Tuesday, November 26, 2013

Giáo hạt Bắc Ninh - Giáo xứ Dũng Vi

Giáo hạt Bắc Ninh

Tuesday, May 29, 2012, 23:20

......

Giáo xứ Dũng Vi

Giáo xứ Dũng Vi được hình thành và phát triển từ năm 1887 nhờ vào công lao của Thày Đaminh Tín, ngài đã đỡ đầu và lo việc tòng giáo cho những người đầu tiên trong giáo họ - giáo xứ.
 
Lúc đầu có 12 cụ đại diện cho dân làng đứng ra xin tòng giáo, sau 2 năm (1889) đức cha Lễ đã phê chuẩn thành lập giáo họ Dũng Vi và nhận thánh Giu-se làm Bổn Mạng giáo họ.
 
Trải qua những thăng trầm, giáo họ đã được thánh bổn mạng gìn giữ và chuyển cầu được muôn ơn lành. Đặc biệt là hồng ân có được các chủ chăn từ khi hình thành giáo họ - giáo xứ cho đến nay, nhờ vậy mà giáo họ không ngừng phát triển và thăng tiến về đời sống tâm linh.
 
Từ năm 1887 đến năm 2011 đã có 21 linh mục làm mục vụ tại Dũng Vi, đặc biệt cha Giuse Nguyễn Khắc Mẫn đã có công xây dựng ngôi thánh đường Dũng Vi (1939); Có 14 thày đã về ở và phục vụ giáo họ. Nhờ hồng ân và sự dẫn dắt của các bậc chủ chăn đến nay giáo họ đã có 600 nhân danh với nhiều hội đoàn, bao gồm: Ban hành giáo 5 vị, 50 thành viên dòng Ba Đaminh, 80 thành viên họ gia trưởng, họ mân côi 57 thành viên. Ca đoàn giới trẻ 80 em, đoàn kèn 24 thành viên, đoàn hoa 20 em, đoàn trống trắc 20 em, thiếu nhi Thánh Thể 100 em và 28 em lễ sinh.  Mặc dù còn non trẻ nhưng nhìn trung nếp sống đạo trong giáo xứ tương đối đạo đức và có nét truyền thống. Cha Giuse Trần Bá Hạnh đang là cha quản nhiệm giáo xứ Dũng Vi.
 
.......
 
(một số  phần trong tài liệu này được trích trên website: giadinhbacninh.com)
 
Bắc Ninh ngày 12/8/2011
Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận Bắc Ninh

( Còn tiếp…………..)
 
Ghi chú: Blog KYDV trích đăng phần Giáo xứ Dũng Vi với mục đích tham khảo. Bạn đọc có thể xem tiếp tại trang mạng của Giáo Phận Bắc Ninh đính kèm dưới đây:

Source Giáo Phận Bắc Ninh

Saturday, November 23, 2013

Mộc bản Triều Nguyễn



vanhoaviettv
Published on Jun 3, 2012
 
Mộc bản triều Nguyễn được công nhận di sản thế giới

Mộc bản triều Nguyễn gồm những văn bản Hán - Nôm khắc trên gỗ 200 năm trước và in sách tại Việt Nam, vừa được UNESCO trao bằng di sản tư liệu thế giới.

Cục lưu trữ Nhà nước và Trung tâm lưu trữ quốc gia VI tại Đà Lạt đã tổ chức đón nhận bằng từ Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO) công nhận Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới, hôm 3/1/2010.

Khối lượng tài liệu Mộc bản triều Nguyễn đang lưu trữ tại Đà Lạt rất lớn, gồm 34.618 tấm, với 55.318 mặt khắc. Giới nghiên cứu đánh giá đây là tài liệu có giá trị cao, phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam thời cận đại.

Theo Thạc sĩ Phạm Thị Huệ, Giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia VI tại Đà Lạt, Mộc bản triều Nguyễn được sản sinh chủ yếu trong quá trình hoạt động của Quốc sử quán triều Nguyễn tại Huế. Ngoài ra còn có cả những ván khắc in thu được ở Văn Miếu Quốc Tử giám (Hà Nội), đưa vào Huế lưu trữ ở Quốc Tử giám dưới thời vua Minh Mạng và Thiệu Trị. Từ năm 1960, Mộc bản triều Nguyễn cùng với Châu bản, Địch bạ... được chuyển vào Đà Lạt. Việc di chuyển tiến hành rất công phu, cẩn trọng, phải thực hiện tới 3 lần mới hoàn thành.

Nội dung của khối tài liệu này rất phong phú, đa dạng, phản ánh mọi mặt của xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn như: lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, văn hóa giáo dục, tôn giáo - tư tưởng- triết học, văn thơ, ngôn ngữ - văn tự. Tổng cộng có 152 đầu sách với 1.935 quyển.

Thạc sĩ Huệ cho biết, ngoài giá trị đối với lịch sử và văn hóa Việt Nam, tài liệu Mộc bản triều Nguyễn còn có giá trị tìm hiểu lịch sử văn hóa các nước khác như Lào, Cambuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Pháp, Anh, Mỹ , Bồ Đào Nha... Đặc biệt, trong khối tài liệu quý giá này có những nội dung khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Gỗ dùng làm ván khắc tài liệu Mộc bản triều Nguyễn vừa mền, vừa mịn, được dùng từ gỗ thị, gỗ lê, gỗ táo hay gỗ cây nha đồng. Thớ gỗ trắng, sáng ngời như ngà voi. Nét chữ khắc trên tài liệu Mộc bản rất điêu luyện, tinh xảo và sắc nét. Mỗi nét chữ như rồng bay phượng múa, chuyển tải tâm tư, tình cảm và tâm huyết của người thợ khắc in. Mộc bản không chỉ là tài liệu quý có giá trị lịch sử mà còn là một tác phẩm nghệ thuật.

Ảnh Thôn Giáo, Tri Phương, Tiên Du, Bắc Ninh 2012


 

Góp ý: Tên Làng: Dũng Vi hay Dũng Vy ?

From: Tuyen Dinh <tuyend@yahoo.com>
To:
Cc: Diem Dinh <lamthydvd@gmail.com>; Tony Thang <todi_1999@yahoo.com>
Sent: Thursday, November 21, 2013 9:10 PM

Subject: Tên Làng: Dũng Vi hay Dũng Vy ?
Cháu Thức,

Chú vừa đọc KYDV về việc thống nhất tên làng Dũng Vi.
Từ hồi Cha mẹ sanh ra làm giấy khai sanh đề nơi sanh là Làng Dũng Vy, Huyện Tiên Du, Tỉnh Bắc Ninh. Chú chỉ biết tên làng là Dũng Vy chứ không phải là "Dũng Vi" như hiện nay.

Từ "Dũng Vi" xuất hiện ở trong Nam từ khi Việt Cộng miền Bắc mang vào mà thôi !
Tìm hiểu Chú mới biết:

- Dùng "i" trong trường hợp các tiếng có phụ âm đầu + vần "i" (ví dụ: lí, mĩ, kĩ, thi, sĩ...) đều thống nhất viết bằng "i" (i ngắn). Ví dụ: lí luận, lí tưởng, thi sĩ, nước Mĩ, Hoa Kì, bánh mì, vua Lí Thái Tông, Lí Bí, kỉ niệm, v.v... (mà không viết "y" (y dài) như trước đây. Đây là quy định của Bộ Giáo dục Việt Nam từ năm 1963. Hiện nay Nhà xuất bản Giáo dục vẫn thực hiện nghiêm chỉnh quy định này trong việc in Sách giáo khoa các loại.
- Y dài, i ngắn gây tranh luận triền miên, cho đến nay vẫn chưa phân thắng bại. Phe tự coi là tiến bộ thì thích dùng i ngắn. Chỉ khi nào kẹt lắm mới dùng y dài. Gặp tên vua Bảo Ðại Vĩnh Thụy, gặp tên ca sĩ Thanh Thúy, gặp chức vụ Uỷ viên... họ mới ráng xài y dài, nghĩa là khi nào kẹt gặp chữ có vần hòa âm họ mới lôi y dài ra chịu trận, còn không thì họ xài tuốt luốt i ngắn hết. Thế kỷ, nước Mỹ, ly tách... họ viết thế kỉ, nước Mĩ, li tách... và còn xác định thẳng rằng viết như vậy mới đúng nữa. Hai trường học ở Thị Xã Long Xuyên mang chung một tên, tọa lạc sát vách nhau, một trường tên là cấp 1 Mỹ Long, còn trường kia tên là cấp 2 Mĩ Long. Sau một thời gian, bị nhiều lời đàm tiếu, nói ra nói vào, những người "cấp tiến" sửa lại là "cấp 2 Mỹ Long".

Như vậy, dùng y dài cũng được, mà dùng i ngắn cũng được!
Với m có mĩ bị đổi thành mỹ hoàn toàn (mỹ miều, thẩm mỹ, mỹ thuật, mỹ viện, nước Mỹ v.v...). Ảnh hưởng của việc đổi i thành y của chữ mỹ lớn tới mức Mị Châu/Mị Nương nay cũng thành Mỵ Châu và Mỵ Nương (để thể hiện sự kính trọng?). Có lẽ xu hướng này là một cách để phân biệt với chữ mị nghĩa xấu trong mụ mị, mộng mị, mị dân..

Nhà nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Trần Ngọc Thêm, lúc đầu cũng ủng hộ nhất loạt viết i ngắn, nhưng về sau chính ông đã nhận thấy, chỉ xét riêng về mặt văn hóa, đã không ổn. Góp ý cho sách giáo khoa lớp 4 mới (2005), ông chỉ ra việc nhất loạt viết i ngắn là một chủ chương cực đoan và không thích hợp, nhất là khi gặp tên riêng, vì ở đó phải tôn trọng truyền thống và tự do cá nhân. Và năm sau, NXB Giáo dục đã sửa cách viết tên riêng theo hướng này. (Viết Chương Mỹ, Lý Tự Trọng thay cho Chương Mĩ, Lí Tự Trọng)
Chẳng hạn trong tên riêng, người ta có quyền lựa chọn để biểu đạt một ý nghĩa nào đó. Giữa tên là Tí với nghĩa là “bé” khác với Tý với nghĩa là “năm Tý, năm Chuột”. Hầu hết tên riêng người ta chọn y dài (gốc Hán) để thể hiện sắc thái trang trọng: chọn Hy (hy vọng), không chọn Hi (cười hi hi), chọn Kỳ (kỳ vọng), không chọn Kì (kì kèo), v.v

Cho đến nay chưa có cơ quan hay cá nhân nào đủ uy tín định đặt được qui tắc sử dụng "i" ngắn, "y" dài. Phần lớn đang sử dụng theo nếp cũ, coi y dài có 4 công dụng tạo chữ như các nguyên âm khác. Họ dùng y dài nhiều bình thường. Một số khác, được đào tạo từ miền Bắc, và một số ít theo thời, ở miền Nam, lại sử dụng rất ít y dài. Lúc nào kẹt lắm, khi dùng i ngắn mà không thể phát âm ra đúng tiếng nói, thì họ mới dùng đến y dài. Ngoài những chữ có vần hòa âm cần y dài, họ cũng không thể dùng i ngắn trong các chữ có vần ay hay ây. Câu nói "Miền Tây, dân cày cấy mà hát hò rất hay", đâu có ai viết là "Miền Tâi, dân cài cấi mà hát hò rất hai".
Tùy theo mỗi vần và theo nghĩa của mỗi chữ, có những trường-hợp ta chỉ được dùng “y” hay “i” để viết, chứ không thể dùng “i” để thay-thế cho “y” hay dùng “y” để thay-thế cho “i” được. Ở một số trường-hợp khác, trong cùng một chữ, có người viết bằng “i” có người viết bằng “y” như trong trường hợp “quí” hay “quý” chẳng hạn. Tuy-nhiên, theo phong-tục tập-quán, hầu-hết các nhà văn thường viết các chữ với nguyên-âm “y” hơn là “i” khi các chữ này có cùng một nghĩa và phát-âm giống nhau. Lý-do chính là vì các chữ có nguyên-âm “y” trông có vẻ lịch-sự, kính-trọng, quý-mến, trang-nhã, mỹ-thuật, và đầy tình-cảm hơn những chữ viết bằng nguyên-âm “i,” chẳng-hạn như trong trường-hợp của nhóm chữ “quý văn-hữu,” “quý ông quý bà,” “quý quan-khách,” “quý bạn,” “quý vị,” “quý chiến-hữu,” hay “quý cụ,”v.v.

