Tuesday, January 20, 2015

Đồng hương tâm sự: Đinh Văn Bảo & Đinh Văn Diệm

From: Van Diem Dinh (lamthydvd@gmail.com)
Sent: Thu 1/15/15 11:35 PM
To: Khai Nguyen (phaolo200930@yahoo.com); Tuyen Dinh (tuyend@yahoo.com); tuyen vu (tuyenbachvu@gmail.com); Tony Thang Dinh (todi_1999@yahoo.com); Ren Nguyen (rennguyen169@yahoo.com); Thức Đinh (dthuc@live.com)


Kính anh Bảo,
 
Em mổ mắt hôm 20/11/2014 như đã báo cho các anh biết. Sau mổ, xuất viện, tái khám ngày 3/12, họ lại hẹn tái khám tiếp vào 14/01/2015. Đúng ngày 24/12/2015 (ngày cụ Xếp qua đời năm 1975), mắt mổ của em lại đau lại dữ đội, phải nhập viện. Họ kết luận “đặt thấu kính” bị lệch, phải mổ lại để thay thấu kính khác. 30/12/2014 mổ lại, đau không kém lần mổ trước. Mãi tới 9/01/2015 mới cho xuất viện.
 
Hôm nay em vừa đi tái khám về. Mắt chỉ hết đau, còn thị lực rất yếu. Lần mổ thứ hai, Bs đã nói thẳng: “Con chỉ có thể làm cho bác hết đau thôi”. Em trả lời: "Tôi cũng chỉ cần hết đau, còn nhìn rõ hay không cũng được”. Trong lòng buồn vui lẫn lộn, nhớ đến bài hát trước 1975, ở Trường Quân báo Cây Mai (Chợ Lớn), tụi em hay hát tếu: Cứ xê ra xề ra. Hắt viên bi vào mi..” (Que sera sera. What will be will be…?). Chán mớ đời.
 
Cảm ơn anh đã chúc Tết sớm. Em cũng xin chúc anh chị và gia đình sang năm mới Ất Mùi (2015) được an khang hạnh phúc.
 
---------- Thư đã chuyển tiếp ----------
Từ: Khai Nguyen <phaolo200930@yahoo.com>
Ngày: 23:34 Ngày 14 tháng 01 năm 2015
Chủ đề: baodinh
Đến: Van Diem Dinh <
lamthydvd@gmail.com>

Chú DIỆM, chú khỏe không, sau khi mổ mắt, bây giờ sức khỏe thế nào? Mặc dầu ở xa nhưng luôn nghĩ tới chú, gần đến tết Âm Lịch rồi, chúc chú và gia đình mạnh khỏe luôn, con mắt sáng hơn, để có thể viết nhiều bài phụng sợ Thiên Chúa, tôi rất thích đọc những bài chú viết.....
 

Monday, January 5, 2015

Giới thiệu tài liệu địa chí: Những sự phân chia địa giới hành chính của Hà Bắc trong lịch sử

Giới thiệu tài liệu địa chí: Những sự phân chia địa giới hành chính của Hà Bắc trong lịch sử

( 19:06 | 17/06/2010 )

