Blog KYDV

Tuesday, December 17, 2013

Nghệ thuật tuồng cổ xã Tri Phương cần được khôi phục

Thứ sáu, 22/02/2013 - 10:01

Đến thôn Lương, xã Tri Phương (Tiên Du) chúng tôi được các bậc cao niên giới thiệu nghệ thuật tuồng cổ của dân tộc. Với những người cao tuổi nơi đây thì sinh hoạt văn hóa nghệ thuật tuồng chính là món ăn tinh thần không thể thiếu, nhất là trong những ngày lễ, tết, ngày hội làng của địa phương.

Tại đây chúng tôi được tiếp chuyện với cụ Đinh Thị Thọ, 86 tuổi là một người con của gia đình nghệ nhân tuồng cổ (một gia đình vốn có truyền thống nghệ thuật).

Nghe cụ Thọ kể lại, cũng chẳng ai trong ngôi làng có thể nhớ được nghệ thuật Tuồng ở thôn Lương có từ bao giờ, cụ vẫn nhớ gia đình cụ vốn là một gánh hát, những bậc sinh thành đều là những đào kép, khoảng năm 14, 15 tuổi cụ thường theo gia đình đi biểu diễn phục vụ khắp nơi. Do sớm được theo cha mẹ đi biểu diễn từ nhỏ và là con nhà nòi nên cụ Thọ khá am hiểu tường tận về môn nghệ thuật này.

Theo cụ Thọ, Tuồng là một trong những loại hình nghệ thuật sân khấu tổng hợp gồm có cả văn học, hội họa, âm nhạc, múa, trò diễn. Đặc biệt đối với tuồng đòi hỏi phải có những đào kép chính có tài diễn xuất thật xuất sắc và kịch bản phải hay mới thu hút được người xem.

Đối với nhạc đệm trong nghệ thuật tuồng cụ Thọ cho biết thêm: “Dàn nhạc Tuồng gồm có bộ gõ, bộ hơi, bộ dây và bộ gảy. Dàn nhạc có nhiệm vụ rất quan trọng trong việc hỗ trợ diễn viên biểu diễn. Do vậy, mỗi nhạc công khi chơi một nhạc cụ cần phải hòa mình với vở diễn, đồng cảm với tính cách, số phận của từng nhân vật trên sàn diễn để mỗi khi tiếng trống, tiếng chiêng… phát ra phải khớp với từng động tác, điệu bộ và diễn biến của từng cung đoạn. Theo cụ muốn tinh thông nghề nghiệp, phải khổ luyện, mà luyện mãi rồi quen, quen rồi lâu dần trở nên thuần thục, thành thạo.

Về phần ca diễn, Tuồng có những lối hát xướng như: Nói Lối, hát Nam, hát Khách... Nói Lối Tuồng nghĩa là đào kép xưng tên, đây là một thứ nói được cách điệu cao; hát Nam gồm Nam Xuân (sửa soạn lên đường), Nam Ai, Nam Thương (cho những vai buồn)... hát Khách gồm: Khách Phú (hát đối đáp), Khách Tẩu (có chuyện cấp bách),...

Không giống với các loại hình sân khấu khác như chèo, cải lương... Tuồng mang theo âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc. Qua đó có thể thấy rõ chất bi hùng là một đặc trưng thẩm mỹ của Tuồng. Đây là một loại hình nghệ thuật sân khấu mang tính cổ điển khá độc đáo của dân tộc ta. Ngôn ngữ của tuồng là văn chương bác học kết hợp nhuần nhuyễn văn chữ Hán với văn nôm. Kho tàng các vở diễn tuồng cổ ước có đến vài trăm vở nhưng lâu dần bị thất lạc phần lớn, trong đó có thể kể vài vở đặc trưng như Sơn Hậu, Tam nữ đồ vương, Đào Phi Phụng, Trưng nữ vương...

Không gian sân khấu của nghệ thuật tuồng không đòi hỏi quá cầu kỳ. Cụ Thọ tâm sự, thuở trước các gánh hát Tuồng chỉ cần có một chiếc chiếu trải giữa sân đình và đôi ba cái hòm gỗ đựng đạo cụ, phục trang.

Cùng với nhịp sống văn minh đô thị phát triển, các loại hình nghệ thuật mới đã nhanh chóng lan toả khắp nơi từ thành thị đến nông thôn. Bên cạnh đó, ngày nay một bộ phận khán giả trẻ đã bắt đầu quay lưng dần với bộ môn nghệ thuật này. Chính điều này là nỗi trăn trở lớn nhất của một diễn viên có tiếng một thời như cụ Thọ. Lúc nào cũng đau đáu một điều, “muốn khôi phục và vực dậy CLB biểu diễn nghệ thuật tuồng cổ đối với thôn Lương, nhưng kinh phí thì gặp nhiều khó khăn, lực lượng tham gia biểu diễn cũng không còn nhiều, bây giờ chỉ trông vào lứa trẻ và sự quan tâm của các cấp đối với môn nghệ thuật này thôi”, cụ Thọ chia sẻ.

Với tinh thần bảo tồn di sản văn hoá dân tộc, gìn giữ tinh hoa vốn cổ của ông cha, đặc biệt là đối với bộ môn nghệ thuật truyền thống đã gắn liền với dân tộc qua bao thế kỷ, rất cần có sự quan tâm của cấp trên để sân khấu tuồng cổ lại được vang lên ở các vùng quê.

Đình Bắc

Source Bac Ninh Online

No comments:

Post a Comment