Trong trường-hợp danh-từ riêng như tên thành-phố, tên nước, hay tên người, v.v., nếu các chữ đã được viết bằng “i” hay “y” thì ta không được quyền tự-ý thay đổi như trong trường-hợp của tên thành-phố hay tên người sau đây: Thị-xã Qui-Nhơn, Mỹ-Quốc, Mỹ-Châu, tỉnh Mỹ-Tho, Mị-Châu (con gái vua Thục An Dương Vương lấy Trọng Thủy, con của Triệu Đà), Mị Nương (con gái vua Hùng Vương), GS. Doãn Quốc Sỹ, và CT. Trần Thy Vân, v.v.
Chú thấy cháu dẫn chứng nên dùng Dũng Vi theo Tài liệu của Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, thì Chú nghĩ cơ quan này nghiên cứu chữ nôm và chữ Hán dịch thuật ra chữ Việt (mẫu tự La tinh) cho mình hiểu, chứ nó không có i ngắn hay y dài đâu. Ngày xưa tất cả đều ghi chép bằng chữ Nho lưu trữ lại. Chữ nôm là chữ Hán chế ra nên là loại "chữ hộp" (của người Tàu, mình còn gọi là chữ Nho).

Chữ Dũng Vi viết ở đây là dịch ra chữ quốc ngữ, do người miền Bắc họ viết là 'i' ngắn hết theo lệnh của nhà Nước từ năm 1963 nêu ở trên.
Á Châu có 2 nền văn minh lớn ảnh hưởng các quốc gia trong vùng là Ấn và Trung Hoa, Việt Nam và những quốc gia nào nằm phía bên dãy núi trường Sơn ảnh hưởng văn minh của Trung Hoa đều viết lọai chữ "hộp" (Chữ Tàu) như Việt Nam, Đại Hàn, Nhật Bản... Còn phía bên kia dãy Trường Sơn Ảnh hưởng văn minh Ấn Độ đều viết chữ ngoàn nghèo cả: Cambodia, Lào, Thái, Miến... Việt Nam là Quốc gia Á Châu duy nhất có chữ viết mẫu tự La Tinh nhờ công ơn của các nhà truyền giáo Âu Châu (Alexandre de Rhodes 1591 – 1660)

Hồi Chú sanh ra chưa có cái nhà Nước Cộng sản này thành ra chỉ có làng Dũng Vy thôi ! Bây giờ ngoài Bắc thì họ đổi hết rồi: Dũng Vi, Đại Vi... Trong Nam địa danh chưa kịp đổi: Mỹ Tho thành Mĩ Tho hay trường học Mỹ Long thành Mĩ Long... Saigon còn đổi được mà !
Cộng Sản Liên Xô lấy tên Lênin đã đổi tên thành phố Saint Petersburg (Liên xô) thành Leningrad (có nghĩa là thành phố Lênin) năm 1924. Đến năm 1991 khi Cộng sản Liên xô sụp đổ lại trở về tên cũ Saint Petersburg. Việt Cộng bắt chước y chang Ông Tổ  Liên xô nên cũng đổi tên Sàigon, nhưng cũng như Saint Petersburg, Saigon cũng sẽ trở về tên cũ của nó thôi !

Chú cũng góp ý với Cháu cho vui,
Chúc vui, khoẻ

Chú Tuyên.
-----------
From: Tony Thang Dinh (todi_1999@yahoo.com)
Sent: Fri 11/22/13 11:10 AM
To:  Tuyen Dinh (
tuyend@yahoo.com
Cc:  Diem Dinh (
lamthydvd@gmail.com); Thuc Dinh (dthuc@live.com)
Hello Cậu Tuyên;
Cậu nói rất đúng. Mẹ cháu cũng nói là Dũng Vy chứ không phải là Dũng Vi. Không biết họ đổi từ bao giờ.  Coi lại cuốn KYDV-1. Trang bìa Cậu Diệm viết là Dũng Vi, cháu đoán là Cậu Diệm cố tình viết "Dũng Vi" cho phù hợp với cổng (gate) của Giáo Đường Dũng Vi. Còn lại bên trong cuốn KYDV hoàn toàn là viết Dũng Vy, ngay cả cuốn Dũng Vy Quê Tôi của Cậu Đinh Văn Đích, cũng nói rất rõ là Dũng Vy.
Lúc đầu cháu biết Thức viết là Dũng Vi, cháu đã nói với Thức thay đổi thành "Vy". Hôm nay vô blog coi lại thì quả thật Thức đã sửa lại thành Dũng Vi everywhere.
Theo lời đề nghị chân thật của cháu: mình nên giữ tên gốc là Dũng Vy, đây là việc rất tế nhị cho nhiều người gốc Dũng Vy trong Nam và Hải Ngoại, mình cứ dùng những ngữ vững và chính tả theo VC đổi từ "y" thanh "i", chắc có thể nhiều người không thích.

Chẳng hạn như sau khi Miền Nam thất thủ năm 1975. Thủ Đô Sài Gòn đã bị đổi tên thành TP Hồ Chí Minh. Những người Việt bên Hải Ngoại vẫn gọi là Sài Gòn, ngay cả nhiều người trong nước bây giờ cũng gọi là Sài Gòn chứ đâu gọi tên của Cụ HCM nữa đâu.  
   
Cháu có bấy nhiêu lời thôi, còn quyết định sửa lại tên của Blog thì chuyện của Thức.

Cháu Thắng.

Thursday, November 21, 2013

Quá trình thay đổi tên gọi đơn vị hành chính, địa giới hành chính tỉnh Bắc Ninh

Thứ Tư, 10/03/2010 - 08:23
 
Trong quá trình tồn tại và phát triển của xã hội, tên gọi của các đơn vị hành chính và địa giới hành chính ở Bắc Ninh có rất nhiều lần thay đổi. Trước đây, một số tác giả, như: Ngô Vi Liễn với công trình “Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc kỳ”; Đinh Xuân Vịnh với “Sổ tay địa danh Việt Nam”,... có tìm hiểu về tên làng xã Việt Nam. Nhưng những công trình này chưa giúp bạn đọc thấy được sự thay đổi địa danh, địa giới hành chính các đơn vị xã, tổng, huyện, tỉnh ở nước ta trong lịch sử.

Trên cơ sở những ghi chép của thư tịch cổ, như “Thuỷ kinh chú” của Lịch Đạo Nguyên, “Đường thư” biên soạn vào đời Đường (thế kỷ VIII), “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, “Bản đồ Hồng Đức” (xuất hiện vào thế kỷ XV), “Các tổng, trấn, xã danh bị lãm” (biên soạn vào đầu đời Gia Long - khoảng 1808-1809), “Đồng Khánh địa dư chí” (biên soạn vào đời Đồng Khánh -1886), “Bắc Ninh dư địa chí” của Đỗ Trọng Vĩ; trên cơ sở các công trình nghiên cứu của các tác giả trước cách mạng tháng Tám năm 1945, như: "Bắc Ninh tỉnh chí” của Trịnh Như Tấu, “Địa lý hành chính Kinh Bắc” của Nguyễn Văn Huyên, “Đất nước Việt Nam qua các đời” của Đào Duy Anh; trên cơ sở các văn bản luật, văn bản qui phạm pháp luật của Nhà nước qua các thời kỳ lịch sử, và đặc biệt, dựa trên kết quả khảo sát lâu dài của mình, tác giả Nguyễn Quang Khải đã có một công trình nghiên cứu công phu về quá trình thay đổi địa danh và địa giới hành chính của các tổng, xã, huyện của tỉnh Bắc Ninh qua các thời kỳ lịch sử.

Nhận thấy đây là một công trình nghiên cứu về địa-lịch sử có giá trị, Báo Bắc Ninh xin giới thiệu với bạn đọc công trình nghiên cứu dưới đây của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Khải, giúp bạn đọc phần nào thấy được sự phát triển qua các chặng đường lịch sử của tỉnh Bắc Ninh yêu quí của chúng ta.

TỔNG QUAN

Theo sách “Thuỷ Kinh chú” của Lịch Đạo Nguyên “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn thì thời Hùng Vương (2879 TNC-258 TCN) đất Bắc Ninh thuộc bộ Vũ Ninh. Thời thuộc Tần (307 TCN-206 TCN) được sáp nhập vào Tượng Quận (Trung Quốc); thời kỳ thuộc Hán (207 TCN - 39) là 2 huyện Luy Lâu và Long Biên trực thuộc quận Giao Chỉ. Thời Nam Tấn (265 - 279) là châu Vũ Ninh. Đầu thời thuộc Đường (618-721) là Châu Long. Thời Tiền Lê (980-1009) gọi là đạo Bắc Giang. Đầu thời Lý (thế kỷ XI) gọi là quận Gia Lâm.

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” (tập II), tháng 2 năm Nhâm Dần (1242), vua Trần Thái Tông, chia nước ta làm 12 lộ, đất Bắc Ninh được gọi là lộ Bắc Giang, sau đó được gọi là lộ Kinh Bắc. Thời thuộc Minh (1414 - 1427) đất Bắc Ninh thuộc phủ Bắc Giang. Thời ấy, phủ Bắc Giang có 3 châu: Gia Lâm, Vũ Ninh, Bắc Giang. Trong đó, châu Gia Lâm có 3 huyện là An Định (tương đương với huyện Gia Bình bây giờ), Tế Giang (tương đương với huyện Văn Giang), Thiện Tài (tương đương với huyện Lương Tài bây giờ). Châu Vũ Ninh có 5 huyện: Tiên Du, Vũ Ninh (sau này đổi tên là Vũ Giang), Đông Ngàn, Từ Sơn, Yên Phong. Châu Bắc Giang có 3 huyện là Tân Phúc (tương đương với Đa Phúc), Thiện Thệ (tương đương với Hiệp Hoà và Việt Yên ngày nay). Hai huyện Siêu Loại và Gia Lâm trực thuộc châu Bắc Giang.

Năm Vĩnh Lạc thứ 13 (1425), nhà Minh đem các huyện Yên Phong, Vũ Ninh, Yên Việt trực thuộc vào châu Bắc Giang; sáp nhập huyện Siêu Loại (tức huyện Thuận Thành sau này) và huyện Đông Ngàn vào huyện Gia Lâm; đưa các huyện: Tế Giang, Thiện Tài, Từ Sơn, Thiện Thệ trực thuộc châu Bắc Giang.

Năm Thuận Thiên thứ nhất đời Lê (1428), đất Bắc Ninh thuộc Bắc Đạo. Đời Thiệu Bình (1434 - 1439), đất Bắc Ninh thuộc Bắc Giang hạ lộ. Năm Quang Thuận thứ 7 đời Lê (1466) gọi là Bắc Giang thừa tuyên, trên cơ sở Bắc Giang thượng lộ và Bắc Giang hạ lộ. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469), khi xác định và vẽ lại bản đồ cả nước, Bắc Giang thừa tuyên được đổi thành Kinh Bắc thừa tuyên. Kinh Bắc thừa tuyên khi đó có 4 phủ, bao gồm 20 huyện:

- Phủ Thuận An (năm 1862 được đổi là phủ Thuận Thành) có 5 huyện: Gia Lâm, Lương Tài, Siêu Loại, Gia Định (năm 1820 được đổi là huyện Gia Bình), Văn Giang.

