tất nhiên tại sách trời
Giả thử giặc thù xâm phạm mãi
Tụi bay sẽ bị đánh tơi bời!
Lý Thường Kiệt
----------
Ghi chú của Blog KYDV:
Quý vị cũng có thể xem bài viết này tại Hình ảnh - Văn bản KYDV - Đinh Văn Diệm