Blog KYDV

Thursday, December 26, 2013

Di sản ca trù trên quê hương Quan họ - Lê Đại

Thứ ba, 05/02/2013 - 14:57
 
Sau 3 năm được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, di sản ca trù đã và đang được khôi phục, gìn giữ trên quê hương Quan họ. Tuy nhiên, các câu lạc bộ thành lập ra rồi hoạt động còn mờ nhạt và tự phát. Chế độ đãi ngộ với nghệ nhân, nghệ sỹ chưa có, chính sách hỗ trợ các câu lạc bộ ca trù còn ít… khiến cho những người tâm huyết với di sản ca trù không khỏi băn khoăn.
 
Âm vang ca phách   
Qua các tư liệu lịch sử thì trước đây không gian văn hóa ca trù Bắc Ninh phân bổ rộng khắp ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố với nhiều phường hát nổi tiếng gần xa. Không gian ca trù xưa phát triển nhưng hiện nay ca trù chỉ còn rải rác ở một số địa phương trong tỉnh.
Trong cái rét se sắt mùa đông, chúng tôi về thôn Thanh Tương (xã Thanh Khương, Thuận Thành) để được hòa mình vào không gian của ngôi làng ca trù nổi tiếng đất Bắc Ninh. Anh Nguyễn Duy Khoa, cán bộ văn hóa xã Thanh Khương kể rằng: Thanh Tương là đất ca trù nổi tiếng cả trăm năm nay. Xưa có thời cả làng đi hát, hát ở trong xã, trong huyện rồi sang cả Hà Nội, đâu đâu cũng biết tiếng. Dẫu có lúc phát triển, khi trầm lắng và thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của người dân hiện nay cũng không thiết tha với ca trù như xưa nữa, đất diễn ngày càng thu hẹp, nhưng ở Thanh Tương lúc nào cũng còn những người nặng lòng với nghệ thuật ca trù mà đào nương Nguyễn Thị Thiệp là một trong số những người còn đau đáu truyền nghề. Nghệ nhân Nguyễn Thị Thiệp, nay đã ngoài 80 tuổi, mắt đã mờ, chân đã yếu so với cái thời xuân sắc đi khắp nơi biểu diễn ca trù nhưng trí tuệ thì vẫn tinh anh và giọng hát vẫn còn khỏe lắm. Cụ bảo rằng: “Ca trù thường gắn với đào nương, nhưng không phải ai học hát cũng thành người giỏi được. Để thành tài thì ngoài chất giọng tốt còn phải biết gõ phách, để khi tiếng phách vang lên người nghe cảm nhận đủ tiếng trầm tiếng bổng, tiếng cao, tiếng thấp… Đã truyền dạy cho biết bao người yêu thích ca trù nhưng đã được mấy người hát hay, gõ phách giỏi đâu”.
 
