Blog KYDV

Tuesday, November 5, 2013

Bốn xứ Đông - Đoài - Nam - Bắc của đại vùng văn hóa đồng bằng Bắc bộ - Lê Văn Hảo

......

Vùng văn hóa xứ Bắc, nơi hội tụ hài hòa của vua chúa, tôn giáo và văn nghệ dân gian

Xứ Bắc, vùng đất của trấn Kinh Bắc xưa, của hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang nay, là một vùng văn hóa nổi tiếng của tổ quốc, nơi ghi dấu Kinh Dương Vương (lăng mộ còn tại A Lữ, Đình Tổ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), Lạc Long Quân (đền thờ còn tại Bình Ngô, An Binh, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), và Âu Cơ (miếu thờ còn tại A Lữ); cũng là nơi phát tích của triều Lý (thôn Cổ Pháp, huyện Từ Sơn): "thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Pháp".

Xứ Bắc có Luy Lâu, là một trung tâm Phật giáo Việt Nam quan trọng ở miền Đông Á vào đầu công nguyên thời Bắc thuộc, tương đương với hai trung tâm lớn của Phật giáo Trung Hoa cùng thời là Lạc Dương và Bình Thành.

Xứ Bắc là nơi còn lưu giữ những ngôi chùa, ngôi đình có giá trị lịch sử và nghệ thuật quan trọng nhất của Việt Nam: chùa Dâu, Long Hàm, Lục Tổ, Phật Tích, Đức La, Tam Sơn, Vĩnh Nghiêm... ; đình Lỗ Hạnh, Thổ Hà, Phù Lưu, Phù Lão, Đình Diềm, Đình Bảng...

Xứ Bắc có nhiều làng nghề nổi tiếng: Dệt tơ lụa và nhuộm (Đình Bảng), gốm, sành, sứ (Thổ Hà và Bát Tràng), đồ thêu (thị xã Bắc Ninh) cùng những đặc sản: giò chả Từ Sơn, cam Bố Hạ, cát sâm Yên Thế...

Xứ Bắc cũng là nơi đã sáng tạo ra những đỉnh cao của văn nghệ dân gian: Truyền thống ăn ngon, mặc đẹp "ăn Bắc, mặc Kinh", tranh Đông Hồ, hát Quan Họ, hội Lim... cũng là nơi nổi tiếng về truyền thống thượng võ và hiếu học. Đây là quê hương của người anh hùng làng Dóng:

"Trừ giặc còn hiềm ba tuổi đời là muộn
Cưỡi mây vẫn giận chín tầng trời chửa cao"
(Phá tặc đãn hiềm tam tuế vãn
Đằng vân do hận cửu thiên đê)
Cao Bá Quát

Xứ Bắc cũng là xứ sở của rất nhiều ông nghè, ông cống, tiến sĩ, trạng nguyên: "Một giỏ sinh đồ, một bồ ông cống, một đống ông nghè, một bè ông trạng" hay "một bồ tiến sĩ, một bị trạng nguyên, một thuyền bảng nhãn"...

Nói đến vùng văn hóa xứ Bắc phải nhắc đến hai đỉnh cao của nó: hát Quan Họ và hội Lim.

Xuất xứ Kinh Bắc, có lẽ hát Quan Họ đã xuất hiện từ thời Lý thế kỷ 11 và những nghệ nhân dân gian già trẻ của 49 làng quan họ Bắc Ninh xưa nay làm chúng ta kinh ngạc và thán phục vì những canh hát thâu đêm của họ trong hội làng, trước cửa chùa, trên sườn đồi, trên mặt hồ.

Liền anh quan họ mang ô lục soạn, quấn khăn nhiễu tam giang, áo lương, quần trắng; liền chị quan họ có nón quai thao, khăn mỏ quạ, áo mớ ba, khuyên vàng, xà tích. Trong canh hát thâu đêm suốt sáng, gái trai quan họ mời chào nhau, tâm tình với nhau bằng lời thơ tiếng hát. Họ hát đôi (đôi nữ, đôi nam) và hát đối (đối lời, đối giọng). Những đội hát gồm nhiều cặp quan họ gái và trai được đào tạo theo kiểu truyền nghề từ thế hệ già đến thế hệ trẻ. Khi "thành đôi" rồi ít khi "xé cặp". Hát đôi được phân công người hát chính và người hát luồn. Quan họ có tới hai trăm làn điệu khác nhau (Trần Linh Quý và Hồng Thao, Tìm hiểu dân ca quan họ, Hà Nội, 1997).

Hát đối quan họ còn gọi là " nam tòng nữ", là trò chơi ca nhạc cao siêu, nhất là khi thi hát. Hát quan họ luôn luôn đối giọng và đối lời. Liền chị hát bài "Mười thương" thì liền anh trả lời bằng bài "Mười nhớ", nhưng phải đúng giai điệu đó.

Làn điệu quan họ đặc sắc nhất có lẽ là bài "Giã bạn":

Người ơi, người ở đừng về
Người về em những khóc thầm
Bên song vạt áo ướt đầm như mưa
Người về em đứng trông theo
Trông nước nước chảy trông bèo bèo trôi
Người về em dặn tái hồi
Yêu em xin chớ đứng ngồi với ai
Người về em dặn lời rằng
Đâu hơn người lấy đâu bằng đợi em...

Đỉnh cao của nghệ thuật và văn hóa quan họ là hội Lim, diễn ra tại xã Lũng Giang, huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh, ngày và suốt đêm 13 tháng Giêng.

Hát ngoài đồi: Trong ngày hội Lim các liền anh liền chị đi chơi thành từng nhóm nhỏ, bên nam chưa có bạn thì tìm bên nữ mời họ xơi trầu, nếu nữ thuận nhận trầu tức là nhận lời hát cùng với nam; cũng có khi nữ chủ động mời nam xơi trầu trước. Trong khi hát với nhau, nếu thấy ăn ý về giọng hát và cách đối xử thì hẹn nhau đến một ngày nào đó gặp lại xin kết nghĩa (kết bạn quan họ) với nhau cho đến trọn đời.

Hát trong nhà:  Quan họ khách được hẹn mời từ trước, buổi sáng đến thẳng hội. Quan họ bạn đến cổng làng Lim là hát mừng làng đầu năm mới, mừng nhà, mừng bạn. Quan họ chủ đứng ở sân hát đón khách và hát chúc mừng lại, đưa khách vào nhà, cất nón, cất ô rồi ngồi xuống giường ở hai gian bên cạnh, hoặc hai bên tràng kỷ đối diện nhau mà hát. Không nói bằng lời, tất cả diễn ra hoàn toàn bằng lời thơ, tiếng hát.

Hát trên thuyền: Gái trai bơi thuyền trên ao hồ hay trên sông Làng Bịu (bên cạnh làng Lim) mà hát đối đáp.

Hội Lim là hội giao duyên thi tài của gái lịch trai thanh. Điều thú vị là theo phong tục sở tại, gái trai quan họ đã kết nghĩa với nhau thì không lấy nhau, nhưng gái có chồng và trai có vợ vẫn có thể kết nghĩa và hát với nhau trọn đời, không hề có chuyện ghen tuông, mặc dầu những bài hát quan họ chứa đầy chất thơ lãng mạn của tâm hồn. Họ như là những diễn viên trên một sân khấu tình yêu lý tưởng, hát xong ai về nhà nấy để mà thương mà nhớ. Thực là một phong tục văn nghệ, một văn hóa tình cảm ít thấy trên quả đất này.

(Sưu tầm)

Nguồn: Diễn Đàn Kiến Thức

No comments:

Post a Comment