Blog KYDV

Saturday, November 9, 2013

Đại Vi - Đất nghề dựng nhà cổ

Thứ Tư, 23/11/2011 - 15:18
 
Đại Vi - Đất nghề dựng nhà cổ
 
Những nếp nhà xưa hoài cổ, lớp ngói nâu bạc màu lãng đãng trong sương như ghi dấu bước thời gian chầm chậm. Âm thanh của tiếng bào, tiếng đục và mùi hương của các loại gỗ… đã hòa tan, thổn thức trong tiềm thức bao thế hệ trai làng Đại Vi.
 
Trong các làng nghề làm nhà gỗ cổ nổi tiếng ở vùng Kinh Bắc, chẳng nơi nào sánh kịp đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của những người thợ làng Đại Vi, xã Đại Đồng (Tiên Du). Đời trước truyền lại đời sau, bao lớp trai làng nơi đây đã dựng xây, trùng tu hàng trăm ngôi đình, chùa, lăng tẩm, thuỷ đình... cổ kính, uy nghi giữ gìn và tỏa sáng tinh hoa văn hóa Việt

Dưới gốc đa, nghe bà lão quán nước kể: Đất ao đình Đại Vi hình cái cưa, đường vào làng trông như ống mực, lối hai bên đình tựa như chiếc bào. Vì thế dù ai đi ngược về xuôi, cứ đến ngày 1-2 (Âm lịch) hàng năm đều  trở về quê vui hội, tế lễ nghiêng mình trước thành Hoàng làng có công khai sáng mở nghề mộc. Người làng Đại Vi vốn sống chan hoà, còn lưu giữ cho mình những nếp nhà xưa hoài cổ. Các dãy nhà ngói bạc màu lãng đãng trong sương như ghi dấu thời gian chầm chậm. Đôi chân chúng tôi lạc bước vào ngôi làng Việt cổ.

Một ngôi nhà gỗ kiến trúc cổ 5 gian kiểu “tiền kẻ hậu bẩy” tọa lạc giữa làng. Mỗi ngày có vài khách nơi xa về chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi nhà, lần tay lên những cột nhà để cảm nhận thăng trầm cuộc đời trong từng thớ gỗ và nghe tiếng vọng của thời gian. Chủ nhân của ngôi nhà là ông Nguyễn Thế Quang, một trong những nghệ nhân nổi tiếng của làng. Ông Quang tâm sự: “Từ nhỏ nghe âm thanh của tiếng bào, tiếng đục; mùi hương của các loại gỗ… đã hòa tan, chảy trong tôi. Ấy vậy nhưng đến với nghề mộc cũng muộn mằn. Sau khi tốt nghiệp trung cấp xây dựng Hà Bắc tôi về Ty Giao thông công tác được 3 năm, rồi trở về quê học nghề nối nghiệp. Suốt 30 năm vác cưa, đục, bào đi khắp các vùng quê dựng nếp nhà xưa, khiến tôi càng thêm thấm thía và nặng tình với nền văn hóa dân tộc. Kiến trúc nhà gỗ truyền thống đóng vai trò quan trọng trong đời sống người dân. Ở đó có tình làng, nghĩa xóm, sự trân trọng và tôn thờ giá trị lịch sử”. Với ông ngoài những thành công trong phục dựng, trùng tu khu di tích đền Đô, thủy đình Lũng Giang thì chuyến sang Malaixia năm 2004 để dựng ngôi nhà cổ trong khu du lịch các nước Asean là kỷ niệm đáng nhớ nhất. Kíp thợ của ông gồm 22 người. Công việc của thợ thi công nhà cổ đã bắt đầu từ trước đó với việc tháo từng cây cột, vỉ kèo,... của ngôi nhà ra, đánh số để dễ dàng vận chuyển từ Việt Nam sang Malaixia. Trong vòng 1 tháng miệt mài, những người thợ tài hoa Đại Vi đã lắp ráp hoàn thiện ngôi nhà cổ mang hồn cốt văn hoá Việt. Đó không chỉ là vinh dự mà còn là niềm tự hào của những chàng trai tay rìu, tay đục đất Đại Vi góp sức mình mang văn hoá Việt quảng bá hình ảnh cho bạn bè bốn phương chiêm ngưỡng.

Ngôi nhà gỗ 5 gian kiểu “tiền kẻ hậu bẩy” ở Đại Vi.