- Phủ Từ Sơn có 5 huyện: Quế Dương, Võ Giàng, Tiên Du, Đông Ngàn, Yên Phong.

- Phủ Bắc Hà có 5 huyện: Tân Phúc (năm 1862 đổi là Đa Phúc), Hiệp Hoà, Kim Hoa (năm 1841 đổi là huyện Kim Anh), Yên Việt (năm 1824 đổi là huyện Việt Yên).

 - Phủ Lạng Giang có 6 huyện: Phượng Nhỡn, Hữu Lũng, Yên Thế, Bảo Lộc (đầu thế kỷ XX, huyện Bảo Lộc bị giải thể, phần đất của huyện Bảo Lộc khi đó được phân về huyện Lạng Giang và huyện Lục Ngạn), Lục Ngạn (bao gồm huyện Lục Ngạn và huyện Lục Nam sau này), Yên Dũng.

Đất Bắc Ninh sau này tương đương với phủ Thuận An và phủ Từ Sơn.

Năm Hồng Đức thứ 21 (1490), trong bản đồ của nhà Lê ghi tên đất này là xứ Kinh Bắc. Sau gọi là trấn Kinh Bắc.

Thời Mạc (1527-1540), cắt phủ Thuận An về trực thuộc tỉnh Hải Dương. Năm Lê Quang Hưng thứ 16 (1593) phủ Thuận An lại cắt trả về Kinh Bắc.

Năm Gia Long thứ nhất (1802) vẫn gọi là trấn Kinh Bắc. Lúc này, trấn Kinh Bắc vẫn có 4 phủ với 20 huyện như năm 1469. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) đổi tên trấn Kinh Bắc thành trấn Bắc Ninh. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), gọi là tỉnh Bắc Ninh. Năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), triều Nguyễn đặt thêm 4 phân phủ là Từ Sơn, Lạng Giang, Thiên Phúc và Thuận An. Năm Tự Đức thứ 5 (1852), hai phân phủ Từ Sơn và Thiên Phúc bị bãi bỏ. Như vậy đến năm 1852, tỉnh Bắc Ninh có 4 phủ, 2 phân phủ bao gồm 20 huyện.

Từ thời Lê trở về trước, trấn lỵ của Kinh Bắc đóng ở Đáp Cầu. Năm 1804 Gia Long chuyển trấn lỵ về địa điểm tiếp giáp của 3 xã Đỗ Xá (thuộc Võ Giàng), Khúc Toại (thuộc yên Phong), Hoà Đình (thuộc Tiên Du). (Địa điểm này được đặt làm tỉnh lỵ đến năm 1963).

Năm 1876, tách một phần huyện Đông Ngàn để thành lập huyện Đông Khê (sau đổi là Đông Anh). Năm 1893, 3 tổng của huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách tỉnh Hải Dương được nhập vào huyện Lương Tài (do huyện Thanh Lâm giải thể). Đó là các tổng: An Trụ, Hoàng Kênh, Lại Thượng. Đồng thời cắt tổng Lương Tài của huyện Lương Tài về huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên và cắt tổng An Tráng của huyện Lương Tài về huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương.

Ngày 10 tháng 10 năm 1895, tại Nghị định số 1593 do toàn quyền Đông Dương Rousscau ký, tỉnh Bắc Giang được thành lập trên cơ sở tách 6 huyện từ tỉnh Bắc Ninh cũ. Đến đây, tỉnh Bắc Ninh (mới) có hai phủ (Thuận Thành, Từ Sơn) bao gồm 10 huyện: Đông Ngàn, Tiên Du, Gia Lâm, Văn Giang, Siêu Loại, Gia Bình, Lương Tài, Quế Dương, Võ Giàng, Yên Phong.

Năm 1905, tỉnh Phúc Yên được thành lập trên cơ sở tách huyện Đông Anh, Đa Phúc.

Năm 1912 huyện Siêu Loại được đổi tên là huyện Thuận Thành, huyện Đông Ngàn được đổi tên là huyện Từ Sơn. Cũng năm này tổng Đông Xá của huyện Thuận Thành được chuyển về huyện Gia Lâm tỉnh Hưng Yên.

Ngày 19 tháng 10 năm 1938, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định nâng cấp đơn vị hành chính thị xã Bắc Ninh lên thành phố loại III. Thành phố Bắc Ninh khi đó bao gồm toàn bộ khu vực Thị Cầu.

Tại Sắc lệnh số 51 ngày 17 tháng 10 năm 1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước VNDCCH, ấn định nước ta có 7 thành phố, 73 đơn vị hành chính. Bắc Ninh thuộc chiến khu I.

Thực hiện Nghị định số 730-PCH ngày 28 tháng 5 năm 1946 và Nghị định sửa đổi ngày 26 tháng 7 năm 1946 của Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc bộ, thị xã Bắc Ninh được thành lập.

Từ tháng 12 năm 1946 đến tháng 1 năm 1948, cả nước được chia thành 14 khu, tỉnh Bắc Ninh thuộc khu 12. Từ tháng 1 năm 1948, khu I hợp nhất với khu 12 thành liên khu Việt Bắc. Bắc Ninh thuộc Liên khu Việt Bắc.

Ngày 6 tháng 6 năm 1947, chuyển huyện Văn Lâm trước kia thuộc tỉnh Hưng Yên về khu 12 (Bắc Ninh). Ngày 28 tháng 11 năm 1948 chuyển huyện Gia Lâm về tỉnh Hưng Yên. Đến ngày 7 tháng 11 năm 1949 lại chuyển huyện Gia Lâm về tỉnh Bắc Ninh.

Tại vùng tạm chiếm, thực hiện Nghị định số 193/THP/NĐ ngày 26 tháng 1 năm 1950 của Thủ hiến Bắc Việt, tỉnh Bắc Ninh được gọi là tỉnh Gia Lâm (vì cơ quan hành chính đóng trên địa bàn Gia Lâm)

Tháng 8 năm 1950, hợp nhất hai huyện Gia Bình và Lương Tài thành 1 huyện lấy tên là huyện Gia Lương. Huyện lỵ của huyện đặt tại phố Thứa.

Ngày 26 tháng 4 năm 1951, Thủ hiến Bắc Việt ban hành Nghị định số 2198- PTH/ NĐ thành lập thị xã Bắc Ninh trên cơ sở ba thị trấn: Bắc Ninh, Đáp Cầu, Thị Cầu. Chu vi thị xã Bắc Ninh: Bắc giáp Việt Yên, Nam giáp xã Phúc Đức và xã Phương Vĩ, Đông giáp Đạo Chân và xã Ngọc Đôi, Tây giáp xã Y Na và xã Cô Mễ

Năm 1958, chuyển huyện Văn Giang về tỉnh Hưng Yên.

Ngày 20 tháng 4 năm 1961, Quốc hội khoá II, kỳ họp thứ 2 đã ban hành Nghị quyết: cắt 29 xã và một thị trấn, bao gồm: cả huyện Gia Lâm; 10 xã và 1 thị trấn của huyện Từ Sơn. Đó là các xã: Liên Hà, Vân Hà, Dục Tú, Quang Trung, Đông Hội, Mai Lâm, Tiền Phong, Đình Xuyên, Dương Hà, Ninh Hiệp, thị trấn Yên Viên (thị trấn Yên Viên được thành lập theo Nghị định số 33-NV ngày 6 tháng 2 năm 1959 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ); hai xã: Phù Đổng, Trung Hưng (sau đổi lại là Trung Mầu) của huyện Tiên Du; hai xã: Đức Thắng, Chiến Thắng (sau đổi lại là xã Dương Xá và xã Dương Quang) của huyện Thuận Thành về thành phố Hà Nội.

Năm 1962, hợp nhất 2 huyện Quế Dương và Võ Giàng thành 1 huyện lấy tên là huyện Quế Võ. Huyện lỵ của huyện Quế Võ đóng tại phố Mới.

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá II, ngày 27 tháng 10 năm 1962 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết hợp nhất 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang thành 1 tỉnh lấy tên là Hà Bắc. Tỉnh lỵ đóng ở thị xã Bắc Giang.

Ngày 14 tháng 3 năm 1963, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 25/QĐ, nhập 2 huyện Tiên Du và Từ Sơn thành 1 huyện, lấy tên là huyện Tiên Sơn. Huyện lỵ đóng ở xã Vân Tương.

Ngày 4 tháng 6 năm 1969, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 84-CP hợp nhất huyện Tiên Sơn và huyện Yên Phong thành một huyện, lấy tên là huyện Tiên Phong; hợp nhất huyện Gia Lương với huyện Thuận Thành thành một huyện, lấy tên là huyện Gia Thuận. Nhưng hơn 4 năm sau, ngày 19 tháng 1 năm 1974, tại Quyết định số 17-CP, Hội đồng Chính phủ phê chuẩn đề nghị của UBHC tỉnh Hà Bắc thôi không sáp nhập huyện Tiên Sơn với huyện Yên Phong, huyện Gia Lương với huyện Thuận Thành nữa!

Ngày 6 tháng 11 năm 1996, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá IX, Quốc hội Nước cộng hoà XHCN Việt Nam đã ra Nghị quyết về việc chia tỉnh Hà Bắc thành 2 tỉnh, lấy tên là Bắc Ninh và Bắc Giang. Lúc này tỉnh Bắc Ninh có 6 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 5 huyện và 1 thị xã (Gia Lương, Quế Võ, Thuận Thành, Tiên Sơn, Yên Phong và TX Bắc Ninh) với diện tích đất tự nhiên là 797,2 km2 và 922.210 nhân khẩu.

Ngày 11 tháng 8 năm 1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 68/1999/NĐ-CP tách huyện Tiên Sơn thành 2 huyện lấy tên là huyện Tiên Du và huyện Từ Sơn; tách huyện Gia Lương thành 2 huyện lấy tên là huyện Gia Bình và huyện Lương Tài. Huyện lỵ Từ Sơn đóng tại thị trấn Từ Sơn, huyện lỵ Tiên Du đóng tại thị trấn Lim; huyện lỵ Lương Tài đóng tại thị trấn Thứa, huyện  lỵ Gia Bình đóng tại xã Xuân Lai.

Ngày 25 tháng 01 năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2001/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Bắc Ninh trên cơ sở toàn bộ diện tích đất tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Bắc Ninh. Khi đó, thành phố Bắc Ninh có 26,34 km2 diện tích đất tự nhiên, 121.028 nhân khẩu và 10 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm các phường: Đáp Cầu, Thị Cầu, Vũ Ninh, Suối Hoa, Tiền An, Ninh Xá, Vệ An, Kinh Bắc, Đại Phúc và xã Võ Cường.

Ngày 24 tháng 9 năm 2008, Chính phủ ban hành nghị định số 01/NĐ-CP về việc thành lập thị xã Từ Sơn trên cơ sở toàn bộ diện tích đất tự nhiên và dân số của huyện Từ Sơn.

Cho đến ngày 01 tháng 4 năm 2009, tỉnh Bắc Ninh có 8 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 6 huyện, 1 thành phố và 1 thị xã. Đó là các huyện: Gia Bình, Lương Tài, Thuận Thành, Tiên Du, Quế Võ, Yên Phong, thành phố Bắc Ninh và thị xã Từ Sơn,  bao gồm 1.024.151 nhân khẩu, trong đó có 503.200 nam, 520.951 nữ.

