Blog KYDV

Friday, December 27, 2019

Blog Kỷ Yếu Dũng Vi 2019 - FLAG counter

49 different countries have visited this site.
93 flags collected.

Unknown - Asia/Pacific Region 1,977
Unknown - European Union 164
Unknown - Anonymous Proxy 8
Unknown - Satellite Provider 6

USA 40 out of 51 regions collected
CANADA 4 out of 13 regions collected
 


 


Source http://s05.flagcounter.com/more/9bx/

Khai quật khảo cổ học tại di tích Luy Lâu năm 2017-2018: Nhiều kết quả quan trọng

Khai quật khảo cổ học tại di tích Luy Lâu năm 2017-2018: Nhiều kết quả quan trọng

01/02/2018 23:10
 
Từ cuối tháng 12-2017 đến cuối tháng 1-2018, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Đại học Đông Á phối hợp với Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch Bắc Ninh tiến hành khai quật di tích thành cổ Luy Lâu lần thứ tư. Đợt khai quật này tiếp tục được thực hiện trong khuôn khổ chương trình hợp tác 5 năm (2014 - 2019) giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Việt Nam) và Đại học Đông Á (Nhật Bản). Phụ trách nhóm khai quật là GS.Hoàng Hiểu Phấn, Đại học Đông Á (Nhật Bản).
 
Tiếp nối kết quả đạt được trong các đợt khai quật năm 2014, 2015 và 2016 cũng như dựa trên kết quả khảo sát từ năm 2012, lần khai quật  này, đoàn nghiên cứu mở 1 hố khai quật có diện tích 20m2  với mục đích tìm hiểu những dấu vết văn hoá của thời kỳ hình thành Luy Lâu và xác định cấu tạo, hình dáng ngoại hào phía đông của thành Nội.
 
 
Các nhà khoa học nghe báo cáo kết quả sơ bộ tại hiện trường.
 
Kết quả, trong địa tầng lớp trên xuất lộ dấu vết hào bị lấp của thế kỷ 18, trong lớp đắp ken dày phát hiện nhiều mảnh hiện vật liên quan đến việc luyện đúc. Ở lớp thời Đường, phát hiện nhiều gạch, trong đó có viên gạch khắc chữ “Châu” – có thể cho đây là chứng cứ vật chất quan trọng đưa ra chứng minh di chỉ thành Luy Lâu là trị sở của quận Giao Chỉ, rồi tiếp đó là trị sở của Giao Châu.
 
Qua so sánh, nghiên cứu đối chiếu với kết quả những năm trước, Đoàn khai quật định hình được phần hào phía Đông của thành Nội thuộc hai thời kỳ: Thời kỳ II –III có độ rộng khoảng 10m, độ sâu khoảng 2,46m. Thời kỳ I có độ rộng khoảng 9m, độ sâu khoảng 1,6m (tính từ bề mặt hố là 3,8m). Hố khai quật còn xuất lộ nhiều loại hình di vật như than, đồ gỗ, đồ sắt, xương động vật, gạch ngói có hoa văn, trong đó chủ yếu là hiện vật thời Hán, bên cạnh đó là gạch ngói, mảnh gốm thời Ngô (Tam Quốc).
 
Tóm lại, kết quả của đợt khai quật này đã góp phần làm sáng tỏ các vấn đề còn tồn nghi của những đợt trước đó, từng bước khôi phục lại diện mạo của thành cổ Luy Lâu xưa. Sự phong phú và đa dạng về di tích và di vật cho thấy Luy Lâu là một trung tâm chính trị, văn hoá lớn, tiêu biểu trong nghiên cứu lịch sử giai đoạn 10 thế kỷ đầu công nguyên tại Việt Nam, của khu vực Đông Á và còn nắm giữ vai trò quan trọng trong lịch sử châu Á cổ đại.
 
Trước đó, tại khu vực di tích Luy Lâu diễn ra một đợt khai quật khác do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (ĐHQG Hà Nội) và Trường Đại học Trung Sơn (Trung Quốc) phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh nhằm đi sâu nghiên cứu khu vực nội thành với mong muốn góp phần đoán định niên đại, xác định đặc trưng di tích cũng như phục dựng lại đời sống dân cư trong thành. Qua đó góp thêm tư liệu cho quá trình nghiên cứu lịch sử thời đầu Bắc thuộc ở miền Bắc Việt Nam và trong việc xác định vị trí của Luy Lâu trong mối quan hệ với các khu vực khác ở miền Bắc Việt Nam, Nam Trung Quốc, Chăm pa và Ấn Độ.
 