Nhịp sống hiện đại đang từng ngày biến đổi một cách nhanh chóng, đời sống của con người lại càng đề cao các giá trị tiện ích. Xu thế thời thượng được bộc lộ rõ qua xây dựng kiến trúc hiện đại, các ngôi nhà cao tầng, bê tông hóa phát triển. Vì thế đã một thời giá trị văn hóa kiến trúc của dân tộc đang bị bào mòn bởi những bước đi của thời gian. Nghề mộc làng Đại Vi những năm 90 của thế kỷ trước dường như bị “lãng quên”.  Những nghệ nhân già thấy tiếc nuối và ưu phiền về cái thời vàng son: Lúc mà các lớp trai làng đi khắp nơi nhận công trình xây dựng từ đình, đền, chùa đến nhà gỗ... Ngồi nghe câu chuyện của ông Đỗ Đăng Tuyên, 80 tuổi, là chàng thợ bóng cả của làng, mới cảm nhận nỗi niềm cả đời tâm huyết với nghề. Là đời thứ 3 trong một gia đình làm nghề mộc, từ năm 15 tuổi ông đã theo cha học cách lẩy mực uốn đao và chạm khắc những hoa văn, họa tiết cho các cột, kèo của nhà cổ. Trong quá trình xây dựng đình, đền khó khăn và phức tạp nhất là công đoạn uốn đao. Đó là “linh hồn” thành hay bại của người thợ. Cả làng Đại Vi bây giờ chỉ có 3 người làm được đao đình. Theo ông Tuyên thì lẩy mực là yếu tố quyết định thành công. Gần một đời cầm dây nẩy mực ông và các người thợ trong làng đã làm ra hàng trăm ngôi đình, mái đền cổ kính. Cầm chiếc đục uốn nắn đứa cháu nội học nghề, ông Tuyên khề khà: “Với nghề làm nhà cổ nếu chỉ cần cù, kiên nhẫn thôi chưa đủ, người học nghề phải có niềm đam mê, óc sáng tạo phác họa theo những đường nét uyển chuyển trên từng thớ gỗ. Một thợ lành nghề phải ít nhất 5 năm theo học mới thành nghề”. Ông Tuyên được nhiều nơi biết đến vì góp sức trùng tu và sáng tạo trong quần thể di tích cung đình Huế ròng rã suốt 3 năm (năm 1994-1995). Ông Tuyên cho biết: “Đưa 15 anh em vào Huế nhận việc, di tích lịch sử văn hóa quốc gia có rất nhiều phần xuống cấp, không còn nguyên vẹn. Hơn nữa mỗi hạng mục từ lăng Gia Long đến lăng Tự Đức... kiến trúc khác nhau. Lúc đầu cũng thấy lo lắng, tôi chỉ đạo cánh thợ phải tìm hiểu kỹ lưỡng sự giao thoa văn hoá Việt với kiến trúc hiện đại, vừa làm vừa tìm tòi sửa chữa và trùng tu phục dựng lại để tạo được sự hài hòa giữa hai yếu tố truyền thống và hiện đại, làm sao để yếu tố cổ được bảo tồn một cách tốt nhất đồng thời lại hòa nhập với cuộc sống hiện đại để vừa phát huy giá trị văn hóa vốn có của di sản vừa tạo được hiệu quả kinh tế xã hội. Chính điều này, được Ban quản lý di tích chấp thuận và đánh giá cao...”.

Ngày nay, Đại Vi còn gần 10 cánh thợ (mỗi cánh thợ khoảng 8-15 người) gìn giữ và phát huy nghề cổ truyền. Với họ, giữ lửa làng nghề không chỉ là công việc kiếm sống mà còn là trách nhiệm với nguồn cội. Nhà ông Tuyên, 3 thế hệ chung lưng đấu cật bên nhau phát triển nghề. Anh Đỗ Đăng Lâm (con trai ông Tuyên) cho biết: “Mỗi khi nhận làm đình, chùa, đền... chúng tôi rất cẩn trọng và luôn cố gắng hết mình với những giá trị lịch sử của từng địa phương. Công việc đòi hỏi nhiều công phu và tỉ mỉ”.

Dời Đại Vi, nhìn mái đình cong cong soi bóng ao làng, hình ảnh những chàng trai lưng trần đang miệt mài đục đẽo với niềm tin và khát vọng xây dựng thương hiệu chuyên làm nhà cổ độc đáo, sáng tạo trong xu thế hội nhập kinh tế.

Ghi chép của ĐỖ XUÂN-VĂN PHONG

Source Bac Ninh Online

No comments:

Post a Comment