Nguyễn Quang  Khải

(Còn nữa)

Tuesday, November 19, 2013

Di sản Văn hóa - Tín ngưỡng thờ động vật của người Việt



vanhoaviettv
Published on Aug 23, 2012

Kính gửi Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Dũng Vy - Đinh Văn Diệm

From: Van Diem Dinh (lamthydvd@gmail.com)
Sent: Sun 11/17/13 9:33 PM
To:  Khai Nguyen (phaolo200930@yahoo.com); Tuyen Dinh (tuyend@yahoo.com); Tony Thang Dinh (todi_1999@yahoo.com); Thức Đinh (dthuc@live.com)

2 attachments (total 140.0 KB)
QUYỀN NĂNG TỐI THƯỢNG  CN.XXXPV.TN-C.doc
NGUỒN ÂN SỦNG BẤT TẬN.doc

---------- Thư đã chuyển tiếp ----------
Từ: Van Diem Dinh <lamthydvd gmail.com="">
Ngày: 12:28 Ngày 18 tháng 11 năm 2013
Chủ đề: Quyên tiền trùng tu Thánh đường Dũng Vy
Đến: nguyenbt@tanthanhdong.com

Saigon ngày 18 tháng 11 năm 2013

Kính gửi Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Dũng Vy,

Cháu Thắng vừa gọi điện về cho biết: Trong đợt quyên tiền trùng tu Thánh đường và Vườn Thánh Giáo xứ Dũng Vy vừa qua, có một ân nhân là phụ huynh người bạn thân của cháu Thắng có hứa sẽ dâng cúng cho công việc lành thánh này của Giáo xứ nhà số tiền $1.000USD (một ngàn dollars Mỹ). Nhưng đến khi quyết toán thì họ chưa thực hiện được (vì lý do chưa bán được căn nhà nên chưa có tiền). Tới ngày 14/11/2013 vừa rồi, họ bán được nhà và có mời cháu Thắng tới liên hoan, đồng thời gửi Thắng số tiền (nêu trên).

Thật là một tấm lòng quảng đại của một ân nhân không phải đồng hương Dũng Vy, mà chỉ là bạn tâm giao của cháu Thắng, khiến bản thân tôi tâm phục khẩu phục. Với cháu Thắng thì đây lại một lần nữa chứng tỏ cháu đã có một tấm chân tình hướng về nguồn cội rất đáng khen ngợi. Tuy nhiên, cũng hơi khó cho cháu vì phải làm thế nào chứng minh cho ân nhân hiểu rõ được lòng hảo tâm của họ đã được đón nhận một cách trân trọng. Vì thế, cháu Thắng gọi điện về cho tôi để liên lạc trước với quý vị trong Hội đồng Mục vụ Giáo xứ nhà. Mong rằng quý vị khi nhận được tiền thì có thư cảm ơn, kèm theo một tấm hình có đầy đủ Hội đồng Mục vụ.

Ngày 22/11 tới đây (giỗ Thầy già Tín) là ngày khánh thành công trình, tôi có được mời về chung vui, nhưng tiếc rằng sức khỏe rất kém, không về được, xin gửi lời chúc mừng tới toàn thể Giáo xứ. Dịp này lại nhằm vào dịp toàn thể Hội Thánh mừng kính Đức Giê-su Vua Vũ Trụ (24/11), đồng thời Giáo Hội Việt Nam mừng kính trọng thể lễ Các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam (cũng là ngày 24/11 hàng năm, nhưng năm nay vì trùng với lễ Ki-tô Vua, nên được dời lại ngày 25/11). Vì thế, xin gửi đến quý vị để cùng suy niệm 2 bài viết (QUYỀN NĂNG TỐI THƯỢNG & NGUỒN ÂN SỦNG BẤT TẬN) về 2 ngày lễ trọng đại nêu trên (đã đăng trên trang Mạng Lưới Cầu Nguyện Thánh Linh toàn cầu www.thanhlinh.net và trang web Đạo Binh Đức Mẹ www.daobinhducme.net

Thân kính,
Joseph Maria Lam Thy Đinh Văn Diệm.
-----------

Cháu Nguyên thân mến,

Cháu in email này (kể cả 2 file đính kèm) về trao cho Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Dũng Vy. Đồng thời, cháu nói với ông Trùm Nam gọi điện cho bác để trao đổi thêm. Bác cảm ơn nhiều.

Bác Diệm.

Tên Làng: Dũng Vi hay Dũng Vy ?

Để thống nhất tên Làng Dũng Vi. Căn cứ trên những tài liệu, văn bản lưu hành chính thức dưới đây. Blog KYDV sẽ sử dụng tên Làng Dũng Vi thay vì Làng Dũng Vy:

1- Bắc Ninh Tỉnh, Tiên Du Huyện, Dũng Vi Tổng các xã thần sắc. Tài liệu của Viện Nghiên Cứu Hán Nôm (Ảnh đính kèm).
2- Các tập Kỷ Yếu Dũng Vi 1 và 2 đã ấn hành và phổ biến. (Ảnh đính kèm)
3- Website Giáo họ Dũng Vi Giáo xứ Cẩm Giang. (Link đính kèm)
4- 4 chữ "THÁNH ĐƯỜNG DŨNG VI" xây trên cổng vào Thánh Đường (Xem ảnh dưới)
5- Tên làng lân cận, Làng Đại Vi (Bài đã đăng) Blog KYDV.
.....



 
 
Blog KYDV
19-11-2013
 

Friday, November 15, 2013

Bắc Ninh đang có một “Dòng sông du lịch” - Thuận Cẩm

Thứ sáu, 03/08/2012 - 09:29
 
Sông Đuống (Thiên Đức) - chi lưu của sông Hồng chưa đầy 70 km, chảy qua địa phận Bắc Ninh. Hàng trăm năm đã đi qua, dòng Đuống vẫn lấp lánh, nghiêng nghiêng, chở bao huyền thoại, cổ tích cùng cả những oan khiên lịch sử… bồi đắp một nền văn hiến, văn hóa đặc trưng cho Bắc Ninh - Kinh Bắc.
 

Xuôi dòng sông Đuống, cộng đồng các dân tộc Việt về dâng hương, bái yết tổ tiên Kinh Dương Vương trong ngày hội truyền thống (18 tháng Giêng).

Sông Đuống được xếp vào hàng quán quân của những dòng sông có mật độ di tích văn hóa lịch sử dày đặc. Đó là nguồn tài nguyên du lịch quý hiếm, độc đáo chỉ duy nhất Bắc Ninh có được. Gần đây, song song với việc thực hiện quy hoạch tuyến du lịch “Ven sông Đuống”, tỉnh Bắc Ninh đã khởi động một số dự án trùng tu, tôn tạo các di tích hướng đến phát triển du lịch. 
 
Sông Đuống với nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa 
  
Bắc Ninh - Kinh Bắc là miền đất mà mỗi bước đi đều chạm vào huyền thoại, văn hóa và lịch sử. Nếu Bắc Đuống là vùng đất phát tích vương triều Lý, triều đại khởi đầu nền văn minh Đại Việt, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài của dân tộc thì Nam Đuống lại đậm đặc dấu thiêng, truyền thuyết về “Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân - Âu Cơ là Thủy tổ Việt Nam, mở ra thời đại các Vua Hùng dựng nước làm rạng rỡ non sông đất Việt”. Qua cây cầu Hồ nối bờ Bắc với bờ Nam sông Đuống, chúng tôi về đất Thuận Thành - một vùng đất cổ, đậm đặc truyền thống văn hóa lâu đời, đầy trầm tích và huyền thoại. Thật hiếm có nơi nào như Thuận Thành, chỉ chưa đầy 120 km2 mà có đến ba Thủy tổ: Kinh Dương Vương-Thủy tổ dân tộc, Sĩ Nhiếp-Thủy tổ nền Hán học và chùa Dâu-chùa Tổ của Phật giáo. 
  
Tựa mình bên triền đê uốn lượn, dưới tán cây cổ thụ, Lăng Kinh Dương Vương uy nghiêm với kiến trúc nghệ thuật cổ độc đáo, phần mộ đặt chính hướng Bắc nhìn thẳng ra dòng Thiên Đức cuộn đỏ phù sa. Trong khuôn viên Lăng mộ rộng hơn 20 nghìn m2 còn có nhà tả văn, hữu võ, nhà bàn soạn, nhà trình. Cách Lăng mộ không xa, phía trong đê là Đền thờ Kinh Dương Vương còn lưu giữ rất nhiều đạo sắc phong, thần phả có giá trị. Hiểu một cách đơn giản nhất thì Kinh Dương Vương chính là ông nội của các Vua Hùng. Hàng năm, cứ vào ngày giỗ Vua Kinh Dương Vương 18 tháng Giêng, người dân địa phương lại tổ chức lễ hội để cộng đồng các dân tộc Việt, du khách thập phương xuôi dòng sông Đuống về tri ân, bái yết tổ tiên dân tộc. 
  
Sông Đuống chảy được hơn nửa đường về phía Đông thì gặp dãy núi Thiên Thai đột khởi giữa vùng đồng bằng. Sông núi gặp nhau tạo nên phong cảnh hữu tình nhưng Thiên Thai lại trái ngang chặn dòng, buộc sông Đuống phải lượn vòng. Cũng từ đây, lịch sử dường như có sự chuyển đoạn. Bắt đầu từ chân núi Thiên Thai đến Lục Đầu giang, chỉ một khúc sông ngắn khoảng mươi cây số nhưng dòng Đuống đã oằn mình chở nặng bao nỗi oan “động trời” trong sử cũ.
 

Đài giọt lệ mới được xây dựng ở Khu di tích Lệ Chi Viên (xã Đại Lai - Gia Bình).

Đầu tiên là nỗi oan của Thái sư Lê Văn Thịnh, người làng Bảo Tháp (Đông Cứu, Gia Bình) bị nghi là “hóa hổ dọa vua” từ hơn 900 năm về trước trên hồ Dâm Đàm (hồ Tây) mà cho đến tận hôm nay vẫn bị “sương mù” thời gian che phủ. Cách đền thờ Lê Văn Thịnh chẳng bao xa, là “hiện trường” vụ thảm án xảy ra cách đây khoảng 570 năm đã làm cả gia tộc đại quân sư Nguyễn Trãi, một khai quốc công thần triều Lê điêu đứng. Gần 6 thế kỷ trôi qua, dấu tích vườn vải năm xưa giờ không còn nữa. Khu di tích Lệ Chi Viên (xã Đại Lai, Gia Bình) bây giờ là cánh đồng lúa xanh mướt mát, là những mái ngói thâm nâu và đường làng bê tông uốn lượn. Từ Lệ Chi Viên, đi thêm khoảng dăm phút bằng xe máy đến chùa Đại Bi nằm giữa một vườn cây cổ thụ xanh mát phía ngoài đê thuộc xã Thái Bảo. Nhân vật được thờ trong chùa là danh nhân Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang (Lý Đạo Tái) - một Quốc sư, nhà văn hóa, nhà tư tưởng, nhà thơ lớn đã rơi vào nỗi oan tình nàng Điểm Bích để “Dẫu mà tát cạn Bình Than/ Cũng không rửa được nỗi oan cho thầy”. Tiếp tục xuôi dòng sông Đuống đến khu Lăng mộ và Đền thờ Cao Lỗ Vương (xã Cao Đức) lại gặp ông Nỏ (Cao Lỗ Vương - cha đẻ của “nỏ thần An Dương Vương”) đã phải rửa nỗi oan bằng chính mạng sống của mình… 
  
Nắng chiều sông Đuống nhuộm vàng những vạt ngô, khoai. Con đê uốn lượn chầm chậm đưa chúng tôi tới cửa Lục Đầu giang mênh mông. Trong xôn xao sóng nước, vẳng nghe như lời bàn luận của tướng sĩ nhà Trần ở hội nghị Bình Than tìm kế sách chống quân xâm lược thuở nào. 
  