Đoàn nghiên cứu đã mở hai hố khai quật trong khu vực thành Nội, một hố 16m2 và một hố 4m2. Kết quả thu được khối lượng hiện vật khá lớn, trong đó chủ yếu là mảnh vỡ của các loại hình vật liệu kiến trúc bằng đất nung, đồ gốm sứ gia dụng. Ngoài ra cũng phát hiện thêm một số di vật bằng kim loại, thuỷ tinh, đá và dấu tích xương. Qua đó thấy được phần nào sự phong phú, đông đúc, tập trung của đời sống dân cư nơi đây.
 
 
 

Hiện vật thu được trong cuộc khai quật di chỉ Luy Lâu năm 2017-2018
 
Các hiện vật phát hiện được như bát, âu, nồi, vò, nghiên mực… làm từ gốm men, gốm cứng, gốm sành cho thấy tính chất phức hợp của khu di tích Luy Lâu. Nhiều loại hình vật liệu gạch ngói phát hiện trong hố khai quật chứng tỏ có nhiều kiến trúc nhà cửa, dinh thự trong thành Luy Lâu, trong đó có cả những kiến trúc lớn. Với những loại đồ dùng sinh hoạt tìm thấy tại đây như chỉ lưới, dọi xe chỉ, đá có vết mài là những dụng cụ sản xuất tiêu biểu của cư dân vùng Dâu để trồng lúa, trồng dâu, dệt vải, đánh cá… cho thấy đây cũng là di chỉ cư trú của cả quan lại, tri thức và tầng lớp bình dân kéo dài trong nhiều thế kỷ, trong đó giai đoạn Lục Triều khá đậm nét. Kết quả khai quật còn cho thấy sự phát triển của những nghề truyền thống mà tiêu biểu là nghề làm gốm.
 
Tại khu vực mộ gạch phía Đông Nam thành Luy Lâu nằm trên cánh đồng Dâu thuộc địa phận thôn Khương Tự (xã Thanh Khương). Đoàn nghiên cứu đã mở hai hố thám sát cắt ngang mộ thành hình chữ thập. Một hố theo chiều Đông Tây rộng 3m, dài 15m và một hố theo chiều Bắc Nam rộng 2m, dài 15m. Mục đích khai quật mộ gạch nhằm tìm hiểu mối quan hệ giữa di vật tuỳ táng và gạch xây mộ với di vật tương tự tìm thấy trong thành Nội, đồng thời tìm hiểu cấu trúc và kỹ thuật xây đắp của một ngôi mộ gạch có niên đại cùng thời với thành Luy Lâu.
 

Hiện trường khai quật khu mộ gạch phía Đông Nam thành Luy Lâu.
 
Về quy mô và cấu trúc, ngôi mộ khai quật có hướng cửa phía Đông, dài 9,76m, cao nhất khoảng 2,5m. Đây là một ngôi mộ gạch có cấu trúc vừa phải, thuộc nhóm mộ đơn táng có tiền thất, chủ quan thất, hậu tàng thất, Đông nhĩ thất và Tây nhĩ thất. Căn cứ vào quy mô, cấu trúc tường đơn và đôi của hầm mộ, gạch kích thước lớn với nhiều loại hoa văn khác nhau cùng đồ tuỳ táng còn sót lại trong mộ có thể thấy, niên đại ngôi mộ thuộc thời kỳ Đông Hán, thế kỷ I-III. Do không còn dấu vết của quan tài và xương cốt người chết nên giới nghiên cứu chưa dám bàn luận cụ thể về chủ nhân của ngôi mộ này.
 
Kết quả điều tra và khai quật mộ gạch cung cấp thông tin khoa học cho việc nghiên cứu về cộng đồng dân cư ở đây trong những thế kỷ đầu Công Nguyên từ đời sống vật chất, nhà cửa, đồ dùng hàng ngày, cho đến quan niệm về thế giới thứ 2 sau khi chết. Đặc biệt, tiếp tục khẳng định vị trí của Luy Lâu trên bản đồ những khu mộ địa ở miền Bắc Việt Nam thời kỳ đầu Công Nguyên. Qua đó, các nhà nghiên cứu bước đầu vạch dựng được con đường di chuyển chính của những quan lại nhà Hán được điều sang Giao Chỉ nhậm chức cũng như hành trình của những thương nhân Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á vào miền Bắc nước ta.
 