Hà Bắc (nay là Bắc Ninh và Bắc Giang), là vùng đất cổ của Việt Nam đã được chứng kiến rất nhiều sự thay đổi về địa giới hành chính cũng như tên gọi của mình và của các phân khu hành chính trong quá trình lịch sử. Để phục vụ bạn đọc tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu tài liệu “Những sự phân chia địa giới hành chính của Hà Bắc trong lịch sử”.
Ở thời Hùng Vương, nước ta có 15 bộ và Hà Bắc thuộc bộ Vũ Ninh, gồm có các bộ phận của các miền: Luy Lâu, Tây Vũ, Khúc Dương, Bắc Đái, Long Uyên.
Thời các triều đại phong kiến phương Bắc xâm lược, Hà Bắc liên tiếp có sự thay đổi về địa giới hành chính cũng như tên gọi. Thời nhà Tần xâm lược nước ta thì Hà Bắc thuộc Tượng quận của bản đồ Trung Quốc. Tiếp đến thời nhà Hán, Hà Bắc thuộc quận Giao Chỉ và Đại Khái, gồm có 2 huyện chính là Luy Lâu và Long Biên. Đến thời Tam Quốc, nước ta bị nhà Ngô thống trị và Hà Bắc thuộc châu Giao. Sang thời Nam Tấn, phần chính của Hà Bắc thuộc vào châu Long và châu Đạo.
Thời nhà Đinh, tiền Lê từ năm 979, đất Hà Bắc là một trong 10 đạo với tên gọi là đạo Bắc Giang, rồi lộ Bắc Giang năm 1040 (lấy theo tên của sông Đuống thời đó). Sang thời nhà Lý, lộ Bắc Giang được đổi là quận Gia Lâm. Đến thời Trần, năm 1241 được lấy lại tên là lộ Bắc Giang và về sau được gọi là lộ Kinh Bắc.
Thời nhà Hồ chưa kịp thay đổi địa giới hành chính thì nhà Minh sang xâm lược. Để tiện cho việc cai trị nên lúc đầu chúng giữ nguyên hệ thống hành chính cũ rồi sau đó mới thay đổi. Qua các tài liệu mà lịch sử để lại, ta thấy địa giới hành chính của Hà Bắc lúc đó gồm 2 phủ, 6 châu và 29 huyện. Cuối thời nhà Minh đô hộ một số huyện được sáp nhập vào với nhau và đất Hà Bắc chỉ còn lại 2 phủ, 6 châu và 9 huyện.
Sau khi đánh thắng quân Minh, đầu thời Lê (năm 1428), Hà Bắc thuộc Bắc Đạo, một trong năm đạo thời kỳ đó. Năm 1435, đất Hà Bắc được chia làm 2 lộ: Lộ Bắc Giang thượng (phủ Lạng Giang) và lộ Bắc Giang hạ (phủ Bắc Giang). Năm 1466, trong nước chia làm 12 đạo thừa tuyên, đất Hà Bắc được sát nhập từ hai lộ Bắc Giang thượng và Bắc Giang hạ, và gọi là thừa tuyên Bắc Giang. Đến năm 1469, nhà Lê hoạch định bản đồ cho cả nước, thừa tuyên Bắc Giang đã được đổi thành thừa tuyên Kinh Bắc, bao gồm 4 phủ và 20 huyện.
Năm 1490, thừa tuyên Kinh Bắc được đổi là xứ Kinh Bắc và năm 1509 lại được gọi là trấn Kinh Bắc như cuối thời nhà Trần năm 1397. Tên trấn Kinh Bắc được dùng trong nước suốt từ năm 1509 cho tới hết thời Nguyễn Gia Long.
Sang thời Minh Mạng, năm 1822, trấn Kinh Bắc được đổi tên là trấn Bắc Ninh và đến năm 1831 được gọi là tỉnh Bắc Ninh.
Thời thực dân Pháp xâm lược nước ta, địa giới Hà Bắc đã có một sự thay đổi lớn. Để tiện cai trị đất nước ta, đặc biệt là tiện việc đàn áp các phong trào khởi nghĩa của nhân dân, trên phạm vi toàn quốc, chúng đã cho chia nhỏ các đơn vị tỉnh cũng như cắt xén các tỉnh cũ thời Nguyễn để thành lập những tỉnh mới. Riêng trên đất Hà Bắc, chúng đã tiến hành một loạt những sự thay đổi địa giới hành chính như thành lập tỉnh Lục Nam mà sau này đến năm 1895 được đổi tên thành tỉnh Bắc Giang; cắt một số tổng cho tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương. Sau một số thay đổi về địa giới hành chính, đất Hà Bắc thời Pháp thuộc có hai tỉnh: Bắc Ninh và Bắc Giang, gồm 5 phủ, 12 huyện và 1 châu.
Từ sau Cách mạng tháng Tám thành công cho đến năm 1996, địa giới hành chính hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh cơ bản vẫn được duy trì như thời Pháp thuộc, chỉ có một số xã cũ đã được hợp nhất với nhau thành một xã mới. Sau gần một trăm năm bị chia cắt (1889-1963), tỉnh Hà Bắc lại phục hồi được diện tích gần bằng thời phong kiến. So với thời Pháp thuộc, số huyện thành thì không thay đổi mấy nhưng số xã thì chỉ còn 1/3 số xã cũ.
Ngày 27/10/1996, Nghị quyết kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX tách tỉnh Hà Bắc thành 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Và bắt đầu từ ngày 1/1/1997 cho đến nay, địa giới hành chính Hà Bắc được tách thành hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.
Tài liệu “Những sự phân chia địa giới hành chính của Hà Bắc trong lịch sử” do Nguyễn Khắc Đạm tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Đây là một tài liệu rất tốt phục vụ cho những người có nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử phát triển của tỉnh Hà Bắc cũ, Bắc Giang, Bắc Ninh ngày nay. Tài liệu gồm 12 trang được đánh máy trên giấy pơluya, khổ 27cm.
Mời các bạn tìm đọc tài liệu này với ký hiệu SC.000005, tại phòng đọc địa chí-Thư viện tỉnh Bắc Giang.
Đỗ Thị Thanh Thủy