Bờ sông Đuống không chỉ dày đặc di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu cấp Quốc gia, lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống quy mô vùng miền mà bên vùng đất Nam Đuống còn tụ hội nhiều làng nghề thủ công truyền thống độc đáo như: nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, đúc đồng Đại Bái, nghề gốm Luy Lâu, Tranh tre Xuân Lai… Du lịch sông Cầu có những làn điệu Dân ca Quan họ thì tuyến du lịch sông Đuống đặc biệt bởi nghệ thuật dân gian truyền thống như: biểu diễn múa Rối nước, hát Ca trù, hát Trống Quân, Chèo, Tuồng… người dân nơi đây còn sáng tạo, gìn giữ bí quyết chế biến rất nhiều món ăn ngon, đặc sản như: Nem làng Bùi, Đậu phụ Trà Lâm, bánh đúc, cháo thái, tương Đình Tổ… 
 
Ngoài loại hình du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, làng nghề truyền thống còn có cả du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du khảo đồng quê với những trải nghiệm sông nước, trải nghiệm cuộc sống cùng người nông dân vùng Đồng bằng Bắc bộ… Sắp tới, khi các dự án du lịch Lâm viên Thiên Thai, đô thị Rồng Việt hoàn thiện sẽ mở thêm loại hình du lịch vui chơi giải trí, mua sắm cuối tuần…  
 
Đánh thức tiềm năng du lịch, câu chuyện còn dài… 
  
Hiếm có dòng sông nào chở đầy lịch sử, đậm đặc di tích như sông Đuống. Đó là “vùng đất màu mỡ” để khai thác, phát triển du lịch. Anh Nguyễn Xuân Côn, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) mỗi lần gặp lại say sưa, sôi nổi nói về tuyến du lịch ven sông Đuống. Lâu nay, người ta vẫn cứ nghĩ du lịch là phải ăn nhà hàng, nghỉ khách sạn cho nên sự thật là rất ít người nghĩ rằng có thể phát triển được du lịch ven sông Đuống - một Tour du lịch độc đáo, khác lạ và rất đặc biệt, chỉ Bắc Ninh mới có. Tuyến du lịch ven sông Đuống đa dạng nguồn tài nguyên, nên khách du lịch sẽ không cảm thấy nhàm chán. Họ có thể chọn lựa cho mình một tour nhỏ trong số rất nhiều loại hình: Hoặc là chuyến thăm quan, tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa: Thăm chùa Bút Tháp - ngôi chùa cổ kính bên dòng sông Đuống và tận mắt chiêm ngưỡng bức tượng phật Bà nghìn tay nghìn mắt (thời Lê Trung Hưng) - một trong số 30 hiện vật đang được Chính phủ xem xét công nhận là bảo vật Quốc gia, rồi đứng trước chiếc cối xay 9 tầng để thanh thản suy tư, chiêm nghiệm về những triết lý nhân sinh của đạo phật… Tiếp tục men theo đê sông Đuống hành hương về nguồn cội, bái yết tổ tiên dân tộc ở Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương sau đó sang Gia Bình đến thăm Đền Tam Phủ, Bãi Nguyệt Bàn. Hoặc với những ai yêu các danh nhân văn hóa, thích tìm hiểu lịch sử thì chọn tour du lịch về đền thờ Lê Văn Thịnh rồi sang Lệ Chi Viên đi tiếp tới Đền Cao Lỗ Vương. Đặc biệt, với đối tượng là khách quốc tế muốn trải nghiệm cuộc sống người nông dân Việt có thể chọn tour du lịch làng Việt cổ ở Vạn Ninh (Gia Bình). 
 
Để khai thác tiềm năng này, vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030, trong đó, không gian du lịch phía Đông dọc dải sông Đuống với nhiều sản phẩm du lịch đặc thù, được tập trung ưu tiên phát triển. Song song với đó là các chính sách, dự án đầu tư, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa ven sông như: chùa Bút Tháp, Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương, Đền thờ Cao Lỗ Vương, Đền thờ Lê Văn Thịnh, Bãi Nguyệt Bàn, Đền Tam Phủ, Khu di tích Lệ Chi Viên… Đặc biệt, ngành văn hóa đã triển khai thực hiện kiểm kê, đề nghị tranh dân gian Đông Hồ là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; xúc tiến triển khai xây dựng một số điểm du lịch như: Khu du lịch Lâm viên Thiên Thai, Rồng Việt… Qua khảo sát cũng cho thấy, hoạt động du lịch vẫn thường xuyên diễn ra trên địa bàn cả 3 huyện vùng Nam Đuống. Ở từng điểm di tích lại thu hút đối tượng cũng như lượng khách tham quan nhất định. 
  
Song, tất cả mới chỉ ở giai đoạn manh nha và vẫn còn nặng tính tự phát, lẻ tẻ, rời rạc, thiếu tính liên kết. Anh Nguyễn Văn Định, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Bình cho biết: Huyện cũng mới triển khai thực hiện quy hoạch điểm du lịch chứ chưa có Quy hoạch theo tour, tuyến một cách tổng thể và chi tiết. Còn nói như anh Côn thì quy hoạch tổng thể đã có nhưng phải sớm được quy hoạch chi tiết vì không thể chờ khi có du khách đến rồi mới tính việc quy hoạch, bởi lúc đó chắc gì những ngôi làng Việt cổ ở Vạn Ninh (Gia Bình) còn giữ được nguyên vẹn như bây giờ. 
 
Theo Tiến sỹ sử học Trần Đình Luyện, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - người có kiến thức về lịch sử cũng như từng trải qua kinh nghiệm quản lý văn hóa khẳng định: Du lịch ven sông Đuống là một sản phẩm du lịch khá độc đáo và tiêu biểu của vùng Nam Đuống. Tuy nhiên, hệ thống di tích ven sông Đuống hiện vẫn còn khá lộn xộn, chưa được quy hoạch chi tiết, cụ thể. Đó là chưa nói đến sự thiếu quan tâm đầu tư tôn tạo mà thậm chí vẫn còn một số di tích đang xuống cấp nghiêm trọng.  
  
Phát triển du lịch ven sông Đuống, chắc chắn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Đối với du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh, yếu tố con người, hướng dẫn viên, thuyết minh viên được đặt ra hết sức quan trọng mà Bắc Ninh chúng ta lại chưa có sự chuẩn bị chu đáo cho vấn đề này. Cứ nhìn thực trạng các di tích bây giờ sẽ rõ, mỗi di tích chỉ có người cao tuổi được bà con địa phương tin tưởng giao trách nhiệm trông nom, đèn nhang chứ chưa hề có một người thuyết minh hoặc hướng dẫn viên du lịch đúng nghĩa, được đào tạo bài bản. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về các điểm di tích phải được coi trọng để không chỉ khách tham quan du lịch hiểu mà phải làm cho người dân trong vùng nhận thức rõ lợi ích thì họ sẽ hình thành ý thức, văn hóa du lịch… Đánh thức được “vẻ đẹp tiềm ẩn” bên dòng sông Đuống đầy huyền thoại thì sông Đuống sẽ trở thành “dòng sông du lịch” mang đậm nét văn hóa đặc trưng, riêng có của miền Quan họ.
 
Thuận Cẩm
 

Đồng hương tâm sự: Gửi anh Thức và anh Thắng !

From: Đinh Văn Thơi (thoidv@nhnn.daklak.gov.vn)
Sent: Thu 11/14/13 1:05 PM
To: dthuc@live.com; todi_1999@yahoo.com

Chào các Anh,

Em tên là Đinh Văn Thơi, sinh năm 1976 tại Thôn Lương, xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (nhà em ở gần chợ Ve, con đường đi từ cổng đình Thôn Lương đi xuống xóm Vườn Thứ). Em vô tình vào mạng và tìm thấy tên, địa chỉ của anh ở trong Kỷ Yếu Dũng Vy.

Hiện nay, em đang công tác sinh sống và làm việc tại Buôn Ma Thuột (từ năm 2010); thỉnh thoảng em có đi sang bên Lâm Đồng và gặp một số bà con ở Thôn Giáo di cư vào sinh sống tại khu Cư xá huyện Đức Trọng, Lâm Đồng (gồm có bác Phan Văn Tản, anh Phan Văn Bình "ở quê là con của ông bà vi veo", bác Đinh Văn Tô (ở Lâm Hà, em học cùng với Đinh Văn Thức con của Bác Tô)). Em xin kể ra một số bà con đồng hương để cho các anh xác minh.

Còn một số tấm ảnh về việc tu bổ, xây dựng lại nghĩa trang của Thôn Giáo tại Đồng Quan (gần Lò Ngói): gồm có các bác Đinh Văn Hoạt, bác Nguyễn Thế Nam, chú Đinh Văn Hải, Thạch Ngọc Lễ,..

Em thỉnh thoảng cũng hay về quê do đi công tác và kết hợp về nhà.

Do điều kiện lần đầu em mạnh dạn gửi thư để liên lạc với các anh và mong các anh thông cảm cho.

----------

From:Thuc Dinh (dthuc@live.com)
Sent:Fri 11/15/13 9:30 AM
To: Đinh Văn Thơi (thoidv@nhnn.daklak.gov.vn); Thang Tony Dinh Van (todi_1999@yahoo.com); Diem Dinh Van (lamthydvd@gmail.com); Tuyen Dinh Van (tuyend@yahoo.com)
 
Chào bạn Thơi

Cảm ơn bạn đã Email cho Blog KYDV. Thật vui và hân hạnh vì đã có những đồng hương Dũng Vi ở quê nhà có được liên lạc với đồng hương khắp nơi...

Blog cũng sẽ đăng và gởi Email bạn đến các vị trưởng lão trong làng vì các vị hiểu biết về gốc tích liên hệ trong làng nhiều hơn...

Mong bạn giữ liên lạc và gởi thêm hình ảnh, bài viết hoặc những tư liệu liên quan đến làng xã (nếu có) để mọi người cùng chia sẻ...
 
Chào thân ái 

Blog KYDV
----------

From: Tony Thang Đinh (todi_1999@yahoo.com)
Sent: Fri 11/15/13 8:26 PM
To:  Đinh Văn Thơi (thoidv@nhnn.daklak.gov.vn
Cc:  Thuc Dinh (dthuc@live.com

Hello Thơi;

Rất hân hạnh được biết em. Có bạn bè nào giới thiệu Kỷ Yếu Dũng Vy cho thêm phần phong phú.  Dũng Vy là nơi chung, không phân biệt Thôn Lương hay Thôn Giáo. Nguyên thủy chỉ có một Dũng Vy mà thôi.

Em nói rất đúng, những hình ảnh mà trung tu nghĩa trang 2013 là anh Nguyễn Thế Nam, anh Đinh Văn Hoạt, anh Lễ, và em Hải, còn hai người nữa anh không biết tên. Những người anh nói trên là anh em họ hàng với anh Thắng. Thật đúng em là người Dũng Vy, mà em đã từng sống ở đó, cho nên tụi anh cần em tham gia góp bài cho KYDV để duy trì trang blog.

Lúc này anh đang busy, cho nên chưa tham gia được nhiều, những từ từ anh sẽ gửi bài cho Thức đăng lên KYDV.

Anh và nhà Thức đã trên 50 tuổi rồi.  Hai anh chưa bao giờ sống ở Dũng Vy hết, tụi anh đều sanh trong Saigon. Tuy nhiên anh có về Dũng Vy hai lần để lo chuyện tu sửa nhà thờ. Nói cho em biết cách xưng hô thôi, tụi anh không có muốn khoe tuổi tác đâu vì mình đã bắt đầu bước vào tóc hai màu lâu rồi.

Cảm ơn em đã cho anh biết những tin tức thêm, anh cũng nhờ em giới thiệu bạn bè gốc Dũng Vy mà hiện đang ở xa Dũng Vy nhé

Anh Thắng.