Nguồn: Thuận Cẩm
 

Monday, December 16, 2019

Nơi tưởng nhớ cội nguồn dân tộc

Nơi tưởng nhớ cội nguồn dân tộc

05/04/2017 16:11
 
Bắc Ninh, vùng đất có lịch sử lâu đời, cái nôi hình thành nền văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Qua hàng nghìn năm, vùng đất này lưu giữ nhiều di tích lịch sử quan trọng trong đó tiêu biểu có khu lăng và đền thờ Kinh Dương Vương - Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia thuộc thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành (Thuận Thành) nơi tưởng nhớ về cội nguồn của dân tộc.
 
Trong tâm thức mỗi người dân, Kinh Dương Vương là vị vua khởi thủy tạo lập nên đất nước Việt Nam. Sách Đại Việt Sử ký toàn thư đã có những dòng ghi chép: “Kinh Dương Vương tên húy là Lộc Tục, con cháu Thần Nông thị. Vua là bậc thánh trí thông minh được cha là Đế Minh phong cho là Kinh Dương Vương trị phương Nam, gọi nước là Xích Quỷ. Vua lấy con gái của Động Đình Quân tên húy là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân.”
Tự hào tỉnh Bắc Ninh là địa phương duy nhất trên cả nước hiện có di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương để tưởng nhớ ơn đức tiền nhân có công mở cõi. Theo các bậc cao niên ở địa phương cho biết, đền thờ Kinh Dương Vương vốn xưa được xây dựng ở phía Tây thuộc xóm Bi làng Á Lữ. Đền thờ Kinh Dương Vương gọi là đền Thượng, gồm hai gian tiền tế và hậu đường. Gần đền thượng là đền Hạ nơi thờ Lạc Long Quân - Âu Cơ có quy mô nhỏ hơn. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hai ngôi đình Thượng và Hạ đều bị phá hủy. Hòa bình lập lại, nhân dân di chuyển đồ thờ tự về vị trí hiện nay để thờ cúng. Qua nhiều lần trùng tu tôn tạo di tích có kiến trúc quy mô gồm 5 gian tiền tế, 2 gian hậu cung. Toàn bộ công trình được làm bằng gỗ tứ thiết với nhiều mảng chạm khắc hết sức tinh xảo. Đề tài trang trí tại di tích là tứ linh, tứ quý, hệ thống cột được vẽ rồng mây tạo sự tôn nghiêm của ngôi đền. Giá trị của di tích còn thể hiện ở việc lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật như: Thần tích ghi chép về Kinh Dương Vương, 15 đạo sắc phong do các triều nhà Nguyễn, từ vua Gia Long đến vua Khải Định ban tặng ghi nhận công trạng của Kinh Dương Vương với đất nước. Tại chính tiền đường có bức đại tự Nam tổ miếu, “Nam bang thủy tổ”. Trung tâm của Hậu cung là Ngai thờ Kinh Dương Vương, hai bên là Lạc Long Quân và Âu Cơ uy nghiêm đó là những hiện vật minh chứng về một di tích đặc biệt thờ các bậc đế vương của con dân đất Việt.
Cách đền thờ không xa là lăng Kinh Dương Vương được đặt ở nơi địa thế tốt, trên một dải đất cao, bên hữu ngạn sông Đuống. Mặt lăng quay hướng Bắc, xung quanh là bãi bồi với tổng diện tích trên 4000 m2. Trải qua trường kỳ lịch sử, khu di tích lăng được các triều đại phong kiến quan tâm chú ý tôn tạo. Khu lăng mộ gồm quần thể các công trình kiến trúc: Lăng mộ, nhà thờ Văn, nhà thờ Võ và nhà Khách và Nghi môn. Trung tâm khu lăng là đài lăng được xây dựng bằng đá theo kiểu 2 tầng chồng diêm 8 mái, trung tâm lăng mộ đặt tấm bia “Kinh Dương Vương lăng” khắc vào năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) qua đó cho biết thời gian trùng tu tôn tạo công trình. Khu di tích lăng mộ với nhiều cây cổ thụ tạo thành quần thể di tích thâm nghiêm cổ kính.
 Về dâng hương Thủy tổ chúng ta hòa mình vào lễ hội hết sức đặc sắc phản ánh truyền thống văn hóa, uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Lễ hội Kinh Dương Vương là một hội vùng với sự tham gia của nhân dân nhiều làng trong huyện. Xưa kia lễ hội được tổ chức trong thời gian từ 16 đến ngày 24 tháng Giêng hàng năm. Mở đầu lễ hội là nghi lễ tế nhập tịch trang nghiêm do các bậc cao niên thực hiện tại đền Thượng và đền Hạ. Sáng 18 tháng Giêng, sau tiếng trống khai hội đoàn rước bài vị của Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ từ đền ra lăng và ngược lại được bắt đầu. Lực lượng tham gia rước hội được chia cho ba giáp trong làng là giáp Nam, giáp Bắc, giáp Đoài. Người tham gia rước là nam thanh niên từ 18 đến 45 tuổi mặc quần bó cạp, áo lửng hai thân sắc màu rực rỡ, tiếp theo là 10 người rước gươm trường bát bửu có biển tĩnh túc và hồi y để báo lệnh. Đi sau bát bửu là trống cái và chiêng đại, mỗi thứ có hai người khiêng, một người đánh, một người che lọng, đội nhạc tế. Tiếp theo là hai kiệu long đình mỗi kiệu có 8 người khiêng, kiệu đi trước rước sắc phong, kiệu đi sau rước chóe cùng với toàn thể nhân dân tham dự. Đoàn rước về lăng, nhân dân tổ chức tế lễ nghiêm cẩn ca tụng công lao đức Vua, tỏ lòng biết ơn ngưỡng mộ của lớp lớp con dân đất Việt đối với vị vua thủy tổ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, cầu mong dân làng bình an, quốc thái dân an mưa hòa gió thuận, thiên hạ thái bình.
Một nghi lễ đặc sắc không thể thiếu trong lễ hội Kinh Dương Vương là lễ “Rước nước”. Rước nước là một tục lệ thể hiện rõ nhất với quan niệm “rước nước năm trước hưởng lộc năm sau” của nhân dân địa phương, mong muốn mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Ông chủ tế là người được vinh dự đại diện cho dân làng lên thuyền ra dòng sông Đuống lấy nước tinh khiết về để thờ. Chóe nước thờ sẽ được sử dụng làm nước cúng trong suốt một năm. Cùng với nghi lễ trang nghiêm, lễ hội Kinh Dương Vương còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như: hát Trống quân, múa rối nước, tổ tôm điếm, hát Quan họ, các trò chơi dân gian như vật, chọi gà thu hút hàng vạn nhân dân tham dự.
Với giá trị đặc sắc trong những năm qua khu di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương đã được các cấp, các ngành dành nhiều sự quan tâm đầu tư quy hoạch, trùng tu tôn tạo; đẩy mạnh công tác quảng bá tuyên truyền giá trị di tích; tập trung nghiên cứu sưu tầm các tài liệu; phối hợp mở các tour du lịch tâm linh đưa du khách về tham quan nghiên cứu, tìm hiểu về di tích.
Nguồn: Nguyễn Hữu Mạo (Ban Quản lý di tích tỉnh)
 