Tiết mục ca trù của câu lạc bộ Tiểu Than (Vạn Ninh) tham gia liên hoan văn nghệ quần chúng huyện Gia Bình năm 2009.       
Cũng như ở Thanh Tương, làng Tiểu Than (Vạn Ninh, Gia Bình) cũng có nghệ thuật ca trù từ rất sớm và phát triển mạnh mẽ qua nhiều đời, đã từng vào tận cung đình Huế để hát mừng thọ vua Tự Đức. Nơi đây hiện vẫn còn nhà thờ ông tổ ca trù và lưu giữ được 5 đạo sắc phong do các triều đại phong kiến phong tặng. Thế nhưng, trải bao thăng trầm lịch sử, ca trù Tiểu Than đứt quãng, mãi gần đây, những người có tâm huyết mới tìm cách khôi phục lại nghệ thuật quê hương. Dù đang gặp khó khăn về kinh phí hoạt động và thiếu nghệ nhân truyền dạy nhưng các thành viên trong câu lạc bộ ca trù Tiểu Than vẫn động viên nhau luyện tập và biểu diễn mỗi khi làng có hội hè, lễ tết. Điều đáng mừng ở câu lạc bộ ca trù Tiểu Than là có rất nhiều lứa tuổi tham gia, trong đó có cả thiếu niên. Hằng tuần vào tối thứ Bảy, Chủ nhật, câu lạc bộ duy trì sinh hoạt, nhịp phách vang đều nơi thôn dã, thúc giục nhiều người trong làng, ngoài xã đến thưởng thức.
Ông Nguyễn Thiết Sửu cùng các thành viên Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ ca trù cho hay: Ca trù Tiểu Than xưa thường hát trong các lễ hội, đình đám với nhiều làn điệu nhưng hiện nay, do mới khôi phục nên các ca nương, trống chầu, kép đàn chỉ thành thạo được 5-7 làn điệu như: hát nói, hát gửi thư và hát thờ thánh. Hầu hết thành viên trong câu lạc bộ đều chung mong ước là làm sao để tiếp tục đón được nghệ nhân về truyền dạy thêm nhiều giọng điệu mới…
Trên quê hương Quan họ, ca trù vẫn đang sống và được những người tâm huyết, yêu thích gìn giữ, truyền nghề. Cho dù hôm nay, các ca nương, tay trống, tay đàn ở Bắc Ninh gặp không ít khó khăn nhưng vẫn hoạt động đều đặn, bồi đắp tình yêu đối với di sản cho biết bao người.
Bảo vệ ca trù cho xứng tầm di sản
Khác với di sản văn hóa Quan họ đã và đang được quan tâm, đầu tư với chuỗi chương trình hoạt động bảo tồn và phát huy khá chi tiết, thiết thực và bước đầu đạt hiệu quả thì suốt 3 năm qua, việc bảo tồn ca trù ở Bắc Ninh gần như còn bỏ ngỏ.
Đắm đuối và nâng niu, trân trọng di sản của ông cha để lại là thế nhưng trong câu chuyện cùng chúng tôi, những người tâm huyết với ca trù Thanh Tương hay Tiểu Than vẫn không khỏi băn khoăn rằng, sau 3 năm được UNESCO công nhận là di sản thế giới nhưng sự quan tâm, các chương trình hành động để gìn giữ bảo vệ ca trù dường như vẫn như chưa được khởi động. Chính sách đãi ngộ nghệ nhân ca trù cũng chẳng có nhiều. Ngay như Nghệ nhân Nguyễn Thị Thiệp là một trong số rất ít người còn hiểu sâu, biết rộng về ca trù của cả nước nhưng ngoài danh hiệu Nghệ nhân dân gian do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cấp Bằng công nhận thì vẫn chưa nhận được sự quan tâm nhiều lắm của các cấp, các ngành.
Ca trù là di sản cần bảo vệ khẩn cấp nhưng lại được bảo tồn, phát huy giá trị một cách từ từ. Phải chăng vì ca trù là di sản liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nên công tác bảo tồn, phát huy là việc làm không của riêng ai? Bảo vệ ca trù sao cho xứng tầm di sản, để không bị UNESCO rút danh hiệu di sản thế giới đang là bài toán đặt ra đối với các ngành, các cấp và toàn xã hội.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Trung, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: “Phải thành thật nói rằng, tuy là di sản cần được bảo vệ khẩn cấp nhưng thời gian qua, ca trù vẫn chưa được quan tâm, bảo vệ một cách đúng mức. Với Bắc Ninh, việc bảo tồn mới đang tiến hành kiểm kê, đánh giá thực trạng các câu lạc bộ và cử tham dự liên hoan ca trù toàn quốc… Việc truyền dạy cũng chỉ do các nghệ nhân, các câu lạc bộ tự tổ chức. Trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh việc bảo tồn di sản ca trù. Trong đó dự kiến sẽ lập Dự án bảo tồn dân ca Quan họ Bắc Ninh và ca trù giai đoạn 2. Nếu dự án này được phê duyệt sẽ có các điểm nhấn như hỗ trợ kinh phí cho các câu lạc bộ; đề nghị tỉnh phong tặng danh hiệu nghệ nhân ca trù; đẩy mạnh các hoạt động tập huấn; tuyên truyền, quảng bá và tổ chức các liên hoan ca trù cấp tỉnh. Ngoài ra phối hợp để xuất bản sách, tài liệu, tích cực tuyên truyền sâu rộng về di sản ca trù…”. Thời gian chẳng chờ đợi ai, các nghệ nhân thì nay tuổi đều đã cao, những đào, kép trẻ học chưa thạo tay phách đã vội bỏ nghề, thế nên, mong sao những chương trình hành động thiết thực với ca trù này sớm được triển khai thực hiện.
Ca trù trên quê hương Quan họ hiện đang được những người tâm huyết, yêu thích gìn giữ, bảo tồn. Song, cũng phải thẳng thắn rằng để bảo tồn di sản mà như vậy thôi là chưa đủ. Vẫn biết, ca trù là di sản liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố nhưng với tính cấp thiết cần được bảo vệ khẩn cấp thì mỗi địa phương nên có những chính sách đặc biệt, cụ thể mới mong tiếng đàn, nhịp phách, lời ca vang đều hôm nay và mai sau. 
Lê Đại
 

No comments:

Post a Comment