Saturday, November 9, 2013

Đại Vi - Đất nghề dựng nhà cổ

Thứ Tư, 23/11/2011 - 15:18
 
Đại Vi - Đất nghề dựng nhà cổ
 
Những nếp nhà xưa hoài cổ, lớp ngói nâu bạc màu lãng đãng trong sương như ghi dấu bước thời gian chầm chậm. Âm thanh của tiếng bào, tiếng đục và mùi hương của các loại gỗ… đã hòa tan, thổn thức trong tiềm thức bao thế hệ trai làng Đại Vi.
 
Trong các làng nghề làm nhà gỗ cổ nổi tiếng ở vùng Kinh Bắc, chẳng nơi nào sánh kịp đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của những người thợ làng Đại Vi, xã Đại Đồng (Tiên Du). Đời trước truyền lại đời sau, bao lớp trai làng nơi đây đã dựng xây, trùng tu hàng trăm ngôi đình, chùa, lăng tẩm, thuỷ đình... cổ kính, uy nghi giữ gìn và tỏa sáng tinh hoa văn hóa Việt

Dưới gốc đa, nghe bà lão quán nước kể: Đất ao đình Đại Vi hình cái cưa, đường vào làng trông như ống mực, lối hai bên đình tựa như chiếc bào. Vì thế dù ai đi ngược về xuôi, cứ đến ngày 1-2 (Âm lịch) hàng năm đều  trở về quê vui hội, tế lễ nghiêng mình trước thành Hoàng làng có công khai sáng mở nghề mộc. Người làng Đại Vi vốn sống chan hoà, còn lưu giữ cho mình những nếp nhà xưa hoài cổ. Các dãy nhà ngói bạc màu lãng đãng trong sương như ghi dấu thời gian chầm chậm. Đôi chân chúng tôi lạc bước vào ngôi làng Việt cổ.

Một ngôi nhà gỗ kiến trúc cổ 5 gian kiểu “tiền kẻ hậu bẩy” tọa lạc giữa làng. Mỗi ngày có vài khách nơi xa về chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi nhà, lần tay lên những cột nhà để cảm nhận thăng trầm cuộc đời trong từng thớ gỗ và nghe tiếng vọng của thời gian. Chủ nhân của ngôi nhà là ông Nguyễn Thế Quang, một trong những nghệ nhân nổi tiếng của làng. Ông Quang tâm sự: “Từ nhỏ nghe âm thanh của tiếng bào, tiếng đục; mùi hương của các loại gỗ… đã hòa tan, chảy trong tôi. Ấy vậy nhưng đến với nghề mộc cũng muộn mằn. Sau khi tốt nghiệp trung cấp xây dựng Hà Bắc tôi về Ty Giao thông công tác được 3 năm, rồi trở về quê học nghề nối nghiệp. Suốt 30 năm vác cưa, đục, bào đi khắp các vùng quê dựng nếp nhà xưa, khiến tôi càng thêm thấm thía và nặng tình với nền văn hóa dân tộc. Kiến trúc nhà gỗ truyền thống đóng vai trò quan trọng trong đời sống người dân. Ở đó có tình làng, nghĩa xóm, sự trân trọng và tôn thờ giá trị lịch sử”. Với ông ngoài những thành công trong phục dựng, trùng tu khu di tích đền Đô, thủy đình Lũng Giang thì chuyến sang Malaixia năm 2004 để dựng ngôi nhà cổ trong khu du lịch các nước Asean là kỷ niệm đáng nhớ nhất. Kíp thợ của ông gồm 22 người. Công việc của thợ thi công nhà cổ đã bắt đầu từ trước đó với việc tháo từng cây cột, vỉ kèo,... của ngôi nhà ra, đánh số để dễ dàng vận chuyển từ Việt Nam sang Malaixia. Trong vòng 1 tháng miệt mài, những người thợ tài hoa Đại Vi đã lắp ráp hoàn thiện ngôi nhà cổ mang hồn cốt văn hoá Việt. Đó không chỉ là vinh dự mà còn là niềm tự hào của những chàng trai tay rìu, tay đục đất Đại Vi góp sức mình mang văn hoá Việt quảng bá hình ảnh cho bạn bè bốn phương chiêm ngưỡng.

Ngôi nhà gỗ 5 gian kiểu “tiền kẻ hậu bẩy” ở Đại Vi.

Nhịp sống hiện đại đang từng ngày biến đổi một cách nhanh chóng, đời sống của con người lại càng đề cao các giá trị tiện ích. Xu thế thời thượng được bộc lộ rõ qua xây dựng kiến trúc hiện đại, các ngôi nhà cao tầng, bê tông hóa phát triển. Vì thế đã một thời giá trị văn hóa kiến trúc của dân tộc đang bị bào mòn bởi những bước đi của thời gian. Nghề mộc làng Đại Vi những năm 90 của thế kỷ trước dường như bị “lãng quên”.  Những nghệ nhân già thấy tiếc nuối và ưu phiền về cái thời vàng son: Lúc mà các lớp trai làng đi khắp nơi nhận công trình xây dựng từ đình, đền, chùa đến nhà gỗ... Ngồi nghe câu chuyện của ông Đỗ Đăng Tuyên, 80 tuổi, là chàng thợ bóng cả của làng, mới cảm nhận nỗi niềm cả đời tâm huyết với nghề. Là đời thứ 3 trong một gia đình làm nghề mộc, từ năm 15 tuổi ông đã theo cha học cách lẩy mực uốn đao và chạm khắc những hoa văn, họa tiết cho các cột, kèo của nhà cổ. Trong quá trình xây dựng đình, đền khó khăn và phức tạp nhất là công đoạn uốn đao. Đó là “linh hồn” thành hay bại của người thợ. Cả làng Đại Vi bây giờ chỉ có 3 người làm được đao đình. Theo ông Tuyên thì lẩy mực là yếu tố quyết định thành công. Gần một đời cầm dây nẩy mực ông và các người thợ trong làng đã làm ra hàng trăm ngôi đình, mái đền cổ kính. Cầm chiếc đục uốn nắn đứa cháu nội học nghề, ông Tuyên khề khà: “Với nghề làm nhà cổ nếu chỉ cần cù, kiên nhẫn thôi chưa đủ, người học nghề phải có niềm đam mê, óc sáng tạo phác họa theo những đường nét uyển chuyển trên từng thớ gỗ. Một thợ lành nghề phải ít nhất 5 năm theo học mới thành nghề”. Ông Tuyên được nhiều nơi biết đến vì góp sức trùng tu và sáng tạo trong quần thể di tích cung đình Huế ròng rã suốt 3 năm (năm 1994-1995). Ông Tuyên cho biết: “Đưa 15 anh em vào Huế nhận việc, di tích lịch sử văn hóa quốc gia có rất nhiều phần xuống cấp, không còn nguyên vẹn. Hơn nữa mỗi hạng mục từ lăng Gia Long đến lăng Tự Đức... kiến trúc khác nhau. Lúc đầu cũng thấy lo lắng, tôi chỉ đạo cánh thợ phải tìm hiểu kỹ lưỡng sự giao thoa văn hoá Việt với kiến trúc hiện đại, vừa làm vừa tìm tòi sửa chữa và trùng tu phục dựng lại để tạo được sự hài hòa giữa hai yếu tố truyền thống và hiện đại, làm sao để yếu tố cổ được bảo tồn một cách tốt nhất đồng thời lại hòa nhập với cuộc sống hiện đại để vừa phát huy giá trị văn hóa vốn có của di sản vừa tạo được hiệu quả kinh tế xã hội. Chính điều này, được Ban quản lý di tích chấp thuận và đánh giá cao...”.

Ngày nay, Đại Vi còn gần 10 cánh thợ (mỗi cánh thợ khoảng 8-15 người) gìn giữ và phát huy nghề cổ truyền. Với họ, giữ lửa làng nghề không chỉ là công việc kiếm sống mà còn là trách nhiệm với nguồn cội. Nhà ông Tuyên, 3 thế hệ chung lưng đấu cật bên nhau phát triển nghề. Anh Đỗ Đăng Lâm (con trai ông Tuyên) cho biết: “Mỗi khi nhận làm đình, chùa, đền... chúng tôi rất cẩn trọng và luôn cố gắng hết mình với những giá trị lịch sử của từng địa phương. Công việc đòi hỏi nhiều công phu và tỉ mỉ”.

Dời Đại Vi, nhìn mái đình cong cong soi bóng ao làng, hình ảnh những chàng trai lưng trần đang miệt mài đục đẽo với niềm tin và khát vọng xây dựng thương hiệu chuyên làm nhà cổ độc đáo, sáng tạo trong xu thế hội nhập kinh tế.

Ghi chép của ĐỖ XUÂN-VĂN PHONG

Source Bac Ninh Online

Hội chợ sắc màu làng nghề ở Bắc Ninh

Thứ sáu, 18/10/13, 08:05 GMT+7
 
300 gian hàng với những sản phẩm truyền thống bằng các chất liệu đồng, gốm, tre, đá quý được trưng bày tại Hội chợ sắc màu làng nghề Bắc Ninh.
 
Từ ngày 17 đến 23/10, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội chợ triển lãm "Sắc màu làng nghề Bắc Ninh 2013".
 
Sự kiện này nhằm tôn vinh sản phẩm đặc sắc của các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, hiệp hội, làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tỉnh Bắc Ninh và khu vực.
 
langnghe.jpg
Bắc Ninh nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống như tre trúc Xuân Lai, gốm Phù Lãng, tranh Đông Hồ. Ảnh: tin
 
Trên diện tích 3.000m2, 300 gian hàng của 10 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có 50 gian hàng của tỉnh Bắc Ninh trưng bày sản phẩm của các làng nghề truyền thống như: Đồng Đại Bái, tranh Đông Hồ, gỗ Đồng Kỵ, tre trúc Xuân Lai, gốm Phù Lãng.
 
Những sản phẩm đặc sắc của các làng nghề, ngành nghề thủ công truyền thống Việt Nam, sản xuất bằng nhiều chất liệu như: đồng, gốm, tranh tre, gỗ mỹ nghệ, đá quý, đồ trang sức... được trưng bày ở những gian chính của hội chợ. Bên cạnh đó còn có các gian trưng bày các sản phẩm máy móc thiết bị, điện tử, viễn thông, thiết bị nghe nhìn, phương tiện vận tải...
 
Hội chợ Sắc màu làng nghề Bắc Ninh 2013 là nơi giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thúc đẩy hợp tác phát triển văn hóa, du lịch giữa tỉnh Bắc Ninh với các tỉnh trong cả nước; đồng thời liên kết sản xuất, cung ứng vật tư, thiết bị, nguyên vật liệu để sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.
 
Anh Phương
 
Source VnExpress

Thursday, November 7, 2013

Se Chỉ Luồn Kim - Dân ca Quan họ Bắc Ninh



andy82andy82
Uploaded on Dec 20, 2010

Cổ vật Bắc Ninh - Dấu ấn chiều sâu văn hóa (07/01/2010)

Với những đá, đồng, gốm, sứ, gỗ, kẽm, giấy… mang trên mình dấu ấn của thời gian, 1.200 hiện vật tại cuộc trưng bày “Cổ vật tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh” lần thứ Nhất diễn ra tại Bảo tàng tỉnh cuối năm 2009 đã đem đến cho người xem nhiều cảm nhận khác nhau về chiều sâu văn hoá Kinh Bắc.