Friday, December 13, 2019

Thursday, December 12, 2019

Bắc Ninh nay đã mê say bao người…

03/08/2018 10:00
 
Miền đất Bắc Ninh - Kinh Bắc đẹp “như một khúc dân ca”, nơi đây có con sông Cầu lơ thơ nước chảy lại có dòng sông Đuống nghiêng nghiêng cuộn đỏ phù sa, có những liền chị cầu Lim, liền anh Khúc Toại đẹp nết, đẹp người, đẹp cả lời ăn tiếng nói… Đến với miền Quan họ, mỗi người đều có cảm xúc, ấn tượng riêng về một chiều sâu tâm thức văn hoá.
 
Quan họ mời trầu du khách quốc tế.
 
Một miền cổ tích

 Kinh Bắc xưa là một vùng đất nổi tiếng với phong cảnh đẹp, địa hình có núi, có sông, có đồng bằng trù phú thẳng cánh cò bay. Lịch sử ghi nhận đây là một vùng đất trung tâm của đất nước với Cổ Loa - Kinh đô của nhà nước Âu Lạc, trung tâm Luy Lâu - Long Biên thời Bắc Thuộc, là phên giậu che chắn mặt Bắc của Kinh đô Thăng Long thời Đại Việt. Lịch sử, văn hóa các thời kỳ nối tiếp nhau tạo nên một Bắc Ninh giàu bản sắc, độc đáo, hấp dẫn và riêng có mà hiếm vùng miền nào có được. Ở miền đất này, mỗi bước đi đều chạm vào huyền thoại, văn hoá và lịch sử. Nếu Bắc Đuống là vùng đất phát tích vương triều Lý, triều đại khởi đầu nền văn minh Đại Việt, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài của dân tộc thì Nam Đuống lại đậm đặc dấu thiêng truyền thuyết về Kinh Dương Vương-Lạc Long Quân-Âu Cơ là Thuỷ tổ dân tộc, mở ra thời đại các Vua Hùng dựng nước làm rạng rỡ non sông đất Việt.

