Blog KYDV

Friday, September 27, 2013

ĐẤNG BẢO TRỢ GIỚI LAO ĐỘNG - JM. Lam Thy ĐVD.


ĐẤNG BẢO TRỢ GIỚI LAO ĐỘNG 
(LỄ KÍNH THÁNH GIU-SE THỢ – 01/5) 

JM. Lam Thy ĐVD. 

Trong bài giảng tại Thánh lễ “Khai mạc sứ vụ Phê-rô của Giám mục Rô-ma” (được tổ chức tại quảng trường Thánh Phê-rô vào đúng ngày lễ “Thánh Giu-se – bạn trăm năm của Đức Maria” – 19/3/2013), Đức Thánh Cha Phan-xi-cô I có nói về các đức tính gương mẫu của Thánh Cá Giu-se trong sứ mạng “canh giữ Mẹ Maria và Chúa Giê-su, đó là một sự canh giữ được nới rộng cho toàn thể Giáo Hội, như Chân phước Gio-an Phao-lô 2 đã nhấn mạnh: ”Thánh Giu-se, vì yêu thương chăm sóc Mẹ Maria và vui mừng tận tụy giáo dục Đức Giê-su Ki-tô, như thế Ngài cũng giữ gìn và bảo vệ nhiệm thể của Ngài là Giáo Hội, mà Đức Thánh Trinh Nữ là hình ảnh và gương mẫu” (Tông huấn “Redemptoris Custos”, số 1)”.  

Cuối bài giảng, ĐTC nhấn mạnh: “Và ở đây, tôi muốn ghi nhận thêm điều này: Chăm sóc, giữ gìn, đòi phải có sự tốt lành, đòi phải được sống với sự dịu dàng. Trong các sách Phúc Âm, thánh Giu-se xuất hiện như một người mạnh mẽ, can đảm, chuyên cần làm việc, nhưng trong tâm hồn Ngài trổi vượt một sự rất dịu dàng, đây không phải là đức tính của kẻ yếu, trái lại, nó chứng tỏ một tâm hồn mạnh mẽ và có khả năng chú ý, cảm thương, thực sự cởi mở, yêu thương đối với tha nhân. Chúng ta không được sợ sự tốt lành và dịu dàng!” Đó quả thực là một nhận định sáng suốt và đầy đủ về Đấng Bảo Trợ Hội Thánh. Hôm nay là ngày lễ kính Thánh Giu-se Thợ, xin được có đôi điều chia sẻ:  

Trước hết cần phải hiểu từ “canh giữ” mà ĐTC đã dùng (“canh giữ Mẹ Maria và Chúa Giê-su”). Bình thường chúng ta hay nói Thánh Giu-se trông nom săn sóc Đức Mẹ và Chúa Giê-su, chớ không dùng từ canh giữ. Tuy nhiên, nếu chỉ là trông nom săn sóc thì mới chỉ là nuôi nấng giữ gìn; nhưng canh giữ còn hàm chứa một điều là cảnh giác để ngăn ngừa hoặc tránh né những khó khăn nguy hiểm có thể xảy đến. Kể từ khi khiêm nhường vâng phục Thánh ý của Thiên Chúa, đón nhận Mẹ Maria “đã chịu thai bởi phép Thánh Linh” để hiệp công dưỡng nuôi Đấng Cứu Thế, Thánh Giu-se đã làm tròn trách vụ một người chồng, người cha trong gia đình Na-da-ret. Đồng thời, Thánh nhân còn canh giữ nhiệm nhặt Đức Mẹ và Chúa Giê-su trên hành trình đi Bê-lem để kiểm tra dân số, khi chấp nhận hang bò lừa làm nơi sinh hạ Chúa Con và nhất là cuộc tị nạn sang Ai Cập để tránh hung thần sát thủ Hê-rô-đê, ấy là chưa kể cuộc vất vả tìm Con tại Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. 