Ai đó từng nói, cổ vật là một phần của lịch sử và văn hoá. Nhưng không phải ai cũng nhận thấy rõ giá trị đích thực của nó vì đồ cổ thường là các mảnh vỡ, dị tật, vẻ ngoài xấu xí, xù xì. Ví như, có 2 mảnh khuôn đúc trống đồng được các nhà khảo cổ phát hiện ở Luy Lâu, nhìn vẻ ngoài chẳng khác gì hai cục đất nung nhỏ con, nham nhở nhưng đã có tới 4 nhà khảo cổ đầu ngành của đất nước mang về trao tận tay cho Bảo tàng tỉnh. Bởi đó chính là một báu vật minh chứng thuyết phục rằng Trống Đồng được đúc tại Việt Nam, của Việt Nam và do người Việt Nam đúc ra chứ không phải ở bất cứ một quốc gia nào khác. Những cổ vật thể hiện rõ nhất nét đặc trưng cơ bản của văn hoá vùng Kinh Bắc chính là hơn 150 hiện vật đồ đá tìm thấy ở lòng sông Cầu, đồ gốm Hán tập trung nhiều ở vùng Luy Lâu (Thuận Thành), bộ sưu tập tiền cổ từ triều Đinh cho đến bây giờ của nhà sưu tầm và nghiên cứu Nguyễn Văn Thạo hay như đồ sứ từ thời phong kiến Trung Quốc cũng được các nhà sưu tập, nghiên cứu tìm thấy nhiều ở Bắc Ninh. Đặc biệt, chiếc chuông đồng ở chùa Ngũ Hộ, xã Kim Chân (TP Bắc Ninh), trước năm 1945 bị đưa sang và lưu lạc tại Nhật Bản, năm 1978, Hội hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam đã tổ chức vận động trao trả lại cho Việt Nam. Qua đó, chứng tỏ cổ vật không chỉ thấm đẫm giá trị lịch sử, văn hoá và mỹ thuật mà còn thể hiện sâu sắc tình hữu nghị ngoại giao hai nước, mang ý nghĩa chính trị cao. Hầu hết cổ vật có nguồn gốc, xuất xứ từ kho lưu trữ của Bảo tàng Bắc Ninh được sưu tầm từ những thập kỷ 60 của thế kỷ XX đến nay trên địa bàn Bắc Ninh – Kinh Bắc và của các nhà sưu tầm, nghiên cứu cổ vật Kinh Bắc. Ngoài cổ vật của Việt Nam, phòng trưng bày còn có những cổ vật có nguồn gốc từ Trung Hoa, Nhật Bản... trong trường kỳ lịch sử giao lưu văn hóa giữa các dân tộc đã được giữ gìn, bảo tồn đến ngày nay.

Trong số hàng nghìn lượt khách đến bảo tàng tỉnh để tham quan, chiêm ngưỡng cổ vật, một nhiếp ảnh gia người Pháp – ông Jobet đã chia sẻ: Tình cờ biết ở Bắc Ninh có cuộc Trưng bày cổ vật qua một chương trình truyền hình, ngay sau đó tôi đề nghị vợ cùng tìm về đây để tham quan, chiêm ngưỡng. Tôi đặc biệt thích vẻ đẹp cổ kính, rêu phong của các ngôi đình và đền chùa Việt Nam. Còn với cổ vật, vốn tự thân nó đã mang vẻ đẹp hiếm và độc đáo. Đến đây, tôi mong muốn qua các cổ vật tìm hiểu về vẻ đẹp cũng như quan điểm mỹ thuật của người Việt  trong quá khứ.
 


Bộ sưu tập Lọ Đầm xoè bằng đồng,  thế kỷ I-III.

Để tổ chức thành công cuộc trưng bày ý nghĩa này, Bảo tàng tỉnh – đơn vị thường trực được giao phụ trách đã có phương pháp triển khai khá hiệu quả. Vì khi chuẩn bị cho trưng bày, Hội Sưu tầm và nghiên cứu cổ vật chưa thành lập nên công tác vận động các nhà sưu tầm được đặt lên hàng đầu. Ngoài lợi thế về phương tiện trưng bày khá đầy đủ và chuyên nghiệp của Bảo tàng tỉnh, các nhà sưu tầm đều rất nhiệt tình với hoạt động này cũng là thuận lợi để hiện vật tại cuộc trưng bày thêm phong phú. Công tác vận động các nhà sưu tầm tham gia sự kiện này cũng chính là kinh nghiệm để Bảo tàng Bắc Ninh tiếp tục áp dụng trong những lần sau. Cùng với cán bộ Bảo tàng tỉnh, một số người có tiếng trong giới sưu tầm, nghiên cứu cổ vật trong tỉnh đã đến tận nhà các nhà sưu tầm để giám định đồng thời lập hồ sơ khoa học cho cổ vật, một cách phân loại nhằm tránh sự trùng lặp khi trưng bày. Và cũng là một cách để hoá giải điều lo lắng nhất của BTC về sự bảo đảm an toàn cho cổ vật trong quá trình diễn ra cuộc trưng bày. Ban đầu, đây cũng là vấn đề đáng ngại nhất bởi nước ta chưa có bảo hiểm cổ vật, trong khi đó nhiều hiện vật có giá trị kinh tế cao, song với sự nhiệt tình, vô tư của các nhà sưu tầm và tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, nhân viên, mọi việc đã diễn ra suôn sẻ với độ an toàn tuyệt đối. Lần đầu tiên tổ chức trưng bày quy mô lớn với nhiều cổ vật có giá trị văn hoá, lịch sử cũng như kinh tế, Bảo tàng tỉnh đã chuẩn bị chu đáo công tác an ninh: Gắn 2 camera quan sát, 2 vòng bảo vệ với lực lượng chuyên nghiệp và cán bộ, nhân viên Bảo tàng trực 24/24 giờ.

5 ngày là thời gian ít so với số lượng và giá trị các cổ vật trong cuộc trưng bày lần này. Những người làm công tác tổ chức cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi chưa thực hiện việc quảng bá, tuyên truyền sớm để đông đảo người dân tìm đến. Vì lẽ đó, mặc dù có hàng nghìn lượt người đến xem song vẫn còn rất nhiều người không đến được với cuộc trưng bày. Dẫu vậy, có thể nói, cuộc Trưng bày cổ vật tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh là dịp để người dân tìm lại quá khứ, hiểu rõ hơn về chiều dài văn hoá lịch sử của dân tộc Việt Nam nói chung và vùng Kinh Bắc nói riêng. Đặc biệt, những hiện vật ấy còn cho thấy sự tài hoa, khéo léo cùng với sức sáng tạo phi thường của cha ông xuyên suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc từ văn hoá Đông Sơn, Phùng Nguyên đến nay, để mỗi người dân Bắc Ninh – Kinh Bắc thoả sức tự hào với truyền thống văn hiến của quê hương.

Sân chơi cho người yêu cổ vật

Ông Nguyễn Việt Dũng, 42 tuổi, đường Thiên Đức, Vệ An, thành phố Bắc Ninh

Tôi yêu thích sưu tầm từ nhỏ nhưng phải từ 10 năm nay mới có điều kiện thực hiện niềm đam mê ấy. Công việc chính là kinh doanh nên tôi đi nhiều nơi, do đó thu thập được một số lượng khá lớn cổ vật. Hiện tại tôi sở hữu khoảng 700 hiện vật, trong đó tôi đặc biệt đam mê gốm thời Lý - Trần, nếu tính riêng Thạp hai triều đại này tôi có 10 chiếc lớn, nhỏ. Tôi nghĩ việc ra đời của Hội sưu tầm và nghiên cứu cổ vật Kinh Bắc sẽ giúp những người yêu đồ cổ như tôi có một sân chơi để giao lưu đồng thời có thể học hỏi kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu cổ vật.

Tôi tâm đắc bộ sưu tập tiền từ thời Đinh đến nay

Ông Nguyễn Văn Thạo 44 tuổi, phố Nguyễn Huy Tưởng, Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh

Hồi nhỏ khi còn đi học tích luỹ bút viết các loại, tôi đã nghĩ mình sẽ theo đến cùng niềm đam mê sưu tầm. Giờ đây, sau hơn 10 năm đi khắp nơi và thu thập tất cả những gì tôi nghĩ là cổ, quý, tôi càng củng cố “tình yêu” của mình với cổ vật. Từ Thái Nguyên cho đến Bắc Kạn, Lạng Sơn... tôi đã “lượm lặt” cho mình được hàng trăm cổ vật, trong đó tôi đặc biệt tâm đắc bộ sưu tập tiền đầy đủ các triều đại từ nhà Đinh đến nay. Vì yêu thích cổ vật nên tôi tự tìm tòi trong sách báo và học hỏi các nhà nghiên cứu để hiểu nhiều, hiểu sâu và đánh giá chính xác giá trị của cổ vật.

Chơi đồ cổ là tìm về vẻ đẹp của mỹ thuật quá khứ

Ông Dương Minh Chính, đường Nguyễn Gia Thiều, TP Bắc Ninh.

Đối với tôi, chơi đồ cổ là tìm về vẻ đẹp của mỹ thuật trong quá khứ và sưu tập đồ cổ chính là sưu tập mỹ thuật cổ. Sau 20 năm sưu tầm đủ loại đồ cổ như: đồ đá, đồng, đất nung, sứ, gốm… dần tôi thấy say mê đồ đồng và đồ đá hơn cả bởi nó không những có giá trị lịch sử về thời gian mà còn mang vẻ đẹp hấp dẫn đặc biệt, hiếm và độc đáo. Hiện tôi đang sở hữu hơn 200 hiện vật đồ đá và đó là thế mạnh của tôi. Việc sưu tầm và nghiên cứu của tôi có nhiều thuận lợi vì vợ tôi là một người rất gần gũi, thích đồ cổ và có trình độ chuyên môn về ngành bảo tồn bảo tàng. Việt Nam có một nền văn minh đồ đá cực kỳ rực rỡ nhưng số người thích sưu tầm và nghiên cứu về đồ đá ở nước ta còn hạn chế bởi dòng hiện vật này khó chứng minh được thời gian, niên đại. Vì thế, ấp ủ lớn nhất của tôi là cố gắng làm sao xác định được địa chỉ - nơi phát hiện ra đồ vật, từ đó tôi sẽ tìm hiểu độ phong hóa, bề mặt thời gian và liệt kê đầy đủ lý lịch quá khứ của hiện vật để chứng minh cho mọi người, nhất là các nhà khoa học khảo cổ đầu ngành trong nước đồng thuận, công nhận giá trị các cổ vật mà tôi đang có.