 Kho báu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể do cộng đồng nhân dân Bắc Ninh sáng tạo ra trong lịch sử vô cùng to lớn và phong phú. Hiện nay, miền Quan họ đang sở hữu hàng nghìn di tích lịch sử, danh thắng, các đình đền chùa nổi tiếng, nơi lưu giữ hồn gốc Việt lâu đời nhất. Đó là chùa Dâu và hệ thống chùa Tứ Pháp-trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta. Chùa Phật Tích, chùa Dạm là những Đại danh lam cổ tự thời Lý. Đền Đô nơi tôn thờ Bát vị Tiên Vương nhà Lý có công khai mở nền văn minh Đại Việt. Chùa Bút Tháp-công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của thời Lê. Lăng Kinh Dương Vương thờ phụng Thủy tổ dân tộc có công khai mở đất nước; đền Vua Bà thờ Thủy tổ Quan họ; đền Cao Lỗ Vương thờ Tổ sư ngành quân khí; đền Lê Văn Thịnh thờ “Trạng nguyên” khai khoa đầu tiên; đền Xà với bài thơ thần Nam quốc sơn hà là bản “Tuyên ngôn độc lập” đầu tiên khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Đại Việt...

 Thực không dễ gì để một vùng đất được định danh là đất văn hiến. Lịch sử văn hiến của quê hương Bắc Ninh được kết tinh, hun đúc và phản ánh sâu sắc, đa diện, nhiều chiều. Là cái nôi của Nho giáo, nơi Sĩ Vương mở trường dạy chữ nho đầu tiên, Bắc Ninh-Kinh Bắc còn nổi tiếng là đất học với gần 700 vị đỗ đại khoa, hàng nghìn cử nhân, tú tài, được sử sách và dân gian ca ngợi và để lại dấu ấn là những di tích nho học như: Văn Miếu Bắc Ninh, Văn Chỉ ở các huyện, xã có nhiều đỗ đạt; đền, từ đường, nhà thờ của các dòng họ thờ các bậc khoa bảng... Với Bắc Ninh, nhân kiệt không chỉ sinh ra bởi “địa linh” mà còn được nuôi dưỡng bởi mạch nguồn văn hóa, trưởng thành từ nỗ lực và sự vun trồng. Giới nghiên cứu lịch sử đương đại đánh giá, các bậc hiền tài đất Bắc Ninh-Kinh Bắc không tách rời mà gắn bó mật thiết với văn hóa dân gian, trở thành rường cột nước nhà trên mọi lĩnh vực để làm rạng rỡ những trang sử dân tộc bằng tài năng, đức độ và lòng yêu nước. Chính điều ấy giúp cho bản sắc văn hóa vùng đất này luôn vững bền, phát triển theo năm tháng.

 Ngoài chiều sâu và những trầm tích văn hoá ngàn năm, Bắc Ninh còn là xứ sở của thi ca và các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống đặc sắc mà tiêu biểu nhất là Quan họ-một đặc sản vô cùng quý báu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Bắc Ninh đã và đang toả sáng khắp 5 châu…
 
Chiếc nôi ngàn câu Quan họ

Xa xưa, khi nói về đời sống sinh hoạt văn hoá của người Bắc Ninh-Kinh Bắc, dân gian đã ngợi ca:

Trai thì đọc sách ngâm thơ
Dùi mài kinh sử để chờ dịp khoa
Gái thì giữ việc trong nhà
Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa...

Là đất văn hiến với tinh hoa hội tụ cùng đội ngũ trí thức đại khoa tài năng xuất chúng cộng với những người thợ thủ công cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất đã sản sinh ra hàng trăm làn điệu Dân ca Quan họ Bắc Ninh độc đáo và đặc sắc. Có người nhận định: “Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một loại hình âm nhạc hội tụ khí chất của rất nhiều làn điệu dân ca, sự trong sáng, rộn ràng của Chèo; tính thổn thức, mặn mà của hát Dặm; nét khoan nhịp sâu lắng của Ca trù hay chất thênh thang, hồn nhiên của dân ca Nam Bộ”. Song trên hết, Dân ca Quan họ dễ hát, dễ gần như một lời tâm tình sâu lắng, có sức lan tỏa đến mọi người, mọi nơi. Không chỉ ngoài sân đình hay trên thuyền rồng, cứ ở đâu người ta thấy lòng tươi vui hoặc thoảng nỗi nhớ thương thì lại ngân nga một đôi câu Quan họ…” .