Những đức tính “khó nghèo, vâng phục, khiết tịnh” (3 lời khuyên Phúc Âm) cùng với đức tính khiêm tốn, thầm lặng, kín đáo của Thánh Giu-se, đã chia sẻ trong bài “Cộng Tác Viên Đắc Lực” (Lễ “Thánh Giu-se bạn trăm năm Đức Maria” – 19/3/2013), nay xin đi vào vấn đề vì sao có Lễ kính Thánh Giu-se Thợ? Lễ kính này đã được Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII thành lập vào năm 1955. Giáo Hội tôn vinh Thánh Cả Giu-se với Lễ kính Thánh Giu-se Thợ để thánh hóa ngày Quốc tế Lao Động (1/5), nhằm nhắc nhở các tín hữu hãy tôn trọng và nâng đỡ giới lao động, đồng thời cũng nhắc nhở mọi người hãy làm việc bằng chính bàn tay và khối óc của mình, để xây dựng và phát triển bản thân, gia đình, thế giới mà Thiên Chúa đã dựng nên và trao cho con người cộng tác phát triển ngày một  tiến bộ văn minh hơn. Chính Thánh Giu-se cũng là một người thợ, cũng đã dùng hai bàn tay để làm việc và nuôi sống gia đình thánh Na-da-ret. Thánh Kinh cũng nhấn mạnh rằng Đức Giê-su là thợ mộc, được Thánh Giu-se đào tạo cả về nhiệm vụ lẫn sự vất vả của nghề nghiệp.  

Trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam có câu: “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, “Có làm thì mới có ăn, Không dưng ai dễ đem phần đến cho”; với thánh Phao-lô thì: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn” (2Tx.3,10). Vâng! Là con người trần thế, ai cũng phải lao động vất vả mới có miếng ăn. Đến ngay như Đức Giê-su Thiên-Chúa-làm-người cũng phải lao động. Lao động có hai chiều kích: Lao động trí óc và lao động chân tay; nhưng tất cả đều nhằm phục vụ cho cuộc sống con người, vì thế mới có câu “Lao động là vinh quang”. Với Thánh Cả Giu-se cũng vậy, nhưng còn hơn thế nữa, Thánh nhân đã cần cù lao động, âm thầm thinh lặng làm việc, đưa lại cho lao động một ý nghĩa cao sâu linh thánh. Quả thật Ngài chính là một người lao động, người chủ gia đình gương mẫu, thánh thiện, là cành huệ trắng luôn tỏa hương thơm ngát và không bao giờ tàn phai. Thánh nhân thật xứng đáng với tước hiệu Đấng Bảo Trợ giới Lao động, Bảo Trợ Giáo Hội, Bảo Trợ các Gia đình. 

Mừng kính lễ Thánh Giu-se Thợ, người Ki-tô hữu hãy học nơi Thánh Cả Giu-se là “một người mạnh mẽ, can đảm, chuyên cần làm việc, nhưng trong tâm hồn Ngài trổi vượt một sự rất dịu dàng, đây không phải là đức tính của kẻ yếu, trái lại, nó chứng tỏ một tâm hồn mạnh mẽ và có khả năng chú ý, cảm thương, thực sự cởi mở, yêu thương đối với tha nhân”. Một cách cụ thể là hãy noi gương Thánh Cả ”Giữ gìn Chúa Giê-su với Mẹ Maria, giữ gìn toàn thể công trình sáng tạo, giữ gìn mỗi người, đặc biệt là người nghèo nhất, giữ gìn chính chúng ta; đó là một công tác phục vụ mà Giám Mục Roma được kêu gọi chu toàn, nhưng đó cũng là ơn gọi mà tất cả chúng ta được mời gọi làm cho ngôi sao hy vọng được chiếu sáng rạng ngời: Chúng ta hãy gìn giữ với lòng yêu mến điều Thiên Chúa đã ban cho chúng ta!” (ĐTC Phan-xi-cô I – “Bài giảng Thánh lễ khai mạc sứ vụ Phê-rô” ngày 19/3/2013 – phần kết). 

Ôi! “Lạy Thiên Chúa tạo thành trời đất, Chúa đã muốn cho con người lao động để tiếp tục công trình của Chúa. Xin nhận lời thánh cả Giu-se chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương người để lại là chu toàn nhiệm vụ Chúa đã trao phó hầu được hưởng niềm vui Chúa đã hứa cho tôi tớ trung thành. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguỵên nhập lễ lễ Thánh Giu-se Thợ).

(www.thanhlinh.net  – www.tinmung.net  –  www.daobinhducme.net  – 29/4/2013)  

No comments:

Post a Comment