Tuesday, November 5, 2013

Lễ hội làng đúc đồng Đại Bái - Bắc Ninh



Trần Phạm Quang Phúc
Uploaded on Jul 30, 2011
 

Đôi Bờ Ngũ Huyện Khê (Hà Bắc) - Trần Quốc Vượng

 Bắc Ninh cũ, xứ Kinh Bắc xưa, là cả một kho tàng di tích khảo cổ, di tích lịch sử, huyền tích, huyền thoại, thần thoại tố, những hội hè xuân - thu, những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ thức cổ truyền, những câu nói văn vẻ, những lời ca, điệu hát, những tên đất, tên làng cổ kính… hứa hẹn những vụ gặt bội thu của nhiều ngành nghiên cứu đất nước, con người, xã hội Việt Nam nói chung, xứ Bắc nói riêng, mà gần 2 tháng công tác ở Yên Phong, Tiêu Sơn, Quế Võ, 2 đoàn khảo cổ học và dân tộc học Khoa Sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, với sự giúp đỡ và phối hợp đầy tình thân ái của Ty Văn hóa Hà Bắc cùng một số cán bộ Tổ Văn học dân gian Viện Văn học, đã khơi ra ngồn ngộn vấn đề…
Trong thông báo ngắn này, chúng tôi không thể nói hết những gì chúng tôi - cán bộ, sinh viên của mấy cơ quan nói trên, cùng làm, cùng theo dõi, cùng phát hiện theo cùng một phương pháp liên ngành. Hãy đợi dịp khác, hãy hẹn nhau ở Hội nghị học thuật sắp tới do Hà Bắc chủ trì.
Ở đây chúng tôi chỉ có thể nói về một tuyến đường, một lộ trình khoa học mà anh em Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội cùng anh em Ty Văn hóa Hà Bắc sẽ còn trở đi trở lại trong năm tới và mấy năm sau này nữa: Hành trình đi sâu vào quá khứ xứ Bắc dọc đôi bờ Ngũ Huyện Khê.
Nước non xứ Bắc có sức hấp dẫn lạ lùng! Miền Thiên Thai ấy, quê hương ông Trạng khai khoa đất Việt Lê Văn Thịnh - Trạng Cú theo tên gọi dân gian - đất đai bộ Vũ Ninh thời cổ, Gia Lương ngày nay, là cả một bí mật mới bắt đầu khám phá. Một khu di chỉ Lãng Ngâm chắc chắn thuộc văn hóa Đông Sơn, với một khu mộ địa đầy ắp đồ đồng ở chân núi Cả thuộc dãy núi Đông Cứu, đan xen đầy mộ gạch cổ Đông Hán - Lục Triều, khoét sâu vào lòng núi, một khu cư trú Vườn Chiều trải rộng hàng vạn mét vuông trong dải đất phù sa trên bãi trong đê sông Đuống ken dày đặc "gốm Đường Cồ", "Gò Mun muộn" và kha khá gốm lạ, có thể là Chiến Quốc… Gần đó, cũng trong phạm vi Gia Lương, là khu mộ hình thuyền. Bên cạnh thành của Chiêu Nương, một nữ tướng của hai Bà Trưng mới phát hiện, còn hứa hẹn lắm điều hay. Quanh núi, trong đồng là rất nhiều đền đài nam nữ tướng trong phong trào hai Bà Trưng với địa danh Lãng Ngâm, Phá Lãng, Phù Lãng, Tân Lãng, Lãng Khê, Lãng Sơn, Vân Lãng… khiến Lê Quý Đôn ngày trước ngờ ngợ rằng đó là vùng Lãng Bạc của buổi đầu Công Nguyên.
Có một thành Dền và một làng Dền tại Quế Võ bên đường 18, nơi ấy nhiều "mộ Hán"; có thành Dền ở kề Đông Cứu (Gia Lương); có một thành Dềnbến Dền ở Thụ Tiền, xã Cảnh Hưng, bờ sông Đuống, từ núi Phật Tích (Tiên Sơn) nhìn ra, có một làng Dền ở bờ sông Thương, có 1 làng Diềm (Viêm Xá) ở cạnh Quả Cảm sát thị xã Bắc Giang; Lũng Triều và thành Luy Lâu ở Thuận Thành… Và Trung Màu (Tiên Du cũ) nay thuộc Gia Lâm cũng có thành Dền, gần đó có làng Viềng (Tiên Viềng) của Từ Sơn. Cộng với thành Dền ở Yên Lãng cả Gò Chiền ở Lâm Thao (Vĩnh Phúc), Gò Chiền Vậy ở Hoài Đức, Thành Dền ở Quốc Oai, di chỉ Gò Đồng Dền Hoa Lư (Ninh Bình), cầu Dền Thăng Long cổ (Hà Nội)… Những địa danh ấy nói gì?
Toàn những nơi trồng rau dền theo lối minh giải của từ nguyên học dân gian? Hay Dền, Chiền, Triều, Viềng… đều là "đồng âm dị dịch" của một từ gốc Tày - Thái cổ, như Chiềng của Mường - Thái ngay gần đây, là khu vực trung tâm, nơi ở của thủ lĩnh Việt, của lang cun Mường, hay phìa tạo Thái, có một công trình phòng vệ, một cái thành nào đó…? Nhà khảo cổ học lưu ý rằng: nơi nào mang địa danh ấy là một di tích khảo cổ quan trọng: một di chỉ đồ đồng - sắt lớn, một cái thành cổ…
Nhưng ta hãy trở lại với Tiên Viềng! Qua thị trấn Từ Sơn 2km thì đến Viềng (Vĩnh Kiều), nằm chạy dài, thẳng gốc với quốc lộ 1 như là một dải lũy thành. Rẽ bên trái ta đi dọc theo bờ sông Tiêu Tương cũ của câu truyện Trương Chi, nay chỉ còn là những dải ao hồ hay những dọc ruộng sâu.
Trên cánh đồng Bãi Tự và cánh đồng Cửa Phủ là khu Lò Gạch. Ở đó, chúng tôi tìm thấy một di tích khảo cổ quan trọng. Tầng văn hóa xuất lộ, ken dày đặc vô vàn là mảnh tước, quy mô khác nhau, to, nhỏ, vừa, tí xíu như vảy cá rô don. Những mảnh đá có dấu ép dấu cưa, những mảnh vòng, mảnh rìu phế phẩm. Đã thấy được ít nhất 3 loại đá, kết cấu hạt đều rất mịn, màu trắng xám (quắc zít), đỏ (như mã não) và vàng.
Chắc chắn là một công xưởng chế tác đồ đá quan trọng của vùng đồng bằng xứ Bắc. Đá và kỹ thuật chế tác gợi nhiều đến Tràng Kênh. Gốm, có ít, đều là gốm thô, hoa văn giống Phùng Nguyên. Năm tới đây Tổ khảo cổ học Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội sẽ xin phép khai quật đợt 1 công xưởng này. Kết quả chắc là lý thú.
Đó là xã Trương Giang, cách Hà Nội 20km, với 5 làng Tiêu: Tiêu Thượng, Tiêu Long, Tiêu Rút, Tiêu Sơn và Tiêu Tề - nằm rải dưới chân Tiêu Sơn và bên bờ Tiêu Tương. Tòa cổ sái trên núi đã tiêu điều, không còn gì là cổ kính, Một tấm bia duy nhất ghi việc cúng ruộng cho chùa thời Bảo Đại, chùa Tràng Liêu (chùa Lào) thời Lý dưới chân núi. Trong làng Tiêu Thượng, nơi tu hành của sư Vạn Hạnh thời Lý, nơi mẹ Lý Công Uẩn hoài thai, chỉ còn lại cái nền.
Trước cửa chùa Tiêu Sơn, phía chân núi, phát hiện một di chỉ kiểu Đường Cồ, tầng văn hóa mỏng, gốm ít. Cũng ở Tiêu Sơn, còn di tích một tòa thành, lũy đất đắp còn lại từng đoạn, lấy Tiêu Tương làm hào. Ở đó có mộ Hán, có gốm văn in, sứ Lý. Có "Bãi Luyện Quân", "Cửa Phủ", "Cửa Đông", nhiều gò cao mang tên Mả Thiu, Mả Viềng, và Mả Mái - mả Lý A Nương, mẹ Lý Súy, chủ nhân của thành theo thần phả, một vị tướng thời Lý, có tham gia đàn áp cuộc khởi nghĩa Thân Lợi năm 1140…
Quả Cảm - Kẻ Cởm của dân gian - trên cửa Ngũ Huyện Khê đổ ra sông Cầu. Một khu di chỉ và mộ táng lớn kiểu Đường Cồ đã được Viện Khảo cổ học và Ty Văn hóa Hà Bắc đào thăm dò. Di chỉ thường xuyên bị phá hoại nghiêm trọng để làm đường.
Rìa đồi Quả Cảm, rất nhiều mộ Hán cổ, quy mô khá lớn. Và rất nhiều gốm cổ Thổ Hà: theo lời truyền miệng của nhân dân, trước khi chuyển lò và làng sang đất Thổ Hà ngày nay, những người thợ gốm cổ đầu tiên đã định cư tại vùng đồi Quả Cảm.
Bờ bên phải Ngũ Huyện Khê, cạnh đồi Quả Cảm là thôn Lẫm (xã Vạn An), thôn của bà chúa Lẫm, theo lời truyền miệng của nhân dân, lấy vua Lý, để kho ở đó và cắt nhiều tù binh Chàm giữ kho (lẫm). Phải chăng đó là Lẫm Cảng được ghi trong Đại Việt sử lược? Khu vực này xưa thuộc huyện Võ Giàng. Tại thôn Lẫm, có rất nhiều nhà họ Tống - họ lớn, và cho đến nay, cha truyền con nối, vẫn tự nhận là gốc từ Chiêm Thành như ghi chép của An Nam chí lược? Nhạc Chàm có ảnh hưởng gì đến dân ca Quan họ? Dọc đôi bờ Ngũ Huyện Khê, có thể kể ít nhất cũng 7 làng có truyền thống quan họ.
Cũng trên cửa sông Ngũ Huyện, cạnh Quả Cảm là làng Diềm (Viêm Xá), một làng quan họ, có đền vua Bà, nơi diễn ra các tối quan họ và chơi vật cầu để cầu mưa. Đền có trụ đá thề. Ở trung lưu Ngũ Huyện Khê, đến Mỵ Châu cũng thờ đá - tượng. Cho đến gần đây, tục thờ "ông Đống", "ông Lúi" - những đống đá, gạch ngày càng chất cao và đốt hương bởi người qua lại - còn khá đậm nét.
Phải chăng đất Việt cổ khi trước có tục thờ đá? Và cũng có một dư ba nào đó của nền văn hóa, văn minh cự thạch? Hình như ngày càng có nhiều minh chứng cho giả thuyết đó. Bờ bên phải Ngũ Huyện Khê, giữa Ngũ Huyện Khê và sông Cầu là di chỉ Nội Gầm, với đồ gốm và đồ đồng Gò Mun muộn và Đường Cồ. Ngay bờ bên phải sông Ngũ Huyện, trên đất Chi Long, chúng tôi phát hiện một di chỉ khảo cổ, di chỉ Chi Long, kiểu Đường Cồ, không có gò mà ở ngay trong làng, làng nhỏ, 2 xóm, với 12 mẫu vườn, nằm giữa vùng đồng bằng chiêm trũng Yên Phong.
Ở đó cũng có di tích tòa thành cổ, đã bị san bằng gần hết, có mộ Hán và gốm văn in, và 2 rìu đá mài nhỏ, đẹp. Đê Chằng Cày mới đắp thời Lê Vĩnh Tộ (thế kỷ thứ 17), và 4 huyện hạ lưu Ngũ Huyện từ đó mới được mùa luôn.
Cùng với di chỉ Đường Cồ của Phú Xuyên giáp vùng ô trũng Hà Nam - Ninh Bình, di chỉ Nội Gầm và Chi Long chứng minh rằng vùng đồng chiêm trũng lưu vực sông Hồng đã được khai phá từ cuối thời đại đồng đầu thời đại sắt, hơn 2000 năm có lẻ.
Và cuối cùng, nổi lên một sự thật, có thể coi là một kinh nghiệm, công tác điền dã khảo cổ học Việt Nam: ở bất cứ nơi nào có di chỉ đồng thau - sắt sớm Việt Nam, chúng tôi cũng thấy có mộ Hán cổ hay di chỉ thời Hán cổ. Và ngược lại.
Phải chăng, đều đó phản ánh 1 sự thật lịch sử, cũng đã được khảo nghiệm ở vùng Điền Trì (Vân Nam): các trung tâm trấn lị, đô hộ của nhà Hán đều nhờ cắm vào vùng kinh tế đã phát đạt của người bản địa Việt cổ, vùng cư dân đã tập trung đông đúc?
Kết thúc bản thông báo ngắn này, là một thú nhận chưa thành công. Điều tra khảo cổ đôi bờ Ngũ Huyện Khê, chúng tôi có ý định dò tìm dấu vết xưa của thành cổ Long Biên, theo Thủy kinh chú và các thư tịch khác là thuộc vùng này. Nhưng chúng tôi chưa tìm thấy. Và do đó, chúng tôi còn tiếp tục thăm tìm trong năm tới…
          Nguồn: Tạp chí Khảo cổ học, số 16/1974, tr.90-92