Sau gần một thập niên được công nhận là di sản thế giới, Dân ca Quan họ Bắc Ninh đang phơi phới sức sống, toả ngát hương sắc đặc biệt của mình, ngày càng thể hiện rõ chân giá trị với những tinh tuý lấp lánh, được cộng đồng trong nước và quốc tế ngưỡng mộ. Bây giờ, Quan họ phổ biến khắp trong Nam ngoài Bắc và lan rộng sang nhiều quốc gia nhưng chỉ khi về Bắc Ninh người ta mới cảm nhận được hết vẻ đẹp tinh tuý, sâu sắc của một “nghề chơi” lắm công phu. Bởi, Quan họ không đơn giản chỉ có hoạt động ca hát mà bao chứa trong đó nhiều phong tục, tập quán, lối ứng xử và sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc sắc. Nếu ở những loại hình dân ca khác, việc ca hát là chính thì với Di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh, những lời ca, câu hát chỉ là phương tiện để người Quan họ thực hành “nghề chơi”, trao gửi nghĩa tình.

 Trong quan điểm thẩm mỹ của người Quan họ, muốn gắn bó lâu dài, toàn diện thì phải lấy chữ “Nhân” làm đầu. Việc đề cao chữ “Nhân” của người Quan họ biểu hiện ngay trong cách đội khăn mỏ quạ và khăn xếp. Liền chị khi chít khăn mỏ quạ phải nắn chỉnh thật vừa, thật khít thành hình chữ “Nhân” và tạo cho khuôn mặt có hình chiếc búp sen. Còn với khăn xếp của các liền anh xưa là một dải lụa màu đen hoặc thâm được gấp khâu theo chiều dài của vải. Mỗi lần đội khăn, liền anh tự vấn lên đầu sao cho 2 nếp đầu tiên cũng phải tạo thành chữ “Nhân”. Những người chơi Quan họ lão luyện trong nghề không chỉ giỏi ca hát, thuộc nhiều làn điệu mà còn tinh tế trong cách phục sức, ứng xử và nghiêm cẩn trong từng lời ăn, tiếng nói… Chính sự chuẩn mực ấy đã mang lại cho khách thập phương cảm nhận tốt đẹp về một vùng đất văn hiến, với những con người và điệu dân ca đằm thắm mà sang trọng, đầy chất trí tuệ mà vẫn trữ tình, đoan trang mà vẫn gợi cảm…

Tự hào khi Dân ca Quan họ được vinh danh là Di sản văn hóa Phi vật thể Đại diện của nhân loại, cùng với sự nỗ lực của cộng đồng, thời gian qua tỉnh Bắc Ninh đã triển khai thực hiện bài bản, khoa học chuỗi chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản, được cộng đồng trong và ngoài tỉnh ghi nhận, đánh giá cao. Đáng chú ý như: Thực hiện chính sách tôn vinh và đãi ngộ Nghệ nhân Dân ca Quan họ; đưa Dân ca Quan họ vào giảng dạy trong các trường phổ thông; từ 44 làng Quan họ gốc đã phát triển thêm 329 làng Quan họ thực hành; hoạt động quảng bá, giới thiệu Di sản Dân ca Quan họ đến bạn bè trong nước và quốc tế được tổ chức đa dạng, phong phú. Trong đó, nổi bật là các chương trình nghệ thuật “Về miền Quan họ” hàng năm, Festival Bắc Ninh, Hội thi hát Dân ca Quan họ đầu xuân… Đặc biệt, từ tháng 8-2017, UBND tỉnh còn chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức định kỳ chương trình biểu diễn Quan họ trên thuyền để phục vụ nhân dân và du khách khi đến thành phố Bắc Ninh…

Về Bắc Ninh, miền đất đẹp như trong cổ tích “một làn nắng cũng mang điệu dân ca” với chất men say Quan họ đã khiến bao người “phải lòng”, thương nhớ… Chính bề dày, chiều sâu văn hoá lịch sử cùng những trầm tích của miền đất cổ đã kiến tạo nên một Bắc Ninh văn hiến nghìn năm, giàu bản sắc; một miền đất Anh hùng, trẻ trung, năng động, căng tràn sinh lực và đầy khát vọng vươn xa hội nhập hôm nay.
 
Bài, ảnh: Thuận Cẩm